Nghiên Cứu & Bình Luận
Hình tượng người trần thuật trong tác phẩm Người tình của Marguerite Duras
16:24 | 11/08/2008
TRẦN HUYỀN SÂM Người tình là một cuốn tiểu thuyết hiện đại nổi tiếng của M.Duras. Tác phẩm đoạt giải Goncourt 1984, và đã từng gây một làn sóng xôn xao trong dư luận. Người tình được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tác phẩm cũng đã được chuyển thành kịch bản phim 1992 (qua đạo diễn Jean-Jacques Annaud).
Hình tượng người trần thuật trong tác phẩm Người tình của Marguerite Duras

Với Người tình, M.Duras đã trở thành một hiện tượng văn học độc đáo, một đối tượng chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu, phê bình. Tác phẩm đã được báo chí ở Pháp dành những lời phê bình trang trọng nhất: "Nói rằng Người tình là một kiệt tác vẫn là chưa nói được hết lời. Những cuốn sách như thế này làm rạng danh nghệ thuật của chúng ta" (1.110).
Sở dĩ Người tình được công chúng đón nhận nồng nhiệt như vậy, theo tôi bởi hai lẽ: 1. Sức hấp dẫn của đề tài và giá trị nhân bản của nó; 2. Sự đổi mới táo bạo về phương diện nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết. Bài viết này quan tâm đến phương diện thứ hai, đặc biệt đi sâu vào hình tượng người trần thuật - một yếu tố quan trọng, cơ bản để làm nên sự thành công rực rỡ của tác phẩm.
Người tình là một cuốn tiểu thuyết có nhiều đổi mới về phương diện thi pháp. Giới phê bình cho rằng, trong tác phẩm này, M.Duras đã thể hiện một bút pháp là lạ... Có thể thấy một vài đặc điểm nổi bật của tác phẩm này: Cốt truyện không phức tạp, kịch tính không cao; nhân vật ít và thường không có tên gọi; yếu tố kể trong truyện cũng ít hơn, nó làm cho tác phẩm có tính chất écriture minimale (cách viết tối thiểu) và texte minimal (văn bản tối thiểu); tác giả phát huy tối đa bút pháp trắng trong loại tiểu thuyết tảng băng trôi của E.Hemingway; thủ pháp gián ghép điện ảnh được kết hợp nhuần nhuyễn với thủ pháp đồng hiện thời gian và chiếm ưu thế trong tác phẩm. Đứng về góc độ tâm lý học mà xét, Người tình ảnh hưởng sâu sắc phân tâm học Freud và tâm lý học trực giác của Bergson.
Những đặc điểm trên được quy chiếu từ một phương diện quan trọng trong tác phẩm - hình tượng trần thuật. Hình tượng trần thuật với cái tôi ký ức, nó có khả năng chiếm lĩnh, thống trị và chi phối mọi yếu tố trong tác phẩm. Cốt truyện, nhân vật, không thời gian. Với cái tôi tự thuật, tác giả có khả năng làm bừng dậy vùng lãng quên trong ký ức, tái hiện lại một cách trọn vẹn mối tình của cô gái da trắng, số phận đau khổ của bà mẹ tuyệt vọng và chân dung sinh động của một gia đình người Pháp sống ở thuộc địa Việt Nam. Vì vậy, người trần thuật không những cho ta thấy những gì nó kể mà còn thấy được bản thân người kể.
1. Người trần thuật có trùng khít tác giả M.Duras? Đây cũng là một dấu hỏi mà các nhà nghiên cứu từng quan tâm.
Trong tác phẩm tự sự, tác giả bao giờ cũng xuất hiện dưới hình thức người trần thuật để kể lại câu chuyện, đánh giá, bình luận, nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp trong tác phẩm. Người trần thuật bao giờ cũng mang tiếng nói, quan điểm, tư tưởng của tác giả; nó thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người.
Người tình là cuốn tiểu thuyết có tính chất tự truyện. Tác phẩm viết về mối tình say đắm, nồng nhiệt của cô bé da trắng mười lăm tuổi rưỡi với chàng trai Trung Hoa 27 tuổi. Lồng vào câu chuyện tình yêu, tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động số phận bi thảm của những người da trắng (có tham vọng sang Đông Dương làm giàu) ở thuộc địa Việt đầu thế kỷ XX. Người ta ngầm hiểu cô bé trong truyện chính là M.Duras và số phận bi thảm của những người da trắng ấy, chính là gia đình của tác giả. Bởi M.Duras từng sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt . Tuổi ấu thơ, tuổi xuân tình của M.Duras đã đi qua trên mảnh đất này gần hai mươi năm. Việt đã trở thành một dấu ấn ám ảnh trong tâm thức của tác giả và trở thành đề tài chính trong sáng tác của bà. Mối tình đầu đầy say đắm của M.Duras đã từng đi vào trong nhiều tác phẩm như: Đập chắn Thái Bình Dương. Người tình và Người tình Hoa Bắc. Trong đó, Người tình là tác phẩm mô tả sâu sắc, sinh động và toàn vẹn nhất mối tình đầu ấy. Tác giả cũng đã không ngần ngại khi đưa vào những điều bí mật, thầm kín của thế giới tình yêu.
Vậy, nhân vật tôi trong tác phẩm có phải là M.Duras hay không? Trả lời báo Người quan sát mới, M.Duras thừa nhận những nhân vật, những chi tiết có thực trong tác phẩm. Câu chuyện cùng xảy trên một địa điểm cụ thể đúng như những gì mà tác giả đã trải qua. Với những sự kiện như vậy, người đọc dễ đi đến kết luận người trần thuật trong tác phẩm chính là tác giả.
Tuy nhiên, cũng không nên hoàn toàn đồng nhất M.Duras ngoài đời với M.Duras trong tác phẩm. Từ lai lịch của cuộc đời đến hình tượng trần thuật trong tác phẩm đã là một quá trình "sắp xếp lại", hư cấu, sáng tạo của nhà văn. Hình tượng trần thuật ấy bao giờ cũng mang tính thẩm mỹ, thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng của nhà văn. Có lẽ, chúng ta nên xem người trần thuật trong tác phẩm chỉ là bóng dáng của hình tượng tác giả. M.Duras cũng đã từng bộc lộ: "Câu chuyện về cuộc đời các bạn, cuộc đời tôi, không có, hoặc đấy là một vấn đề về từ vựng. Cuốn tiểu thuyết về cuộc đời tôi, về cuộc đời của chúng ta, thì có đấy, nhưng câu chuyện thì không có đâu. Đấy là sự trình bày thời gian qua đầu óc tưởng tượng mà hơi thở đã có sức sống" (1.113).
2. Người trần thuật với cái tôi tự thuật. Trong tác phẩm Người tình, người trần thuật chính là người "chủ xướng", đồng thời là "người tham dự"' vào mọi biến cố của câu chuyện. Người trần thuật là người kể chuyện, đồng thời cũng là nhân vật trung tâm của chính câu chuyện mà nó kể lại. Ở đây, với tính chất tự thuật, cái tôi ký ức của hình tượng người trần thuật đã thống lĩnh tất cả, nó có khả năng xâu chuỗi mọi yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm. Cái tôi ký ức của tác phẩm như một sợi dây vô hình nhưng bền chặt, xuyên suốt tác phẩm, kết nối những hình ảnh đứt quãng trong "cuốn phim" lộn xộn, hỗn tạp về mối tình của cô gái da trắng, về số phận bi thảm của gia đình người Pháp ở thuộc địa Đông Dương.
Để làm trỗi dậy cái tôi ký ức trong vùng lãng quên, M. Duras đã chọn cái tôi tự thuật với phương thức trần thuật chủ quan. Tức là sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn của một nhân vật - người quan sát có khả năng nhìn thấy được mọi biến cố trong câu chuyện, nó có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật. Đây là điểm nhìn từ bên trong, mà theo cách gọi của giáo sư Nguyễn Văn Hạnh là phương thức trần thuật có tính chất nội quan (introspection). Sự trần thuật này mang tính cá thể hóa rất cao, nó diễn đạt sâu sắc, tinh tế cảm xúc, tâm trạng về những gì mà nhân vật đã trải nghiệm.
Bằng phương thức trần thuật nội quan này, người trần thuật có điều kiện phô bày, diễn tả tất cả những gì bên trong sâu thẳm nhất của tâm hồn. Cái tôi ký ức có thể khám phá sự đa dạng, phức tạp trong đời sống nội tâm của chính mình. Và chỉ trong tầng sâu thẳm của tâm hồn, người trần thuật (cô gái da trắng) mới có thể nói lên những ước muốn thầm kín, những nỗi đau riêng tư, những ám ảnh vô thức.
Cái tôi ký ức cho phép người trần thuật cất lên tiếng nói thầm kín bên trong tâm hồn. Nó cũng không ngần ngại bộc lộ những dục vọng đắm say, đam mê của tình yêu - kể cả những gì sâu kín, bí ẩn riêng tư nhất: "Cô đưa tay sờ người anh. Cô mơn man sự êm dịu của giới vật, của làn da, cô ve vuốt màu vàng cốm, điều mới lạ chưa từng biết... anh vừa khóc vừa yêu cô. Thoạt đầu cô thấy đau. Và rồi cái đau cũng bị lấn át, bị thay đổi, từ từ bị bựt rễ, bị cuốn đi về phía sự hoan lạc, ôm chặt cô. Biển cả không định hình, chỉ biết không gì có thể so sánh được"(1.37). Bằng cái tôi ký ức, người trần thuật có thể phô bày nhiều tầng cảm xúc bên trong của cô gái - nhân vật trung tâm của tác phẩm. Thế giới tình yêu trong cô là một thế giới hỗn mang, đầy phức tạp. Nó là một mớ hỗn độn nhưng sáng rõ, thoáng vụt đến rồi vụt đi trong ký ức xa xăm. Nó ngủ yên trong vùng lãng quên bỗng trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Người trần thuật phải làm vai trò tái diễn lại những mảng tâm trạng, xúc cảm, những suy tư phi lôgic ấy của nhân vật.
Nhân vật của M.Duras theo như cách gọi của M.Bakhtin là "nó không bao giờ trùng khít với bản thân nó". Và vì vậy, cần phải khám phá con người trong con người mới có thể tìm ra bản ngã theo đúng nghĩa của nó: "Sự sống đích thực của cái bản ngã diễn ra dường như ở cái điểm con người vượt ra ngoài giới hạn của toàn bộ cái hiện hữu của nó như một vật thể sinh tồn mà ta có thể rình xem, có thể nhận định tiên đoán ngoài ý muốn của nó - sau lưng nó" (2.261). Tình yêu của cô gái với chàng trai không thuần nhất. Thoạt đầu cô đến với anh là vì tiền: "Tôi đi với anh ta là vì tiền, tôi không thể yêu anh ta, nhất thiết không thể yêu được". Sau đó,cô bị cuốn hút vào đam mê dục vọng của ái tình, cô tìm thấy ở đó một niềm hoan lạc mà cô không thể dứt ra được, không thể thiếu được, nó như nước hút vào trong cát. Và khi người tình Trung Hoa không còn bên cô, tình yêu đã dứt ra, lìa xa trong cô mới vỡ òa tất cả. Từ trong sâu thẳm đã trỗi dậy một tình yêu chân thực, mãnh liệt - một tình yêu thiêng liêng mà từ trước đến nay cô không ngờ tới, không nhận biết: "Đêm hôm đó, cái đêm đã mất đi giữa muôn trùng những đêm... cô gái đứng lên... và rồi sau đó cô khóc, bởi cô nghĩ đến người đàn ông Chợ Lớn, và cô bỗng không còn chắc chắn là đã không yêu anh ta bằng một mối tình mà cô đã không nhìn thấy, vì nó đã bị hút vào câu chuyện như nước vào cát và giờ đây, cô chỉ tìm thấy lại nó vào cái khoảnh khắc này của âm nhạc vút lên qua biển cả" (1.105).
Tình cảm của cô đối với mẹ cũng phức tạp, mâu thuẫn như vậy. Cô nói về mẹ như một đối tượng của lòng yêu thương hận thù. Bà hiện thân của sự đau khổ và cũng là nguyên nhân gây nên tội trạng. Bà đứng về anh cả "kẻ săn lùng trong bóng tối" - kẻ sát nhân, kẻ đã nướng dinh cơ của gia đình chỉ qua một canh bạc trong đêm, đẩy gia đình đến chỗ khốn cùng: "Tôi bị ám ảnh bởi vì người ta giết hại anh nhỏ tôi. Đối với cái chết, một đồng lõa duy nhất, mẹ tôi... Tôi nghĩ, mình đã nói đến tình yêu thương dành cho bà, mẹ của chúng tôi; nhưng tôi cũng không biết mình có nói đến lòng hận thù đối với bà".
Người trần thuật không chỉ mô tả cái ý thức hiện hữu, nó còn có khả năng khám phá phô diễn những ẩn ức, những cái ám ảnh vô thức ẩn chứa bên trong sâu thẳm của nhân vật. Như trên đã nói, tác phẩm Người tình ảnh hưởng sâu sắc phân tâm học của Freud. Nhân vật tôi - cô gái da trắng trong tác phẩm luôn luôn ám ảnh những ham muốn tình dục (cái le a - cái khát dục - theo cách gọi của Freud). Cái ham muốn đó đẩy lên đến đỉnh điểm, nó bị dồn nén trong cõi tiềm thức và sẵn sàng trỗi dậy khi có những hình ảnh gợi sự liên tưởng.
Chẳng hạn, khi người trần thuật quan sát thân hình của người bạn gái Hélène, bỗng cô (người trần thuật) cảm thấy ở đó có sức cám dỗ ghê gớm của xác thịt, của sự khoái cảm. Những ẩn ức, ham muốn tình dục đó được người trần thuật chuyển hóa từ người tình Trung Hoa sang cô bạn gái Hélène: "Tôi những muốn ăn vòng ngực của Hélène Lagonelle như anh ta ăn vòng ngực của tôi trong căn phòng thành phố người Hoa, nơi tối nào tôi cũng đến tìm hiểu sâu về Chúa. Bị ngấu nghiến những đôi ngực bằng hoa bột như ngực của cô ta. Tôi mệt lử vì thèm muốn đối với Hélène Lagonelle. Tôi mệt lử vì thèm muốn" (1.68). Freud cho rằng, đó là những ám ảnh dồn nén bên trong cảm xúc, trong trí tưởng, chúng trở thành "siêu ngã" mà ý thức không kiểm soát được, nó cư trú trong tiềm thức sâu xa và luôn xảy ra cuộc xung đột với tự ngã. Nhân vật tôi bị ám ảnh ghê gớm về những cuộc tình với người tình Trung Hoa và nó tìm thấy lạc thú ấy trong trí tưởng tượng, qua trung gian một hình ảnh khác: "Tôi muốn đưa Hélène Lagonelle cùng đến nơi tối tối, mắt nhắm nghiền, tôi thả mình cho niềm lạc thú đến phải kêu lên. Tôi muốn trao Hélène Lagonelle cho người đàn ông ấy đã từng làm việc đó trên người tôi, để anh ấy tiếp tục làm nó trên người cô ta...)
Có thể nói, chỉ dưới hình thức kể chuyện mang tính tự bạch, tự phô diễn cái tôi sâu thẳm của mình, Người tình mới có được "lời nói tối hậu về con người". ở đây, cái tôi tự thuật đã "bung" ra tất cả, nó không ngần ngại khi "trưng bày" những suy nghĩ, cảm xúc dưới tầng sâu của ý thức, của vô thức trong con người. Nó đã khám phá "con người trong con người" bằng tất cả các phương diện vốn có của nó. Nếu người trần thuật trong tác phẩm không phải là nhân vật tôi tự nói về mình, thì nhân vật hẳn sẽ không có sức sống nội tại như vậy.
3. Điểm nhìn trần thuật: Do bị cái tôi ký ức điều chỉnh, thống lĩnh (bằng những chớp nhoáng ẩn hiện của sự hồi tưởng), hình tượng trần thuật trong tác phẩm không đứng yên một chỗ để bao quát câu chuyện. Hình tượng người trần thuật được xây dựng trong một hệ thống với các điểm nhìn đa phương mà chính "dòng tâm tưởng" của cái tôi ký ức tạo thành góc nhìn đó. Người trần thuật vừa đóng vai trò trần thuật, vừa tham dự vào câu chuyện để đặt các điểm nhìn dưới nhiều góc độ. Có lúc trên cùng một trang viết, nhưng M.Duras đã chuyển điểm nhìn một cách tài tình, linh hoạt.
Hình tượng trần thuật có khi nằm ngay trong bản thân cô gái, có khi chuyển sang chàng trai, và có lúc nó tách riêng ra một cách khách quan để có thể soi ngắm cặp nhân tình. Chẳng hạn ở đoạn trong phòng trai xuân, điểm nhìn được đặt ở ba góc độ. Khi thì ở người trần thuật (ở ngôi thứ nhất) tự nói về mình, tự nêu lên cảm xúc nhận xét về cuộc tình tự: "Tôi bảo anh nhích lại, bảo anh ta lại yêu tôi. Anh nhích lại gần. Người anh thơm mùi thuốc lá Ăng lê, mùi thơm đắt tiền, người anh toàn mùi mật ong, làn da anh lâu ngày ngấm mùi lụa, mùi tussor lụa ngọt như mùi hoa quả, mùi của vàng ròng, anh thật hấp dẫn. Tôi thèm anh và tôi nói với anh điều đó" (1.40). Điểm nhìn trần thuật di chuyển sang chàng trai và từ góc độ này, người đọc có thể thấy được thái độ nhát sợ, yếu đuối của chàng trai Trung Hoa trước cô gái da trắng: "Anh ta, anh ta run lên. Thoạt đầu anh nhìn cô như chờ cô lên tiếng, nhưng cô không nói gì. Như vậy cả anh ta cũng không đụng đậy, anh không cởi bỏ xống áo cổ, anh nói anh yêu cô như điên dại, anh nói rất khẽ. Rồi anh im lặng. " (1.35). Cùng trong một đối tượng trần thuật này, người trần thuật bỗng tách ta khỏi chàng trai và cô gái, nó có thể đặt điểm nhìn cận cảnh để soi ngắm, bình xét, đánh giá về cặp tình nhân. Trong khoảnh khắc này, người trần thuật ở ngôi thứ ba và nói tiếng nói khách quan: "Anh ta lột bỏ chiếc áo dài, anh ném nó đi, anh lột bỏ chiếc quần lót nhỏ bằng vải bông trắng và bế cô trần truồng như vậy ra giường... Còn cô, chậm rãi, kiên nhẫn, cô kéo anh ta lại gần mình và bắt đầu lột bỏ áo xống anh. Cô nhắm mắt lại khi làm việc đó.Chậm rãi. Anh ta muốn làm những động tác để giúp cô. Cô yêu cầu anh nằm yên. Để mặc tôi. Cô nói cô muốn tự mình làm lấy"' (1.36).
Với cái tôi ký ức mang tính tự thuật, người trần thuật đã có khả năng bao quát mọi biến cố, hành vi của câu chuyện, nó tự do di chuyển, đi lại trong tác phẩm. Sự chuyển đổi bất ngờ, liên tục của hình tượng người trần thuật từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ hai, thứ ba làm cho các điểm nhìn không theo một lôgích tâm trạng nào. Tác phẩm như một cuốn phim quay chậm với những kiểu chụp độc đáo, sinh động. Giữa chúng tạo ra những khoảng lặng bất ngờ, và người đọc tự do thẩm định, suy ngẫm, liên tưởng. Đây là một kiểu trần thuật độc đáo, khó có thể tìm thấy trong tiểu thuyết truyền thống cũng như tiểu thuyết phương Tây hiện đại.
4. Giọng điệu trần thuật: Cách kể chuyện rời rạc, lộn xộn, gián đoạn, lặp đi lặp lại làm cho tác phẩm có một giọng điệu độc đáo, rất riêng. "Gam" giọng điệu chủ đạo trong tác phẩm là khách quan, lạnh lùng, tàn nhẫn. Giọng điệu này thể hiện rõ thái độ của nhà văn trước hiện thực được mô tả. Nó góp phần quan trọng trong việc khắc họa bức chân dung sinh động của gia đình người Pháp, số phận bi thảm của họ ở thuộc địa Đông Dương. Đó là một gia đình bị bần cùng hóa. Họ cạn kiệt về kinh tế, sa đọa về đạo đức, băng giá về tình cảm. Một bà mẹ hiện thân của nỗi khốn cùng, tuyệt vọng, điên loạn. Một con trai cả - kẻ săn lùng trong bóng tối - hiện thân của thú vật, kẻ sát nhân. Một cô gái biết kiếm tiền bằng thân xác của mình khi mới mười lăm tuổi rưỡi.Tính chất văn minh của một gia đình người Pháp đã biến mất, thay vào đó là sự sa đọa, sự bần cùng hóa mà chính "mẫu quốc" đã mang lại cho họ ở thuộc địa Việt Nam. Họ trở thành nạn nhân như những người bản xứ. Người đọc khó có thể tin đây là lối sống của một gia đình văn minh người Pháp: "Chẳng bao giờ chào hỏi, sáng cũng như chiều, chúc tụng năm mới. Chẳng bao giờ cảm ơn. Chẳng bao giờ trò chuyện. Chẳng bao giờ thấy có nhu cầu phải trò chuyện. Mọi người đều đờ ra, câm lặng, xa vắng. Đây là một gia đình bằng đá, hòa đá trong một độ dày không để lại một kẽ để xâm nhập vào. Ngày nào chúng tôi cũng tìm cách giết hại nhau, giết" (1.51)
Người kể chuyện là người trong cuộc, nhưng giọng điệu rất khách quan, lạnh lùng, có khi hờ hững đến tàn nhẫn. Giọng điệu này giúp tác giả có khả năng phản ánh sâu sắc hiện thực, thể hiện quan niệm về cuộc đời, về con người. Con người hiện lên trong tác phẩm như một thế giới cô đơn, siêu hình. Họ như bị chết cứng trong một tảng băng, cô đơn, giá băng giữa sa mạc. Họ cô đơn ngay cả trong gia đình, cô đơn giữa đám đông của phố xá náo nhiệt, cô đơn ngay cả trong cánh tay người tình. Cuộc sống - với họ được phô ra như luật rừng, sòng phẳng, tàn nhẫn. Sống, đó chỉ là lòng hận thù, nỗi nhục nhằn, sự tuyệt vọng: "Chúng tôi cùng chung sống trong một nỗi nhục nhằn căn bản là phải sống trên đời. Đấy chính là nơi sâu thẳm nhất trong câu chuyện chung của chúng tôi" (l.52).
Tuy nhiên, bên cạnh giọng điệu tàn nhẫn, lạnh lùng làm chủ đạo, M.Duras còn thể hiện nhiều sắc thái khác nhau trong giọng điệu. Giọng điệu có khi nằm trong bản thân người trần thuật, có khi hóa thân vào nhân vật tạo nên màu sắc lưỡng tính, rất đa dạng, linh hoạt. Tiêu biểu là những đoạn nói về cuộc tình tự của đôi tình nhân. Khi nói về tình yêu giọng điệu thường êm ái, dịu ngọt, thể hiện sự đắm say, cuồng nhiệt của mối tình đầu đầy mê đắm, tuyệt vọng. Nhất là giọng điệu của nhân vật người tình (mà người trần thuật đã hóa thân vào) bao giờ cũng thì thầm, nhỏ nhẹ, êm đềm: "Anh đây... Anh nói: tôi chỉ muốn nghe giọng nói của em... Anh rụt rè. anh vẫn sợ như hồi nào. Giọng anh vẫn run rẩy... Và rồi anh nói với cô điều đó. Anh đã nói với cô rằng cũng như hồi nào, anh vẫn còn yêu cô, anh chẳng bao giờ có thể ngừng yêu cô, anh yêu cô cho đến chết" (1.108). Khi tả về phong cảnh đồng bằng sông Cửu Long, giọng điệu người trần thuật đắm thắm, ngọt ngào, thể hiện tình yêu thiết tha, đắm sâu, sự gắn bó máu thịt của tác giả với mảnh đất mình từng sinh ra và lớn lên: "Tôi đứng trên thành phà. Tôi đưa mắt nhìn dòng sông. Đôi lúc mẹ tôi bảo trọn đời tôi, tôi sẽ không bao giờ thấy lại được những con sông đẹp, mênh mông và hoang dã như con sông Mêkông và các phụ lưu của nó đang đổ ra đại dương, những thủy triều sẽ biến mất vào các túi của đại dương. Trên một mặt bằng trải ngút ngàn, những con sông này chảy hối hả, nước rót ào ào như trái đất nghiêng về một phía" (1.13).
Đọc Người tình, người đọc bị cuốn hút ngay bởi giọng điệu trần thuật: "Phải cất cao giọng đọc những đoạn hay nhất trong Người tình. Có như vậy ta mới cảm thụ được nhịp điệu, nhịp ngắt, hơi thở thầm kín của giọng văn, vốn là những điều bí mật, tế nhị của nhà văn" (1.110). Giọng điệu độc đáo của người trần thuật đã làm nên nét riêng của tác phẩm và phong cách độc đáo của nữ sĩ M.Duras.
T.H.S

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 

 


-------------------------------------------------
1. Marguerite Duras - Người tình, Trịnh Xuân Hoàng dịch NXB France Loisirs, Paris , 1985
2. M.Bakhtin -
Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992.
3. Phương Lựu -
Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại, NXB Văn học, Hà N
ội, 1995.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng