Nghiên Cứu & Bình Luận
Hướng tiếp cận từ phân tâm học trong truyện ngắn việt nam sau 1975
15:22 | 09/06/2008
Thuyết phân tâm học của S.Freud và về sau là C.G.Jung và các người kế nghiệp đã có ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng của con người hiện đại, bao gồm cả nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tuy vậy, ở ta, do nhiều lý do chủ quan và khách quan, chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về sự ảnh hưởng của phân tâm học trong văn học - nhất là văn học hiện đại Việt .

Trong khi đó, nhà văn - qua các giai đoạn, luôn có ý thức vận dụng những yếu tố, nội dung tích cực của phân tâm học vào trong sáng tác của mình ngày càng đa dạng, phong phú và có sáng tạo tích cực.
Thực chất của việc vận dụng những yếu tố phân tâm học vào sáng tác, các nhà văn đã có ý thức học hỏi và đạt những thành tựu đáng kể, làm cho văn xuôi nước ta có những cách tân quan trọng về thi pháp và hiệu quả nghệ thuật, nhằm thể hiện nội dung xã hội và tâm lý con người một cách vi tế và đa dạng; đồng thời thể hiện sự cách tân thi pháp, phù hợp với tầm đón nhận của độc giả thời hiện đại.
Phân tâm học du nhập vào Việt , ngay từ đầu đã chứng tỏ sức năng động của nó. Trong lĩnh vực sáng tác, các nhà văn đã có ý thức vận dụng Phân tâm học trong tác phẩm của mình. Cụ thể là từ 1930 đến 1945, các nhà văn thuộc trào lưu văn học hiện thực phê phán và Tự lực văn đoàn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phân tâm học để miêu tả tính cách nhân vật và cuộc sống một cách có hiệu quả như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng… Chưa kể trong lĩnh vực thi ca, các thi sĩ lãng mạn cũng đã có ý thức vận dụng Phân tâm học để thể hiện sự thăng hoa cảm xúc và những trạng thái dục tính, tâm linh của mình.
Riêng ở miền Nam từ 1954 đến 1975, các nhà văn xem Phân tâm học như là lĩnh vực đắc địa nhất để thể hiện tính cách nhân vật và thị hiếu độc giả. Họ lạm dụng quá ngưỡng nhằm miêu tả cuộc sống bản năng, thác loạn, kiểu yêu đương theo lối sống gấp, sống vội và vô luân. Những nhà văn tiêu biểu cho khuynh hướng này là Nguyễn Thị Hoàng, Thanh Tâm Tuyền, Thuỵ Vũ, Nhã Ca…
Và đặc biệt, từ 1975 đến 2005, các nhà văn Việt Nam - đặc biệt là các nhà văn trẻ - đã có ý thức vận dụng những yếu tố tích cực của Phân tâm học (từ S.Freud đến C.G.Jung…) như là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo để xây dựng tác phẩm. Phải nói rằng, ở giai đoạn này, việc vận dụng Phân tâm học của các nhà văn đã nhuần nhuyễn hơn, đa dạng hơn; có biến hoá, tích hợp và sáng tạo mới trên cơ sở nền tảng của lý thuyết Phân tâm học. Tác phẩm của họ thực sự đem lại hiệu quả nghệ thuật mới mẻ và độc sáng. Tiêu biểu cho giai đoạn này là Nguyễn Huy Thiệp, Xuân Thiều, Chu Lai, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Hoa, Tạ Duy Anh, Nguyễn Đình Chính, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà…
Trong bài viết ngắn này, tôi muốn điểm qua những thành tựu trên qua một số tác phẩm của các tác giả tiêu biểu.
Nguyễn Huy Thiệp với Cún đã khắc hoạ tâm trạng cô đơn và bất hạnh của nhân vật Cún ngay từ lúc mới chào đời để suốt đời anh ta mang mặc cảm tàn phế đầy xa xót rằng: “anh ta không phải là người, nó kỳ hình dị dạng”. Nhưng rồi Cún cũng đã có con với cô Diệu. Và trước giây phút đứa con ra đời, Cún đã thực sự vui niềm vui “bỗng dưng được trút hết cả đi, khuây khoả lạ lùng”.
Với Ánh trăng, qua tâm lý lưỡng phân của nhân vật Hoàng, Nguyễn Bản lại vận dụng nội hàm khái niệm mặc cảm tính dục ấu thơ để khắc hoạ tâm lý cậu bé 13 tuổi biết xúc động trước chị Vân - người bà con bởi những đêm được ngủ chung với chị, nhìn “bộ đồ lót lụa màu mỡ gà qua ánh trăng” và “gương mặt tuyệt đẹp hơi ngửa như hứng trăng, hai tay vươn ra như đang đón ai, đùi nọ ấp hở đùi kia”. Hoàng đã mê hoặc “mùi phấn rơm” và “rùng mình nhận ra đùi chị mịn như nhung, lúc ấm lúc mát” để rồi “không dám cựa quậy, sợ chị rút chân về”. Những ký ức trẻ thơ đêm trăng ấy đã theo suốt cuộc đời Hoàng để rồi sau bao lần dang dở tình duyên, anh vẫn nhớ như in hình bóng chị Vân như một định mệnh trái ngang của một mối tình câm lặng, tự giấu kín trong lòng mình.
Trong lý thuyết Phân tâm học của S.Freud, có khái niệm liên quan đến vở bi kịch Ơđíp làm vua của Sophocle nói về một đứa trẻ “giết bố lấy mẹ”, sau đó, Ơđíp biết chuyện đau lòng này, anh đã chọc mù đôi mắt của mình để đi lang thang như một sự tự trừng phạt. Nhân vật Đoài và Tốn trong Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp mang hai kiểu mặc cảm. Ở Đoài là mặc cảm Ơđíp. Anh ta ham muốn chị dâu đến mức vì bảo vệ Sinh mà có thể sẽ giết chết anh trai của mình “anh mà đụng vào cô ấy là tôi chém liền”, “Nếu Sinh yêu tôi, tôi sẽ gây sự tống cổ anh ra đường”. Còn ở Tốn dù “bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng” nhưng trong bản năng vô thức vẫn muốn đem lại niềm vui cho mọi người, đặc biệt là với chị dâu (Sinh) nên lúc nào cũng vừa quét nhà vừa hát câu hát đầy gợi tình do hắn nghĩ ra: “Tớ với mình dây dưa, tình với tính hay chưa?”. Kiểu mặc cảm này đối với nữ giới được Phạm Hoa và Nguyễn Thị Thu Huệ khai thác ở góc khuất nội tâm đặc biệt. Đó là sự ganh ghét đến bệnh hoạn của một người đàn bà đối với một người đàn bà khác đang được hạnh phúc và sung sướng trong vật chất và tình yêu. Ở đây, được các nhà văn miêu tả thành các dạng thức: Lòng ghen của mẹ chồng đối với con dâu. Bà Thuận (Đùa của tạo hoá - Phạm Hoa) vì quá yêu thương thằng Tuấn - con trai duy nhất của mình đến nỗi phải ghen với Loan - cô dâu xinh đẹp nhất làng do bà dày công kén chọn. Dạng thứ hai là mâu thuẫn giữa người em đối với người chị. Đó là Mỵ - người luôn bị bản năng tính dục chi phối nên cô luôn ganh tị với hạnh phúc của chị mình vì chị được sung sướng, được ở thành phố và được chồng yêu thương hết mực, dù “chị đã hết thời, vừa già vừa xấu hơn cô rất nhiều”. Có lúc lòng ghen đó lên đến đỉnh cao qua sự đôi co, xúc phạm đến người chị.
Cùng vận dụng các kiểu mặc cảm trên, còn có nhiều tác giả thể hiện thành công: Chị Hai ơi! (Trần Thuỳ Mai), Tầm tã mưa ơi! (Nguyễn Bản), Vũ điệu của cái bô (Nguyễn Quang Thân), Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu)… Ở nội tâm nhân vật có sự đấu tranh quyết liệt giữa ý thức và vô thức để dẫn đến hành động vừa lưỡng phân, vừa bất ổn để gây ra sự xáo động trong hành vi - đặc biệt là hành vi tính dục. Chúng tôi đơn cử Năm ngày của Phạm Thị Hoài. Nhân vật Vi và người chồng luôn phải đấu tranh giữa sự rạn vỡ và bản năng tính dục trong cuộc sống thường nhật giữa ngày và đêm. Ngày thì lãnh cảm, nhăn nhúm; đêm thì nhục cảm, trụi trần. Đêm là lúc vô thức thắng ý thức nên bản năng tính dục đã dẫn dắt họ vượt qua sự thờ ơ ban ngày để thoả mãn diễn cái trò ái ân muôn thuở của nhân loại đến nỗi người chồng lúc nào “cũng có gương mặt đần độn vì hạnh phúc”. Truyện có kết cục bất ngờ, khi Vi - người vợ bỏ đi để tìm ý nghĩa sự sống đích thực của mình.
Trong Chị Hai ơi! (Trần Thuỳ Mai), mối tình của Út Hiệp (21 tuổi) và chị Trúc (goá phụ 27 tuổi) diễn ra một cách mãnh liệt mà xuất phát điểm là ở Hiệp - từ xúc động hoàn cảnh chị Trúc đã đi đến cảm mến và ham muốn được gần gũi và ân ái với chị Trúc. Và cuối cùng là Út Hiệp nhận lấy vết cắn của chị Trúc. Nhưng trớ trêu thay, đến lượt mình, sự phản kháng của chị Trúc cũng bị ngủ quên, để không thể thờ ơ trước vẻ đẹp và sức quyến rũ của chàng trai nhỏ hơn mình 6 tuổi.
Truyền thuyết về quán Tiên của Xuân Thiều cũng ở dạng này, nhưng đặc biệt hơn. Nhân vật Tuyết Lan bị bệnh tâm thần (hystérie) và cuối cùng đã giải phóng ức chế (refoulement) bằng việc quan hệ với cu Hon - người cùng phục vụ tại quán Tiên. Hoặc chị Mùi cũng vậy, vì phải đè nén và bị ám ảnh cao độ trước nhiều tình huống, trong đó có sự hối hận vì đã lấy thân thể của mình để giết chú khỉ (biệt danh là dũng sĩ áo đen thắt nơ trắng). Sau đó, chị bị ức chế và khóc rũ rượi trong đêm với sự giận hờn rằng con người không hiểu mình. Và cũng vì tình trạng này mà chị Mùi đã không có mặt trên cõi đời này trước sự thờ ơ và hiểu lầm của đồng đội.
Hai tác phẩm Người suy tưNgười đoán mộng giỏi nhất thế gian của Phạm Thị Hoài đặt ra hai tâm trạng và suy nghĩ rất đặc biệt. Một người luôn chìm đắm trong suy tư, dửng dưng với các mối quan hệ chung quanh, một người luôn hiện hữu những giấc mơ đến quái gỡ, mê muội, để rồi cả hai đều dẫn đến tình trạng, một thì bị ghép tội “hành nghề mê tín dị đoan có hệ thống, có tổ chức”; còn một thì luôn luôn nghĩ đến đàn bà để khẳng định cái tôi dục năng của mình. Ngoài những phức cảm mà Phân tâm học quan tâm được các nhà văn vận dụng đa dạng, sáng tạo như trên, ta thấy còn có vấn đề then chốt của Phân tâm học là giấc mơ cũng được họ tiếp thu và thể hiện rất có hiệu quả. Đùa của tạo hoá của Phạm Hoa, Người suy tư của Phạm Thị Hoài, trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo, Đỗ Hoàng Diệu… thể hiện giấc mơ như là một thủ pháp nghệ thuật rất thành công. Bà Thuận (Đùa của tạo hoá) luôn mơ trong cơn hưng phấn đặc biệt, khiến bà như mệt lả vì ức chế.
Thông thường, trong thực tế những ước mơ của con người - nhất là về dục tính nếu không thực hiện được sẽ dẫn đến rối loạn, ức chế, khi ấy, trạng thái lưỡng phân giữa ý thức và vô thức càng đẩy nhân vật đến những hành vi không bình thường. Đó là triệu chứng của những bản năng thác loạn và ám ảnh tâm linh, làm cho con người không làm chủ được mình trong từng tình huống, dẫn đến sự đau khổ, dằn vặt, uất ức. Thổ cẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Xin hãy tin em của Nguyễn Thị Thu Huệ, Yêu pháp của Triệu Thuấn, gần đây nhất là Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư… và nhiều tác giả, tác phẩm khác, nhưng trong bài viết ngắn này chúng tôi không có dịp để minh chứng một cách đầy đủ.
Sự phức cảm, phức điệu trong cuộc sống tâm lý của từng cá nhân được các nhà văn ngày càng quan tâm khắc hoạ đa dạng, biến ảo, giúp ta thấy được sự sáng tạo của họ là đáng ghi nhận. Họ không chỉ vận dụng rập khuôn, máy móc mà thật ra, họ sáng tạo lại Phân tâm học và lý giải từ góc nhìn nghệ thuật. Các tác giả lớp sau càng dày dặn và kinh nghiệm trong việc khẳng định bút pháp của mình như: Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Truyền thuyết về quán Tiên (Xuân Thiều), Vũ điệu của cái bô (Nguyễn Quang Thân), Sông lấp (Nguyễn Bản), Mại (Nguyễn Thị Thu Huệ), Goá phụ đen (Võ Thị Hảo), Lửa của khoảnh khắc (Trần Thuỳ Mai), Năm ngày (Phạm Thị Hoài), Hạnh phúc trần gian (Từ Nguyên Tĩnh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)… Qua điểm tựa của các yếu tố Phân tâm học, các tác giả thoả sức thể hiện thế giới nội tâm phức tạp của con người trong từng thời khắc, từng hoàn cảnh.

Trong không khí hội nhập của thời hiện đại và đương đại, có thể nói Phân tâm học có điều kiện phát triển, khẳng định lại vai trò của mình trong đời sống tâm-sinh-lý của con người. Và dĩ nhiên là trong phạm trù nghệ thuật, Phân tâm học lại được vận dụng đa dạng, có sự cách tân đáng kể để phù hợp với con người cá nhân cá thể trong ý thức sáng tạo của nhà văn. Và may thay, chúng không mất đi, không trở thành vô nghĩa mà là những giá trị, những đặc trưng nghệ thuật độc sáng trong dòng chung của truyện ngắn hiện đại Việt Nam 1975-2005, tạo ra những tích hợp nghệ thuật mới, làm hiện lên bức tranh cuộc đời đầy đa đoan và phức tạp. Và quan trọng hơn là tạo ra tính hiện đại cho truyện ngắn 1975-2005 với các kiểu thể hiện theo “dòng ý thức”, “cách viết tự động”, lắp ghép kiểu điện ảnh, và phần nào vận dụng đến yếu tố trực giác, ấn tượng, huyền ảo, tâm linh, vô thức, tiềm thức để khắc hoạ tính cách và tâm lý nhân vật vi tế và đa dạng hơn, phù hợp với cấu trúc nội tâm và con người hiện đại. Đó là điều đáng ghi nhận của văn học nói chung và truyện ngắn sau 1975 nói riêng. Chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển trên cơ sở pháthay của các tác giả trẻ với trình độ điêu luyện hơn, hoàn hảo hơn. Và vì vậy, Phân tâm học vẫn đang là thành tựu chưa kết thúc. Nó đang hướng về đường chân trời của những thể nghiệm mới.

HỒ THẾ HÀ
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng