Hẹn anh vào buổi chiều, sau Hội thảo, ở nhà riêng, vẫn là căn gác nhỏ ở 22 phố Nguyễn Huy Tự, một con phố vắng giữa lòng thủ đô nhộn nhịp. Tôi mở đầu cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi: BN: Xin anh cho biết ý kiến và một vài nét về tình hình lý luận phê bình nghiên cứu hiện nay. TĐS: (ngập ngừng, mắt nhắm lại, có vẻ như đang suy nghĩ nên bắt đầu từ đâu, vì vấn đề quá lớn và khó bao quát...). BN: Lúc này, đang có hai quan điểm có vẻ đối nghịch nhau. Một là, xem tình hình lý luận phê bình hiện nay đang chững lại, thậm chí là kém phát triển. Hai là ngược lại, xem mọi sự đều đang tiến triển tốt đẹp, càng ngày càng phát triển vững chắc. Anh nghĩ sao? TĐS (cười): Mọi sự đều có hai phía và có thể nhìn từ phía này, phía kia, từ nhược, từ ưu; muốn nóng vội, không thoả mãn, muốn tiến nhanh hay cứ tạm hài lòng, củng cố thành tựu, rồi đi từng bước chậm rãi. Chân lý nằm giữa hai phía, trong tính biện chứng của chúng. Đời cũng vậy, thẩm định văn chương cũng vậy. Tôi không phải là người chiết trung, nhưng tôi chỉ muốn nhìn các hiện tượng một cách toàn vẹn dẫu là trong nghịch lý của chúng. Nhưng tôi lại muốn đặt lại một vấn đề: "cái hiện nay" đó là trong một thời-khoảng bao lâu, mấy năm, mấy tháng?.. BN (Tôi cũng lúng túng, trước "cú bóng" đang đang dội lại khung thành mình trấn giữ, may thay...). TĐS: Đặt vấn đề cho anh, nhưng thật ra cũng cho chính tôi. Thời gian trong đời sống văn học, có khác với thời gian ngoài đời. Trong một tiến trình văn học, cái thời khoảng "hiện nay" đó theo tôi có thể tính bằng hàng chục năm. Theo tôi, nó chỉ "một không khí" của một "thời đại" mà trong đó cuộc sống nói chung và đời sống văn học nói riêng diễn ra dưới ảnh hưởng của nó, với nét đặc trưng riêng khác biệt với với thời hôm qua. Tôi muốn xác định nó bằng một cái mốc năm 1986, năm của sự Đổi Mới, và cái hiện nay đó là một thời khoảng 15 năm và đó cũng là cái hiện tại đang diễn tiến có lẽ đến hết thập niên đầu của thế kỷ XXI. Xác định một "thời khoảng hiện nay" như thế mới hiểu tại sao tôi lại trả lời câu hỏi trên là: chân lý nằm ở giữa trong tính biện chứng của những nghịch lý. Nhìn một độ dài thời gian tương đối như thế với mặt bằng rộng lớn, mới thấy rằng trước hết là lý luận có những thay đổi sâu sắc. Các quan điểm về văn học xơ cứng cũ, có người còn gọi nó là "giáo điều, giản đơn, phiến diện", không còn hiện hữu, không còn được trích dẫn, chẳng hạn tính giai cấp, tính lập trường xã hội học dung tục. Rồi phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng không còn bắt buộc. Tính Đảng cũng vậy. Nó cũng ít được nhắc tới và nếu có nhắc thì cũng được hiểu uyển chuyển, rộng rãi và cởi mở hơn, dung nạp những gì làm nên giá trị thực của một đời sống văn học chân chính với tính nhân bản và tính dân tộc sâu hơn và với những đặc trưng riêng của văn học. Tôi có thể ví cái kim độ đo chỉ cái nhìn, quan niệm văn học của chúng ta từ phía bên này của hôm qua đang trả dần dần về phía bên kia của hiện nay. Từ một cách nhìn có vẻ cực đoan và đôi khi hạn hẹp, từ từ ta đang đi dần về với những giá trị đích thực của văn học, như đời sống xưa nay nó vốn có, với cái nhìn cởi mở, trân trọng hơn với bản chất đặc thù, sáng tạo của nó dưới nhiều bình diện, nhiều cấp độ, trân trọng hơn sắc thái, tình cảm, ý tưởng của các nhà văn và tác phẩm làm nên các giá trị nhân văn đa dạng, biến hoá, sâu thẳm hơn, chấp nhận các cách đọc, cảm thụ, thưởng thức, thẩm định tự do hơn, phù hợp với sự đa dạng của các chủ thể độc giả, chủ thể tiếp nhận, phê bình... Tuy nhiên, cần phải hiểu ngọn nguồn của một quan niệm văn học của hôm qua với sự cảm thông nhất định: đó là lúc ta đối mặt với sự sống còn của một dân tộc, đối mặt với kẻ thù muốn khuất phục ta, và chỉ có một con đường là phải chiến đấu và phải chiến thắng, tất cả mọi cái đều phải cổ vũ cho sự tự do của một dân tộc, sự sống bền vững của nó, nên phải tạm dẹp lại mọi cái khác chưa cần thiết vốn có trong một cuộc sống bình thường của con người và văn học. Vả lại đó cũng là một thời kỳ mà thế giới phân đôi thành đối cực: phía này và phía kia, bên này là tốt, bên kia là xấu. Cái nhìn "chính trị hoá" đó chi phối cả đời sống văn học và hiện rõ nhất trong lý luận phê bình nghiên cứu... BN: Có lẽ sự đổi mới sâu sắc nhất là trong việc nhìn lại, thẩm định các hiện tượng văn học của quá khứ? TĐS: Vâng, đúng thế. Điều đó ai cũng có thể nhận thấy. Chúng ta nhìn lại một hiện tượng văn học khá gần, đó là văn học thời kỳ 30-45. Chúng ta đã khôi phục giá trị cốt yếu của Thơ Mới, công nhận vai trò và đóng góp to lớn của nó trong giòng chảy thơ ca hiện đại thế kỷ XX và về sau, thậm chí có lúc chúng ta tôn vinh nó, đặc biệt chúng ta đã đề cao một tác phẩm phê bình xuất sắc, "Thi nhân Việt Nam", viết về Thơ Mới, như là một trong những cái mốc lớn của phê bình văn học... Chúng ta cũng gột rửa các định kiến để đánh giá lại vai trò và đóng góp của "Tự Lực văn đoàn", nghiên cứu khá kỹ và khá xác đáng về các tác giả và các tác phẩm của nó, tái bản gần như toàn bộ những tác phẩm chính của nó. Đặc biệt là chúng ta đã nhìn lại, khôi phục lại một nhà văn lớn: đó là Vũ Trọng Phụng, với nhiều cuộc hội thảo, nhiều bài nghiên cứu hay và chúng ta đã đánh giá rất cao về tài năng và sự đóng góp của nhà văn này, sự độc đáo của các tác phẩm của ông. BN: Còn với văn học cổ điển ở một quá khứ xa hơn thì sao? TĐS: Chúng ta cũng đã nhìn nhận lại, đánh giá và thẩm định lại những "vùng huý kỵ" trước đây. Chẳng hạn thơ văn Triều Nguyễn, thơ Tùng Thiện, Tuy Lý, thơ Tự Đức, sự nghiệp và cống hiến của Nguyễn Công Trứ. Rồi xa hơn nữa đối với Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thơ Thiền... Có thể nói, chính nhờ quan điểm đổi mới mà chúng ta đã đào xới lại hầu như tất cả những hiện tượng văn học quá khứ gần và xa, khôi phục lại khuôn mặt đích thực của văn học ta, trả lại những giá trị chân chính của nó. BN: Điều quan trọng nhất là quan điểm mới này đã thể hiện trong nhà trường các cấp và cụ thể ở các sách giáo khoa môn văn. TĐS: Đó là điều chúng tôi tâm huyết. Mỗi nhà lý luận, phê bình chúng tôi còn đóng vai trò người thầy, nhà giáo dục. Tôi hiểu sự đổi mới không chỉ dừng ở các tác phẩm lý luận, nghiên cứu phê bình. Nếu dừng ở đó, thì sự đổi mới văn học sẽ không rộng không sâu. Cái quan điểm mới, cái nhìn văn học đích thực ấy đã, phải và sẽ thấm vào các sách giáo khoa, thấm vào hàng triệu học sinh, sinh viên, trở thành hành trang của cuộc đời họ, ý thức của họ, tạo cho họ lòng yêu cái đẹp của văn chương dân tộc và thế giới, với những giá trị nhân văn sâu sắc, sống động, đa dạng, làm cho họ có lòng yêu mến ngôn ngữ đẹp và hay của dân tộc. Chính lòng yêu mến văn học dân tộc, tự hào với nó sẽ trở thành bản lĩnh sống và bản lĩnh dân tộc của thế hệ trẻ hôm nay và tương lai. Một bộ phận các nhà lý luận nghiên cứu phê bình đã đứng ra làm công việc nhọc công dễ bị búa rìu dư luận, đó là biên soạn sách giáo khoa văn học, đặc biệt là ở bậc Trung học, trong đó có Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Nguyễn Đình Chú, Lê Ngọc Trà, các vị khác và tôi... Dù nó chưa hoàn thiện lắm, nhưng cũng đã rất tiến bộ, tốt và hay hơn hôm qua. BN: Thế các hiện tượng văn học "hóc hiểm" như "Nhân Văn", văn học dưới chế độ cũ ở miền Nam, văn học Việt Nam ở hải ngoại, thì anh nghĩ sao? TĐS (có vẻ đắn đo và dừng lại giây lát, như muốn lựa chọn một cách trả lời thích hợp...): Hiện tượng "Nhân Văn" dù không được đánh giá lại một cách công khai, nhưng hầu như các tác giả xa gần với nó đã xuất hiện lại, công bố các tác phẩm của mình và có nhiều tác phẩm đã được giới nghiên cứu phê bình trân trọng như các sáng tác của Phùng Quán, Hoàng Cầm..., xa hơn là các nhạc phẩm và thơ của Văn Cao, và công trình triết học của Trần Đức Thảo... Còn hai hiện tượng sau, tôi quan niệm thế này: tất cả các tác phẩm với những quan điểm khác nhau nhưng những người viết thuộc về một cộng đồng dân tộc, viết bằng ngôn ngữ dân tộc đó, thậm chí viết bằng ngôn ngữ nước ngoài nhưng thấm đẫm cuộc sống tình cảm của dân tộc đó, thì nó thuộc về văn học của dân tộc đó. Miễn là chúng phải có giá trị văn học, chất lượng nghệ thuật và giá trị nhân văn. Đó là những tiêu chí để xem xét, đánh giá lại. Nhưng dù sao, đây là những hiện tượng "khá tế nhị", cần có độ lùi thời gian, một khoảng cách nhất định, để có một cái nhìn khách quan và bình tâm hơn để xem xét, đánh giá, tinh lọc cái đích thực có giá trị trong những xô bồ, hỗn tạp. Về văn học ở chế độ cũ ở miền Nam, gần đây đã tái xuất bản một số tuyển tập của các nhà văn tiến bộ, yêu nước, dân chủ, với sự đánh giá trân trọng... Một thời gian nữa, tôi cũng hy vọng giới nghiên cứu phê bình sẽ xem xét kỹ hơn, với thái độ khách quan và công bằng, uyển chuyển và cởi mở... ở một diện rộng hơn. Và như thế, văn học dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, có thể bao quát một diện khá rộng, đa dạng và phong phú hơn và nó trở thành một trong những thành tựu lớn của văn học Việt Nam, một sự đột khởi lớn trong giòng chảy của nó. BN: Anh có ý kiến gì về lý luận phê bình thế giới và mối quan hệ của nó với lý luân phê bình Việt hiện nay? TĐS: Có thể nói lý luận phê bình thế giới ở thế kỷ XX có những bước tiến khổng lồ. Một mình nó có thể bằng tất cả lý luận phê bình trước kia cộng lại. Thậm chí trong bức tranh văn học thế giới thế kỷ XX, có người còn cho rằng: thành tựu lý luận phê bình là nổi bật nhất và nó lại kéo theo nó các hiện tượng sáng tác văn học mới. Nền lý luận phê bình thế giới rất đa dạng phong phú với các lý thuyết khác nhau, tiếp cận các hiện tượng văn học dưới mọi góc độ, mọi bình diện, nhiều mối quan hệ nội tại của bản thân văn học và các quan hệ ngoại tại của văn học với mọi hiện tượng cuộc sống, nghệ thuật, triết học, mỹ học, tâm lý học, xã hội học, nhà văn, bạn đọc, đều được đào xới và nghiên cứu đến. Thi pháp học, Phê bình mới, Phê bình cấu trúc, Lý thuyết tiếp nhận, Văn học so sánh, Phân tâm học phê bình, Tiếp cận văn học dưới góc độ văn hoá và liên văn hoá, Ký hiệu học văn học, Tiếp cận văn học dưới góc độ ngôn ngữ học ... đã trở thành những mũi nhọn, tạo ra những cách tân mới trong lĩnh vực và chúng lan toả rất nhanh trở thành “khí quyển” chung của lý luân phê bình nhiều nước. Và ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, lý luận phê bình đang đi đến những tổng hợp mới trong những đối thoại lẫn nhau để kết tinh. Chúng ta không thể không tiếp nhận, tiếp thu, nghiên cứu chúng, nếu không chúng ta sẽ lạc hậu, ở ngoài rìa của thế giới, không có tiếng nói chung với giới lý luận, phê bình thế giới. Nếu trước đây chúng ta chỉ giới hạn ở việc tiếp nhận lý luận phê bình của Liên xô, Trung Quốc cả mặt hay lẫn mặt dở (và đôi khi mặt dở lại khá nhiều...) thì bây giờ chúng ta đã, đang và sẽ đa phương hoá việc tiếp nhận tinh hoa lý luận phê bình thế giới để thúc đẩy nền lý luận phê bình của chúng ta lên cùng mặt bằng với thế giới. Thú thật, hiện nay đang có những độ chênh lớn dù đang được lấp dần. Trong thập niên cuối của thế kỷ XX, giới nghiên cứu phê bình chúng tôi có ý thức được điều này và có cố gắng giới thiệu, tổng thuật, vận dụng chúng để đổi mới lý luận văn học của ta, soi rọi những hiện tượng văn học của ta trong nghiên cứu phê bình. Các nhà lý luận phê bình nghiên cứu như Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu, Phương Lựu, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn và tôi đang cố làm việc này, rồi tiếp đến Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thuý, Nguyễn Văn Dân, Trịnh Bá Đĩnh, Lộc Phương Thuỷ... có những tiếp sức đáng kể. Hội thảo "Tự sự học" vừa qua là một cố gắng chú trọng một vấn đề lớn của lý luận phê bình thế giới và nó quy tụ được một đội ngũ học thuật rộng lớn trong Nam, ngoài Bắc với gần 60, 70 tham luận báo cáo. Điều đó rất đáng mừng vì nó chứng tỏ một điều là giới học thuật chúng ta đang cùng một chú ý chung. Không đổi mới lý luận thì khó đổi mới được nghiên cứu, phê bình. Không đổi mới nghiên cứu và phê bình thì khó đổi mới sâu sắc và toàn diện văn học để có những bước tiến mới. Và trong đó việc tiếp thu, học tập, vận dụng tinh hoa của lý luận phê bình thế giới là một điều cốt tử. BN: Nhưng chúng ta làm điều đó còn quá ít và mỏng, đang ở diện rộng chứ chưa đi sâu phải không? So với Trung Quốc chúng ta đang đi sau một khoảng cách? TĐS: Tâm huyết thì nhiều, nguyện vọng thì lớn, nhưng lực thì hạn chế, ai làm được gì, đóng góp được gì thì làm, phần lớn là tự phát cả, chưa có một tập hợp thành đội ngũ, thành nhiều dự án lớn được Nhà nước và các tổ chức khác đứng ra tài trợ để dịch, nghiên cứu hàng trăm công trình lý luận thế giới quan trọng. Nếu làm được điều đó lý luận phê bình chúng ta sẽ có những bước tiến lớn. Trung Quốc đã làm được điều này, họ đã dịch được hàng trăm tác phẩm lý luận quan trọng của thế giới và ra vài chục chuyên khảo về tinh hoa của lý luận phê bình thế giới thế kỷ XX. Họ thì làm được vì họ có tầm nhìn xa, còn ta thì "ăn xổi ở thì"... BN: Vậy thì anh nghĩ có cần có một tổ chức như "Hội các nhà lý luận nghiên cứu phê bình"? Và đề xuất Nhà nước tài trợ? TĐS: Vâng, đó cũng là điều tôi ao ước. Nó cũng là một hội nghề nghiệp. Nhưng tầm vóc và quy mô của nó ngang với Hội Nhà văn. Vì một bên chú trọng nhiều đến học thuật và một bên chú trọng nhiều về sáng tác. Chúng sẽ hỗ trợ cho nhau. Và từ Hội đó, việc lập các đề án dịch, giới thiệu, nghiên cứu tinh hoa lý luân phê bình văn học thế giới mới được tiến hành có kế hoạch, có tổ chức. Và nếu có được Nhà nước và các tổ chức khác tài trợ vài chục tỷ đến một trăm tỷ đồng thì chỉ trong mười năm chúng ta có thể có một tiếng nói chung với lý luận phê bình văn học thế giới mà không hổ thẹn. Dân tộc mình và giới trí thức mình vốn thông minh và cần cù... BN: Trở lại các hiện tượng sáng tạo văn học vài năm trở lại đây, anh thấy có những tác phẩm văn học nào đáng chú ý và giới phê bình đánh giá ra sao? TĐS: Trước đây những năm cuối 80 và đầu 90, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài đều có sắc thái, giọng điệu, cái nhìn và cách viết riêng, được giới phê bình chú ý, đề cập nhiều trên các bài báo khắp nước. Nguyễn Huy Thiệp thì càng ngày càng được khẳng định chung về phong cách độc đáo, Phạm Thị Hoài thì dư luận có khác nhau, một mặt đều công nhận cách viết rất riêng của chị, nhưng về một số vấn đề khác thì có dư luận khác nhau với các quan điểm trái ngược. Nhưng có thể nói từ đó trong truyện ngắn chúng ta có nhiều khởi sắc, nhìn chung viết hay hơn, có cách viết riêng, văn phong và thủ pháp đa dạng, đề cập nhiều vấn đề của cuộc sống. Những tuyển tập truyện ngắn hay được xuất bản nhiều, chứng tỏ độc giả của chúng ta rất hứng thú và quan tâm đến nó. Gần đây về tiểu thuyết cũng có một số tác phẩm đáng chú ý, trong đó có "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Cơ hội của Chúa" của Việt Hà và một số tác phẩm khác... được giới phê bình khen có, lật đi lật lại có, nhưng các nhà văn này đều có cách nhìn riêng, tạo ra một thế giới nghệ thuật mới, có phong cách, và sử dụng các thủ pháp khá tân kỳ. Về thơ, thì nhìn chung, cũng có nhiều sự tìm tòi cách thể hiện mới, nhiều tập thơ có tiếng nói, sắc thái riêng, nếu chịu khó đọc thì sẽ thấy cũng có nhiều bài thơ hay. Về tác giả thơ, tôi đặc biệt chú ý đến Nguyễn Quang Thiều với tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" có những cách tân trong ngôn ngữ, giọng điệu, cảm xúc, ý tưởng, hình ảnh mới mẻ. Trong lĩnh vực ký, tản văn, tuỳ bút cũng nở rộ, có nhiều tác phẩm đáng đọc, trong số đó nổi bật là Hoàng Phủ Ngọc Tường với "Ngọn núi ảo ảnh" và một số tác phẩm khác. Anh Tường nổi bật nhất trong số những nhà văn viết thể loại này với chiều sâu cảm xúc, sự hiểu biết rộng lớn về văn hoá, có tầm rộng triết lý, văn phong hay, tài hoa... Nếu nói gọn, thì văn học chúng ta trong thời gian gần đây phát triển trong mạch đổi mới chung từ sau 1986. Các giá trị văn học mới, những cách tân chưa dễ dàng được chấp nhận ngay mà dư luận nhiều chiều, phản ánh các quan niệm khác nhau, đa dạng trong cuộc sống. BN: Anh có thể cho biết thêm suy nghĩ và sự đánh giá của anh về tình hình phê bình và nghiên cứu của cái hiện tại đang xảy ra và đội ngũ của nó? TĐS: Nhìn chung, tôi có cảm tưởng tình hình phê bình hiện tại có vẻ trầm lắng. Lớp nhà phê bình trước đây đã cao tuổi. Lớp kế cận là một đội ngũ tài năng, có tri thức, được trang bị những công cụ lý luận mới, đang độ chín và ở lứa tuổi hơn 40, nhưng chưa nhập cuộc lắm, hình như họ còn đang bận rộn kiếm sống. Tương lai của nền phê bình chúng ta dựa vào lớp người này. Tôi không thấy gì bi quan cả, phần lớn lớp người này đang giảng dạy văn học ở các nhà trường và làm việc ở các viện nghiên cứu văn học, văn hoá và một số nơi khác. Vấn đề là phải quy tụ họ, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các mục phê bình của các báo, các tạp chí, làm sao phát huy các tài năng, kích thích sự đóng góp của họ. Khuyến khích, tặng các giải thưởng cho các bài phê bình hay của các báo văn học trong từng tháng, từng năm, trao giải thưởng cho các cuốn tuyển tập phê bình hay, có tiếng nói riêng cũng là biện pháp tốt tạo không khí để phát huy tài năng của họ. Lớp phê bình đàn anh cần phải dần dần gạt bỏ tư tưởng gia trưởng, bề trên, cởi mở hơn đối với các bài phê bình của họ nếu có mặt này, mặt nọ chưa hoàn thiện. Phê bình tạo ra nhịp cầu giữa tác phẩm và công chúng, định hướng một cách tiếp nhận đúng và hay, mời gọi độc giả đọc các tác phẩm đáng chú ý, tri âm với các nhà văn và tác phẩm của họ, giúp họ nhận rõ mặt mạnh và mặt yếu của mình... Tạo ra một bầu không khí sôi động và lành mạnh của phê bình sẽ giúp cho phát triển đời sống văn học. Về tình hình nghiên cứu thì có vẻ tốt đẹp hơn, có nhiều tác phẩm nghiên cứu văn học có chất lượng, có chiều sâu và hay. Lực lượng nghiên cứu cũng chắc tay hơn. Tuy nhiên các chuyên khảo hay vẫn chưa nhiều, các công trình phần nào vẫn còn mang tính tổng hợp. BN: Anh có thể cho biết một kiểu mẫu của nhà phê bình mà anh thích và một vài tác phẩm phê bình mà anh cho là tốt? TĐS: Nhà phê bình tôi thích là nhà phê bình tỏ ra có bản lĩnh, có cá tính riêng, có nét độc đáo, có văn phong, có cái nhìn phát hiện, đúng đắn chừng mức trong thẩm định. Còn tác phẩm tôi thấy cũng khó nói, nhưng thôi, tôi cũng tạm kể: "Nhà văn và phong cách" của Nguyễn Đăng Mạnh, "Con mắt thơ" của Đỗ Lai Thuý, "Tài năng và người thưởng thức" của Đặng Anh Đào, “Những kiếp cỏ dại” của Vương Trí Nhàn... BN: Anh đã trải qua một chặng đường dài trong lĩnh vực lý luận nghiên cứu, phê bình, nếu tạm sơ kết thì anh có thể rút ra điều gì? TĐS (có vẻ mơ màng, hình như đang ngoái nhìn lại quá khứ viết lách của mình, đắn đo, cân nhắc): Tôi vốn yêu và say mê văn học. Chọn lý luận phê bình như một cái nghiệp và một niềm đam mê. Tôi khao khát muốn nhận thức được cái bản chất đặc thù của văn chương nghệ thuật bởi tôi biết cái hay của văn chương nằm ở đó, giá trị nhân văn và xã hội cũng nằm ở đó. Tôi vốn rất huý kỵ lối lý luận phê bình xã hội học dung tục (chứ phê bình xã hội học đúng đắn thì vẫn có cái hay riêng). Khi còn ở trường Đại Học Vinh tôi đã từng viết một tiểu luận 100 trang về "Đặc trưng của văn học" trong khi lối phê bình xã hội học dung tục vẫn đang ngự trị. Sau này, tiếp tục mạch đó, tôi đi vào "Thi pháp học", khởi xướng, cổ vũ cho nó, bởi nó gắn hình thức với nội dung, hình thức với cái nhìn độc đáo của nhà văn, nó nhằm phát hiện chất văn, giọng văn, hệ thống thủ pháp độc đáo của nhà văn, thế giới nghệ thuật riêng của họ. Ý thức sáng tạo của chủ thể, quan niệm nghệ thuật của nhà văn là điều nó quan tâm. Nó làm nổi bật cá tính, phong cách của nhà văn chứ không chỉ chú trọng cái được phản ánh. Các công trình "Thi pháp thơ Tố Hữu" (1987), "Những thế giới nghệ thuật thơ" (1995, tái bản 1997, 2001), thể hiện sự vận dụng Thi pháp học để làm rõ sự độc đáo của nhà thơ, các trường phái, khuynh hướng thơ, cuốn sau rất được độc giả ưa thích và đã tái bản 2 lần. Các công trình "Một số vấn đề thi pháp học hiện đại" (1993), "Giáo trình thi pháp học" (1993), "Dẫn luận thi pháp học" (1999) giới thuyết về thi pháp học và các phạm trù của nó, cách vận dụng nó. Cuốn "Lý luận và phê bình văn học" (1996) cố gắng mở ra những viễn cảnh mới trong lý luận và phê bình, nỗ lực định hướng và đổi mới các khái niệm, đề xuất một số phạm trù mới như đối thoại trong phê bình, tính đa nghĩa, mơ hồ của văn học, tính nhân bản của văn học, quan niệm nghệ thuật về con người, ý thức về cá tính... Đổi mới các khái niệm văn học làm cho lý luận phê bình có tác dụng thoáng hơn, bớt xơ cứng hơn. Cuốn "Văn học và thời gian" (2001) mở ra một viễn cảnh khác: đi sâu vào tiếp nhận văn học, xác lập mối quan hệ giữa tiếp nhận và phê bình, chú ý đến so sánh văn học, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngành văn học so sánh, giới thiệu mục đích, phương pháp, cội nguồn và xu hướng của nó, vận dụng nó để soi rọi Truyện Kiều và Truyện Từ Thức, so sánh với văn học Trung Quốc dưới bình diện văn học và văn hoá. Tôi còn chú trọng đến lịch sử văn học, phác hoạ các vấn đề lý thuyết về nó... Ngoài ra tôi có một số công trình khác, tập trung vào "Mấy vấn đề thi pháp trung đại Việt Nam" (1999), "Về con người cá nhân trong văn cổ Việt Nam" (1997, viết chung), cùng biên soạn "Tự điển thuật ngữ văn học" với một số người khác, dịch các công trình về thi pháp Thơ Đường, thi pháp Đôxtôiépxki... BN: Kể ra anh cũng viết trên 15 công trình và hàng trăm bài báo nhỉ? TĐS: Cũng ước lượng như vậy. Tôi chỉ mong có sức khoẻ, có điều kiện khả dĩ để tiếp tục làm việc cho sự phát triển của lý luận phê bình của nước mình cùng với sự phát triển của văn học. Và tôi tin sự nghiệp đó sáng lạn nếu được tạo điều kiện, không khí và tập hợp được đội ngũ... BN: Cuối cùng, anh có suy nghĩ gì để nhắn gởi với Tạp Chí Sông Hương? TĐS: Tôi là một người con của Huế ở xa, chưa có gì đóng góp cho quê hương được. Cố gắng làm một cái gì đó cho văn học, cho lý luận phê bình nghiên cứu cũng là làm đẹp cho quê hương nhỏ trong lòng. Riêng về Tạp Chí Sông Hương, tôi nhận thấy đây là tạp chí có nét riêng vì nó ở trong một trung tâm văn hoá và thắng cảnh nổi tiếng cả nước, dễ làm cho người ta có thiện cảm, và đặc biệt là nó có bản sắc riêng. Về mặt truyền thống cần khai thác sâu thêm những gì là di sản của nghệ thuật, văn học, văn hoá của nó, về mặt hiện đại, nên tiếp tục tiếng nói mạnh bạo, với sắc thái riêng của mình trong sáng tác và lý luận phê bình, biết nhận thức cái thế mạnh của mình mà phát huy, đó là thơ, tản văn và nghiên cứu. Quy tụ các bậc tài danh cả nước, trong đó có cả kiều bào, phát huy sức mạnh đội ngũ tại chỗ, phát hiện bồi dưỡng tài năng mới, tạo ra các giải thưởng vài tháng một lần, hàng năm, mở ra các mục mới mà bạn đọc quan tâm, cải thiện cho hoàn hảo bìa, cách trình bày, trang trí, co chữ... Đó cũng là những góp ý nhỏ nhoi. Lực lượng nghiên cứu phê bình ở Huế cũng rất có bản lĩnh như Nguyễn Thị Bích Hải, Lê Thị Hường, Hồ Thế Hà, dĩ nhiên, có cả anh và một số anh em khác...Tôi mong TCSH huy động tối đa trí lực của anh em. Một Trung tâm văn hoá lớn cần có tiếng nói của nó, Tạp Chí Sông Hương là tiếng nói của Cố Đô, của Huế đối với cả nước. Tôi rất mong lãnh đạo Tỉnh tạo điều kiện về kinh phí, đội ngũ, phương tiện vật chất và quan tâm đến tinh thần giúp cho nó hay hơn, hoàn hảo hơn. Huế sắp thực hiện Festival quốc tế vào năm 2002, đây là một sự kiện văn hoá-du lịch lớn. Tôi chúc Festival này sẽ thành công, tốt hơn, hay hơn Festival rồi. Tôi ao ước Ban Tổ chức sẽ chú ý huy động lực lượng của quần chúng, sinh viên học sinh và các thành phần khác tham gia đông đảo, làm thế nào để chính quần chúng là một lực lượng vừa đồng sáng tạo vừa đồng thưởng thức, vui chơi, bên cạnh lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp thì Festival sẽ sôi động hơn, hoành tráng hơn. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” mà... Tôi từ giã anh. Và đi trên đường tự nhiên sực nhớ đến giấc mơ anh kể: trong chiêm bao, anh vào một hiệu sách ở Nga và lục được một cuốn sách "Slovski đã nói như thế", một cuốn sách hiếm viết về một nhà lý luận phê bình trường phái hình thức Nga nổi tiếng, mà vui mừng đến ứa nước mắt, và tôi bật cười thương mến, con người này trong cả giấc mơ vẫn nghĩ đến chuyện Lý luận phê bình, đam mê đến thế là cùng. Đầu tháng 1/ 2002. B.N (nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002) |