Trong tạp chí sông Hương tháng 7/1997, chúng tôi đã có dịp đề cập đến khái niệm, tính chất, loại hình, nguồn gốc của THTM trong văn học. Để nhìn nhận vấn đề THTM được khái quát và hoàn chỉnh, trong bài viết này, chúng tôi mạnh dạn bàn thêm về tính dân tộc và tính hệ thống của THTM.
Tính dân tộc đồng thời là tính hệ thống và tính cách tân. Chúng ta biết rằng, các yếu tố hiện thực xuất hiện ở một dân tộc nhất định, trong một nền văn hoá nhất định đều chịu sự chi phối của nền văn hoá dân tộc đó. Chính vì vậy, THTM có những nét chung như cũng có những nét riêng cho mỗi dân tộc. THTM chung của nhân loại khi đi vào các dân tộc có thể có những biến đổi riêng theo các dân tộc đó. Ví như THTM “bùn lầy” đều có ở trong thơ Pháp và trong thơ Việt Nam. Tuy nhiên, ở trong thơ Việt, khi nói đến “bùn lầy” tức là nói đến sự vất vả, sự khốn quẫn của người nông dân về đời sống kinh tế. Chẳng hạn: “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Trong thơ Charles Baudelaire, “bùn” được dùng với nghĩa chỉ sự đồi bại về đạo đức, về sự bẩn thỉu của nhân cách: “Ở nơi đây bùn lầy đã được tạo nên bằng nước mắt của chúng ta”.
Các THTM đều được khai thác từ hiện thực nên qua chúng, người ta có thể nghe được hơi thở của dân tộc mình. Trong hiện thực, dòng sông mang ý nghĩa ngăn cách vì vậy trong văn học THTM dòng sông thường có ý nghĩa cách trở. Để diễn tả những cuộc chia tay, người ta thường dùng THTM “dòng sông”: “Đưa người ta không đưa qua sông - Sao có tiếng sóng ở trong lòng” (Thâm Tâm).
Có những THTM ở nước này được hiểu như thế này nhưng ở nước khác lại hiểu theo nghĩa khác. Đơn cử THTM “cây thông”, ở Trung Quốc được hiểu theo nghĩa tốt. Ở Campuchia lại hiểu theo nghĩa xấu. Hay THTM “con chim”, ở Việt Nam được hiểu theo nghĩa tốt nhưng ở Tây Ban Nha và các nước nói tiếng Tây Ban Nha lại nói đến những người đồng tính luyến ái.
Về sự cách tân, có những THTM đã có từ trước nhưng qua mỗi thời đại nó lại đổi thay. Ai cũng từng biết THTM “con thuyền” được dùng nhiều trong thơ Huy Cận. Nếu như trước 1945, người ta cảm nhận được sự đơn chiếc, sự lẻ loi từ THTM “con thuyền” trong thơ ông: “Nghe rét thu về hạ kín mui” thì sau 1945, sự đơn chiếc, sự lẻ loi ấy đã nhường chỗ cho sự tấp nập, sự ấm áp: “Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui - Lưa thưa mưa biển ấm chân trời”. THTM cũng luôn luôn biến thể. Có những THTM nằm trong phạm trù nhưng cũng có những THTM được nâng lên.
Nói đến tính hệ thống của THTM, trước hết người ta thường xác định khái niệm hệ thống. Hiện nay, hầu như tất cả các nhà nghiên cứu văn học đều đã nói đến phương pháp hệ thống trong nghiên cứu văn học. Người ta cho rằng, phương pháp hệ thống có hiệu lực hơn cả. Phương pháp này giúp cho người nghiên cứu có thể bao quát các hiện tượng và lý giải các hiện tượng riêng lẻ. Phương pháp hệ thống được phát biểu dưới nhiều dạng khác nhau. Gần đây có người nêu ra một phương pháp mới là phương pháp cầu hình. Thực ra, đó cũng là một trong những phương pháp của phương pháp hệ thống.
Khi nói đến hệ thống thì cái then chốt là mối quan hệ. Bởi, hệ thống là một thể thống nhất gồm các yếu tố có quan hệ quy định lẫn nhau. Mỗi yếu tố có một giá trị nào đó thì giá trị ấy quan hệ với các yếu tố khác quyết định. Từ quan hệ mà tìm ra giá trị của yếu tố. Trong quan hệ của các yếu tố thường có hai loại. Quan hệ thường dùng để phân tích là quan hệ ngang và quan hệ dọc. Hai loại quan hệ này dùng xác định giá trị của yếu tố. Ngoài ra, người ta cũng thường nói đến các quan hệ đồng nhất và đối lập, quan hệ cấp độ, quan hệ giữa các bình diện.
Quan hệ đồng nhất là có sự thống nhất giữa các tín hiệu đẳng cấu đối với nhau (1). Đối lập là cái này khác với cái kia, cái khác này nằm trong một giá trị, khác về giá trị chứ không phải về hình thức. Chúng ta đều biết rằng, một hệ thống thường có những quan hệ phức hợp. Ngôn ngữ là một hệ thống phức hợp nên nó được chia thành từng cấp độ: ngữ âm, từ, cụm, từ, đoạn, văn bản. Người ta gọi đó là quan hệ cấp độ. Quan hệ giữa các bình diện là nói đến mặt trừu tượng và mặt cụ thể.
F.De.Saussure, nhà ngôn ngữ học đầu thế kỷ XIX đã tuyệt đối hóa tính nội tại của hệ thống . Nội tại là khi nghiên cứu một hệ thống chỉ cần biết bản thân hệ thống, xem xét trong lòng hệ thống đó, không cần xem xét môi trường bên ngoài tác động đến hệ thống đó. Khi nghiên cứu một tác phẩm văn học, người nghiên cứu chỉ cần nắm được những quan hệ và phát hiện ra cấu trúc nội tại của tác phẩm đó là được.
Hiện nay, quan điểm hệ thống đã vượt ra khỏi giới hạn của luận điểm và tính nội tại. Hệ thống có mặt nội tại nhưng cũng có tính hướng ngoại.
Trở lại vấn đề đang bàn, chúng ta thấy rằng, xem xét THTM theo quan điểm hệ thống trước hết phải đặt nó trong quan hệ ngang và quan hệ dọc. Trong văn học cũng vậy, quan hệ ngang và quan hệ dọc có thể là trong một tác phẩm, trong một nền văn học, một giai đoạn văn học. Một tác phẩm, một giai đoạn , một nền văn học đều được xem như một hệ thống. Khi xuất hiện trong một tác phẩm văn học, THTM đều có quan hệ với các tín hiệu trong tác phẩm. người ta gọi đó là quan hệ ngang. Còn quan hệ dọc là quan hệ của nó với các biến thể của chính nó trong các tác phẩm cùng thời hay trong chiều dọc của lịch sử một nền văn học. Trong bài thơ “Tràng giang”, tác giả Huy Cận đã sử dụng 3 cặp quan hệ ngang: Thuyền - sông, thuyền - bến, thuyền - bờ. Mỗi cặp quan hệ ngang đều có ý nghĩa khác nhau. Để làm rõ hơn khái niệm trên, chúng tôi thử đơn cử các cặp quan hệ ngang thường xuất hiện trong văn học:
- Gió-bão: thường có ý nghĩa chỉ sự xung đột dữ dội.
- Gió-mưa: được hiểu với nghĩa là nỗi gian lao, bất hạnh của cuộc đời, nó còn chỉ quan hệ tình dục.
- Gió-bụi: chỉ sự từng trải trong cuộc sống, nỗi gian lao trên đường đi.
- Sương-gió: thường nói đến những người phụ nữ phải sống cuộc đời bán thân nuôi miệng.
- Gió-mây: nói đến một cái gì đó thoát tục, phiêu du, nói đến những người xa thực tế.
- Gió-trăng: chỉ sự thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng cũng có thể hiểu tình trăng gió, chỉ thỏa mãn nhục dục chứ không gắn bó.
Những ví dụ trên đây lần nữa khẳng định rằng, trong một hệ thống, giá trị của yếu tố được tìm ra từ quan hệ.
Xét về quan hệ dọc của THTM trong văn học, người ta thường nhắc đến THTM “Cây trúc” trong thơ Nguyễn Khuyến. Hầu như trong các bài thơ nổi tiếng của mình, Nguyễn Khuyến thường nói nhiều đến “cây trúc”. Chẳng hạn:
“Dặm thế ngõ đâu từng trúc ấy
Thuyền ai khách đợi bến đâu đây” (Nhớ cảnh chùa Đọi)
“Gậy men ngõ trúc đạo đường hoang” (Đến chơi nhà bác Đặng)
“Gió im trúc lại lặng như tờ” (Giải buồn)
“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” (Thu điếu)
Có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có một trường hợp trúc nảy chồi xanh, còn phần lớn cây trúc trong thơ Nguyễn Khuyến đều lơ phơ thưa thớt, các tín hiệu đi kèm thường là ngõ, bến đợi, tiếng hạc, chiếc thuyền câu…
Trong quan hệ dọc, trúc không phải chỉ để tả cảnh mà trúc còn tượng trưng cho người quân tử, người quân tử thường lánh mình trong rừng trúc. Ngoài ra trúc còn tượng trưng cho phẩm chất thanh cao. THTM “cây trúc” trong thơ Nguyễn Khuyến tượng trưng cho người quân tử nhưng lại lẻ loi, cô độc, lạnh lùng…
Trong văn học, khi xem xét các THTM, việc đặt chúng theo quan hệ dọc, quan hệ ngang để tìm ra giá trị đích thực của các THTM hết sức quan trọng.
Không tham vọng bàn luận một cách triệt để về khái niệm THTM trong văn học nhưng chúng tôi hy vọng rằng , một số vấn đề bàn thêm ở bài viết trước đây và ở bài viết này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tương đối khái quát hơn đối với một khái niệm đang được các nhà nghiên cứu lưu tâm, bàn luận.
N.T.X.Y. (134/04-00)
------------------ (1) Xem thêm về khái niệm đẳng cấu ở TCSH tháng 7/1997, trang 74.
|