Nghiên Cứu & Bình Luận
Thực trạng đói tiểu thuyết
09:28 | 09/02/2010
Nếu có thể nói gì về tình trạng ngày càng thưa vắng các tiểu thuyết đọc được hôm nay, hay nói một cách chính xác hơn là sự vắng mặt của tiểu thuyết hay trong vài thập kỷ qua, theo tôi trước hết đó là vấn đề tâm thể thời đại

Tâm thể thời đại được định giá ở tầm vĩ mô như là sự cộng thông về khía cạnh tâm lý những đặc trưng cơ bản nhất của thời đại, cái mà mỗi chúng ta đang hàng ngày, hàng giờ, từ hành vi đến giấc mơ sống trong và sống cùng với nó như là môi trường tâm lý vừa khả biến vừa bất khả biến. Thoạt nhìn, nhiều người tưởng rằng thời đại chỉ là nhân tố khách quan mang lại đề tài cho tác phẩm văn chương nói chung, cho tiểu thuyết nói riêng. Vâng! Xét một khía cạnh nào đó có thể đúng. Song, nếu nhìn sâu hơn, thời đại như một thực thể tâm lý, nó mang đến cho tác giả, tác phẩm và công chúng của nó nguồn cảm hứng chủ đạo, được coi như là một trong những nhân tố đầu tiên, quan trọng nhất để tạo dựng nên tác phẩm văn chương nghệ thuật. Ở phương diện này tâm thể thời đại có ý nghĩa như là sự quyết định đầu tiên đối với sự phát sinh và phát triển của tiểu thuyết. Những năm tháng chiến tranh, sức mạnh của cả dân tộc là quyết tâm đánh giặc cứu nước, vì sự tồn vong của giống nòi. Những chiến công hiển hách luôn dội hưởng vào tâm trí của mọi thành viên trong cộng đồng, mọi lúc mọi nơi, mọi lứa tuổi. Tất cả điều đó đã tạo nên cảm hứng thường trực đối với cả các nhà tiểu thuyết lẫn công chúng. Những người cầm bút thời chiến tranh, dù là người cầm súng trực tiếp đối mặt với kẻ thù ngoài chiến tuyến, hay là người làm những công việc thầm lặng chốn hậu phương đều có cùng một nhịp sống chung với dân tộc và thời đại. Anh ta thấm đẫm từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim, cùng cộng thông với số phận của cả cộng đồng. Trong chiến tranh giữ nước, không cho phép bất cứ ai tự tách mình, quay lưng lại cộng đồng, nếu như anh ta không cố tình chuốc lấy số phận bi kịch như người anh hùng Asin trong trường ca của Homere. Cuộc chiến tranh giải phóng là điểm hẹn của tất thảy mọi người, cả những người cầm súng và những người cầm bút, những người trực tiếp chiến đấu và những người phục vụ chiến đấu, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, chính kiến, lứa tuổi hay giới tính... Thành thử chỗ đứng, tầm quan sát và cả những thúc bách bên trong đối với người cầm bút đã được tạo dựng và xác định ngay từ trong ý thức, đến quá trình thai nghén và cuối cùng là việc phản ánh sự việc và con người trong cuộc chiến đó thành tác phẩm văn chương. Sự trải nghiệm cá nhân đối với người cầm bút là những tấm vé bảo hiểm bằng vàng đối với sự thành công của tác phẩm. Trong điều kiện như vậy, nhà tiểu thuyết giống như là một chiếc máy photocopy đối với lịch sử dân tộc và thời đại mà anh ta sống và viết.

 

Anh ta chỉ là người ghi nhận những lợi ích, tâm tư, tình cảm, những khát vọng và số phận lịch sử của cộng đồng, trong đó chính bản thân anh ta, cũng là một cá nhân hiện hữu. Khi nhà tiểu thuyết phản ánh quyền lợi và khát vọng của anh ta hay của một nhóm người nào đó cũng chính là anh ta đã nói lên được quyền lợi và khát vọng chung cho cả cộng đồng. Một chiến công của đồng đội, một chiến thắng từ mặt trận hay tin về một người bạn ngã xuống nơi chiến hào, người cầm bút đều có thể sẻ chia cả những niềm vui và nỗi buồn đó với tư cách của người trong cuộc. Và anh ta tự mình phải lãnh trách nhiệm ghi nhận nó. Những đặc trưng của thời đại như vậy có một lực hấp dẫn thần kỳ, cuốn hút nhà tiểu thuyết hướng ngoại, không cho phép anh ta tự thu mình lại theo kiểu vơ vào hay cấy ghép các quyền lợi cá nhân vị kỷ xa lạ và đối lập lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng. Động cơ viết để trở thành nổi tiếng, viết để in cho có nhiều đầu sách, bán được nhiều tiền là hoàn toàn xa lạ với những người cầm bút trong những năm chiến tranh. Ngược lại anh ta viết là để được tận hưởng những hạnh phúc lớn lao, cùng những khổ đau quằn quại, những mất mát hy sinh của đồng bào, đồng chí mình. Thời ấy, viết còn là để giải toả các xung năng về số phận và khát vọng của cả cộng đồng bị dồn nén chất chứa và tích tụ trong bản thân người cầm bút.

Còn công chúng luôn mở rộng vòng tay chào đón những cuốn sách thể hiện được tầm tư tưởng của thời đại và cũng là quay hướng về phía họ. Con người cá nhân hoàn toàn vắng mặt trong tiểu thuyết thời chiến tranh. Từ người cán bộ chỉ huy, anh lính nơi mặt trận, chị dân quân, cô giao liên, những bà mẹ chiến sỹ,... tất cả đều có một mẫu số chung là tinh thần yêu nước thương nòi, là lòng dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù, là đức hy sinh quên mình vì nghĩa cả, lòng nhân,... không một ai so bì tị nạnh. Cái mẫu số chung ấy có thể đem đặt cho bất cứ ai, ở đâu, lúc nào, tôn giáo gì, tuổi tác bao nhiêu,... đều là đáp số đúng. Cũng vì thế, chưa bao giờ tiểu thuyết Việt lại nhiều như thời kỳ này. Chiến tranh đồng nghĩa với bom đạn, chết chóc hy sinh. Vậy mà, bao thế hệ trẻ nước ta vẫn không sợ, mà còn thích thú nữa là khác. Đi đánh giặc như là đi trẩy hội với Đường ra trận mùa bày đẹp lắm (Phạm Tiến Duật- Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây). Đấy chính là khía cạnh lãng mạn của chiến tranh. Nó đã góp phần không nhỏ vào việc giải phóng đất nước khỏi ngoại bang. Điều đó không thể phủ nhận được. Khi một thời kỳ lịch sử được đặc trưng bởi một chế độ thống trị nào đó (như phong kiến, tư bản, nô lệ... ) đã phát triển đến đỉnh điểm, chính là lúc nó bộc lộ một cách đầy đủ nhất tất cả những ưu và nhược điểm vốn có của nó, mà trước đó vẫn còn tiềm ẩn bởi nhiều lý do kinh tế, chính trị, xã hội,... chi phối, nên không thể bộc lộ được, hoặc chỉ bộc lộ một cách phiến diện, cục bộ. Thời kỳ này là mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh các dòng tiểu thuyết với cảm hứng chủ đạo là phê phán tính tất yếu không thể tồn tại của chế độ cũ, cần thiết phải ra đời một chế độ mới phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của tuyệt đại đa số quần chúng lao động. Đó chính là thời kỳ bắt đầu tan rã của chế độ phong kiến ở phương Tây vào thể kỷ XIV - XVIII, kết thúc là cuộc cách mạng tư sản Anh và công xã Paris (Pháp) và thời kỳ Cách mạng vô sản đầu thế kỳ XX, mở đầu là sự ra đời của nhà nước Xô Viết kiểu mới ở Liên Xô trước đây và một loạt các nước Đông Âu,...

 

Sự bức bách của đại bộ phận quần chúng nhân dân không chấp nhận sự tồn tại kéo dài của chế độ cũ, cũng như sự áp đặt một chế độ thống trị mới của ngoại bang, đã tạo nên một tâm thể thời đại mới, là nguyên nhân sâu xa về mặt lịch sử để cho một dòng tiểu thuyết mang cảm hứng ngợi ca hay phê phán, ra đời và phát triển. Tiền đề lịch sử ấy lại không hề có trong thời đại mà chúng ta đang sống. Đây là một nguyên nhân có tính tất yếu khách quan khiến cho trong hàng thập kỷ qua, chúng ta không có một dòng tiểu thuyết đích thực, chưa nói đến tiểu thuyết hay. Mặt khác, tâm thể thời đại còn dội hưởng mạnh mẽ đến đại đa số công chúng của tiểu thuyết. Hoà bình và dựng xây để phát triển (chứ chưa phải là đã phát triển), từ trong bản chất kinh tế và xã hội của nó, đã hoàn toàn đổi khác so với thời kỳ chiến tranh. Xây dựng kinh tế, có nghĩa là chúng ta phải cân, đo, đong, đếm và tính toán đến giá trị, hiệu quả, cái được, cái mất, trước hết là về mặt kinh tế. Lợi ích kinh tế của mỗi cá nhân cung được ưu tiên trong công cuộc dựng xây ngang hàng với lợi ích chung của cả dân tộc, cộng đồng là cái duy nhất được ưu tiên hàng đầu trong chiến tranh. Tính chất cố kết vì sự sống còn của cả cộng đồng, giờ đây được chuyển phần lớn thành những nỗ lực phát triển cá nhân theo những tiềm lực, khát vọng và mục tiêu riêng của mỗi người, cũng là để từ đó tạo nên một cộng đồng, một dân tộc khỏe mạnh một cách thực chất cả về mặt kinh tế thay vì chỉ khỏe mạnh vè ý chí, tinh thần như trong thời kỳ chiến tranh. Một khi nền tảng kinh tế - xã hội, cái có ý nghĩa quyết định đối với sự phát sinh và phát triển của tiểu thuyết, đang diễn ra một sự phân cực gay gắt và quyết liệt, thì làm sao nhà tiểu thuyết có thể tìm ngay được tiếng nói chung cho cả cộng đồng với tư cách là yếu tố chính, tạo nên nội dung tiểu thuyết và đồng thời cũng là người thẩm định cuối cùng của tiểu thuyết. Nền kinh tế thị trường luôn có xu hướng kéo tách con người ra khỏi những liên minh tình cảm truyền thống, cùng với những mục tiêu đạo đức trừu tượng. Mặt khác, nó luôn đặt người ta vào những liên minh kinh tế mới, nhằm mục tiêu có lợi cho mỗi thành viên. Làm sao có được tiếng nói chung giữa những người nông dân còn phải lo để có ăn no, mặc ấm, có công ăn việc làm ổn định thường xuyên với một số người, hôm qua còn là bà con ruột thịt của họ nơi chôn rau cắt rốn, hôm nay đã trở thành kẻ xa lạ trong cuộc sống xa hoa chốn đô thành, trên cương vị của những ông chủ mới.

 

Làm sao có được tiếng nói chung giữa những số kẻ vốn là cậu học trò nghèo, chăm ngoan ở trường làng, vì một cơ may nào đó phất lên, sẵn sàng bỏ tiền ra mua những căn hộ chung cư cao cấp, những lô đất trong các dự án, mua nhiều cỗ phiếu trên thị trường chứng khoán,...để rồi nhìn mọi người bằng nửa con mắt, luôn giở giọng bề trên, kẻ cả, dạy đời; với một bên chính là những con người hai sương một nắng, lo làm ăn và không ít hơn một lần đã từng nhường cơm sẻ áo và cưu mang những kẻ đó. Thực tế trớ trêu ấy nếu không phải là phổ biến, thì cũng chẳng còn là hiện tượng cá biệt nữa. Nó đã làm lu mờ và xói mòn tinh thần đạo lý bầu ơi thương lấy bí cùng trong những lúc gian khổ hy sinh của những năm tháng đánh giặc của cả dân tộc với nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Tâm thể thời đại còn làm thay đổi cả nội dung và tính chất của công chúng tiểu thuyết hôm nay. Lặn lội, bươn chải để tìm kế sinh nhai là hiện tượng phổ biến của đại bộ phận những người lao động ở một đất nước nông nghiệp, chậm phát triển như nước ta. Ngay cả khi trà dư, tửu hậu muốn tìm một ông bạn cố tri để gật gù, dốc bầu tâm sự cũng không phải là dễ. Làm sao người ta có đủ thì giờ để ôm khư khư quyển sách dày vài trăm trang. Nền kinh tế thị trường luôn bắt người ta đứng lên và làm một cái gì đó. Cứ làm ắt sẽ biết, còn hơn ngồi suy tư, ngẫm nghĩ và mộng mơ theo cách của các nhà hiền triết phương Đông. Mộng mơ, cần thiết để làm cho con người ta sống đẹp hơn so với những gì hàng ngày người ta đang sống. Nhưng trớ trêu thay, mộng mơ lại chưa bao giờ đem đến cho người ta cơm ăn áo mặc, tiền của và sự giàu sang. Điều đó chỉ có thể xảy ra trong các câu truyện cổ của Andessen. Thành thử, người ta thích đến với nhau bàn chuyện làm ăn hơn là để thưởng ngoạn văn chương, thích nói với nhau về các mưu chước kiếm tiền hơn là nghe kể về chiến công của người khác trong quá khứ. Người ta thích đua chen cho hợp mốt cạnh tranh của kinh tế thị trường hơn là cùng nhau chia sẻ sự đói nghèo thiếu thốn của thời kỳ chiến tranh, cần phải nương tựa vào nhau mà tồn tại. Bản thân những nhà tiểu thuyết cũng đang trở thành nạn nhân của nền kinh tế thị trường. Anh ta cũng như mọi người phải bươn chải, sinh nhai tối ngày, đầy đêm còn đâu thì giờ để đầu tư cho tiểu thuyết. Đầu óc rối bù, thời gian và sức lực cạn kiệt, nhuận bút lại quá rẻ mạt. Ngợi ca cái gì, phê phán cái gì phải thật sự rõ ràng, tiểu thuyết ở ta lâu nay không cho phép người cầm bút đứng giữa hai cực đó, cũng như không cho phép anh ta thờ ơ với số phận con người. Thời đại mới tuy đã bắt đầu, nhưng vóc dáng của nó hãy còn rất khiêm tốn, chưa thể coi là đã có một dáng đứng Việt Nam trong thời kinh tế thị trường như trong chiến tranh vệ quốc được. Cuộc sống chưa bộc lộ hết những thuộc tính vốn có của nó, cùng với một công chúng đang tranh thủ hướng nội thay vì một thời gian dài đã hướng ngoại đến cùng kiệt, dù nhà tiểu thuyết có muốn đến mấy cũng lực bất tòng tâm, ấy là chưa kể đến bản thân anh ta không phải lúc nào cũng sẵn sàng có một đầu vào - đầu óc và đầu tư - lý tưởng đối với tiểu thuyết. Tuy vậy, trên các sạp sách báo bên vỉa hè hay trong các thư viện, tiểu thuyết vẫn cứ tràn ngập. Nếu một ai đó yếu bóng vía mà nhìn thấy những đống sách ấy có thể bất đắc kỳ tử vì đứt mạch máu não.

 

Cứ nhìn vào cái rừng tiểu thuyết khá rầm rộ ấy mà bảo rằng thể loại tiểu thuyết trong mấy chục năm qua đang phát triển mạnh và có nhiều thành tựu, thì chẳng qua chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, thấy số lượng mà không thấy chất lượng. Có thể nói, số lượng tiểu thuyết hôm nay không phải là ít, nếu không muốn nói là quá nhiều, nhưng người đọc sách hôm nay giống như những người đi dự tiệc, ăn không cốt lấy nhiều cho ưỡn bụng khó tiêu, mà cốt là thưởng thức các món cao lương mỹ vị. Từ xưa tới nay, chỉ thấy người ta khen cuốn sách này hay và chê cuốn kia dở, chứ chưa hề thấy ai bảo rằng công chúng dở cả. Hoạ chăng chỉ có một anh chàng nào đó in sách ra mà không bán được cho ai, đành phán bừa như vậy thôi. Mà đã nói bừa, nói liều thì còn chấp làm gì. Quả là không ít người than phiền rằng hôm nay tìm một cuốn tiểu thuyết hay để đọc còn khó hơn tìm một ngôi sao trên bầu trời buổi sáng. Nhưng biết đâu các đại tiểu thuyết gia vẫn đang chuẩn bị cho công chúng một bữa tiệc tiểu thuyết giống như Trạng Quỳnh thết vua món mầm đá trong truyện dân gian. Công chúng, những người vốn rất yêu quý nền văn chương nước nhà hãy cứ đợi đấy (!?)

Đỗ Ngọc Yên ( hoinhanvietnam.vn)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng