Nghiên Cứu & Bình Luận
Có nên đánh thức tính xấu hổ trong phê bình
11:20 | 29/07/2008
NGUYỄN TRỌNG TẠO(Nhân đọc 2 bài viết của Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Hòa)*


1. Gọi xấu hổmắc cỡ, ôốc duộc hay ngượng cũng chả sao, nhưng hai từ xấu hổ có vẻ mạnh hơn, đi thẳng vào bản chất hơn. Xấu hổ là một thuộc tính của con người, nó ngược lại với trơ trẽn, trâng tráo. Ấy vậy mà không ít người rất sợ nói tới "bài học của sự xấu hổ". Biết xấu hổ, chính là một hành động phục thiện. C.Marx còn cho đấy là một dạng thức cách mạng ("Sự xấu hổ – đó cũng là một dạng của cách mạng").
2. Trong phê bình văn học, việc hiểu đúng hoặc hiểu sai một tác phẩm, một tác giả, một trào lưu hay một thời đại đều có thể xảy ra. Vì một người hay một nhóm người không phải là tất cả, và chân lý đôi khi lại nằm ngay dưới gấu váy của mẹ Đốp. Có lẽ vì thế chăng mà ở phương Tây thế kỷ XX đã xuất hiện hàng chục trường phái phê bình văn học như Phân tâm học (analytical psychology), Ngữ nghĩa học (semantics), Phê bình mới (New criticism), Chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism), Hiện tượng luận (Phenomenology), Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism), Ký hiệu học (Sémiotics), Giải thích học (Hermeneutics), Mỹ học tiếp nhận (Receptive Esthetics), Xã hội học văn học (Sociology of literature), v.v... và v.v... Mỗi trường phái ra đời đều mang tới sự phủ định và phát triển; nhưng nhìn chung không có trường phái nào là tuyệt đối, mà chỉ là thêm vào, làm giàu có phương pháp luận phê bình của nhân loại. Nếu các học giả phương Tây không biết xấu hổ trước những gì đã lỗi thời, phi khoa học thì làm sao có thể phủ định nó để mở ra những sáng tạo mới như từ Phê bình mới đến Phê bình mới "mới"?
3. Không ai đủ can đảm để tự cho mình là hoàn toàn đúng. Tôi vẫn thường hoài nghi tôi khi viết phê bình văn học, bởi tôi là một người sáng tác. Tất nhiên, người sáng tác viết về người sáng tác có lợi thế riêng về sự chia sẻ từ tâm lý sáng tạo nghề nghiệp, dễ hiểu nhau hơn. Trường hợp Nguyễn Tuân nói về đồng nghiệp Nguyên Hồng thì thật là chí lý: "Tôi là một thằng thích phá đình phá chùa, mà anh thì đúng là một người ưa chuyện tô tượng đúc chuông". Lại cũng Nguyễn Tuân đã có lúc diễu đùa các nhà phê bình quá "tự tin" rằng "Khi tôi chết hãy chôn theo tôi một nhà phê bình để còn được tiếp tục cãi nhau". Tôi không nghĩ các anh Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hòa khi viết phê bình đều tự cho mình là hoàn toàn đúng. Bởi ngay khi phê bình bài phê bình của tôi với tựa đề "Sự ngộ nhận trong phán xét văn trẻ", Nguyễn Hòa đã nhiều lần dẫn sai tựa đề này thành ra "sự ngộ nhận trong phán xét thơ trẻ". Văn là nói chung về văn chương, còn thơ là thơ mà thôi. Cũng như trước đây khi anh Nguyễn Hòa viết bài phê phán những bài thơ đang ở dạng bản thảo chưa hoàn chỉnh của Văn Cầm Hải "Phải chăng đó là thơ" anh không đủ can đảm ký tên Nguyễn Hòa mà phải khoác cho mình một cái tên ái nam ái nữ Ngọc Oanh gì đó. Hoặc giả khi Nguyễn Thanh Sơn tự vu lên là tôi "ép" anh phải đọc thơ giống tôi, thì chính anh lại ép tôi "nên viết một bài nói về cái đẹp của tập thơ Linh (mà anh thấy) để (ngấm ngầm) giảng giải cho tôi...". (Về vấn đề này tôi sẽ trao đổi lại ở dưới bài viết này). Nếu biết tự xấu hổ, thì tôi tin người ta sẽ bớt chủ quan hơn về sự khả tín của chính mình.
4. Phê bình là khoa học của cảm thụ và phân tích. Nó trái ngược với sự hiểu biết mơ hồ mà lại quá tự tin, nói phứa đi nhằm lấp liếm người đọc. Khi Nguyễn Hòa khẳng định: "thơ trẻ" (ở ta – NTT) trở về với những đài tưởng niệm cách đây dăm ba chục năm người phương Tây đã từng dựng lên để nhớ tới "thơ điện", "thơ man rợ" – những thứ thơ mà các nhà thơ như Marinetti, Pélieu, Merssagier... đã chế tạo ra", và cho rằng nó đã "lỗi thời", thì xem ra anh hiểu khá nông cạn về nhà thơ lớn người Ý từng sống ở Pháp có tên là Marinetti (1876-1944). Ông là một nhà thơ theo chủ nghĩa tượng trưng, sau đó là tổ sư của chủ nghĩa vị lai Ý (1909). Còn trường phái Barbarisme (có lẽ Nguyễn Hòa đã nhầm với từ Barbarie nghĩa là sự dã man chăng?) trong đó người ta hay nhắc đến Marinetti hay nhạc sĩ Stavinsky, là một trường phái cách tân, dùng từ ngữ phản qui tắc, chối ngịch với quan niệm "tao nhã" của nghệ thuật đương thời cuối thập kỷ 20. Trường phái này quan tâm đến những hình ảnh và tư tưởng hơn là những ước lệ của niêm luật, với hình thức thơ tự do thiên về hình ảnh mang màu sắc nhục cảm. Đây là một cuộc cách mạng đưa thơ thoát khỏi qui củ cứng nhắc của cú pháp, chấm câu và cả logic nữa. Thử dịch nghĩa một câu thơ của Marinetti: "Những ngọn tháp như những ngọn giáo đen đâm vào làm đau xé da thịt mệt mỏi của chiều". Thơ như thế thì chẳng có gì là "man rợ", "lỗi thời" cả. Tôi không nghĩ là "thơ trẻ" ở ta lặp lại thơ "lỗi thời" của Tây, nhưng nếu họ có học tập những cái hay, cái độc đáo của thế giới thì chẳng có gì là đáng phủ nhận họ một cách "man rợ" như vậy. Nếu không học thơ phương Tây thế kỷ XIX thì làm gì có Thơ mới (1932-1941) ở Việt ta?
Do muốn đẩy "thơ trẻ" ta lùi về giữa thế kỷ XX, Nguyễn Hòa "thử làm một đối chiếu" mấy câu "thơ trẻ" với "thơ điện" ra đời cách đây đã hơn 40 năm: Vé nổ đặt rất ít thời gian thế là tôi đến chào anh buổi tối – Những mảnh bệnh cúm Tây Ban Nha xám không muốn chụp ảnh – Hãy đốt gió trong ống nêông xanh (vân vân – NTT)" và anh mở ngoặc: (Nguyên bản – Pélieu). Trước hết đấy là bản dịch tiếng Việt chứ không phải "nguyên bản" (bởi nguyên bản bằng tiếng Pháp). Hai là những loại thơ "phản qui tắc ngữ pháp" không thể dễ dịch. Ta tạm tin vào bản dịch, và đem "đối chiếu" với mấy câu "thơ trẻ" như: Người dương cầm lên cơn tổng phổ; Chùm hoa tigôn cũng đỏ màu tập thể... của Văn Cầm Hải, và Chưa bao giờ như chiều nay – Đàn kiến tha mặt trời qua mùa hè run rẩy; Mặt trời vỡ hàng triệu mảnh bọc thân thể tôi rát bỏng – Cát bay lên như những linh hồn... của Vi Thùy Linh thì rõ ràng là chúng rất khác nhau. Thơ trẻ ta khá rõ nghĩa, dễ hiểu chứ không rối rắm mất trật tự như thơ Pélieu theo bản dịch mà anh Hòa đã dẫn ra. Ấy thế mà Nguyễn Hòa hạ bút: "hẳn thấy chúng không khác nhau nhiều lắm". Rồi không rõ nguyên cớ gì anh lại kéo Thanh Thảo vào đây để hạ sát: "Tình trạng này cũng cũ như cái bài thơ anh Thanh Thảo ăn theo thơ trẻ đã "trục vớt' được. Thanh Thảo không ăn theo thơ trẻthơ trẻ cũng chẳng ăn theo Thanh Thảo. Có lẽ thơ nào đọc tự mình không hiểu thì Nguyễn Hòa đều cho là ăn theo nhau. Hóa ra cái "sở hiểu" cũng không phải ai cũng tốt. Tôi tự nghĩ rằng cái "sở hiểu" của mình thật có hạn, cái "sở đọc" lại càng có hạn hơn, vì càng đọc càng thấy mình ngu dốt trước tri thức mênh mông của thiên hạ. Tôi không rõ "sở đọc" của Nguyễn Hòa đến đâu, nhưng khi anh viết: "Có cái gì đó khôi hài khi Nguyễn Trọng Tạo khen ngợi những câu thơ trẻ nhưng qua đó lại bộc lộ cái "sở đọc" còn quá hạn hẹp. Nếu biết tự xấu hổ, chắc chẳng ai dám khoe cái "sở đọc" rộng hoác của mình. Đọc mà không hiểu thì thà không đọc còn hơn.
5. Nguyễn Thanh Sơn là một người trẻ, gần đây đăng một số bài viết phê bình. Gọi anh là "nhà phê bình" hay "nhà phê bình trẻ" cũng chẳng sao. Nhưng theo tôi, từ "nhà" ở ta dạo này bị lạm dụng. Mới kiếm được vài tấm tôn bóng loáng, chưa thấy rường cột đâu cũng được gọi "nhà" nhan nhản. Nguyễn Thanh Sơn thì khác, chỉ mấy bài viết đã thấy văn anh có giọng khác. Có dấu hiệu "rường cột" (!) Anh luôn đòi đối thoại trong phê bình "cần một thái độ tôn trọng những ý kiến khác với ý kiến của mình”, nghĩa là thái độ văn hóa. Nhưng khi người khác không tán thành (hay trái ngược) với ý kiến của anh, anh lại cho rằng họ "thiếu bình tĩnh" và "thiếu văn hóa". Như vậy hóa ra anh là người "ăn bánh mì nóng" chứ cũng chẳng chịu đợi cho bánh "dịu đi, mềm ra" để nó "dậy hương thơm ngon lành của bánh" như bài học văn hóa tư chiếc bánh mì Nga mà anh đã viện dẫn. Chính vì thế mà anh khăng khăng phủ nhận thơ Vi Thùy Linh là "một món nộm thơ nhạt nhẽo" trên báo nhưng tôi lại lấy làm lạ khi anh phát ngôn trên đài BBC rằng: "Thế mạnh của Vi Thùy Linh theo tôi là biết nói về những cảm xúc, biết nói về những dục vọng của thế hệ mình. Tôi rất trân trọng sự cởi mở, sự chân thực của Vi Thùy Linh như thế". Đấy là do anh tự điều chỉnh hay là do người ta "ép" anh? Hay chỉ là một lời khen đãi bôi? Theo thuyết "Nghệ thuật tức kinh nghiệm" của John Deway, tôi nghĩ rằng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đọc đã giúp anh tiến gần tới bản chất tác phẩm hơn (dù chỉ là trong khoảnh khắc), đó cũng là một biểu hiện tốt của "sự xấu hổ – cách mạng".
6. Vấn đề văn trẻ nói chung và thơ trẻ nói riêng, gần đây được tranh luận tương đối sôi nổi với nhiều nhận định khác nhau. Có khen, có chê và có cả "sổ toẹt". Điều đó chứng tỏ "thơ trẻ" đã có một cái gì đó làm cho người ta chú ý. Đó là những phản ứng lành mạnh (trên mặt bằng chán ngấy trước đó). Ấy thế mà Nguyễn Hòa không chỉ sổ toẹt thơ trẻ mà còn sổ toẹt cả phê bình chính là cái nghề mà anh đang tham vọng: "Một tập thơ có bao nhiêu bài khen, bao nhiêu bài chê, bao nhiêu bài dở khen dở chê không nói lên điều gì...". Sao lại không nói lên điều gì? Nó nói lên rằng, thơ ấy đang tồn tại trong sự phản ứng khen chê của bạn đọc. Cái quan niệm "khen là tâng bốc, lăng xê; chê mới là chân chính nghiêm túc, dạy cho một bài học" nay quá lỗi thời, cách đây 900 năm, Nghiêm Hữu Dực quyết chê thơ Tô Đông Pha đến cạn tàu, ráo máng nhằm tìm sự nổi tiếng, nhưng theo Viên Mai thì "rốt cuộc người ta chỉ biết có Tô Đông Pha mà không hề biết Nghiêm Hữu Dực". Quan niệm riêng của tôi là, phê bình văn học quan trọng nhất là nhận ra cái hay, hoặc mầm mống của cái hay (cái hay mang trong đó cái mới) mà đề cao nó, để nhiều người cùng thưởng thức. Vì cái hay, cái mới luôn luôn hiếm Còn cái dở thì tràn lan, thời nào cũng thế, cứ bơi mãi trong đó ắt có ngày sẽ bị nó nhấn chìm trong rác rưởi. Chính vì thế mà đọc thơ trẻ, tôi thường chú ý đến những tác giả có cá tính mới lạ, có ngôn ngữ mới, giọng điệu mới và tư tưởng mới. Việc tôi nhắc tên và thán phục một số nhà thơ trẻ như Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly... khoảng 10 năm lại đây là với ý nghĩa chung đó, chứ không phải là không biết họ còn có những cái dở, cái hạn chế hoặc cái tôi không thích. Và tôi có thể tin được điều đó, ít nhất là đối với Nguyễn Thanh Sơn khi anh cho biết: "Tôi đọc kỹ được 5,6 người: Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải ... Trong số đó tôi thích nhất là Phan Huyền Thư..." (Phụ nữ thủ đô, 9-2001). Anh "thích nhất Phan Huyền Thư", còn tôi lại thích nhất thơ một người nào khác, điều đó còn phụ thuộc vào sở thích của mỗi người riêng lẻ. Còn vấn đề chung là không thể phủ nhận họ, bởi họ đã làm cho mình phải "đọc kỹ" thơ họ. Khi Nguyễn Thanh Sơn thích những nhà thơ trẻ mà tôi đã thích từ trước, thì đâu phải là chuyện tôi "ép" anh đọc thơ giống tôi như anh đã một lần "chỉ ra"?
7. Mọi người đều có quyền thưởng thức nghệ thuật. Nhưng không ai có quyền tự cho mình là hiểu hết nghệ thuật. Đối với một số loại hình "nghệ thuật khó" lại càng phải thận trọng hơn. Xem tranh "trừu tượng", nghe nhạc "tiền phong", đọc thơ "hiện đại"... thường phải tự kiểm tra lại mình đã hiểu được gì về các trào lưu đó. Chúng ta đôi khi quen thói chủ quan phán bừa những điều không biết rõ, để rốt cuộc chuốc lấy sự xấu hổ không đáng có. Viên Mai nói rằng: "Bài thơ chỉ đổi một chữ, giới hạn khác nhau một trời một vực, không phải người làm thơ thì không lý giải được". Hoàng Hưng ở ta cũng từng nói với một nhà phê bình trẻ: "Đọc anh, thấy anh thông minh, cái gì cũng biết, chỉ trừ thơ mà anh phê bình". Những câu nói ấy, đáng để chúng ta sờ lại gáy mình.
8. Khi nhắc nhở người viết phải bình tĩnh, cũng có nghĩa là tự nhắc người đọc cũng phải bình tĩnh. Hai anh Nguyễn Hòa và Nguyễn Thanh Sơn hình như quên mất điều đó khi đọc tôi và cho rằng tôi "trui rèn các kỹ xảo ngoa dụ, ngoa ngôn" (Ng. Hòa), hoặc "đại ngôn" (N.T. Sơn). Nguyễn Thanh Sơn viết: "Tôi cũng rất thông cảm với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong khao khát "giải mã" cho "những bài thơ có tính phức điệu của nhạc giao hưởng". Dù ngờ rằng chẳng qua đó là tính đại ngôn của anh". Anh Sơn do "sốc" mà quên mất rằng, "giải mã" hay "tính phức điệu" là những thuật ngữ chứ không phải là "đại ngôn"; và với những thuật ngữ quen thuộc ấy mà anh "có thể không cảm thụ nổi" mặc dù anh tự nhận mình là "một dàn nhạc cổ điển" thì kể cũng kỳ (!) Tôi đồ rằng đấy là anh tự diễu anh cho vui, chứ viết như thế cho nhiều người đọc thì chắc anh cũng chẳng nỡ chút nào, chỉ tổ làm người đọc phải xấu hổ giùm.
9. Cuối cùng, tôi muốn nói đến tính dễ tự ái của người viết phê bình. Người viết phê bình thường cho mình toàn quyền phán xét tác phẩm của người khác, nhưng hễ người khác phán xét tác phẩm của mình thì lại dễ nổi xung. Đấy là tính dễ tự ái. Cả hai anh Nguyễn Hòa và Nguyễn Thanh Sơn cũng không thoát khỏi đức tính ấy. Đấy là trường hợp tôi không đồng tình với Nguyễn Hòa (Ngọc Oanh) khi phê phán quá quắt và vô nguyên tắc thơ Văn Cầm Hải, và Nguyễn Thanh Sơn sổ toẹt thơ Vi Thùy Linh, hai nhà thơ trẻ có tài, có học, và có thức trong "thơ trẻ" gần đây, thậm chí có anh còn đòi cả "các ngành hữu quan" (nghĩa là pháp luật) can thiệp vào thơ của họ. Khi tôi nhận định: "Hiện nay cây bút phê bình trẻ không nhiều, và còn mang đậm tính báo chí chứ chưa thành tác giả, nhà văn lý luận phê bình", nhiều người cũng thừa nhận như thế. Riêng anh Nguyễn Hòa bị chạm tự ái, liền kêu cứu mỉa mai: "Anh Nguyễn Trọng Tạo ơi... Anh không coi họ là tác giả, là nhà văn lý luận phê bình cũng không sao, căn bệnh háo danh ấy xin dành cho người viết nào đang nuôi tham vọng nổi tiếng trên văn đàn". Ô hay, người viết phê bình mà trở thành một tác giả, một nhà văn lý luận phê bình "nổi tiếng trên văn đàn" thì thật là đáng quý chứ đâu phải là "căn bệnh háo danh"? Còn những người chỉ viết phê bình cho vui, được chăng hay chớ, không muốn thành một tác giả chuyên nghiệp thì cũng chẳng ai ép họ được. Tài năng vốn không ở ngoài mình. Những nhà phê bình cũng thế, họ phải tự rèn luyện, lắng nghe và suy ngẫm mới thành tài. Nói như Lưu Hà Thường: "Người có lòng dạ hư không, biết xấu hổ, biết nghe lời người ta chỉ trích, ấy là người có thiên tài vậy"; Nhưng người có được "lòng dạ hư không" trong thiên hạ đâu phải là nhiều! Chính vì thế mà tôi đặt ra vấn đề: "Có nên đánh thức tính xấu hổ"...
Hà Nội, tháng 9-2001
N.T.T

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)


-----------------------------------------
- Sao cứ ép tôi hiểu thơ giống ông – Nguyễn Thanh Sơn – Tia sáng, 8-2001
- Về một chàng hiệp sĩ – thi sĩ cưỡi Rôxinantê đỡ đầu cho "thơ trẻ" –
Nguyễn Hòa – Tia sáng, 9-2001.

Các bài mới
Các bài đã đăng