Nghiên Cứu & Bình Luận
Thiên nhiên và ý thức nghệ thuật của Tùng Thiện - Miên Thẩm trong thơ
08:58 | 29/04/2010
BỬU NAMThiên nhiên là “không gian sống” và “không gian tâm tưởng” của con người và thi sĩ phương Đông, nó đã lắng sâu trong vô thức của họ và đã trở thành một loại “không gian văn hóa” và là một hằng số quan trọng trong thơ ca phương Đông.
Thiên nhiên và ý thức nghệ thuật của Tùng Thiện - Miên Thẩm trong thơ
Tiến sĩ Bửu Nam - Ảnh: dhsphue.edu.vn
Vẻ đẹp và sự quyến rũ, mê hoặc của thơ Đường, thơ Haiku (Nhật Bản) một phần lớn là nhờ nó. Nó không chỉ là đề tài, cảm hứng mà còn thể hiện một cách sống, một cách cảm nhận, một cách diễn tả tâm trạng, tình ý, và cao hơn nữa nó phản ánh một triết lý sống và triết lý nghệ thuật của các thi sĩ lớn phương Đông.

Đối với các thi sĩ Việt Nam triều Nguyễn như Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh... thiên nhiên có một vị trí và giá trị đặc biệt, và mỗi người có một sắc thái riêng, một cách cảm nhận riêng, một phong cách riêng, phản ánh tâm hồn Việt Nam một cách tinh tế và mang dấu ấn chung của tâm hồn phương Đông.

Nhưng chính trong thơ của thi sĩ Vương công triều Nguyễn- Miên Thẩm do cuộc đời, hoàn cảnh và lối sống, do những thăng trầm lịch sử và các biến cố thời đại in dấu trong ngóc ngách tế vi của tâm trạng của ông, và hơn thế nữa vùng đất ông sống là nơi phong cảnh hữu tình, diễm lệ, thiên nhiên chiếm một vị trí hết sức độc đáo và có thể nói nó đã được kết tinh thành tư duy và ý thức nghệ thuật của nhà thơ này. Mặt khác, thành tựu chính của thơ ông Hoàng xứ Huế này là thơ viết bằng chữ Hán. Do việc sử dụng ngôn ngữ viết này vả lại đây là nhà thơ có sở học uyên bác về cổ thi Trung Quốc, nên cấu trúc thơ của thi sĩ này chịu sự chi phối mạnh mẽ của thiết chế cổ thi, cổ phong, thơ Đường, Tổng về thể loại (ngũ ngôn, thất ngôn, hành...) cả về luật Thi, về quan niệm con người vũ trụ và cảm hứng vũ trụ, về từ ngữ, nhịp điệu, hệ thống hình ảnh và ngay cả tứ thơ, thậm chí cả kết cấu, âm hưởng. Nhưng chính trên nền tảng tiếp thu các sở đắc và thành tựu thi pháp của di sản thơ cổ điển Trung Quốc lớn này, ông đã cố sáng tạo ra một sắc thái riêng, một âm hưởng riêng đậm đà tính dân tộc, sắc thái của vùng đất Huế và tâm tình riêng. Chính cái “độ lệch” này trong phong cách thơ của ông, trên cái nền của phong cách cổ thi là điều hết sức quan trọng và đáng lưu tâm. Chính nhờ điều đó, thơ của ông, tạo thành một niềm tự hào cho vương triều Nguyễn và ở một thời điểm nào đó của con người và vùng đất Huế mà trong một câu thơ đã tôn xưng: “Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”.

Tùng Thiện Vương - Ảnh: newvietart.com

Về đại thể, có thể phác họa ba loại thiên nhiên trong Thương Sơn thi tập:

Trước hết là thiên nhiên - bút họa, vẽ và tả sự nên thơ của phong cảnh quê hương Thừa Thiên Huế và các danh lam thắng cảnh Việt Nam. Loại thiên nhiên này có phong vị của tranh thủy mặc. Tuy nhiên, qua lăng kính chủ quan của từng tâm trạng, cảm xúc và ý đồ riêng của nhà thơ nên mỗi bài dù chừng ấy hình ảnh được sử dụng lại, vẫn mang sắc thái riêng. Ở đây có mối biện chứng giữa cái đẹp của khách thể và tính thẩm mỹ của cảm xúc nhà thơ, nên thiên nhiên được tái tạo mang tính chất nghệ thuật, thiên nhiên dưới mỗi khoảnh khắc, trong một không gian riêng và dưới cái nhìn của tâm hồn thơ. Có thể nói thiên nhiên thứ hai này trong thơ của Miên Thẩm được cách điệu hóa, được chọn lọc và chỉ gợi tả qua một vài nét chấm phá, nhưng nó vẽ nên được vẻ đẹp của thiên nhiên khách thể, và đồng thời là một “thiên nhiên mới” hữu tình hơn. Loại thơ thiên nhiên này cho ta thấy tình yêu xứ Huế và đất nước kết tinh sâu thẳm trong lòng nhà thơ.

Tiếp đó, là loại thiên nhiên - ngụ tình, hai nhà thơ xem thiên nhiên như là một phương thế để diễn tả tâm tình, đặc biệt là tình yêu, tình bạn, tình gia đình và cảm xúc trước lịch sử, hoặc mượn thiên nhiên để biểu hiện một ý tưởng, một quan niệm về cuộc đời. Thiên nhiên này có khi được nhân hóa, có khi là một ẩn dụ, hoặc có khi chỉ là một khung cảnh để gợi tình, hoặc đôi lúc chỉ là một tỉ dụ so sánh.

Sau hết, thiên nhiên được nâng lên thành một triết lý sống, triết lý nghệ thuật như là một thứ đạo nhàn, biểu hiện khí tiết thanh cao của người quân tử, vừa là lối chiêm nghiệm lẽ đời và thời gian giữa cõi vừa vô thường, mà lại vừa vĩnh hằng trước sự biến động trước lịch sử và sự ô trọc của đời thường. Tâm hồn của nhà thơ như hoà đồng vào vũ trụ để quên đi nỗi sầu thế và như là thái độ ẩn dật trước cuộc đời.

Ba loại thiên nhiên này tạo thành một cấu trúc đặc biệt trong toàn bộ thơ của Tùng Thiện, chúng có tác động tương tác lẫn nhau, sắc độ mỗi loại đậm nhạt tùy theo bài mà có những ý nghĩa và chức năng riêng.

Thiên nhiên và ý thức nghệ thuật trong thơ Miên Thẩm.

Chìa khóa để mở ra quan niệm nghệ thuật về thiên nhiên cả Miên Thẩm, theo thiển ý, có thể tìm thấy trong bốn câu thơ tuyệt bút của thi sĩ Thương Sơn, viết trước khi lâm chung “Bán niên học đạo thái hồ đồ, thoát tỉ như kim nãi thức đồ, tiên sảng đình ba Thiên Mụ nguyệt, thủy hương lâm ảnh hữu nhân vô” (Nửa đời học đạo vẫn phân vân, thoát dép như nay mới thỏa lòng, Thúy Vân, Thiên Mụ trăng và sóng, Bóng rừng hương nước nhớ ta chăng?). Ở đây là sự chiêm ngưỡng cả một đời trước cái chết, trong đó thiên nhiên được đề cao như một giá trị tâm cảm tuyệt đối, một sự luyến nhớ hơn cả người thân. Vả lại, ở thời điểm cái chết sắp đến, đây là lúc đối lập giữa cái hữu thường của con người và sự vĩnh hằng của thiên nhiên, ở đó có tiếng kêu tuyệt vọng gợi hỏi cái vĩnh hằng có nhớ cái hữu hài vô thường này không. Một mặt khác ở đây còn có sự đối lập giữa nhận thức của con người với cái mênh mông khác là “lẽ đạo”, nhưng nếu việc lý hội “đạo” vẫn còn chưa tri nhận được trong một đời người, vẫn còn ở trạng thái phân vân, mông lung, thì trái lại, thiên nhiên xuất hiện như tương cảm sâu xa được nhân hóa như một hữu thể có thể cảm thông với con người. Các môtíp về thắng cảnh thiên nhiên Huế: Thiên Mụ, Thúy Vân, Sông Hương (hương nước) và nới rộng ra các môtíp “núi, chùa, trăng, sóng, sông, nước, rừng” sẽ trở đi trở lại trong thơ của Tùng Thiện với các sắc thái khác nhau mà bài “Lục Thủy” (Nước biếc) gần như biểu hiện đầy đủ: “Lục thủy, thanh sơn thường tại, cô vân, dĩ hạc đồng phi, doãn đình hữu biên khách điếu, tiểu kiều nguyệt hạ tăng quy” (Nước biếc, non xanh còn mãi, mây trời hạc nội cùng bay, thuyền câu, khách ngồi, bến liễu, cầu nhỏ, sư về, trăng lay). Ở bài thơ này, thiên nhiên, non nước là vĩnh hằng và con người chìm đắm trong đó, như là một nét chấm phá hòa đồng giữa nó, và là một bức họa đẹp được vẽ với bốm gam màu chính: xanh biếc (núi), xanh lục (nước, liễu), vàng (trăng), trắng (mây, hạc) với không gian ba chiều: cao (mây, hạc, trăng), phẳng (cầu, khách, sư, liễu), và sâu (nước), vừa tĩnh (núi, cầu, khách, liễu, trăng, núi), vừa động (hạc, mây, sư). Mặc dầu ở đây người ta có thể thấy sự láy lại một vài hình ảnh của thơ Vương Bột nhưng bài thơ vẫn thể hiện nghệ thuật sáng tạo của nhà thơ về thiên nhiên. Có thể nói tâm hồn nhà thơ đã chộp được cái khoảnh khắc đáng ghi nhớ thần diệu quý báu của cảnh vật.

Cảnh vật, thời tiết, hoa trái, cây cỏ, chim muông xứ Thừa Thiên, và Việt Nam in dấu rõ nét trong mảng thơ thiên nhiên của Miên Thẩm. Ở đây, ta có thể thấy hình ảnh trung tâm là sông Hương với hàng chục bài đi thuyền trên sông. Chẳng hạn loạt bài “Chu hành”, “Dạ bạc”, “Chu dạ hữu hoài”, “Hàn thực phiếm châu tức sự”, “Giang đầu tuyệt cú”, “Hương giang tức mục phụng giảng nhất nhị cố nhân”... Một loạt các địa danh các làng và đồi dọc sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế như Kim Long (“Kim Luông dạ bạc”, “Đồng hữu nhân du Kim Long”, “Định Môn (“Định Môn quy châu”), Thuận An (“Thuận An quy châu”), (“Hương Cần”), Đồi Long Thọ (“Long Thọ cương”), Hải Cát (“Hải Cát giang thứ vãn vọng”), Thương Sơn (“Giang thưởng vọng Thương Sơn”) và gần gũi với kinh thành là Gia Hội (“Gia Hội đô”...) Và một loạt các môtíp liên quan đến yếu tố sông nước như khe suối (như bài “Nam Khê”), Cầu Ngói (“Ngõa kiều”...), câu cá (“Dạ điếu”)



Mảng thơ thiên nhiên liên quan gần xa đến môtíp sông nước với các biến thái khác nhau tùy mùa, thời khắc của một ngày (đặc biệt là mùa thu, mùa mưa, chiều tà, và nhất là ban đêm...) chiếm vị trí lớn trong thơ về thiên nhiên của Tùng Thiện và ở đây có thể lọc ra một số bài hay, câu hay. Đối lập mà cùng hài hòa với sông Hương là núi Ngự Bình (“Ngự Bình đăng sơn cao”) và một thắng cảnh khác: núi Thúy Vân (“Đăng Thúy Vân hữu cảm”). Ở không gian cao này, cho phép nhà thơ nhìn xuống bao quát cả vùng đất hoặc dễ liên tưởng tới những sự kiện lịch sử. Mô típ “núi’ còn liên quan đến một số bài khác như “Sơn trung”, “Sơn gia cư tảo khởi”, “Sơn gia cửu nhật”, “Viên lâm tuyệt cú”. Ở đây, nhà thơ nêu cảnh tịch mịch nên thơ với cây cối, gió, tiếng chim, tiếng ca tiều phu, màu mây, sương, trăng... và cũng thể hiện thái độ tiêu dao ẩn dật thanh cao, đối lập cái đua chen ở đô hội và chốn triều đình... Ba cảnh trí đặc sắc của Huế thường lai vãng trong thơ Miên Thẩm và như một dấu ấn trong tâm thức nhà thơ là: vườn (với các bài “Viên cư khẩu hiệu”, “Viên lâm tuyệt cú”, “Viên cư hữu hoài”, “Quá tạ tướng quân lâm viên”). Chùa với tiếng chuông chùa vang vọng trong hàng chục bài, và rải rác hàng chục câu trong các bài khác (“Du Thiên Ấn tự”, “Du Thiên Thọ vãn quy”, “Quá Viên Giác Tự”, “Tây Thiên tự đề bích”, “Sơn trung hiểu bộ quá Tuệ lâm tự”...) Mưa với các bài “Tâm tình”, “Giang thôn nguyệt dạ văn dịch tương vũ nại vũ”... Và đặc biệt mưa Huế trải dài và xuyên suốt qua hàng chục bài thơ (“Không gian tàn vũ chinh yên” Tống khách, “Phố thượng minh mông tỏa yên vũ” Thư nhạn, “Yên vũ phân phi tiếp tố thu” Dạ bạc, “Giang lâu vân hợp, vũ mơ hồ” Giang lâu vũ tọa thị Đặng Phò mã Thiếu Văn, “Vũ thanh xu hát mãnh” Thuật hoài, “Tế vũ lan san”. Hoài Cao Chu Thần)...

Mô típ ánh trăng cũng là hiện tượng thường gặp trong một số bài thơ thiên nhiên với các sắc thái khác nhau từ trăng xuống bên cầu (“Tiểu kiều nguyệt hạ tăng quy” Lục thủy) đến trăng đồng hành với sông thuyền(“Giang vĩnh nguyệt đồng hành”, “Thuận An quy châu”), đến trăng núi thơ mộng điểm trang (“Minh nguyệt điền sơn khuyết” Sơn trung, “Vạn tùng phong biếc, thiên sơn nguyệt” Long thọ cương, “Nguyệt lạc sơn thành yên lộ thâm” Ức bùi lục) trăng với cây cối ao thu (“Thu chiếu vô liên toàn thụ nguyệt - Phế viên). Hoặc ánh trăng cứ láy đi láy lại trong bài “Long Thành trúc chi từ”, từ trăng trên trời “Nguyệt minh nhất phiến tự hà niên”, đến trăng rọi khoang thuyền “Đông tân độ nguyệt khẩu minh chu”, trăng sáng trên lầu không “Dạ dạ minh nguyệt không thướng lâu”, trăng với trời nước “Bích không như thủy nguyệt bồi hồi”, đến trăng trên bóng cây già “Cổ mộc hữu chi thê dạ nguyệt”...)

Nghiên cứu các môtíp “tiếng chuông chùa”, “mưa”, “trăng”, “sông nước”, “khói”, “thuyền”, “mùa thu”, “núi”... vạch ra ý nghĩa chức năng nghệ thuật của chúng trong cấu trúc mỗi bài thơ, tìm hiểu mối liên hệ của chúng với các cảnh trí thiên nhiên khác và tâm trạng tiềm ẩn của nhà thơ sẽ là điều hữu ích. Sự diễn tiến các mô típ này trong thơ của Miên Thẩm sẽ cho thấy những ám ảnh vô thức của nhà thơ. Nếu so sánh nó với các mô típ cùng loại trong thơ Đường sẽ là một hướng thú vị, bởi từ đó sẽ nhận thức được “độ lệch” trong phong cách nhà thơ Thương Sơn, nhưng đó là điều đi quá xa so với bài phác thảo này.

Cây cỏ, hoa, trái, chim chóc được biểu hiện với những chức năng nghệ thuật khác nhau trong tư duy thơ của Miên Thẩm. Từ hoa nở trong vườn nhờ ngọn xuân lại được kết tinh thành một suy gẫm về lẽ biến dịch nở/ tàn, thành/ bại: “Kim nhật tha suy khai, Minh nhật tha suy lạc” (Hôm nay gió giục hoa nở, Ngày mai gió táp hoa rụng) (“Đông viên hoa”) và do đó nêu lên một quan niệm về tình cảm: chớ mừng khi hoa nở (“Mạc hỉ xuân phong tác”) để khỏi sầu não khi hoa tàn. Bài thơ về “cây Chiên đàn” nêu lên một đặc tính cá biệt về mùi hương của cây: ngược gió hương mới nồng “Phần hương quýnh bất quần... chỉ tại nghịch phong văn” (Chiên đàn thụ”. Qua đó, nhà thơ diễn tả một tư tưởng về người tài: sự ngược đời, sự vượt lên hoàn cảnh (hương nhờ gió mới thơm nhưng ở đây thì ngược lại). Bài “Quất chi từ” vừa dùng màu sắc để vẽ lên đặc tính của trái quýt (Ngũ nguyệt thanh thanh, ngũ nguyệt hoàng), vừa diễn tả một ý tưởng sâu sắc về mùi hương của nó, mùi hương chỉ được kết đọng qua sự chịu đựng gió mưa sương giá (Kỷ trùng phong vũ, kỷ trùng sương), và nhờ tay người tình (cam tâm thích tự tình nhân thủ, yêu thức nồng gia triệt cốt hương). Bài thơ như một ẩn dụ, mượn quít để nói người đẹp, người tài. Bài viết về chim nhạn (Thư nhạn) chỉ nói về nhạn trong một câu thứ tư trong tám câu “Ngao ngao nhẫn cơ luyến trù lữ” (Chim nhạn quên đói khát, quẩn theo đàn), với cái cảnh mùa đông buồn bã, lau lách xác xơ, mưa giăng đầu bãi, mà khói mưa mù mịt, trời lạnh, gạo thóc không, để kết đọng lại thành nỗi sầu nhớ tin người đi ở phía Nam tổ quốc (“... bi quyển văn,... Nam trung thiên khách cận như hà, mục đoạn giao thông vô ký nhạn”) Bài “Văn thiền” (Nghe tiếng ve), cái tiếng ve nổi trong gió thu chỉ là điểm xuyết cho một âm thanh buồn cho một hồi tưởng cuộc tiễn đưa năm trước mà nỗi buồn đã làm héo cả liễu “Tống quân tằng thử địa, nhất biệt hốt kinh niên, sầu sái tràng đình liễu, thu phong khởi mộ thiền”. Bài “Hoa đào” (Đào hoa) từ một nét vẽ gợi nên một cảnh thực “Nhất thị hoa khai lộ tình, ca phong tiếu diễm dương thiên” (Sân sau nở một góc hoa, cười diễm lệ giữa trời ngợi gió) để gợi ra triết lý về vẻ đẹp đối với người thoát tục: sư, xử sĩ (lão tăng miết kiến ngộ đạo, xử sĩ dao tầm đắc tiên)...

Thiên nhiên còn đóng một chức năng gợi khung cảnh hoặc ước lệ hoặc thực, nhưng mang màu sắc tâm trạng trong các mô típ gặp gỡ, chia tay, tiễn đưa, nhớ bạn... Chẳng hạn bài “Tống biệt”, cảnh khá ước lệ trăng đêm thu rọi sáng núi ải, có rượu tiễn, có chén sầu, nhưng lại mượn cảnh để diễn tả nỗi sầu và niềm nhớ mong giữa hai tâm tình. Bài theo thể thất ngôn tứ tuyệt, chỉ có chừng ấy hình ảnh và tâm tình nhưng nhờ một kỹ thuật tái cấu trúc hình ảnh và âm điệu nên trở thành một bài hay, nhất là các câu hai (Ảnh nhập ly diên, động khách bi), và câu kết (Bình phân thử địa chiếu tương tư). Đặc biệt cảnh tống biệt của thơ Miên Thẩm xuất phát từ một môi trường lịch sử biến động với bóng ngoại xâm, nên thiên nhiên trong một số bài đượm sắc hùng tráng (“Tòng quân hành”, “Tống Nguyễn mễ tòng quân”...), hoặc bi hùng (“Tống nhân tòng quân”). Thiên nhiên trong các bài nhớ bạn thường được vẽ nên với những nét ảm đạm như bài “Ức Bùi Lục” (Nguyệt lạc sơn thành yên lộ thâm, Ai viên đề đoạn dị triêm khâm) hoặc để nói lên cảnh côi chiếc vì xa bạn như bài “Tặng Cao Chu Thần”, ở đó có cảnh trời đất mù mịt, con người thui thủi một hình một bóng ven trời, vườn cũ tùng cúc hoang vắng (“Cực tích càn khôn nhất giới thân, thiên nhai hình ảnh tự tương thân, cố viên tùng cúc hoang tam kinh, tân dạ phong sương ức nhị nhân...”)

Thiên nhiên trong một số bài thơ của Miên Thẩm mất hết cái vẻ thơ mộng để trở thành một nỗi kinh dị với các màu sắc ma quái, hung hiểm liên quan đến đối tượng miêu tả hoặc về chiến tranh như bài “Cổ chiến trường hành”, hoặc cảnh khắc nghiệt của rừng thẳm, suối hoang đối với người đãi vàng như bài “Kim hộ thán”, cảnh người nghèo phải làm kẻ lưu dân như bài “Lưu dân thán”, hoặc cảnh người nghèo cúng con chết trong bài “Mai thử y”. Đặc biệt bài “Quỷ khốc hành”, thiên nhiên trong đó mang màu sắc rùng rợn.

Có thể nói thiên nhiên trong thơ Miên Thẩm ở một số bài còn gắn với đặc tính độc đáo trở đi láy đi láy lại trong một loạt bài đó là cảm quan về sự phế hưng, ở đây có lẽ ông đã tiên cảm cho hậu vận của vương triều dòng họ ông chăng? Nhưng bên dưới đó, còn là sự suy ngẫm cho lẽ đời ở trong các cặp đối nghịch: giàu/ sa sút, đông vui/ hoang vắng, tráng lệ/ điêu tàn như các bài “Phế trạch hành”, “Môn hữu xa hành”, “Đăng trấn vũ quán môn lâu”, “Phế viên”...

Như đã nói trên, nhiều bài thơ thiên nhiên của Miên Thẩm kết đọng một triết lý về đạo nhàn, triết lý ẩn dật, ca ngợi cảnh thong dong tự tại giữa chốn lều tranh am cỏ, núi xanh, chùa vắng. Về loại thơ thiên nhiên triết lý này, có thể kể đến hàng chục bài.

Tóm lại thiên nhiên trong thơ của Miên Thẩm rất đa dạng và có những sắc màu, ý nghĩa, chức năng nghệ thuật khác nhau tùy theo tâm trạng, ý tưởng và mục đích của nhà thơ ở từng bài thơ. Và chính thiên nhiên cũng liên quan đến một tâm trạng chủ yếu của thi sĩ, nỗi cô đơn trước cuộc đời và trước phong ba của lịch sử mà ở đó con người như Vương đã bất lực. Chỉ nhờ có nó mà người thi sĩ quên đi nỗi niềm sầu muộn trong triết lý của cái đẹp và sự thung dung. Dẫu sao, chính nhờ vậy mà thơ của Miên Thẩm có vẻ quyến rũ riêng...

Lập đông- Kỷ Mão
B.N
(137-07-00)


-------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ưng Trình và Bửu Dưỡng: Tùng Thiện Vương, Huế- Sài Gòn, Nhà in Sao Mai, Thủ Đức, 1970.
2. Ngô Văn Chương, “Phân tích những khuynh hướng tình cảm, đạo lý, xã hội trong thi ca Tùng Thiện Vương", Tủ sách văn học, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, SG, 1970.
3. Thơ Tùng Thiện Vương, Ngô Linh Ngọc- Ngô Văn Phú dịch, Mai Ưng đề tự, Văn học, Hà Nội, 1991.
4. Trần Thanh Mai, Tuy Lý Vương, Huế, Ưng Linh xuất bản, 1938.
5. Trần Như Uyên. Những khuynh hướng chủ yếu trong thơ Tuy Lý Vương, Tiểu luận cao học, SG, 1967.
6. Thơ Tuy Lý Vương Miên Trinh, Trần Như Uyên dịch và giới thiệu, Bửu Cầm hiệu đính và đề tựa, Nxb Văn học và Sở VHTT Huế, 1992.





Các bài mới
Các bài đã đăng