Nghiên Cứu & Bình Luận
Những suy nghĩ từ đại hội đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam
10:45 | 18/03/2010
ĐẶNG MẬU TỰU- PHAN THANH BÌNH5 năm hoạt động mỹ thuật sôi nổi, đầy trăn trở và suy nghĩ đã trôi qua, Phân- Chi hội mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều cơ hội để nhìn lại đánh giá những gì mà mình đã làm được.
Những suy nghĩ từ đại hội đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu bên tác phẩm sơn dầu

Chúng ta có thể nêu ra những con số cụ thể về thành tích và số lượng các triển lãm cũng như các con số hoạt động mỹ thuật khác. Tuy nhiên điều mà chúng ta muốn nói là những khúc xạ từ các hoạt động mỹ thuật ấy bởi vì chúng chỉ ra được mọi nguyên nhân giữa hai trung tâm lớn Hà Nội- TP.HCM thì cũng không khó để nhìn nhận, đánh giá xác đáng những cái được và chưa được vừa qua.

Huế là một vùng văn hóa truyền thống, mỹ thuật hiện đại Huế đã được xác lập từ thế kỷ XX, nhiều họa sĩ Huế được công chúng biết đến, như trước đây là Nguyễn Khoa Toàn, Tôn Thất Đào, Phạm Đặng Trí.v.v... rồi tiếp đó là Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, Hồ Hoàng Đài, Tôn Thất Văn, Đinh Cường và đến nay là đội ngũ đáng kể với gần 60 hội viên TW và địa phương (trong đó có 34 hội viên TW) và trên 100 họa sĩ ngoài Hội. Rõ ràng về lực lượng sáng tác hội họa Huế thực sự có tiềm năng với số lượng chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM nhưng phong trào mỹ thuật Huế lại còn mờ nhạt so với 2 thành phố nói trên. Đành rằng chúng ta tự thấy đội ngũ sáng tác mỹ thuật ở Huế vẫn còn mỏng, số lượng và chất lượng nghệ thuật còn khiêm nhường, nhiều tranh của Huế được xem là đẹp nhưng có vẻ đều đều, lắng đọng, nhẹ nhàng chứ không tạo được những đột biến thẩm mỹ một cách mạnh bạo. Cho dù các họa sĩ Huế không thiếu lòng nhiệt tình, niềm đam mê sáng tác cũng như những khát vọng và ước mơ về cuộc sống. Mặt khác ở Huế cũng chưa thật sự có được lớp công chúng yêu thích mỹ thuật đông đảo, như ở Hà Nội- TP.Hồ Chí Minh cũng như chưa thể xã hội hóa bằng các hoạt động mỹ thuật và còn biết bao hạn chế khác. Nhưng vượt lên “sức ép” của hai đầu, vượt lên khó khăn của đời sống kinh tế và thiếu thốn nhiều mặt về thông tin nghệ thuật, triển lãm, sự giao lưu, tiếp xúc... các họa sĩ Huế vẫn say mê, nhiệt tình sáng tác và nhiều họa sĩ cũng đã lặn lội triển lãm ở xứ người, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Dù có lúc thành công, có lúc cũng gần như thất bại nhưng nhờ vậy không ít người đã rút ra được bài học và kịp thời điều chỉnh một cách tích cực, hòa nhập vào “diễn đàn” nghệ thuật chung của đất nước trong thời kỳ mở cửa. Cũng từ đó với 5 năm hoạt động sáng tạo anh chị em họa sĩ Huế nói chung và họa sĩ tập hợp trong “ngôi nhà” của Hội VHNT- Thừa Thiên Huế đã có không ít day dứt, suy nghĩ và cũng không phải dễ trao đổi nếu không thực sự cần tiến và bằng cái tâm của mình.

Một chặng đường đã qua từ thực tiễn hoạt động của mình chúng tôi có thể nêu ra những nghĩ suy, ý kiến ngắn để cùng trao đổi và hy vọng góp thêm tiếng nói hữu ích cho Hội mỹ thuật Việt Nam và phong trào mỹ thuật Huế trong chặn đường tới:

1. Để các phân hội mỹ thuật địa phương, các chi hội mỹ thuật TW hoạt động tốt thì Nhà nước và TW Hội cần tăng cường xây dựng đầu tư cho hoạt động sáng tác một cách chiến lược và hiệu quả hơn. Có thể tổ chức các triển lãm và xây dựng các trung tâm mỹ thuật ở các địa phương để tránh tình trạng xảy ra trong thời gian qua là: Hoạt động mỹ thuật ở 2 thành phố lớn thì quá tải còn ở các địa phương thì lại hết sức ít ỏi, và nếu có hoạt động mỹ thuật của TW tại địa phương thì chất lượng chưa cao, đôi khi còn hình thức, cẩu thả và thiếu tính “đi đầu”, định hướng và thiếu cả sự thuyết phục thẩm mỹ.

2. Hội cần tổ chức nhiều hơn các trại sáng tác mỹ thuật, từ đó góp phần thúc đẩy mỹ thuật ở khu vực phát triển, mặt khác cũng cần tổng kết đánh giá một cách xác đáng về hiệu quả và chất lượng của các trại, bởi vì ít nhiều trong thời gian qua một số trại sáng tác được tổ chức vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Điều này không chỉ thấy ở các trại sáng tác địa phương theo kiểu “phát kinh phí- thu tác phẩm” mà còn xảy ra ở các trại sáng tác ngay giữa Thủ đô Hà Nội.

3. Từ khi tổ chức các triển lãm khu vực thì số lượng tác giả, tác phẩm tăng lên nhưng cũng từ đó đã nảy sinh những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra đó là khu vực nào chỉ biết sáng tác của khu vực ấy, từ đó dẫn đến sự cục bộ, quen biết nhàm chán. Nên chăng Hội vừa tổ chức triển lãm khu vực vừa tìm cách để công chúng thấy được các mặt mạnh yếu của từng vùng cũng như toàn cảnh diện mạo mỹ thuật Việt Nam, tránh tình trạng “cát cứ” khu biệt đã xảy ra hiện nay. Giải pháp có tính khả thi là cần tổ chức các triển lãm trọng điểm, luân chuyển với những tác phẩm được chọn lọc từ các triển lãm khu vực.

4. Hội cần tạo điều kiện thông tin báo chí, sách vở cho các hội viên địa phương, mỗi hội viên cần được nhận các số báo chuyên ngành. Sự đói thông tin không có điều kiện xem các phiên bản mới, các thông tin triển lãm quốc tế... cũng đã gây nên nhiều “bi, hài kịch” cho sáng tác ở nhiều địa phương, (ví dụ ở Huế có một triển lãm sắp đặt- không gian (installation), các phương tiện thông tin địa phương đã coi như là một hiện tượng nghệ thuật “độc đáo”, “mới lạ” thực ra thế giới đó đã quá quen thuộc với Installation từ 1960- 1985, ở Hà Nội- Sài Gòn từ 90 đến nay cũng đã có nhiều triển lãm như vậy rồi). Vì vậy trong nhiệm kì tới, Hội cần chú trọng hơn việc truyền đạt thông tin mỹ thuật đến hội viên đầy đủ và phong phú, đa dạng hơn.

5. Huế là một trong các Trung tâm văn hóa của đất nước vì vậy Hội Văn học nghệ thuật, Phân- Chi hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế sẽ cố gắng tổ chức các hoạt động mỹ thuật có quy mô lớn. Trong đó có các triển lãm trao đối, giao lưu giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, vì vậy chúng ta rất mong muốn được TW Hội quan tâm, tạo điều kiện để làm tốt công việc này, và nếu vậy thì phong trào mỹ thuật Huế nói riêng và mỹ thuật Miền Trung nói chung sẽ có nhiều cơ hội để hòa nhập và phát triển tốt hơn.

6. Các hoạt động mỹ thuật ở Huế trong những năm vừa qua chủ yếu là do Hội VH-NT, Ban Văn hóa Thành phố, Trường Đại Học Nghệ thuật Huế tổ chức, tự bỏ kinh phí để triển lãm. Nhưng xét về góc độ quản lí thì thiếu một cơ quan văn hóa quan trọng, với chức năng- nhiệm vụ được Nhà nước quy định là tổ chức các hoạt động mỹ thuật ở các địa phương, đó là Sở Văn hóa Thông tin. Dường như Sở VHTT luôn “đứng ngoài” các cuộc triển lãm, có chăng là liên quan đến Phòng Quản lí văn hóa khi Nhà nước quy định phải có giấy phép thông qua phòng này mới được triển lãm. Đây quả thật là một vấn đề cần phải “giải tỏa”, Hội và Ban văn hóa với trách nhiệm chính là tập hợp, động viên đội ngũ sáng tác, còn triển lãm, công bố tác phẩm không phải là nhiệm vụ cơ bản của các Hội và Ban văn hóa, thế mà trong nhiều năm qua các tổ chức và cơ quan này phải gánh một việc mà lẽ ra Sở VHTT làm thì đúng trách nhiệm hơn.

Đ.M.T - P.T.B
(133/03-2000)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lời xông đất (05/03/2010)