Nghiên Cứu & Bình Luận
Nhà văn và môi sinh sáng tạo
15:27 | 03/12/2009
NGUYỄN THANH HÙNGVăn học là cuộc sống. Quan niệm như vậy là chẳng cần phải nói gì thêm cho sâu sắc để rồi cứ sống, cứ viết, cứ đọc và xa dần mãi bản thân văn học.
Nhà văn và môi sinh sáng tạo
(Ảnh: Internet)

Đã nói văn học là cuộc sống tức là thừa nhận khát vọng nhòm ngó tới sự sống và con người bên ngoài không gian và thời gian trái đất. Nơi ấy phải chăng cũng có một giống người.Con người ở những hệ tinh vân này có phải là sự "lại giống" của "cây sậy biết suy nghĩ" (Patxcan) là "động vật bệnh hoạn" (Uramunô), là "con vật phù hợp" (Musin) như người ta quan niệm?

Từ mông lung đến mênh mông, văn học lại tự cho mình là khoa học về con người xã hội, là sự tiếp cận, phân tích, cắt nghĩa, đánh giá con người bằng bộ đồ giải phẫu ngôn ngữ nghệ thuật. Đó cũng chưa phải là văn học thứ thiệt, văn học sống, với tư cách là sản phẩm của sáng tạo mà là văn học quy chuẩn, văn học trên bàn mổ lý luận. Đặc trưng "nhân học" của văn học dù được dàn đều trên những bình diện sinh vật, tâm lý, xã hội, thẩm mỹ... thì cũng vẫn chưa làm cho văn học sáng tỏ hơn. Hình tượng văn học được đúc kết bằng những bình diện trên của con người dường như vẫn còn thiếu một cái gì sâu sa và cao đẹp của văn hóa người.

Có văn hóa thì mới được tự do. Có tự do mới có quyền lựa chọn. Lựa chọn là quyền năng lớn lao và đích thực của con người có ý thức. Tự do đó thể hiện trong lẽ xuất sử của người xưa. Tức là chọn một lối sống, một cuộc sống, một giá trị sống cho mình để thực hiện sự giải thoát lớn cũng chỉ bằng hai cách đi và về. "Đi" thì sẽ gặp, gặp nhân quần xã hội và lặn ngụp trong biển đời vây hãm. "Về" là gặp lại chốn giao thoa giữa thế sự và vĩnh hằng. Nguyễn Khuyến là thế. Ông có nhằm giữ lại họ tiết thu Việt Nam với làng cảnh u nhàn đâu! Ông chỉ coi tâm hồn là một trạng thái của phong cảnh. Thân phận ông ở trong muôn loài.Tâm sự ông ở trên muôn loài. Ba bài thơ thu của ông (Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm) chắc gì đã là tâm cảnh, mà hơn thế, ở trên cảnh. Nếu là trong cảnh thì sẽ thấy sự trong trẻo, thanh tịnh và u hoài. Suy diễn thêm, sẽ là "lòng yêu nước mờ nhạt"! với "lý do kiệt xuất "ngoài văn học là ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương là biểu hiện của lòng yêu nước.

Nếu nhìn ba bài thơ vượt lên trên cảnh sẽ thấy một mã (code) chung, là cái bé xíu mảnh mai, là cái quá cao, quá thấp, là quá nhanh và quá chậm, quá lác đác xiêu dạt, là quá hòa lẫn, quá tự nhiên đến hững hờ. Sự quá ấy từ chối khả năng bắt ghi của thực tồn cảm giác, là tự động hao tán thành tê liệt. Sự vô cảm ấy được khách thể hóa từ trái tim thổn thức âu lo đã dựng thành những hình tượng thơ cứng đơ, côi cút giữa đời. Đây sẽ là cơ sở nhân bản, là lý do đời để ông thấy tiếc thương những vùng "lưu không" giữa khát vọng và "tuổi cao, phận bạc, chí khí thấp", giữa cái không đâu nhỡn tiền đòi sa nước mắt. (Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe). Nguyễn Khuyến rất buồn vì cứ thấy mình không ra sao dù chưa nói hẳn ra là "đồ vô tích sự" của kiếp sống thừa. Thẹn với Đào Tiềm cũng là từ tâm sự ấy. Nỗi sợ suốt đời quấy sôi nhà thơ. Ông cầu xin những hồn vía cứng cáp, thản nhiên hơn.(Chú Táo bên đình sang với tớ. Ông nghè xóm chợ lại cùng ta) Nhân cách làm người ở Nguyễn Khuyến biểu hiện ở những điều tinh vi này: biết thẹn, biết tiếc nuối, biết sợ. Thanh minh cho sự trong sạch của mình trước danh lợi và cường quyền bằng câu thơ di chúc. (Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu). Sự vần xoay của tạo hóa làm lộ ra cái vô thường và lẽ biến dịch thành cái xa, cái mất như một mặt của hiện thực mà con người không thể với tới, cũng là nỗi sợ ám ảnh vào cái nhìn tiêu tán:

            "Một lá về đâu xa thăm thẳm
            Nghìn làng trông xuống bé con con"

Vì thế xuất hay sử, đi hay về trong thơ Nguyễn Khuyến vẫn tồn tại một cái tôi phủ định, mong muốn vượt qua giới hạn bản thân mình. "Tựa gối ôm cầu lâu chẳng được" là sự phủ định một cách sống đã chọn. Dù là ôm cầu câu hờ hững nhưng cũng không thể cứ kéo dài cung cách ấy. Đó là bi kịch không thể quên đời và cũng là không thể quên mình, quên cái tôi, cái bản ngã chân thật nhất ở nhà thơ.

Như vậy đời sống và con người mà văn học xem là nội dung phản ánh chỉ mới là chất sống, là sinh khí của nó mà thôi. Không bao giờ nhà văn lại phản ánh cái không phải là mình. Đã từng và mãi mãi văn học chỉ có thể phản ánh cuộc sống sâu sắc thông qua cái tôi phong phú vô tận như là sự tiềm sinh (Anabiosis) của con người. Văn học muốn trở về đời sống và cải tạo hiện thực trước tiên phải khám phá những thực thể vô hình tàng ẩn ở những chỗ giáp ranh hiển sinh và tiềm sinh. Ở Việt Nam, Nam Cao đã phát hiện ra được tiềm năng con người ở những chỗ "lưu không" như thế trong "Chí Phèo" và "Đôi mắt". Tác phẩm nào chưa giải quyết được vấn đề hiện hữu của chính tác giả, của cái tôi đích thực nhất trong một con người là "cái có thể" do lịch sử của chính người đó tạo lập nên thì vẫn bị cầm tù trong "chủ nghĩa nhân văn lạc quan cổ điển" và trong những giấc mơ mãn nguyện cùng sự tích cực vô lo làm hoang vắng thế giới con người.

Văn học hiện đại đang đứng trước một thế giới thường xuyên lỗi nhịp. Nói trắng ra, đó là những bi kịch nội tâm, những hài kịch xã hội và những thảm kịch vũ trụ trong luật tương tác của nó cần được văn học khám phá, phối trí và soi sáng thêm. Văn học phải kiên nhẫn hướng vào nơi trí tuệ bắt gặp cái hư không và sự thuần khiết mà chứa đầy năng lượng tư tưởng. Đó là nơi đụng độ giữa quỷ và người, giữa kinh nghiệm hàng ngày và vĩnh cửu. Tất cả những cái đó chưa có sẵn, chưa một lần diễn ra. Nó là "cái có thể", là "sự tiềm sinh" trong đời sống con người để từ con người lo âu trở thành con người tự chữa lành mọi vết thương cho mình mà văn học cần khám phá và biểu hiện.

Nói văn học là nghệ thuật của ngôn từ rất dễ sa vào "ngôn ngữ luận" và "hình thức chủ nghĩa". Một khi trí tuệ lý thuyết chỉ mới xem ngôn từ như chất liệu và phương tiện nghệ thuật của văn chương. Thử tự hỏi từ ngữ tạo ra ý nghĩa hay ý tưởng tạo ra ngôn từ? Chưa có được minh kiến nhưng để lấp chỗ trống và thực lòng lảng tránh ta phải lưu ý bình diện diễn đạt của văn học thông qua phương tiện, hình thức ngôn ngữ đồng thời nhấn mạnh đến bình diện cấu trúc của tác phẩm bao gồm chức năng giao tiếp và lý thuyết đọc văn. Thực chất cấu trúc của văn bản nghệ thuật là cấu trúc nhân tạo, cấu trúc ước lượng (structure évaluative). Nó được sản sinh bởi sự quy chiếu của kinh nghiệm và hành động dự kiến trong một hệ thống khép kín.

Hiệu quả cấu trúc tác phẩm qua chức năng giao tiếp chỉ có được nhờ mối liên hệ quen thuộc và thông thường của tình huống xảy ra trong đời sống. Cái đó không gì khác hơn là "âm sắc cơ bản của sự tồn tại cái tôi nhà văn". Đó là cảm xúc mãnh liệt và trung thực nhất được người đọc khám phá và hiểu ra. Không có một văn bản thơ ca nào tồn tại tự nó. Phải qua giao tiếp để độc giả đưa lại hiện thực cho bài thơ. Đọc văn thơ là để nhìn thấy đường thẳng của sự diễn đạt văn học. Còn lại là phải "nghe thơ" để nhận ra cái "kiến trúc âm thành tình cảm", cái cảm xúc người làm thành dưỡng chất nuôi sống bài thơ và sự đối thoại giữa nhà văn với người đọc. Lời nói trong tác phẩm là "lời truyền miệng" với biết bao ám tín tồn tại ngoài ngôn ngữ. Chính lời truyền miệng liên kết những nhà thơ của các nền văn minh lại để nhiều người cảm nhận được năng lực người có mặt trong sự nói năng. Đây là đường cong uyển chuyển, hài hòa phổ vào ngôn ngữ làm cho nó có độ căng nở và thu kết bởi sự hấp dẫn đa chiều, bởi sự nhường nghĩa, chuyển nghĩa cho nhau. Ở đây ta thấy cái lý tồn tại xác đáng của cấu trúc tác phẩm văn học. Đúng như nhà thơ Anh T.Êliôt viết "Ngôn từ và trật tự là một cặp nhảy hoàn mỹ chẳng chịu rời nhau nửa bước".

Nghe thơ tức là đọc thơ bằng tai, một bộ vi xử lý nhậy cảm của con người (Đã nghe rét mướt luồn trong gió; Anh nghe thu dứt lá gọi đời đi...) Nghe thơ qua đọc để biết, để hiểu bề mặt sự kiện. Tâm trí người nghe rõi theo câu nói sẽ tiếp xúc "cận thành" với sức lôi cuốn vào đó của lời nói, kích thích sự nồng nàn những rung cảm, làm lan tỏa ánh sáng vỗ về, giáo hóa nơi đáy sâu tâm hồn đang nghe ngóng. Ngôn từ văn học né tránh sự thuyết minh duy lý và hiện hữu dưới hình thức thật mong manh. Nó không tồn tại biệt lập mà như một yếu tố tiếp sức đi theo sự chuyển hóa hình tượng nghệ thuật để có những khả năng dự đoán khi đọc nó. Tiếng nói tự nó chỉ là âm thanh. Nó chỉ bắt đầu có nghĩa khi con người lồng ý thức, tâm hồn minh vào nó, mang lại những tiền đề hội giao với người khác. Trong lời truyền miệng thơ văn có dấu vết quan hệ với người xưa và là sự tái tạo cách sống của con người hiện tại. Muốn ngôn ngữ văn học hoàn thiện phải để nó thấm nhuần nhân cách con người bằng những ấn tượng xúc cảm trái tim.

Rainer Rilke (Rainơ Rinke - nhà văn Áo 1875-1926) rất sợ sự minh bạch không hương sắc trần gian của ngôn từ. "Tôi sợ hãi lời nói của loài người. Họ nói cái gì cũng rõ ràng minh bạch quá". Còn Phùng Khắc Bắc thì bối rối: "Ký hiệu của thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến khôn cùng". Sự minh bạch ngây thơ ngăn cản trí tưởng tượng về sức chứa đựng, sức tỏa chiếu và xúc cảm nôn nao mà mỗi từ gợi lên như hơi thở. Không có lời nói nào đơn thuần chỉ là lời nói. Có khi đó là lời nguyền, lời chúc phúc, là vẻ đẹp, là nỗi đau, là hoa, là rác, là dối trá, là chân thành, là ánh sáng... cốt để cứu thế gian. Tác phẩm văn học thường chứa trong mình dòng sông ngôn từ và mạch ngầm văn bản. Cả hai chi lưu ngôn từ ấy đẩy nhà văn đi vào một thế giới khác, được tạo nên bởi trí tưởng tượng hư ảo mà trí nhớ kết hợp với liên tưởng để con người lặn sâu vào những bí ẩn của đời sống, biến đổi cái thường nhật thành giá trị đời đời.

Đã đến lúc cần tỉnh táo giải thoát nhà văn và người đọc khỏi những lối cũ đường quen của ngôn từ đã làm khô cằn trí tưởng tượng, sự rung cảm và tư tưởng nhân bản trong sáng tạo và thưởng thức văn học.

Dùng ngôn từ để khám phá ra một thế giới chưa từng có trong văn học đã là mối quan tâm của nghệ sỹ nhưng muốn tái tạo ngôn ngữ văn bản nghệ thuật thành tác phẩm văn học sống động trong bạn đọc lại cần "một cộng đồng lý giải" tác phẩm, để phát hiện đầy đủ ý nghĩa tàng ẩn của sự thật đời sống. Ngôn ngữ văn học thường hướng tới một cái khác. Nó là phương tiện để tra vấn cái chưa từng biết. Nó đem lại cho cái chưa từng biết điều kiện sống qua âm thanh, tức là một hình thức giả tưởng của đời sống. Hình thức này có tạo ra được khả năng lĩnh hội nghệ thuật văn học của con người hay không lại là vấn đề của tài năng nghệ sỹ.

Tác phẩm văn học không còn là một vũ trụ thuận lý, không còn là nơi ẩn cư êm ả của người đọc. Tác phẩm văn học chống lại sự giải thích tác phẩm bằng ngôn ngữ sáo lười mà mở rộng khả năng đồng hóa bằng hoạt động của con người. Bởi vì "nói ắt là không trúng" như Thiều gia quan niệm. Tác phẩm văn học là một xã hội trong xã hội. Ở đó người ta thể hiện một cách sống, những nỗi niềm xúc động và luôn ngó chừng truyền thống đã huyền thoại hóa để quay về với nguồn suối đầy sinh khí đời sống đã được kinh nghiệm trực giác tài tình bao quát. Đó là phong cách tư duy văn học hướng về cụ thể, muốn tham dự vào cuộc sống chứ không bị ngôn ngữ diễu cợt hay ngắm nhìn cuộc sống từ xa.

Đón trước và đi tắt mà vi phạm quy luật của tiến trình thực tại chỉ là thói vay mượn trí óc, khuyến khích sự chuyển giao tri thức và phương pháp nhàn nhã mà không hiểu biết. Văn học đã từng đặt niềm tin vào hình ảnh để thay thế cho trí tưởng tượng, hay dựa vào biểu tượng và ngôn từ để thay thế cho trí khôn phán đoán và hoạt động tư duy. Hoạt động tiếp nhận văn học của người đọc trong quá trình lịch sử đều có tính chất công cộng. Hoạt động này phụ thuộc vào công chúng bao gồm các loại bạn đọc. Đó là bạn đọc giả định mang tính tâm lý, bạn đọc thực tế mang tính xã hội và bạn đọc tinh hoa mang tính mỹ học.

Số phận của tác phẩm văn học không bị quyết định bởi những dụng ý và thiên hướng cá nhân mà phải được xem xét theo những chuẩn mực đã được chấp nhận trong môi trường xã hội tương ứng.

Loại bạn đọc giả định sẽ cung cấp cái nhìn về phương diện mô hình nghệ thuật được thừa nhận qua hứng thú, thị hiếu, nhu cầu, lý tưởng thẩm mỹ để xác định giá trị thời đại lịch sử của văn học.

Những người đọc thực tế sẽ là người phát ngôn tin cậy về nội dung nhân sinh và chân lý đời sống. Lớp người đọc tinh hoa, người đọc có văn hóa và chuyên ngành bao gồm nhà văn, nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học, những trí thức, giáo viên văn học, học sinh sinh viên sẽ đánh giá chiều sâu nghệ thuật và những hình thức sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa, đem lại sức sống lâu dài và tiềm năng sáng tạo cho văn học.

Văn học sống trong cộng đồng xã hội luôn chiếm lĩnh con người để thăm dò sự trưởng thành, phát triển của nó rồi lại trả con người vào dòng đời cuộn xiết để nó lớn lên những tầm thước khác. Có thể nói văn học đánh giá kích cỡ sự lắng kết trong cái dữ dội mà chân thật của con người trong những biểu hiện đang chuyển hóa của nó mà ta gọi là sự bí ẩn sinh tồn của nhân loại.

15. XII 1998
N.T.H
(124/06-99)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng