Nghiên Cứu & Bình Luận
Truyện trinh thám - nhìn từ hiện tượng
16:47 | 08/08/2008
NGUYỄN XỚNXét trên quy mô toàn cầu, vào những năm cuối của thế kỷ XX, trước sự phát triển phi mã của công nghệ và ý thức máy tính, văn học đã biểu hiện nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Thực tế này được mang vào thế kỷ mới một cách dễ dàng, không hề gặp một sự kiểm soát nào.

Một người Mỹ, Marsan Maiconruhan, nhà bình luận thời sự văn học hiện nay, than phiền rằng việc đọc các bộ tiểu thuyết dài và truyện ngắn truyền thống ở Hoa Kỳ, chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành chuyện ngày xưa. Ông giải thích rằng sở dĩ văn đàn ở đây đánh mất bạn đọc của mình là do sự xuất hiện các trò chơi điện tử, tivi, film, đĩa CD,… và các phương tiện thông tin đại chúng khác, tinh xảo và hiện đại. Ở Trung Quốc, tình hình cũng chẳng có gì để lạc quan, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Dư Bình cho biết “văn học Trung Quốc đang chịu một sự ghẻ lạnh chưa từng có”. Có người còn cho rằng văn học Trung Quốc “đang rơi vào vũng bùn của những vũ nữ, trở thành phương tiện để một số nhà văn thổ lộ tư tình, huyênh hoang những điều phù phiếm”. Văn học Nga cũng chuyển đổi theo chiều hướng trên, Grigori Salvovich, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài, nhận định rằng nếu như trước đây, văn học Nga tồn tại trên một ốc đảo nào đó và phát triển theo những quy luật riêng của nó, thì bây giờ độc giả muốn nhìn thấy đúng những gì mà độc giả phương Tây nhìn thấy.
Trở về với đời sống văn học Việt những năm gần đây, chúng ta thấy có nhiều biểu hiện khác trước. Mỗi người dân Việt bình dị, sau khi cương quyết và nhanh chóng chặt phá lũy tre làng bề thế như một trường thành, ngay lập tức, họ hối hả sống trong một môi trường xã hội khẩn trương. Ai cũng phải nhanh tay, nhanh mắt và khéo léo mới bắt nhịp được cơ chế thị trường đang cuồn cuộn vận động. Trước một bối cảnh như thế, con người thường chú ý đến việc giữ gìn sức khoẻ để làm việc và hưởng thụ. Cho nên, sách giải trí, sách tiêu khiển nghiễm nhiên trở thành “sách cần đọc”, sách “gối đầu giường” của nam thanh nữ tú, của các bậc về hưu là lẽ đương nhiên.
Theo một số chuyên gia nước ngoài nhận định, giữa đường biên hai thế kỷ, có bốn hiện tượng văn học nổi bật đang xảy ra mang tính toàn cầu, tất nhiên, mức độ của từng quốc gia có khác nhau.
Một là kiểu văn học mô phỏng siêu văn bản máy tính. Đặc điểm chủ yếu của nó là sự phát triển chủ đề theo hướng nhiều biến thể trò chơi với văn bản, lúc ẩn lúc hiện, lúc thì hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại những lời bình luận hấp dẫn và ấn tượng. Người Nga gọi đây là văn bản biến mất.
Hai là sự hứng khởi kỳ lạ đối với văn học không hư cấu (non fiction), các loại văn xuôi tư liệu, hồi ức, thư từ, nhật ký,…
Ba là văn học trẻ. Đây được xem như là làn gió mát làm thay đổi bầu không khí văn chương vốn hay khô hanh, nóng nực. Thế hệ sáng tạo muốn cái gì cũng phải mới, muốn sáng tạo theo sở thích của mình, ít lưu luyến tới văn chương truyền thống mà cha ông đã xây nên.
Bốn là văn học trinh thám có thêm chút tình dục và bạo lực, tội ác và trừng phạt.
Ở Mỹ, quê hương của Edgar Poe, người được coi là ông tổ truyện Trinh thám, nhiều người quan niệm rằng truyện Trinh thám chỉ là một loại truyện ba xu, chính xác hơn là “truyện mười xen”, hay “pulp fiction”, loại in trên giấy xấu, cho đại chúng mua vui, trước đây chỉ xuất bản trên các đặc san. Tuy nhiên, chính quốc gia văn học hùng mạnh này, lại là nơi có nhiều nhà viết truyện Trinh thám lừng danh nhất hiện nay, là nơi “sản xuất” và tiêu thụ truyện Trinh thám với số lượng khổng lồ mà không một nước nào sánh kịp. Tình dục, tống tiền, tham nhũng, bạo tàn, lừa đảo, trả thù, giết chóc,… là những gì các nhà viết truyện Trinh thám Mỹ muốn trình diện cho công chúng.
James Mallahan Cain được người dân Mỹ xem là ông hoàng của thể loại này. Tác phẩm đầu tiên của J.M.Cain là cuốn truyện Người phát thư luôn luôn bấm chuông hai lần (The postman always twice), xuất bản năm 1934. Cuốn truyện này không dày, hơn 120 trang. Với lối kể chuyện trực tiếp dồn dập, đối thoại thẳng thắn, có pha chút khôi hài châm biếm, tác phẩm kể về một gã thất nghiệp tên là Franc Chambers và một thiếu nữ trẻ, đẹp, có chồng luống tuổi. Bắt đầu là những cuộc “lên giường” dữ dội, bốc lửa của hai người, sau đó là những cuộc án mạng liên tục, khủng khiếp, cuối cùng y phải đền tội.
J.M.Cain cùng với Dashiell Hammett và Raymond Chandler, đã làm nên ba cột trụ lớn và chắc chắn của văn học trinh thám Hoa Kỳ. Tác phẩm của họ làm ảnh hưởng tới nhiều nhà văn khác và công chúng ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, một số nhà văn trinh thám khác, nổi tiếng hiện nay ở Mỹ mà tác phẩm của họ được dịch nhiều và bán chạy ở nhiều quốc gia phải kể tới James Ellroy, Chester Himes, Ross Macdonall, Edward Bunker,… Trong số đó, mỗi người có từng số phận rất “hình sự”: James Ellroy trở thành nhà văn từ một kẻ bụi đời, Edward Bunker từng lĩnh án tử hình.
Người Pháp có học thức đã sáng tạo ra cụm từ Roman noir (Tiểu thuyết đen) để chỉ loại truyện đặc thù này. Nếu tác phẩm trinh thám nào đó được dựng phim, thì họ coi đó là Film noir (Phim đen), hoặc Femme fatale (Người đàn bà định mệnh). Họ giải thích rằng Femme fatale là một nhân vật nữ khiêu gợi, bí hiểm, có sức quyến rũ đến tê dại, thường là mầm mống của tội ác.
Truyện Trinh thám của Pháp ảnh hưởng truyền thống Mỹ rất rõ. Bị quyến rũ bởi truyện của J.M.Cain, năm 1945, anh em nhà Gallimard đã khai trương một Série noir (Tủ sách đen), chuyên in và bán truyện Trinh thám của Mỹ, sau đó của Pháp, rồi mới đến các nước khác. Đến năm 1968, tủ sách đã in được 2500 đầu sách, đoạt kỷ lục in ấn một thể loại đặc biệt không chỉ riêng ở Pháp mà toàn cầu. Một sự kiện rất thú vị và được nhiều người chú ý là năm 1946, Boris Vian, nhà văn kiêm ca sỹ nhạc jazz tài hoa đã đánh cá với giám đốc Nhà xuất bản Scorpio, Jean d’Halluin, rằng ông có thể viết một truyện Trinh thám kiểu Mỹ chỉ trong vài tuần. Cuốn truyện Tao sẽ khạc nhổ lên mộ chúng mày (J'irai cracher sur vos tombes) được Boris Vian viết trong 10 ngày. Tác phẩm “nhại văn” này kể về một thanh niên Mỹ đen lai trắng, khoẻ mạnh, đẹp trai, tên là Lee Anderson, đến một vùng nọ để trông coi một hiệu sách nhỏ. Tại đây, y đã ve vãn, hiếp dâm và giết hai cô gái da trắng, vốn là hai chị em ruột, con nhà giàu có. Hành động kinh rợn này của y chỉ để báo thù cho đứa em trai mình, vì đã yêu một cô gái da trắng, ở quê nhà, nên bị cha và anh trai cô gái bắn chết. Lee đã bị dân chúng địa phương treo cổ. Tao sẽ khạc nhổ lên mộ chúng mày được các nhà phê bình Mỹ lẫn Pháp khen ngợi là “đen hơn đen”, “phức tạp và đa diện hơn truyện Mỹ”.
Trong hai thập kỷ 80 và 90, công chúng Pháp hào hoa đã nhận thức được rằng không có lý do gì họ phải mua sách, dù nó rẻ rúng đến đâu, mẫu mã loè loẹt ra sao, khi mà bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, chỉ cần bấm khẽ nút điều khiển từ xa là có thể xuất hiện cả một xiri phim trinh thám, tha hồ lựa chọn. Quan điểm này đã tác động mạnh mẽ tới các nhà viết loại truyện ăn khách này thời hiện đại: Họ đang phải đương đầu với tầng lớp độc giả sành điệu và khó tính, có học vấn, văn hoá cao - loại người hiện nay còn ham đọc. Điều này đồng nghĩa với việc văn học trinh thám không còn là thứ “á văn chương” (para litérature) nữa. Xin dẫn ra số liệu sau đây: Chỉ tính tới năm 1995, riêng ở Pháp, Mari Higgins Clark đã được dịch khoảng 15 đầu sách, Parixia Cornewll đã có tới 6 cuốn.
Người Pháp cũng công khai thừa nhận truyện Trinh thám chỉ là thứ văn học tiêu thụ thuần túy, vì thế, nó càng ngày càng nhạy cảm với thị hiếu, với thời sự hơn bất cứ loại văn học nào. Cho nên, việc giữ thăng bằng, độ căng giữa nhu cầu đổi mới của quy luật sáng tạo để đáp ứng nhu cầu người đọc hiện nay và những quy tắc có tính truyền thống, tuy đã rêu phong, của thể loại này, đang là một thử thách đối với những nhà văn hiện nay.
Ở Anh, quê hương của Conan Doyle, danh hiệu “Nữ hoàng của tội ác” đã được các nhà phê bình văn học đặt cho Agathia Christie, khi bà đang đứng ở đỉnh cao của nghệ thuật truyện Trinh thám. Một điều rất lạ là sau “đế chế Christie”, hàng loạt tác giả nổi bật của thể loại truyện này đều là phụ nữ: Reeth Rendlerd, Ratrica Cornewll, P.D.James, Sue Grafton,… Các tác phẩm của Agathia Christie như Người vợ mất tích, Lâu đài cổ kính được bán rất chạy ở nhiều nước.
Với truyện Trinh thám, ở nước Anh, giường như ranh giới giữa “Văn chương đích thực” và “Văn học tiêu thụ” đang nhòe dần. Chúng ta hẳn chưa quên, cuối thế kỷ XIX, cảnh người dân Anh ở những vùng xa xôi, đứng giữa tuyết dày kiên nhẫn ngóng chờ chiếc xe thư chở số báo đăng tải truyện Sherlock Holmes như thế nào và sự thất vọng não nề ra sao, khi chiếc xe không tới được, do thời tiết ngày đó quá xấu. Còn bây giờ, một chuyện động trời vừa xảy ra: Conan Doyles bị nghi là kẻ giết người và đạo văn.
Nghi vấn hình sự này được một tổ thanh tra có trách nhiệm đưa ra và họ dự định sẽ tìm sự thật bằng cách khai quật mộ nạn nhân tại nghĩa trang Devon . Nạn nhân là Bertram Fletcher Robinson, nguyên chủ bút tờ The Daily Express, bạn thân của Doyles và có thể là đồng tác giả của cuốn The Hound of the Baskervilles - một tác phẩm lâu nay vẫn được coi là sáng tạo riêng của Conan Doyles. Những người nghi ngờ khả năng Conan Doyles có dính líu đến vụ giết người ám muội này đã cho rằng động cơ tội ác của nhà văn có thể là ông không muốn chia sẻ quyền tác giả cuốn tiểu thuyết nói trên với nạn nhân.
Ông Spiring, người dẫn đầu nhóm thanh tra đưa ra những bằng chứng cho rằng để tránh rắc rối với luật pháp, Doyles đã mượn tay vợ của Robinson, lúc đó đang có cuộc tình vụng trộm với chính Doyles, đầu độc chồng bà. Phần lớn các học giả và những người đam mê Sherlock Holmes cho rằng giả thuyết này là một điều nhảm nhí. Bà Heather Owen, thành viên Hội Sherlock Holmes (Sherlock Holmes society), cho rằng giả thuyết được đưa ra hoàn toàn là một điều tưởng tượng.
Hiện tượng vừa nêu ở trên cho chúng ta thấy rằng Doyles đã nổi tiếng như thế nào và người Anh mê truyện Trinh thám ra sao!
Rodger Garaich Stecle, nhà văn Anh, nói rằng nước Nga bây giờ là một cường quốc truyện Trinh thám, chỉ có điều xưa và nay họ đều viết khác truyền thống Anh - Mỹ.
Về thể loại truyện này, giới nghiên cứu văn học Xô Viết trước đây coi nó là cận văn học. Tuy vậy, vào những giai đoạn lịch sử khác nhau, người ta đưa ra những cách gọi khác nhau. Sau nội chiến: Văn học chống tội phạm. Trong và sau chiến tranh vệ quốc vĩ đại: Truyện chống gián điệp, truyện tình báo. Vào những năm 80, 90 (của thế kỷ XX): Truyện Hình sự. Bây giờ: Truyện Trinh thám.
Hiện nay, hai anh em Arkadi và Georgi Vayner, là hai nhà văn trinh thám nổi tiếng ở Nga. Tác phẩm của họ đã được xuất bản tại 40 nước trên thế giới với gần 30 triệu bản. Những bộ phim được xây dựng từ tác phẩm của họ đang chinh phục trái tim nhiều thế hệ ở Nga. Hai anh em nhà Vayner cùng viết chung nhiều cuốn truyện Hình sự. Tuy vậy, người đọc dễ nhận ra hai phong cách khác nhau: Georgi thành công về hình sự, Arkadi về tình yêu. Các tác phẩm Thuốc chống sợ, Những cuộc đua theo chiều thẳng đứng, Dây thòng lọng và viên đá trên thảm cỏ xanh, Kinh Phúc âm và tên đao phủ, Dò dẫm giữa trưa,… và một số tác phẩm khác là những cuốn được hai anh em phân công nhau viết.
Công chúng Nga cho rằng hai anh em Vayner là những người “mang ngọn lửa tiếp sức cho thể loại truyện Trinh thám ngày nay”.
Ở Trung Quốc, truyện Trinh thám có nhiều biểu hiện không giống so với những nước khác. Thực tế, một số quốc gia Châu Âu: Italia, Hunggari chẳng hạn, truyện Trinh thám của họ ảnh hưởng tới đời sống văn học thế giới nhiều hơn Trung Quốc. Chúng tôi “tạt” qua đất nước này cũng có lý của nó: Truyện Kinh tế - Hình sự, theo cách gọi của họ, đang ảnh hưởng tới Việt , nhất là phim truyền hình nhiều tập.
Vào thập kỷ 90 (của thế kỷ XX), nhờ tiếp thu những tư tưởng văn học Âu - Mỹ, nhờ sự đổi mới, tuy không hối hả, về quan niệm văn học, trong đời sống văn học đương đại Trung Quốc, đang xuất hiện nhiều hiện tượng đáng chú ý. Một trong những thay đổi lớn lao đó là sự hình thành một dòng văn học mang nhiều yếu tố hình sự. Giới phê bình văn học Trung Quốc gọi bằng một cái tên rất thực tế và hợp lý: Tiểu thuyết Kinh tế - Hình sự. Tuy nhiên họ cũng cảnh báo rằng loại tiểu thuyết này còn lâu mới đuổi kịp được cách thức theo kiểu điều tra - hình sự của phương Tây.
Về đại thể, loại Truyện Kinh tế - Hình sự của Trung Quốc có những đặc điểm sau.
Phê bình xã hội là loại truyện phê bình ảnh hưởng mặt trái của kinh tế hàng hóa và hiệu ứng của đồng tiền đối với mọi giai tầng xã hội, đồng thời thức tỉnh đạo đức, lý tưởng, văn hóa, quan điểm về giá trị và cái đẹp. Lương Hiểu Thanh, Lưu Ba được coi là những người tiêu biểu. Những hành vi phạm tội đưa vào tác phẩm như là yếu tố tạo thành tác phẩm.
Xây dựng lại lý tưởng là cách gọi dành cho các tác phẩm viết về nhân cách giai cấp công nhân và những thử thách ghê gớm của xí nghiệp quốc doanh trong quá trình chuyển đổi. Sự phạm pháp được nhanh chóng vạch trần và bị trả giá xứng đáng. Người công nhân cuối cùng của Tiêu Khắc Phàn, Thiên hạ năm buồn của Đàm Ca rất được ưa chuộng.
Tinh thần nhân văn là một trong những tư tưởng nghệ thuật được coi trọng trong trào lưu văn học Kinh tế - Hình sự ở Trung Quốc trong những năm 90. Đứng trước bờ vực của sự phạm tội, con người thức tỉnh những gì cao đẹp vừa lim dim ngủ. Thế giới tinh thần bừng sáng lại. Chìa khoá của Vương Khánh Huy là một cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho kiểu sáng tạo này.
Tiểu thuyết Kinh tế - Hình sự của Trung Quốc chú trọng nhiều tới tính giải trí, tiêu khiển. Nhiều nhà văn xem đây như là một thủ pháp nghệ thuật, như một phương thức dựng truyện. Tài trí, thông minh, bản lĩnh của Người điều tra (thường là công an hình sự), của kẻ tội phạm (có thể là người có quyền lực trong bộ máy công quyền) được đặc biệt chú ý khai thác. Nhiều yếu tố ly kỳ, bất ngờ, táo bạo, gay cấn,… được sử dụng. Ngoài ra những chi tiết hài hước, gây cười được đưa vào tác phẩm một cách thỏa đáng, tăng đáng kể hiệu ứng thẩm mỹ của người đọc. Hoa hồng ấn của Kiều Kiện, Ai ngu hơn ai của Triệu Cường rất đáng để chúng ta nhắc tới.
Nhanh chóng lần theo những hiện tượng được các “siêu cường trinh thám” để lại, tuy chưa thật nhiều, chúng ta có thể nói rằng truyện Trinh thám đã, vẫn và luôn hấp dẫn, quyến rũ với công chúng và không ngừng khao khát đổi mới của nhà văn.
N.X

(nguồn: TCSH số 234 - 08 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng