Nghiên Cứu & Bình Luận
Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu - tác giả Thi nhân Việt Nam hiện đại
09:31 | 15/07/2008

NHỤY  NGUYÊN thực hiện

 

Thi nhân Việt Nam hiện đại  - bộ bản thảo trường thiên hoành tráng về nền thi ca Việt hiện đại dự tính 4.000 trang khổ 15,5 x 20,5 cm, bao gồm 2.200 trang tiểu luận và 1.800 trang tuyển thơ của nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu.

Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu - tác giả Thi nhân Việt Nam hiện đại

152 chân dung nhà thơ được ông "tóm lại": Đó là chuyện “nổi loạn” trong tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến, chất đánh đu qua dâu bể ở Thu Bồn, tấn bi kịch của một thiên tài trong Chế Lan Viên, nét tài hoa biến đá hóa vàng trong thi pháp Nguyễn Duy, quả tim làm chánh án trong thơ Nguyễn Hưng Hải, cung cách ở trọ hồn làng của Phạm Xuân Trường, cái đau đời từ tốn lay động lòng người bằng số phận nhân dân trong Trần Nhuận Minh, cách hóa giải cuộc sống đằm thắm của Hoàng Trần Cương, nỗi trắc ẩn thường dân lo nỗi kiếp làng của Nguyễn Long… Tôi thích thú khai thác cả chất chuyên ngành trong họ: Ở Hoàng Hữu là trong thơ có họa, ở Nguyễn Ngọc Oánh là chất… ngân hàng, ở Trịnh Công Sơn là chất nhân loại, chất nhạc; ở Điền Ngọc Phách là chất… thợ, ở Lê Quốc Hán là chất nhận đường của giới trí thức, ở Bùi Giáng là cái tỉnh của người điên, ở Nguyễn Khắc Thạch là sĩ khí đi chân trần trên lưỡi dao bén của sự thật, ở Huỳnh Hữu Võ là kẻ thích phân thân làm Tôn Hành giả, ở sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh là những nghịch lý ngược chiều của thiền, ở Hồng Nhu là chút ngẫu hứng của nhà văn làm thơ, ở Nguyễn Trọng Tạo là chất lãng-tử-đồng-dao, ở Lê Đạt là chất phu chữ, ở Phạm Thiên Thư là tinh thần văn hóa dân tộc cực đoan, ở Hữu Loan là khí tiết cứng cỏi của kẻ sĩ thời nay, ở Xuân Diệu là chất ông hoàng của thơ tình phương Đông… 

*

Nhụy Nguyên (NN):  Thưa ông Thái Doãn Hiểu, những người thơ đang nóng lòng chờ mong bộ sách mới của ông.

Thái Doãn Hiểu (TDH): Trên cơ bản Thi nhân Việt Nam hiện đại (TNVNHĐ) đã hoàn tất. 152 chương sách - 152 nhà thơ đã được dựng thành chân dung văn học. Đội ngũ đông đảo đó đã tạo nên bức tranh về nền thơ Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỷ XX.

NN: Phải chăng đó là công việc tổng kết nền thơ Việt đương đại do cá nhân đảm nhiệm?

TDH. Không. Tôi không có tham vọng lớn thế.

NN: Một bộ sách có thể nói đồ sộ như vậy hẳn phải mất rất hiều tâm sức thời gian, tiền bạc?

TDH:  17 năm ròng lao động cật lực. Phải đầu tư lớn. Đầu tư chủ yếu là ý chí, phải có cái đầu lạnh và một quả tim nóng… Cùng với ba công trình phụ (Thơ tình bốn phương, Ngàn năm thơ tứ tuyệt, Những kiệt tác thơ Việt Nam), tôi đã đọc không dưới một vạn tập thơ! Hàng mấy ngàn nhà thơ đã đọc qua! Hơn 800 nhà thơ phải theo dõi và cập nhật thường xuyên. Có nhiều lần bộ nhớ máy tính đình công vì quá tải. Chương mở đầu được động bút khởi thảo ở Chợ Lớn năm 1989, chương kết thúc viết ở Sydney, những tháng hè nghỉ ngơi và dưỡng bệnh ở Nam bán cầu cuối năm 2006. Tôi đã thay đến bộ máy tính thứ ba, thay máy in lase thứ 2, hủy hàng dăm chục ram giấy. Sách có thể in được rồi, tuy còn phải sửa chữa chút ít. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và cả nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch rất vui gợi ý nên in thành ba tập thượng, trung, hạ theo lối hàn lâm, nhưng nhà xuất bản và phát hành sách lại yêu cầu in thành 12 tập. 

NN: Suốt 17 năm “ăn cơm nhà vác… ngà voi” ấy, thật khổ cho cuộc sống của ông?

TDH: Tôi sống bằng lương  hưu nhà giáo và… tình yêu đối với công việc. (Tủm tỉm) Xin bật mí: Tôi làm Giám đốc một công ty phần mềm tin học lấy tên là 3Tgroup đã chục năm nay. Công ty chuyên viết phần mềm để quản lý sản xuất cho các nhà máy. Làm sách là nghiệp để nuôi hồn, còn làm nghề tin học bán các sản phẩm chất xám là để nuôi thân. Lấy phần mềm nuôi phần cứng! (gương mặt ông trở nên dí dỏm). Thân có no đủ thì hồn mới bay bổng được, phải vậy không bạn?

NN: Thưa, bộ sách có tên Thi nhân Việt Nam hiện đại. Nó là sự nối tiếp công việc của các cụ Hoài Thanh - Hoài Chân?

TDH: Chuyện là thế này: Trong phút lâm chung trên giường bệnh, ông Hoài Thanh nói với con trai là nhà văn Từ Sơn: “Đời ba, người ta gọi ba là Nhà văn vì ba có Thi nhân Việt Nam. Bấy lâu nay, ba cũng đã chuẩn bị tư liệu để làm một cuốn Thi nhân Việt Nam 2, nhưng lực bất tòng tâm, giờ ba phải đi rồi! Ba rất ân hận là đã không làm trọn được ước vọng”. Tôi chỉ là tình nguyện ghé vai gánh vác một phần công việc khó khăn này. Tôi âm thầm thu gom tập kết vật liệu để chuẩn bị xây nhà. Trong bộ Giai thoại nhà văn Việt Nam, KHXH xuất bản năm 1996, trong chương Hoài Thanh, tôi đã có lời rồi.

NN: Viết nối tác phẩm, ông xử lí thế nào đối với các nhà Thơ Mới có mặt trong Thi nhân Việt Nam?

TDH: Trừ các nhà thơ đã mất, các nhà thơ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê chết sớm, và nhà thơ ngưng làm thơ như Huy Thông, Thế Lữ…, còn các nhà thơ sống và viết vắt qua hai thời kỳ tiền chiến như: Tế Hanh, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Đoàn Văn Cừ… tôi đều viết lại. Một số nhà thơ bị bỏ sót như Ngân Giang; và chúng tôi đã trả lại những gì của Xêda cho Xêda ở nhà thơ kỳ tài Cầm Giang bị đời quên lãng…

NN: Theo chỗ tôi biết, công trình Thi Nhân Việt Nam, Hoài Chân chỉ làm cái việc khá đơn giản là tập hợp thơ mới cho cụ Hoài Thanh… Vậy, ông có thể "trích ngang lý lịch" người đồng tác giả của TNVNHĐ?

TDH: Bạn nói đến Hoàng Liên? Bà ấy là nửa mảnh của mình. Tôi nhặt được “bả” ở cầu Cấm - một trọng điểm giao thông chiến lược đầy bom đạn trên con đường xuyên Việt (cách Vinh 18 cây số về phía Bắc) trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ năm 1967. Hồi ấy, cả hai chúng tôi đều là chiến sĩ Thanh niên xung phong trong binh chủng… cuốc vót, lăn lộn suốt 5 năm trời trên các tuyến lửa khu IV “vì sự sống của con đường” như tên cuốn sách đầu đời anh Nguyễn Khắc Phê. Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, chúng tôi đã luyện mình như thế. Sau khi đã thua ý chí gã điên hiến mình làm con mọt sách, bà ấy tự nguyện làm bến đỗ cho tôi - cho kẻ gàn quải trời ơi đất hỡi. Sức chịu đựng ông chồng đồ Nghệ hâm tỉ độ, toàn đưa gai góc và tai bay vạ gió về hành tội sống vợ con phải nói là phi thường! Chúng tôi cùng dạy học chung, viết sách chung, nuôi dạy con thành 3 ông nghè. Trong TNVNHĐ, Hoàng Liên tham gia lo cho khâu tư liệu và đọc thẩm định cuối cùng như một trợ lý đặc biệt trước khi bản thảo xuất xưởng. Bà ấy là gián quan, là cái thắng (phanh) khá bực mình nhưng lợi hại của tôi. Bà còn là bảo mẫu khắt khe, đầy yêu thương của mình về mọi mặt, nhất là sức khỏe và đời sống.

NN: Ra vậy. Thú vị quá. Xin được tiếp tục hỏi ông: "Cú hích đầu tiên" là Hoài Thanh để ông bà viết TNVNHĐ; còn động lực nào khác nữa không?

TDH: Bước vào làm sách, tôi có ba thuận lợi: 1. Tôi là nhà giáo dạy văn học cổ điển nên có thời gian và khi viết xong thì có nơi thử là giảng đường và sinh viên; 2. Tôi yêu thơ từ hồi còn trai trẻ và có một bộ nhớ chứa đầy ắp thơ ca; 3. Thơ Việt Nam được mùa, có nhiều nhà thơ sáng giá.

NN: Hoài Thanh được giới học thuật đánh giá là Nhà phê bình văn học thiên tài, còn Thi nhân Việt Nam người được đánh giá là kiệt tác. Ông có sợ không khi dám “nối điêu” vào kiệt tác của thiên tài?

TDH: Sợ chứ. Nhưng rất nhiều thích thú và một chút tò mò kích thích nữa.
Tôi nghĩ đã cầm bút là phải có tinh thần khoa học tiến công. Nếu có thành công thì đó cũng là chuyện thường tình, con hơn cha là nhà có phúc? Bắt tay vào việc, tôi đã lượng sức mình và đã chuẩn bị kỹ hành trang để làm công việc nhọc nhằn và kỳ thú đó. Như nghệ sĩ dương cầm, tôi chỉ thật sự hạnh phúc khi hàng ngày được ngồi trước máy tính và gõ phím, để giải tỏa những ẩn ức trước cuộc đời mà tôi nợ nần quá lớn!

NN: Ẩn ức trước cuộc đời là món nợ không dễ trả; còn để giải tỏa nó, e không mấy ai… Hồi còn học phổ thông tôi đã mê Thi Nhân Việt Nam, cho tới bây giờ vẫn còn nhớ những dòng nhận định về thời Thơ Mới, về tác giả Thơ Mới. Theo ông, khi bộ sách ra đời, nó có thể khiến độc giả và các nhà phê bình ngẫm lại sự nghiệp thi phú của các tác giả mà họ đã đọc, đã “phê”?

TDH: Thường thì các nhà nghiên cứu đều có cách tiếp cận và đánh giá tác phẩm văn học khác nhau, làm sao người này lại giống người kia được. Trên cánh đồng được mùa thơ Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, phải có hàng chục nhân công mới thu hoạch hết. Chúng tôi chỉ là 2 thợ gặt trong đám ấy thôi. 

NN: Ông có bao giờ nghĩ mình đủ lực đánh giá, phân loại đẳng cấp các nhà thơ Việt Nam trong tổng thể nền thơ Việt Nam hiện đại.

TDH: Tổn thọ! Chỉ đơn giản là tôi thích thơ thôi. Tôi thích thơ nên yêu các nhà thơ. Mỗi lớp nhà thơ đều có những tính cách rất riêng và độc đáo. Tôi đã chọn nét cá tính đặc sắc nổi bật nhất ở họ để khai thác.

NN: Để cô rút được những giá trị độc đáo từ các thi nhân, ngoài cái cách thông thường là đọc tác phẩm, hẳn ông thường "nối mạng" với tác giả…?

TDH: Internet is… công cụ tuyệt vời. Tôi tiếp xúc nhiều với họ qua các văn bản tập thơ là chính, kể cả những nhà thơ tôi không tuyển vào TNVNHĐ. Nhìn chung ở họ: Người thật sự giỏi thơ thì khiêm tốn mềm dịu; người có chút tiếng tăm lại thường kiêu mạn. Nhiều người ngất ngưởng lên đồng xem mình là trung tâm không thèm đọc ai, không xem ai ra gì. Điều này là vật cản nguy hại cho con đường tiến của thơ! Thực ra trong làng thơ cũng có thứ bậc trên dưới khá rõ ràng. Xếp hạng không khó, nhưng mấy ai làm cái công việc ngu ngốc ấy.  

NN: Ông vẫn chưa mấy đề cập đến nền thơ ca Việt Nam…?

TDH: (Gật đầu, nghĩ suy…). Năm 1995, tôi đi điền dã một vòng 7 tỉnh miền Bắc. Đến Huế, tôi thấy mười người dân thì có đến sáu người làm thơ. Ra Hà Nội đi đến các câu lạc bộ thơ đất Tràng An thấy có bao nhiêu cụ hưu thì có bấy nhiêu nhà thơ. Hơi “bị” nhiều, phải không? Đáng vui hay buồn? Vui chứ. Một dân tộc yêu thơ đến thế thì còn than vãn nỗi gì. Đó là lối chơi tao nhã, cách chơi thời thượng chẳng làm tổn hại ai, cũng như người ta chơi chim kiểng, chơi hoa, chơi cá… Có điều chơi thơ khó nhất vì nó kén người. Tôi chỉ ái ngại khi thấy các cụ ông cụ bà chen vai thích cánh loay hoay trước chân cầu thang thơ. Cả đời bận rộn với chiến tranh và mưu sinh, nay về hưu có chút thì giờ, làm thơ để thanh lọc mình thì có gì mà khích bác là lạm phát, cứ để các cụ tham gia cho vui cửa vui nhà. Một đất nước, xưa ra ngõ gặp anh hùng, nay ra ngõ toàn gặp các nhà thơ! Các nhà thơ đua nhau bỏ tiền ra in thơ mình cực kỳ sang trọng, chỉ để… tặng. Thơ phơi đầy trên các giá kệ ở các siêu thị sách, ít ai mua. Nhưng thơ hay, có ích thì bạn đọc vẫn mua đọc kìn kìn. Xin lấy nhà thơ Trần Nhuận Minh làm tiêu điểm: Tập thơ Nhà thơ và Hoa cỏ trong vòng chục năm nay đã tái bản đến lần thứ 17, Bản xônat hoang dã mới ra 4 năm đã tái bản 4 lần, Tuyển tập thơ Trần Nhuận Minh được tái bản lần thứ 3, lần thứ 4 vừa in xong là song ngữ Việt - Anh… Công chúng đâu có quay lưng lại với thơ và nhà thơ? Chuyện này rất đáng cho các nhà thơ suy ngẫm. Trong lúc công chúng cần cơm, (thậm chí cơm nguội thôi) để đỡ đói lòng thì các nhà thơ lại đưa son môi Nhật, Hàn ra cho… 

NN: Hồi nãy ông có nói: xếp hạng nhà thơ là một việc ngu ngốc. Nhưng ít ra, trong cơn đại khủng hoảng thừa của nền thơ Việt Nam hiện đại mà ông đeo đuổi bấy lâu, ắt hẳn có thi hào, thi bá? 

TDH: Có chứ. Ở phạm vi hẹp giữa chúng ta ngồi đây, tôi xin lấy thước đo quốc tế mà ướm thử, ta có các thi hào: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử. Còn thi bá, ở mỗi thời kỳ lại nổi lên những cái đỉnh: Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Quách Tấn, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Trần Cương, Trần Nhuận Minh… Trong số này, ông Trạng nguyên thơ Nguyễn Bính sẽ sống thọ hơn cả nếu lấy ngàn năm làm đơn vị thước đo.

Tôi là người lạc quan. Ta được mùa thơ! Thơ Đường của Trung Quốc cho đến nay thế giới vẫn chưa có ai vượt được. Khởi thủy nó cũng rậm rạp lắm: 4 vạn 8 ngàn bài cộng thêm dăm ngàn bài mới tìm được sau này rốt cuộc cũng chỉ đọng lại nghìn bài Đường thi nhất thiên thủ, cô lại 300 bài Đường thi tam bách thủ. Việc đó là công lênh của các học giả đời sau. Thơ hay và tác giả hay của ta cũng vậy, nó bị chìm lấp trong hàng núi thơ dở làm rối mắt người có máu bi quan. Vàng thau, đất cát lẫn lộn nhưng không sao, đâu sẽ vào đó cả thôi. Không còn cách nào khác, phải chịu khó kỳ công đãi cát tìm vàng. Ông Tạo trên báo Nhà báo và Công luận tặng chúng tôi danh hiệu Người lưu danh cho thơ ca, nghe đã sướng. Thế mà báo Thanh Niên còn tôn vinh tặng cho cái tên nghe còn khoái hơn: Nhà kinh doanh thơ (cười vang), xứng đáng quá đi… tuy có sặc mùi thương mại thật. Chọn mặt hàng ế ẩm nhất mà những người phát hành sách cạch ra để kinh doanh thì đúng là một lão điên… thơ!

NN: Xin lỗi, hồi nãy ta "bỏ qua" một chi tiết: ông có ý gửi gắm nhờ tạp chí Sông Hương in giùm chương đầu và chương cuối… Đặt Trần Nhuận Minh ở chương đầu, Nguyễn Long ở cuối bộ sách, liệu có điều gì đặc biệt ở đây?

TDH: Lão tướng và binh nhì. Tôi nhờ ông nguyên soái vác cây đại đao tiên phong xung trận, và nhờ cậu tân binh vác cờ thắng trận, có ý nghĩ đặc biệt quá đi chứ (cười).

NN: Một "tướng" và một "tốt" đã có cửa ải để trấn giữ. Thế còn trên trục lộ hình chữ S, các thi nhân đáng kính của chúng ta, ông đã phân công họ "chốt" những đâu trong TNVNHĐ?

TDH: Các thi nhân tập trung ở các đô thị lớn: nhiều nhất là Hà Nội, thứ đến Sài Gòn, thứ ba: Huế, Hải Phòng. Có yếu tố địa linh nhân kiệt, mỏ thơ tập trung ở Nghệ Tĩnh, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình… Có không ít địa phương trắng bóc!

NN: Đất Cố đô ông chỉ chọn có 10! Ông cảm thấy hứng thú nhất khi bước vào chiều sâu tâm linh của ai? 

TDH: Mười thi nhân Huế được tuyển vào TNVNHĐ chúng tôi đều tâm đắc cả 10. Nếu kể một vị hứng thú tâm linh nhất, tôi xin thưa ngay là sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Thơ người đậm đặc chất thiền - nguyên ngữ tiếng Phạn là Dhyãna - nghĩa là tịnh lự. Sư Minh Đức thường làm thơ trong tịnh lự - im lặng mà nghĩ suy. Thiền của sư là nhìn thẳng vào bản tính hiện sinh của mình để xem xét các vấn đề nhân sinh và thiên nhiên. Thi tập Giun dế hư vô và hạt lửa xanh là một thành tựu sáng giá. Tôi thích lối cấu tứ tác phẩm thơ theo kiểu sonata trong âm nhạc của sư, nó cộng hưởng và tô đậm được điều tác giả muốn nói ra.
Tỳ kheo Minh Đức Triều Tâm Ảnh là một nhà thơ, nhà văn (Ai chẳng thích đọc hàng loạt truyện ngắn, đặc biệt như Điên chữ), người còn là một học giả sử dụng hiệu quả văn chương để thuyết những giáo lý nhà Phật, làm cho đạo Phật trở nên trong sáng, giản dị và gần gụi với mọi người. 

NN: Sư Minh Đức có một số bài khảo cứu đọc đã lắm, như bài về Không lộ Thiền sư với tiếng hú lạnh cả đất trời… Thưa ông, Tạp chí Sông Hương là nơi đầu tiên đã đăng tải một số chương trong TNVNHĐ kể từ năm 2000. Ông nhận được "búa rìu" dư luận nào chưa?

TDH: Giống như người ta thử vũ khí mới trong quân sự, tôi vừa viết vừa in báo, cũng để thăm dò dư luận. Cho đến nay đã đăng tải 27 chương. Những thông tin phản hồi rất tốt, khích lệ, giúp cho chúng tôi điều chỉnh sai sót từng bài viết. Nhà xuất bản đã chọn lọc được 60 trang đánh giá và góp ý khá hay của các nhà thơ và bạn đọc cả nước để cho in thay lời bạt của bộ sách. Có một điều đáng nói là khi chương sách đã công bố, các nhà thơ đã xin làm lời Tựa, hay Bạt cho các tuyển tập thơ của đời mình: Ngô Văn Phú, Xuân Hoài, Hồng Nhu, Nguyễn Ngọc Oánh, Lệ Thu, Trần Nhuận Minh, Phạm Thiên Thư… Sông Hương là tạp chí vượt ra ngoài tầm địa phương, có uy tín trong và ngoài nước, nhất là trang lý luận phê bình, đã tập hợp được nhiều cây bút tiếng tăm. Sông Hương đã ưu ái với Thái Doãn Hiểu, cho in gần như toàn văn trang trọng 11 chương. Nào để nhớ xem: Ngô Văn Phú - Người quê hòa nhập với với hồn quê; Lê Quốc Hán - Khi nhà toán học bắc chiếc cầu thơ; Hoàng Trần Cương - Người hóa giải những nỗi niềm khát vọng; Hồng Nhu - Khi nhà văn ngẫu hứng về chiều làm thơ; Thạch Quỳ - Người nuôi ảo mộng giữa chiêm bao; Võ Văn Trực - Với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui; Lưu Quang Vũ - Bài hát ấy vẫn còn là dang dở; Phạm Thiên Thư - Khi sư ông xả thân làm tín đồ của thơ; Nguyễn Ngọc Oánh - Khi ông chủ ngân hàng cưới nàng thơ; Đoàn Thị Lam Luyến - Người đơn phương phát động cuộc chiến tranh tình ái; Nguyễn Khắc Thạch - Người đi chân trần trên lưỡi dao bén của sự thật

NN: Hẳn, phải chờ cho tới lúc bộ sách ra đời, như Chân dung và Đối thoại của Trần Đăng Khoa; khi đăng lẻ tẻ trên các báo thì không nhiều đặc biệt...

TDH: Hy vọng, khi các chương sách trong một bộ sách liên kết lại với nhau tạo ra phản ứng dây chuyền…

N: Vâng. Dẫu sao thì bộ sách vẫn còn nằm ở thì tương lai. Hiện tại, qua những gì ông đã công bố trên báo chí, theo cảm nhận của tôi, đã hình thành hai phong cách viết tiểu luận phê bình: nhà văn Hoài Thanh viết phác, còn Thái Doãn Hiểu thì viết chân

TDH: Thời ta khác xa thời ông Hoài Thanh. Thời ấy, người làm thơ còn hiếm, số lượng thơ còn ít; thi pháp của các nhà thơ hiện nay cao hơn, viết nghề hơn. Ông Hoài Thanh có tài điểm mắt rồng. Phê bình văn học không phải là việc dễ xơi. Muốn “phê” thì phải có vốn kiến văn. Cái đầu lạnh và một quả tim nóng là vốn liếng của nhà phê bình. Phê bình có hai mặt: phê và bình - khen và chê. Khen: tìm và chỉ ra được cái hay đẹp của văn chương là chủ yếu. Cơ chế của phê bình không phải là lăm lăm cầm roi. Khen phải đúng, chê phải đẹp và làm tôn cái hay lên. Ngôn ngữ phê bình không phải ngôn ngữ duy lý tư biện mà phải có văn, tươi mát, sinh động. Viết phê bình là làm công việc vô cùng đẹp đẽ sáng tạo của sáng tạo để nối tâm hồn với những tâm hồn, là cầu nối giữa nhà thơ với bạn đọc.

NN: Chiểu theo quan niệm trên, bộ sách của ông thuộc thể loại: Khảo cứu, nghiên cứu thơ?

TDH: TNVNHĐ gồm chứa các thể loại: Khảo cứu, nghiên cứu thơ; Giới thiệu thơ; Phê bình thơ; Tuyển thơ. Nhưng nếu nói gọn một từ, xin dùng Thi thoại (chuyện về thơ) chính xác và dễ nghe hơn. 

NN: Ông từng nghĩ mình đã làm được “một cái gì đó” rồi?

TDH: (Phì cười) Sách vẫn chưa in mà…

NN: Nghe bảo ông đã đóng cổng bộ sách. Vậy nếu có một “thần đồng” thơ xuất hiện trước lúc ông đưa bản thảo tới NXB thì ông xử trí ra làm sao?

TDH: Tôi có một ý tưởng có vẻ kỳ quặc là tôi sẽ đóng gói TNVNHĐ và cả ổ cứng bỏ vào két sắt giao cho thằng cháu nội Thái Liêu Nguyên Đán (5 tuổi) chờ đến năm 2050 thì in cho ông! Tôi muốn gửi một thông điệp nhỏ đến các bạn đọc ở nửa cuối thế kỷ XXI. 

NN: Khi đấy thì ông đã… biến! Có thi nhân nào muốn túm cái đầu (nom có vẻ hói) của ông… cũng chịu!?

TDH: (Cười lớn). Tất nhiên, dẫu sao đó cũng chỉ mới là "ý tưởng có vẻ kỳ quặc". Câu hỏi bạn vừa nêu… Chuyện gì cũng có hồi kết và ngoại lệ. Tôi đã khóa chặt cửa bộ sách khi đến trước Nam Thiên - một ngôi chùa Phật lớn và đẹp nhất ở Nam bán cầu, Australia vào ngày 12/1/2007. Thế mà… tôi phải mềm lòng mở rộng cửa đón thêm hai vị nữa... 

NN: Xem ra những Thi nhân Việt Nam "hậu hiện đại" vẫn còn… hy vọng?

TDH: (Chỉ cười…).

NN: Nếu ông không phật lòng, xin được hỏi; điều này là hoàn toàn có thể: Lúc bộ sách ra lò, độc giả sẽ đánh giá rằng ông này bà nọ không xứng được tôn vinh. Ông sẽ “biện luận” thế nào?

TDH: Tôi sẽ “biện” bằng “phản biện” này: Xin hỏi tại sao Cao Hành Kiện vô tăm tích ăn giải Nobel mà lại không phải là Giả Bình Ao lừng danh? hay Mạc Ngôn? Ngải Thanh? Thiết Ngưng?... Chắc chắn là Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển có cái lý của họ thì những người biên soạn TNVNHĐ cũng có cái lý của mình. 

NN: "Cái lý" ấy có phải là tiêu chí? Ông lấy tiêu chí nào để tuyển các nhà thơ vào TNVNHĐ?

TDH: Không đại diện cho một cơ quan nghệ thuật nhà nước vụ viện hay nhà xuất bản nào, tôi lấy tư cách cá nhân để chịu trách nhiệm khi làm sách. Đối tượng của TNVNHĐ là những nhà thơ định danh và chưa định danh người Việt (có khoảng vài chục), người Việt gốc nước ngoài (Dư Thị Hoàn), những nhà thơ trong nước và nhà thơ Việt kiều (Như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền…) sống và viết trong già nửa thế kỷ cuối XX. Tiêu chí tuyển chọn là những nhà thơ có công làm mới thơ ca, làm giàu đẹp cho ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, góp cho kho tàng thơ ca dân tộc một tiếng thơ riêng đầy bản sắc, có thành tựu đọng mật ở một lượng bài thơ hàng tuyệt tác. Tôi không tin cậy lắm khi tuyển thơ và tác giả theo chức danh hoặc giải thưởng. Tất cả đều căn cứ vào văn bản tác phẩm và linh cảm nghề nghiệp, không xu thời, không chạy theo dư luận, không dựa hơi ai.

NN: Đủ biết ông rất rạch ròi và cẩn trọng trong việc dùng tên trung tính thường gọi "Nhà thơ" và "Thi nhân"? 

TDH: Đó là người có tên mà không có tuổi và người nổi tiếng, thợ và thầy, tục nhân và thi nhân. Thi nhân có hai phần: Thi và nhân - Thơ hay và con người có nhân cách. Trong tiến trình làm sách, có người gửi cho chúng tôi 15 tập thơ, đọc tới đọc lui thì họ vẫn là… thợ! Có người mới xuất hiện đã mang cốt cách thi nhân trong máu thịt rồi! Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt là thi ca, không ai dại dột đem tuổi đời và tuổi thơ ra dọa thiên hạ, không ai lấy nó làm chuẩn để định giá nhà thơ cả. 

NN: Tôi cũng có suy nghĩ thế này… Một khi xác chữ được thương mại hóa, Thơ trở thành một mặt hàng dễ nhái nhất trong thị phần văn chương nhân loại... Thôi vậy! Đã phiền ông quá nhiều rồi. Chân thành cám ơn ông đã cởi mở cho biết nhiều thông tin thú vị bổ ích phía sau hậu trường của bản thảo bộ sách quý TNVNHĐ. Trước lúc kết thúc, ông có điều gì cần nhắn gửi tới các thi nhân có mặt trong bộ sách không?

TDH: Sau khi hoàn thành công việc, chúng tôi đã đi thăm được một số thi nhân ở Hà Nội, Vinh, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng (tháng 12/2007) và bây giờ là Huế (tháng 6/2008). Cuộc gặp thường diễn ra rất cảm động vì phần lớn thi nhân mới biết mặt lần đầu - văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình! Xin cảm ơn bởi sự có mặt của các nhà thơ làm đẹp và sang trọng cho bộ sách TNVNHĐ. Bao giờ, ở đâu Thái Doãn Hiểu - Hoàng Liên cũng là Tử Kỳ thân thiết của các bạn.

Các bài mới
Các bài đã đăng