Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn học dân tộc - Thế giới hiện đại
09:52 | 29/07/2008
PHONG LÊ(Nhìn từ bình diện ngôn ngữ)Dân tộc là một phạm trù lịch sử. Văn học dân tộc do vậy cũng là một phạm trù lịch sử, hình thành và phát triển theo lịch sử.
Văn học dân tộc - Thế giới hiện đại

Sự hình thành các dân tộc ở phương Tây đưa tới sự hình thành các nền văn hóa dân tộc ở Châu Âu là một quá trình kéo dài nhiều thế kỷ. Phải đến một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử, tương ứng với sự hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thì các nền văn học dân tộc ở phần châu lục này mới có thể hình thành.
Nhưng văn học dân tộc vẫn tiếp tục là một khái niệm không đơn giản, không đơn nghĩa. Bởi lẽ vấn đề dân tộc có quan hệ chặt chẽ với một thực thể mang tính lãnh thổ: Quốc gia. Có quốc gia chỉ gắn với một dân tộc. Lại có quốc gia gắn với sự hình thành, sự tồn tại, sự chung sống của nhiều dân tộc. Ở đây cần dùng đến khái niệm đa dân tộc trong một nền văn hóa dân tộc. Đất nước ta có 54 dân tộc cùng cư ngụ, dân tộc nào cũng có tiếng nói riêng, nhưng trong đó mới chỉ có vài dân tộc có chữ. Liên Xô (cũ) trong hơn 70 năm trước đây - tính từ sau Cách mạng tháng Mười - 1917 là một đất nước đa dân tộc, và văn học Liên Xô (cũ) từng là một nền văn học! ớn, bao gồm nhiều nền văn học dân tộc.

Văn học trước hết là nghệ thuật của ngôn từ, và do thế nó là sự gắn nối giữa người viết và người đọc thông qua cầu ngôn ngữ. Tác phẩm ra đời cần có người đọc; và thế giới người đọc càng là số đông, càng mở rộng được không gian càng tốt. Nhà văn của bất cứ dân tộc nào trên thế giới, cũng như nhà văn của cộng đồng đa dân tộc trong bất cứ quốc gia nào cũng rất mong vươn tới con số đông người đọc. Nhưng kết quả đó, nếu một mặt bị giới hạn bởi ngôn ngữ; thì  mặt khác, vẫn có lối thoát bằng việc tìm đến các chuyển ngữ; và thông qua các chuyển ngữ nó vẫn có hướng để tiếp cận và mở rộng thế giới người đọc. Chọn một vài ví dụ: Vơlađimia Xan-ghi, người của bộ tộc Nivkh ở bán đảo Xakhalin có khoảng bốn ngàn rưỡi cư dân là người viết cho cả thế giới người đọc của Liên Xô (cũ). Đaghetxtan là một xứ cộng hòa tự trị của Liên Xô (cũ), trên bán đảo Kapka, gồm nhiều nước Cộng hòa, với số dân khoảng một triệu rưỡi người, nhưng có đến 27 thứ tiếng dân tộc và thổ ngữ. Và Raxun Gămdatốp, tác giả tập văn xuôi trữ tình nổi tiếng: Đaghextan của tôi là người viết bằng tiếng Ava, tiếng của một bộ tộc nhỏ chỉ được sử dụng trong khoảng hai mươi lăm ngàn người. Thế mà nhà thơ viết bằng ngôn ngữ của hai mươi lăm ngàn người ấy đã có thể chuyện trò, tâm sự, đối thoại với nhiều triệu độc giả trên thế giới, cố nhiên với vai trò môi giới của chuyển ngữ Nga.
Kinh nghiệm dễ nhận thấy và có thể được đúc kết ở đây là người làm thơ thường khởi đầu từ ngôn ngữ mẹ đẻ. Bởi lẽ ở ngôn ngữ mẹ đẻ, và không có gì thay thế nó được, mới là nơi tích lũy và thể hiện rõ nhất nguồn cảm xúc, lối cảm nghĩ riêng của mỗi dân tộc. Hẳn chắc vì lý do ấy mà I.Brodxki, nhà thơ Liên Xô (cũ) sang Mỹ định cư vào những năm 70, giải Nobel văn chương 1987, cho biết ông viết văn trực tiếp bằng tiếng Anh, nhưng làm thơ bao giờ cũng bằng tiếng Nga - là tiếng mẹ đẻ.
Nguyễn Du có cả một di sản lớn thơ chữ Hán, nhưng không có gì ông viết ra mà thay thế được Truyện Kiều, trong khả năng làm mê mẩn người đọc, nhờ vào "lời quê" - đó chính là lời Nôm, trong thể lục bát của ca dao. Viết Truyện Kiều trong bối cảnh nền văn học Trung đại, và trong một nỗi niềm tâm sự riêng, bằng lời Nôm, bất kể "nôm na là cha mách qué", tôi nghĩ có lẽ Nguyễn Du không hề muốn lưu danh hậu thế, nhưng sự thật diễn ra đã rất khác.
Lại cũng có hiện tượng một tác giả viết bằng nhiều thứ tiếng, và trở thành tác giả quan trọng không phải chỉ riêng cho ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong văn học Ấn Độ R.Tagorơ viết bằng tiếng Bengali, cũng đồng thời viết hoặc tự dịch sang tiếng Anh. Gioc Lucát, người Hung và Lu-y Fuya-nơ-béc, người Tiệp cùng viết bằng tiếng Đức. Milan Kunđêra, người Tiệp viết bằng cả hai thứ tiếng Pháp và Tiệp... Vậy ở đây xếp họ vào hệ ngôn ngữ nào, và họ thuộc văn học dân tộc nào?

Cố nhiên là câu chuyện văn học dân tộc ta đang bàn, dẫu chỉ riêng ở khía cạnh
tiếng nói và chữ viết, vẫn còn là rất dài, và tiếp tục đẻ ra nhiều vấn đề, nếu nhìn chung cả tổng thể văn học nhân loại. Chẳng hạn nếu đã có nhiều quốc gia đa dân tộc, với một nền văn học gồm nhiều ngôn ngữ, thì lại có những ngôn ngữ chung cho nhiều nền văn học dân tộc. Ở những ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức... đó là ngôn ngữ của nhiều nền văn học, thậm chí là những nền văn học không nhỏ, với tất cả sự thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa dân tộc. Có văn học Anh, văn học Mỹ, văn học Ôxtrâylia, và một bộ phận văn học Ấn Độ... cùng viết bằng tiếng Anh. Có văn học Pháp, văn học , Mactinich, Rêuniông, Quebéc, quần đảo Ăngti... cùng viết bằng tiếng Pháp. Không kể bên cạnh văn học viết bằng tiếng Pháp còn có văn học viết bằng tiếng Crêông - là một biến thái của tiếng Pháp, cũng chiếm địa vị quan trọng ở một số nước Phơrăngcôphôn. Có văn học Áchentina, văn học Chilê, văn học ... bên cạnh văn học Tây Ban Nha. Có văn học Braxin bên cạnh văn học Bồ Đào Nha. Còn tiếng Đức đó là ngôn ngữ chung của văn học Đức, văn học Áo, và một phần văn học Thụy Sĩ... Việc cùng dùng chung một ngôn ngữ nhưng lại tạo nên những nền văn học dân tộc với bản sắc riêng rất khác nhau - đó cũng là hiện tượng quan trọng trong thế giới hiện đại.

Nhìn về văn học Việt , những hiện tượng của giao thoa và hội nhập cũng đã diễn ra từ rất lâu trong lịch sử.
Trong ngót 10 thế kỷ độc lập tự chủ, văn học Việt đã tồn tại và phát triển trên cả hai dòng thơ văn Hán - Nôm. Không một nhà nho nào lại không có một bộ phận lớn văn chương chữ Hán, mà niềm tự tôn về nó đã khiến cho nhà bác học Lê Quý Đôn, và ông vua tự nhận là hay chữ Tự Đức thường đem so sánh với nền văn chương Trung Hoa rực rỡ:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường
Câu chuyện người Việt viết bằng chữ Hán này còn kéo dài, và vẫn rất sôi nổi vào đầu thế kỷ XX qua sự nghiệp văn chương của nhà yêu nước lớn Phan Bội Châu là người chỉ chuyên viết bằng chữ Hán và Nôm cho đến năm 1941, là năm ông qua đời; và áng văn hẳn chắc đã có thể xem là sự kết thúc của dòng văn chương Hán-Việt này còn phải chờ đến năm 1942 của chính người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thế kỷ XX cũng đã xuất hiện những tác giả Việt Nam viết văn bằng các ngôn ngữ phương Tây, trong đó tấm gương tiêu biểu cũng vẫn là Nguyễn Ái Quốc, những năm 20, trong Bản án chế độ thực dân Pháp và trong các truyện ký ngắn rất sắc sảo, rất hiện đại, "rất Pháp" (theo đánh giá của Phạm Huy Thông); không kể hiện tượng Kỳ Đồng, bạn thân của họa sĩ Pôn Gô-ganh vào cuối thế kỷ trước cũng đã viết bằng tiếng Pháp trong vở kịch thơ Những mối tình của người hoạ sĩ trên quần đảo Mackidơ. Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại hôm nay, số người viết trẻ viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức... đang tăng; và tôi tin ở đội ngũ này sẽ không hiếm các tài năng. Và không phải là điều không nên mong mỏi, trong tương lai, có những người gốc Việt viết hay, và nổi tiếng ở một ngôn ngữ nước ngoài nào. Chỉ có điều nếu họ vẫn có hoàn cảnh không quên gốc Việt, không quên lời Việt - lời của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, lời của Nguyễn Khuyến, Tú Xương..., lời của Tản Đà, của Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Bính... thì đối với văn học dân tộc, họ vẫn không là người xa lạ.

Nhân loại, và mỗi dân tộc trong đại gia đình nhân loại hôm nay đang phát triển trong một mối giao lưu rộng rãi và mật thiết hơn, do bước tiến của những cuộc cải tạo xã hội và do thành quả của cách mạng khoa học kỹ thuật. Những mạng, những máy điện toán, những phương tiện truyền thông đang gắn nối nhân loại vào cùng một mối quan tâm; và toàn cầu hóa đang là hiện tượng, là yêu cầu có tính thời đại... Và như thế, mọi vấn đề có liên quan đến sự phát triển của văn học dân tộc trong thế giới hiện đại dẫu chỉ xét riêng về phương diện tiếng nói và chữ viết, cũng cần được nhìn nhận trong một quan hệ toàn cảnh, để có ứng xử thích hợp với tiến trình chung của sự tiến hóa.
P.L

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng