Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998) của Hội VHNT Thừa Thiên Huế và đề nghị tôi viết bài đính chính. Không từ chối được, tôi tìm đọc bài viết trên và thấy lời than phiền của bà văn sĩ lão thành đúng sự thật, nếu không góp ý kịp thời thì không những làm mất cảm tình của độc giả một tờ tạp chí ở địa phương có di sản văn hóa của nhân loại mà còn để lại cho đời sau nhiều thông tin sai lạc đáng trách. Bài viết của họ
Chu đăng kín cả hai trang 68 và 69 của tạp chí. Do khuôn khổ một bài báo, tôi xin trích một đoạn đầu để đính chính sau đây: Chu Trọng Huyến viết: "Khi phong trào Mặt trận Dân chủ vừa diễn ra thì tổ chức Nữ công học hội Huế cũng được thành lập. Lấy danh nghĩa truyền bá, trao đổi kinh nghiệm về nữ công, gia chánh. Hội đã là nơi huấn luyện chính trị, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng cho các thành phần nữ giới trong thành phố. Để duy trì được lâu dài mục đích ấy, bề ngoài Hội mở một cửa hàng sách gọi là Hương Giang thư quán. Bà Đạm Phương nữ sĩ được bầu làm Hội trưởng Nữ công học hội kiêm Chủ nhiệm Hương Giang thư quán. Gian nhà khách của gia đình bà là trụ sở của Hội, đồng thời cũng là quán sách Hương Giang. ... Những buổi diễn thuyết của cụ ở trường Quốc Học kể cả buổi cụ diễn thuyết bằng tiếng Quảng Đông ở Tứ Bang là lý sự hội của bà con Hoa Kiều tại Gia Hội đều đã có ảnh hưởng rất tốt ...Hương Giang thư quán nơi đã từng bí mật bán sách của cụ cũng đã có lần được cụ ghé thăm... Thư quán này cũng là nơi các ông Huỳnh Thúc Kháng, Lê Võ, Trần Đình Nam, Võ Liêm Sơn thường lui tới. Ông Võ Liêm Sơn dạy trường Quốc Học Huế nhưng cứ cho hai con trai đến nhà riêng của cụ ở Bến Ngự để nhờ cụ dạy thêm. Ông cũng đã bảo bà Đạm Phương cho anh em Hải Triều và Hải Vân cùng tới đó để họ đua nhau học tập.". Xin đề cập tuần tự một số điểm nổi bật : 1. "Khi phong trào Mặt trận Dân chủ vừa diễn ra thi tổ chức Nữ công học hội Huế cũng được thành lập" : Phong trào Mặt trận Dân chủ diễn ra trong thời gian 1936 đến năm bắt đầu thế chiến thứ hai 1939, Nữ công học hội của bà Đạm Phương nữ sử được Toàn quyền Pasquier cho phép vào tháng 4.1926, lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 15.6.1926.(1). Hai sự kiện nầy diễn ra cách nhau đúng 10 năm, không có tác động qua lại nào với nhau cả. 2. "Hội đã là nơi huấn luyện chính trị, truyền chủ trương đường lối của Đảng cho các thành phần nữ giới trong thành phố". Hội nữ công được thành lập năm 1926, 4 năm sau Đảng Cộng sản Đông Dương mới ra đời, cho đến nay chưa có một tài liệu nào cho biết Hội Nữ công đã từng làm nhiệm vụ tuyên truyền cho Đảng Cộng sản như ông Chu Trọng Huyến viết. Hội viên Hội nữ công, ngoài các thành phần yêu nước còn có cả những phu nhân các quan thân Pháp và trung thành với Nam triều như bà Jean, bà Nguyễn Bá Trác, và Ưng Nghê (2)... Lúc Đảng Cộng sản ra đời (1930) thì Đạm Phương nữ sủ đã thôi giữ chức Hội trưởng. Người làm Hội trưởng mới là một người có chồng đang làm việc cho Pháp (bà Trần Quang Khải). Nếu bà Đạm Phương còn làm mà bà có muốn tuyên truyền cho Đảng Cộng sản cũng không thể làm được trong hoàn cảnh như thế. 3. "Để duy trì được lầu dài mục đích ấy, bề ngoài Hội (Nữ Công) mở một cửa hàng sách gọi là Hương Giang thư quán". Cho đến nay, tài liệu thông sử cũng như tài liệu lịch sử Đảng bộ địa phương không hề cho biết Hội nữ công do Đạm Phương nữ sử sáng lập năm 1926 là chủ nhân Hương Giang thư quán (sáng lập sau năm 1932). Tài liệu chỉ cho biết Hương Giang thư quán thường gọi là hiệu sách Hương Giang do nhà lý luận cách mạng mác - xít Hải Triêù làm chủ, tọa lạc tại số 21 rue Paul Bert (nay là hiệu ảnh Lê Quang số 39A đường Trần Hưng Đạo, Huế). Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh năm 1908, con trai thứ của ông Nguyễn Khoa Tùng và bà Đạm Phương nữ sử. Lúc còn ngồi học ở trường Quốc Học, Nguyễn Khoa Văn đã tỏ ra ham thích đọc sách, làm báo, ông cùng với các bạn cùng lớp như Bửu Đình, Phan Văn Dật... làm một tờ tuần báo viết tay và lưu hành trong giới thanh niên và được bạn đọc học sinh rất ham thích. Năm 1927, học sinh Quốc Học làm cuộc bãi khóa chống Pháp, ông Văn tham gia với tư cách là một người lãnh đạo. Năm18 tuổi, ông vào Đảng Tân Việt, đến năm 22 tuổi (1930) ông được chuyển thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn và bị đưa về Huế kết án 9 năm khổ sai và 8 năm quản thúc, nhưng mới ở tù được một năm, nhờ gia đình và các nhà yêu nước còn tại ngoại vận động, đến tháng 7 - 1932 ông được trả tự do. Ra khỏi tù ông tiếp tục hoạt động bằng cách chuyển qua làm công tác truyền bà chủ nghĩa Mác và quan điểm chính trị của Đảng. Nhân người anh rể của ông là bác sĩ Bửu Du (chồng bà Nguyễn Khoa Diệu Nhơn) có một cái phòng mạch đặt trên đường Paul Bert, ông liền mượn anh rể cái tầng trệt của phòng mạch, mở một hiệu sách nhỏ có tên Librairie Hương Giang. Chính ông là người đứng bán sách thu tiền. Đó là chuyện làm ăn. Nhưng ngoài mục đích làm ăn, ông còn có một mục đích quan trọng hơn. Hiệu sách Hương Giang khác với các hiệu sách khác ở chỗ đây là một cái trung tâm phổ biến sách báo tiến bộ của nhà xuất bản Xã hội Pháp (Editions Sociales) và tất cả sách báo tiến bộ của ta hồi đó từ Tân Xã Hội, Bạn Dân, Tương Lai, Nhành Lúa, Trung Kỳ, Hồn Trẻ... cho đến các tập Vấn đề dân cày, Ngục Công-tum... Bên ngoài kinh doanh nhưng bên trong hoạt động cách mạng. Ban ngày bán sách, ban đêm viết báo. Từ năm 1932, ông lấy bút hiệu Hải Triều viết nhiều bài báo đăng trên các tờ Đông Phương, Phụ nữ tân tiến, Đời Mới, Tiểu thuyết thứ bảy v.v... được độc giả rất quan tâm. Hai tác phẩm quan trọng của cuộc đời nhà văn của ông là Duy tâm và Duy vật (1935), Văn sĩ và Xã hội (1937) đêù viết ở trên gác hiệu sách Hương Giang và do Hương Giang thư quán (3) xuất bản. Hiệu sách này tồn tại cho đến sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Như vậy Hương Giang thư quán không hề là một cơ sở của Hội nữ công. Và, tuy Đạm Phương nữ sử - thân mẫu của ông Hải Triều, là bạn của cụ Phan Bội Châu, nhưng mối quan hệ yêu nước giữa Hải Triều - chủ nhân Hương Giang thư quán và ông già Bến Ngự không có gì mật thiết nếu không nói là mâu thuẫn với nhau. Tài liệu cũng cho biết, từ cuối 1929 "bà Đạm Phương rủi bị bệnh", bà Trần Quang Khải, hiệu là Phương Thanh được mời thay thế bà Đạm Phương trong chức vụ hội trưởng (4). Khi ông Hải Triều lập Hương Giang thư quán (sau năm 1932), bà Đạm Phương mẹ ông, đã rời chức hội trưởng Nữ công học hội trước đó đã hơn ba năm, nên không thể bắc một câu nối nào giữa Hội Nữ công với Hương Giang thư quán qua bà Đạm Phương. 4. "Gian nhà khách của gia đình bà là trụ sở của Hội, đồng thời cũng là quán sách Hương Giang". Gia đình Đạm Phương nữ sử ở bờ đông nhánh sông Hương chảy qua Đập Đá ngày nay (5). Học giả Phạm Quỳnh đã từng đến đây và đã kể lại trong bài Mười ngày ở Huế đăng trên Nam Phong (1918). Nhà bà chưa bao giờ được sử dụng làm trụ sở của Hội Nữ công cả. Và, như trên đã viết, Hương Giang thư quán tọa lạc tại 21 rue Paul Bert, chưa bao giờ được đưa về nhà bà Đạm Phương. Trụ sở của Hội Nữ công được Nguyễn Khoa Diệu Biên và Nguyễn Cửu Thọ (6) viết như sau : "Về hội quán, ban đầu chỉ một gian nhà rộng thuê được của một tư nhân. Sau khi quyên góp được một số tiền khá lớn, Hội mua hẳn một sở nhà kiểu cổ ba gian hai chái (trên đường Nguyễn Huệ ngày nay, gần nhà dòng Chúa Cứu thế). Về sau ông Trần Bá Vinh ủng hộ một lúc 2.000 đồng để xây hội quán, Hội đã xây thêm một ngôi nhà nữa khá khang trang, rộng rãi, có thêm cơ sở để phát triển các lớp học và nơi thực hành" (7). 4. "Những buổi diễn thuyết của cụ ở trường Quốc Học...", Được sự đồng ý của Pháp, cụ Phan chỉ được đến nói chuyện tại trường Quốc Học có một lần vào ngày 17.3.1926 (8) và chỉ một mà thôi. Không có những. 5. "Thư quán này (Hương Giang thư quán) cũng là nơi các ông Huỳnh Thúc Kháng, Lê Võ, Trần Đình Nam, Võ Liêm Sơn thường lui tới". Hiệu sách Hương Giang là nơi hay lui tới của những người có khuynh hướng cộng sản, những người nầy có quan điểm chính trị khác với với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Võ, Trần Đình Nam, Võ Liêm Sơn. Xem bài Báo Tiếng Dân đứng giữa trời của Hải Triều đăng trên Đông Phương số 896 ngày 18.11.1933 thì rõ sự mâu thuẫn của hai nhóm nầy. Vậy các cụ có đến hiệu sách Hương Giang cũng chỉ để mua sách bình thường như mọi khách hàng khác chứ không phải đến để cùng bàn quốc sự như tinh thần bài báo của Chu Trọng Huyến viết. Trong danh sách những người bạn đồng chí của cụ Phan lúc đó có ông Phan Võ chứ không thấy có ông nào tên là Lê Võ cả. 6. "Ông (Võ Liêm Sơn) cũng đã bảo bà Đạm Phương cho anh em Hải Triều và Hải Vân cùng tới đó (lớp học của cụ Phan mở tại nhà ở đỉnh dốc Bến Ngự) để họ đua nhau học tập). Ông Lâm Hồng Phấn - con trai của cụ Lâm Mậu, em ruột của bà Lâm Thị Tuyến, em vợ nhà văn Hải Triều, từng làm Chủ tịch UBND thành phố Huế những năm đầu thập niên 80, trong hồi ký Lớp vỡ lòng tại nhà cụ Phan Bội Châu(10) cho biết: "Lúc bấy giờ tôi chưa đầy 10 tuổi (1932)... Cụ Phan Bội Châu có mở một lớp dạy chữ Quốc ngữ cho các cháu nhỏ ngay tại nhà cụ...Cha tôi gởi tôi và chị tôi - Lâm Thị Cẩm, đến học thêm trong những tháng nghỉ hè...Lớp học chúng tôi có khoảng 15 bạn đặt ở chái tây, trải chiếu ngồi giữq nền nhà, lúc viết tập thì đặt ở trên băng ghế dài hoặc trên phản". Lúc cụ Phan mở lớp dạy vỡ lòng thì ông Nguyễn Khoa Văn đã trở thành một nhà báo lớn, có hiệu sách Hương Giang cho nên ông Hải Triều Nguyễn Khoa Văn không thể là học trò của cụ Phan trong lớp học vỡ lòng ấy được. Ông Nguyễn Khoa Tùng có với Đạm Phương nữ sử và bà thứ thất Hồ Thị Lệ 6 người con trai và 8 người con gái, trong số con trai của họ không có ai lấy tên và có hiệu là Hải Vân cả. Chỉ có người con gái út tên là Nguyễn Khoa Diệu Vân, sau nầy thành hôn với ông Nguyễn Đắc Hợp, hai ông bà công tác ở Hải Phòng nhiều năm(11) mà thôi. Một bài viết có liên quan đến gia đình của người sáng lập Tạp chí Sông Hương là nhà văn Nguyễn Khoa Điềm mà Sông Hương để sai như thế thật không hiểu nổi. Chỉ đề cập đến một đoạn chưa đầy 400 từ của bài viết mà đã đụng đến 6 sự việc lịch sử không đúng với lịch sử và phải viết lại đến gần 2400 từ để đính chính quả là một việc xưa nay hiếm. Trình độ của cộng tác viên không gióng nhau, tòa soạn các báo có thể nhận được nhiều bài rất hay, rất đúng của cộng tác viên, đồng thời cũng nhận dược những bài viết chưa tới, thậm chí có nhiều bài vớ vẩn. Bởi vậy các tòa soạn mới đặt người lo tuyển chọn biên tập trước khi dùng. Không rõ Tạp chí Sông Hương ngày nay đã thực hiện công việc thông thường ấy ra sao mà để lọt một bài sai sót đến thế. Bài đính chính nầy tuy đã quá dài nhưng mới chỉ đề cập đến được 1/5 bài viết của Chu Trọng Huyến mà thôi. Phần còn lại cũng còn khá nhiều điểm cần phải xem lại. Chúng tôi dành cho tác giả và Tòa soạn xem xét tiếp. ------------------------------------------------------------ Chú thích: (1) Nguyễn Khoa Diệu Biên-Nguyễn Cửu Thọ, Đạm Phương nữ sử, Nxb Trẻ 1995, tr.95 và 97; (2) Nữ Công Thường Thức (tam tập), Imprimerie Tiếng Dân, Huế 1930, tr.53. (3) Tên Hương Giang thư quán chỉ đề trên các sách xuất bản tại đây của Hải Triều chứ không đề trên biển hiệu sách. (4) Nữ công thường thức (tam tập), Imprimerie Tiếng Dân, Huế 1931, tr.45 (5) Nhánh sông này có tên là sông Thọ Lộc, dân gian thường gọi là sông Như Ý hay sông Vân Dương. (6) Bà Biên là con gái ông Nguyễn Khoa Tú; ông Thọ là con trai bà Nguyễn Khoa Diệu Duyên. (7) Nguyễn Khoa Diệu Biên-Nguyễn Cửu Thọ, Sđd. tr. 102. (8) bài nói chuyện của cụ được đăng trên báo Đông Pháp thời báo số ra ngày 2.4 và 7.4.1926. (9) Cụ Phan Võ là thân sinh của Giáo sư Phan Ngọc, thường trú tại 57 Bùi Thị Xuân Hà Nội ngày nay. (10) Chương Thâu và Nguyễn Đắc Xuân, Ông Già Bến Ngự, Thuận Hóa tái bản 1987, tr.196-203. (11) Theo Gia phả họ Nguyễn Khoa, in ronéo, tr.65. Gác Thọ Lộc, cuối tháng 11.1998 NGUYỄN ĐẮC XUÂN (nguồn: TCSH 1.1999) |