Nghiên Cứu & Bình Luận
Victor Hugo - đại dương và ngọn hải đăng
16:19 | 12/08/2008
BỬU NAM            Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Victor Hugo (1802 - 2002)1. Người ta thường gọi Hugo là “con người đại dương”. Bởi sự vĩ đại của tư tưởng và sự mệnh mông của tình cảm của ông đối với nhân dân và nhân loại, bởi sự nghiệp đồ sộ của ông bao hàm mọi thể loại văn học và phi văn học; bởi sự đa dạng của những tài năng của ông in dấu ấn trong mọi lĩnh vực hơn hai thế kỷ qua trong nền văn học và văn hóa Pháp. Đến độ có nhà nghiên cứu cho rằng: Tất cả những vấn đề lớn của nhân loại đều hàm chứa trong các tác phẩm của Hugo như “tất cả được lồng vào tất cả”.
Victor Hugo - đại dương và ngọn hải đăng

 Hugo đã bộc bạch: “Tôi ưa thích đôi điều ở tất cả mọi sự, hơn là tất cả mọi sự ở đôi điều” (Truyền kỳ các thế kỷ, đoạn viết năm 1860). Ý của ông muốn diễn tả qua cách phương thức tương phản và chơi chữ ở đây là sự quan tâm có tính chất bách khoa của ông, sự chú tâm hiếu kỳ của ông đối với tất cả mọi lĩnh vực cuộc sống, vũ trụ, con người hơn là chỉ đào sâu đến cùng tận, đến tất cả một vài điều. Hoặc ông còn viết: “Tâm hồn pha lê của tôi được Chúa đặt giữa lòng vạn vật, nó là tiếng dội vang của mọi sự” (Mặc Tưởng), hay “Thơ phải đi hẳn vào đáy sâu của cuộc sống, cộng tác với nó, lấy ở nó động lực và sự tồn tại”. Thơ hay nói rộng ra văn chương phải thể hiện “khuôn mặt đơn nhất và muôn hình, u ám và rực rỡ, định mệnh và thiêng liêng: đó là Con Người”, “Sự hiện hữu của con người, khởi nguồn từ sự bí ẩn của nôi ru đến sự bí ẩn của quan tài, đó là tâm linh đang bước đi”.
2. Tuy nhiên sự vĩ đại đó còn ở chỗ cảm quan nghệ thuật về con người của ông gắn chặt với sự tiến bộ và nhân dân. “Tiến bộ là sợi chỉ... Sợi chỉ lớn lao, bí ẩn xuyên suốt đường đi lắt léo như mê cung của nhân loại”, (Truyền kỳ các thế kỷ) “Nghệ thuật là ánh sáng đất trời rạng ngời trên vầng trán nhân dân, như ngàn sao lấp lánh trên trán Người, Thượng đế”, (...) “Nghệ thuật, người biến nhân dân nô lệ thành tự do, người biến nhân dân tự do thành vĩ đại” (Nghệ thuật với nhân dân, 7-11-1851),” Những ai suy tưởng là kẻ chiến đấu”... Nhà thơ là người chiến đấu chống bất công, áp bức “Ta sẽ đến, ngời ngời ánh sáng, với công lý trong lòng, roi ở trong tay, quất tung những lời thơ uất hận”.
Dostoievski là người hiểu tư tưởng nghệ thuật của Hugo một cách sâu sắc khi ông viết: “Tư tưởng của Victor Hugo là tư tưởng cơ bản của toàn bộ nghệ thuật thế kỷ XIX và ông là người đầu tiên phát ngôn cho tư tưởng đó... định thức của tư tưởng đó là: phục sinh con người đã chết, đã bị đè bẹp hết sức bất công dưới ách áp bức của hoàn cảnh xã hội, của tình trạng trì trệ bao thế kỷ và những định kiến xã hội. Tư tưởng đó là: Sự biện bộ cho những người bị chà đạp  và những kẻ khốn cùng bị xã hội ruồng bỏ...Victor Hugo hầu như người phát ngôn chủ yếu, đầu tiên của tư tưởng phục sinh đó trong văn chương của thế kỷ chúng ta. Ít nhất ông là người đầu tiên tuyên bố nó với sức mạnh nghệ thuật trong tác phẩm (Dostoievski toàn tập, nxb khoa học, 1972-1976, trang 525-526, bản tiếng Nga).
3. Quan điểm nghệ thuật tiến bộ đó được bộc lộ một cách độc đáo: “Lĩnh vực thơ ca không có bờ bến. Phải, phía trên thế giới thực, còn có một thế giới lý tưởng rực sang dưới mắt những ai nhờ suy tưởng mà nhìn thấy trong sự vật một cái gì cao hơn chính sự vật” (Hugo,lời tựa Đoản Thi và Thơ ca khác, 1822)
Sự độc đáo đó còn nhờ trí tưởng tượng và liên tưởng kỳ lạ phú bẩm của Hugo, như một nhà  nghiên cứu khác đã viết: “Hugo hình như thấy một cách rõ ràng với những đường nét chính xác và những màu sắc thực cái mà ông tưởng tượng nên. Và hình ảnh đó nhập làm một, hữu cơ với những ý niệm, tâm trạng mà ông muốn biểu hiện... (...) ông hòa nhập sự liên tưởng qua từ ngữ và âm vận vào những liên tưởng dựa trên cấu trúc diễn luận (...) một năng khiếu hình dung mạnh đến mức không hề có một sự rời rạc nào...”
Trên hết, còn nhờ tài năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện đến mức như là nhà phù thủy của ngôn từ, như nhà thơ Baudelaire đã ngợi ca rất hay: “Tôi thấy trong Kinh Thánh có một nhà dự ngôn mà Chúa đã ra lệnh ăn một cuốn sách. Tôi không rõ, trước đây, ở thế giới nào, Hugo đã ăn được một cuốn tự điển về cái ngôn ngữ mà ông phải nói lúc chào đời, nhưng tôi thấy ngôn từ Pháp khi ra khỏi miệng ông đã biến thành một thế giới, một vũ trụ đầy màu sắc, du dương và sống động” hay nói như Eli Faure, một nhà viết lịch sử nghệ thuật Pháp “ Toàn bộ bề mặt nứt ra, nhung nhúc và cựa quậy trong thơ Hugo”. Hugo thường biểu hiện những tình cảm phổ biến của con người bình thường với những từ ngữ của cuộc sống hằng ngày (...). Bên cạnh yếu tố hằng ngày, chất văn xuôi bình dị bao giờ cũng có một chất trữ tình bay bỗng, một  liên tưởng sâu xa tới cái gì còn bí mật, u uẩn của đời sống, có khi còn vượt xa hẳn cuộc sống(Đặng Thị Hạnh).

4. “Đại dương“ không chỉ là sự rộng lớn, mênh mông, kỳ vĩ mà nó còn là sự bí ẩn chưa có thể dò tới. Sáng tác của Hugo gợi mở những chân trời vô tận ở bình diện xã hội - lịch sử, cũng như bình diện “cái bên kia” “Phía mà con người linh giác rùng mình, ghê sợ và kinh hãi trước những thực tại và điều bí ẩn của vũ trụ (Jean Massin, lời tựa toàn tập Victor Hugo)
 Georges Piroué nhận xét: “V.Hugo không bằng lòng với việc sử dụng tiểu thuyết để soi sáng một thời điểm lịch sử mà còn để vượt lên bên trên nó... nối kết với lãnh vực truyền thuyết của kinh nghiệm nhân sinh (...) tạo nên một huyền thoại siêu hình và đạo đức, tính chất của một niềm tin(...) Tiểu thuyết của ông mở ra một cuộc du hành vào cái vô tận lớn, với kích thước khổng lồ của kính viễn vọng”.
...Nhân vật của tiểu thuyết Hugo thường mang dáng dấp một bán thần hoặc các vị thần trong một phút đột biến nào đó. Chúng được biểu hiện bằng phương thức anh hùng ca:... Cái thiện có gương mặt xấu xí ở đó và cái dễ ưa bên ngoài lại mang mùi thối rữa. Những kẻ lớn là bé ở đó và chiến công thành ra bại trận. Những tương phản thu hút nhau ở đó và nếu chúng kết hợp, thì chúng chỉ có thể là một lưỡng thể nghịch lý (...) Ở đây, bình diện hữu hình kết hợp với bình diện siêu hình, cái có thể thấy được kết hợp với cái không thể biết được ở trong nhân vật, cái ở dưới thấp mời gọi cái bên kia (Victor Hugo, Nhà viết tiểu thuyết hay những cõi bên trên của cái chưa biết, Nhà xuất bản Denoel, 1985). Còn Pierre Albouy cho rằng “Tâm lý học của Hugo có tính chất vũ trụ và huyền thoại”, “Mỹ học chi phối việc xây dựng các nhân vật là mỹ học của sự tương phản và đảo nghịch”, các nhân vật được phân bố theo liều lượng giữa ánh sáng và bóng tối, ở “đáy tối tăm” và “đỉnh ánh sáng” (Tập san Europe, số 3-4, năm 1962).
5. Hugo để lại một di sản đồ sộ, gần 18 tập, nhà xuất bản Câu lạc bộ sách Pháp, 1967-1970, và 15 tập, nhà xuất bản Robert Laffont, Coll, Bouquins, gần 17.500 trang khổ lớn, xuất bản năm 1985-1990, tái bản năm 2002, do 2 nhà chuyên gia Jacques Seebacher và Guy Rosa chú giải. Bộ này gồm 4 tập lớn về thơ với hơn 5000 trang, bao gồm hơn 20 tác phẩm thơ, gần 154.000 câu thơ, trong đó bộ anh hùng ca huyền thoại “Truyền kỳ các thế kỷ” hơn 1000 trang, 3 tập lớn về tiểu thuyết với 9 tác phẩm, 4500 trang, 2 tập lớn về kịch trên 2500 trang, gồm hơn 12 vở kịch, 1 tập các bài viết về chính trị 1500 trang, một tập về các bút ký về lịch sử: 1500 trang, 1 tập về phê bình, trên 1000 trang, một tập viết về “du hành” trên 1000 trang, một tập bút ký về biển, đại dương trên 1000 trang, một tập viết các đề tài khác nhau như: giáo dục, tôn giáo, triết học trên 1000 trang... Toàn bộ các tác phẩm này được xem như một bản anh hùng ca Ôđítxê kỳ lạ, khác thường, mời gọi thám hiểm một thế giới kỳ vĩ thực, mộng, linh giác thấu trị, tiên tri hòa lẫn vào nhau. Đó là chưa kể hàng ngàn bức thư Hugo viết cho Juliette Drouet, người tình vĩnh cửu và như là người vợ thứ hai của ông trong vòng 50 năm mà nhà xuất bản Fayard ấn hành năm nay.
6. Sự nghiệp Hugo đồ sộ như vậy, bởi theo Jean-Marc Hovasse - nhà viết tiểu sử mới nhất năm 2002 về Hugo: “Hugo có tham vọng chiếm vị trí hàng đầu trong mọi thể loại và mọi lĩnh vực. Bằng nghị lực phi thường và sự lao động miệt mài, thường xuyên, ông đã hầu như đạt được mục đích mà ông đã đặt ra. Sức mạnh làm việc của ông thật đáng kể, nhưng cường độ làm việc đều đặn mỗi ngày thật khó tin. Ông có khả năng hoàn thành một vở kịch trong vòng 15 đến 20 ngày, với một hệ thống khá kỳ diệu: ngày hôm nay viết gấp đôi ngày hôm qua; khởi đầu một tác phẩm, ông viết 5 câu thơ, hôm sau 10 câu, hôm sau nữa 20 câu, rồi 40 câu, 80 câu, 160 câu, và 300 câu thơ mỗi ngày vào cuối tuần. Ông như chìm sâu trong một trạng thái thứ hai khi viết kịch. Tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” được viết cùng tốc độ, nhưng sự thúc bách của nhà xuất bản”.
Trong cuộc đời sáng tác của ông, có nhiều năm ông cho xuất bản 2 hoặc ba tác phẩm với các thể loại khác nhau như năm 1826 (1 tiểu thuyết, 1 tập thơ), 1827 (1 vở kịch, 1 tập thơ), năm 1829 (1 tập thơ, 1 tập kịch, 1 tiểu thuyết), năm 1831 (Tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris và 1 tập thơ...)....
7. Hugo còn xem sứ mệnh của nhà thơ là cầm bó đuốc sáng dẫn đường cho nhân loại từ cõi tối tăm đến ngày mai sáng lạn”. Thơ, văn, bút ký, diễn văn của ông đầy chất tiên tri.
Và ngày nay, những lời tiên tri của ông đã được chứng nghiệm sự đúng đắn và sự chính xác kỳ lạ (Pierre-Marc de Biasi).
Ngay từ thế kỷ XIX, văn hào vĩ đại Nga Lép Tônxtôi đã nhận xét: Hugo là một nhà tiểu thuyết đứng trên thế kỷ của mình như mẫu mực của ý thức nghệ thuật và ý thức đạo đức hết sức cao cả (Tônxtôix toàn tập, bản tiếng Anh, tập XXIII, trang 299-300, 1904).
Hugo vừa chú trọng đến những vấn đề trọng đại của thời đại mình vừa hướng đến tương lai như ý kiến của Claude Duchet, sử gia lịch sử văn hóa Pháp: “Ngay cả khi tự nguyện sẽ phóng chiếu mình vượt qua khỏi thế kỷ XIX, Hugo đã đảm trách toàn bộ thế kỷ của ông, bao hàm cả cách mạng, cũng như chân lý, lương tri và lẽ phải của Lịch sử” (Tạp chí Lire, tháng 1/2002).
Còn nhà nghiên cứu M.Pierre-Marc de Biasi, người phụ trách số kỷ niệm về V.Hugo của Nguyệt san văn học Lire của Pháp thì cho rằng “Hugo là sứ giả của tương lai chúng ta, ông hướng dẫn nó”. Và cụm bài viết của tạp chí Lire này tập trung khảo sát di sản Hugo trong chiều hướng đó, với hàng loạt vấn đề: nền Cộng hòa, tính thế giới phổ quát, kỹ thuật, ký ức, nhà trường, sự tiến bộ, những Anh sáng, quyền các dân tộc, tuổi thơ... rồi năng lượng sức mạnh của cách viết đảo lộn mọi thể loại của Hugo, tuổi thanh xuân chói lòa và vĩnh cửu của tác phẩm của ông, hàng trăm bức họa đầy tài năng của ông.
Hugo mãi mãi là ngọn hải đăng chói lòa nhất và là một trong những khuôn mặt kỳ vĩ nhất của văn học Pháp và văn học thế giới.

Nước Pháp và thế giới đang tưởng niệm Hugo 200 tuổi với tinh thần như thế: Hugo với tương lai hành tinh chúng ta.
Huế, 26/2/2002
B.N

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng