Nghiên Cứu & Bình Luận
Sự khẳng định về một minh triết
10:02 | 22/01/2010
VŨ NGỌC KHÁNH        (Trích tham luận: “Thử bàn về minh triết”)
Sự khẳng định về một minh triết
Hội thảo "Tìm hiểu giá trị minh triết Việt" tại Huế - Ảnh: Internet

Chúng ta có thể thấy rằng trên thế gian này, dân tộc nào, đất nước nào cũng phải có nền minh triết của mình. Có nền minh triết ấy mới có thể tồn tại và phát triển. Biết sử dụng cái minh triết này, thì mọi việc điều hành chính trị, quân sự, văn hoá v.v… sẽ đúng đắn và bảo đảm được thắng lợi. Ngay ở bên cạnh chúng ta, đã có nhiều nước, nhiều dân tộc đã đi vào quá khứ lịch sử, không còn tên tuổi trên bản đồ thế giới hôm nay, mặc dù đã có cả một nền văn hoá lẫy lừng, hoặc còn lưu lại những di tích có tầm thế giới. Các nước ấy không còn tồn tại nữa, vì nhiều lý do, nhưng có một lý do là vì không có đủ những minh triết cần thiết. Hoặc không có đủ sức mạnh - trong đó có cả những mẹo mực (chiến lược chiến thuật để đối phó với kẻ xâm lăng), hoặc không có được cái sáng suốt để duy trì và phát triển, không có cái khôn khéo trên bàn ngoại giao, không khai thác được cái sức mạnh văn hóa của dân tộc v.v… Còn nhiều nữa. Nhưng phải chăng đều có thể quy vào một nguyên nhân: Không hiểu được cái minh triết của dân tộc mình, không duy trì và phát huy được minh triết.

Việt ta may mắn không ở trong trường hợp ấy. Ta chỉ là một dân tộc, một đất nước nhỏ bé, mà lại phải sống giữa hoàn cảnh luôn luôn bị đe dọa, luôn luôn thấy những thảm họa cận kề. Thậm chí, có lúc, suốt thời gian một ngàn năm, cơ hồ như dân tộc ta đã bị biến mất. Rồi lại đến thời gian hàng trăm năm, dù có tồn tại thì ta vẫn không có tư cách thành một quốc gia. Ấy vậy mà chúng ta đã tồn tại, đã sống. Vậy là ta đã mặc nhiên có một lẽ sống, có cách để sống và để phát triển sự sống ấy. Ở một góc độ khác, ta thường giảng giải về sức sống kỳ diệu của dân tộc ta, vì bản sắc dân tộc của ta là có những ưu việt riêng. Nhưng giảng giải như thế vẫn còn là chung chung quá. Hình như ta đã quên một câu nói dân gian, ngẫm ra thì có ý nghĩa vô cùng: khôn sống, vống chết. Phải khôn thì mới sống được. Vì chúng ta đã khôn, có khôn mới tìm hiểu được vạn vật, thiên nhiên và mới có cách khắc phục thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Phải khôn để ứng xử với thực tế với trường đời, vì dại thì chết. Cái khôn ấy chính là minh triết.

Từ xưa đến nay, ta vẫn ít nói đến cái minh triết này. Không quen nói lý luận, ta chưa nâng được minh triết này thành học thuyết. Nên chăng là giờ đây, ta đã có thể làm được việc ấy?

Tuy nhiên, việc đi tìm minh triết Việt cũng không phải là một hành trình đơn giản. Có lẽ đây cũng là một cách nói khác đi về việc đi tìm bản sắc dân tộc Việt .

Phải đi vào nhiều bình diện, nhiều lĩnh vực để tìm tòi. Phải thật sự khách quan, công bằng với mình, không vì đầu óc dân tộc hẹp hòi mà thiên lệch, có nhiều điều rõ ràng cụ thể, mà cũng có những thứ “vô ngôn”, nhưng vô ngôn mà lại rất đa ngữ, đa ý tứ.

Là vô ngôn, nên không có bằng chứng gì về văn bản, về chủ thuyết để đối chiếu, phân tích. Có lẽ, chỉ đi vào nền văn hoá dân gian, vào folklore Việt thì việc tìm tòi mới có phần thuận lợi hơn. Vì tất cả cái hồn, cái chất, cái mờ, cái rõ… của dân tộc đều thấy được trong folklore. Những gì mà nhân dân bao thế hệ đã qua thu thập, tích lũy để thấm nhuần và ứng xử, đều có trong văn hoá dân gian. Ở đây, người dân tự thân sáng tạo ra những cái riêng của mình. Người dân học tập, thu thập những cái ngoại lai, nhưng chỉ tuân theo cái gì hợp với mình, hoặc sẽ hoán cải đi để thành của mình, chứ không chịu tiếp thu một cách máy móc, nô lệ. Cái làm nên minh triết Việt là ở đó.

V.N.K

(251/01-2010)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng