Nghiên Cứu & Bình Luận
Thơ trong gió của Bằng Việt
16:08 | 18/08/2008
VĂN TÂMNhà thơ Bằng Việt (tên thật Nguyễn Việt Bằng) tuổi Tỵ (1941) quê "xứ Đoài mây trắng lắm", là một trong những thi sĩ bẩm sinh của thơ ca Việt hiện đại.
Thơ trong gió của Bằng Việt
Gia đình nhà thơ Bằng Việt

Theo cổ nhân, nói chung: thơ vốn người làm 3 phần, ý trời 7 phần (Tam phần nhân sự, thất phần thiên - Triệu Vân Tùng). Đến như thơ hay, thì tỷ lệ phần thiên tác, thiên bẩm hẳn còn cao hơn nữa. Thế mà Bằng Việt, khoảng 1/3 thế kỷ về trước, lúc mới gia nhập làng thơ đã được bao độc giả quý mến: "... có một thế hệ sinh viên, hầu như ai cũng chép vào sổ tay và thuộc những bài thơ lãng mạn, ngọt ngào của ông, có lẽ phổ biến nhất là bài Nghĩ lại về Pauxtôpxki" (Huệ Thư - Sài Gòn giải phóng thứ bảy, 14 - 07 - 2001). Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân thì từ 1985, trong tập Thơ - tìm hiểu và thưởng thức (Nxb Tác phẩm mới) đã xác định khái quát: ngay từ thuở ban đầu ấy, Bằng Việt "nghiễm nhiên là một trong số không nhiều nhà thơ trẻ được bạn đọc tin yêu". Nhưng bẵng đi khoảng thập kỷ 90 của thế kỷ XX vừa qua, suốt 10 năm tham chính (công tác Đoàn thể và công tác lập quy ở Hà Nội), tác giả Bếp lửa (1968) ít sáng tác thơ.
Cho nên, mùa thu năm ngoái, khi trên tập san Nhà văn (4 - 2000 ) xuất hiện chùm thơ 7 bài của Bằng Việt (Ấn tượng Hirôshima, Nghệ thuật thu nhỏ, Hoa phượng, Lục bát cầu may, Ngột (tức Phố trụi), Trung du, Ném một câu thơ vào gió... (tức Ném câu thơ vào gió)), thì độc giả hầu như đều quan niệm giống nhau: "Chùm bài này đánh dấu mốc anh quay lại với thơ". Đặc biệt, bạn bè rất mừng vui vì gặp lại cố nhân: "Ta có cái vui thoáng chút bâng khuâng như gặp người quen cũ giữa cuộc đời đã lắm đổi thay" (Vũ Quần Phương).
Kịp đến mùa thu năm nay, tập thơ mới nhất của anh: Ném câu thơ vào gió (NCTVG) được Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây xuất bản thì niềm vui của bạn bè càng bừng lên: "Vào mùa thu này, Bằng Việt cho ra mắt bạn đọc tập thơ Ném câu thơ vào gió, gồm 45 bài, chính là sản phẩm của chặng đường thơ anh vừa đi qua. Và, tập thơ lại được bạn đọc và giới quan tâm chú ý. Một giọng thơ mềm mại. những tứ thơ sắc sảo, sức suy tưởng dồi dào của một Bằng Việt quen thuộc từ ba mươi năm trước..." (Anh Chi - Đọc thơ Bằng Việt, tập san Nhà văn, số 9 - 2001); "Đọc tập thơ NCTVG bạn đọc sẽ gặp lại một thi sĩ Bằng Việt của ngày xưa, của hôm nào, nhưng là Bằng Việt của hôm nay, thâm trầm hơn rất nhiều chiêm nghiệm và từng trải" (Trịnh Thanh Sơn - Say đắm vẫn còn khi Ném câu thơ vào gió - Văn nghệ số 52,29 - 12 - 2001).
- Nhưng tại sao lại là Ném câu thơ vào gió?
Phải chăng là hiện tượng "lãng phí"? Hay chàng "phẫn chí"? Hay thi sĩ có ý "dứt tình" với NàngThơ? - Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?...
- Không! Tất cả hoàn toàn không phải thế!
Chẳng qua, đây là:
1. Thứ nhất, sự bộc lộ vô thức niềm tự hào, tự tín lấp lánh phong độ vương giả của những nghệ sĩ chân tài và có chân tâm - mà hình như cũng không hẳn vô thức, vì chàng đã hiển ngôn rằng:
(...) Nay lại ném câu thơ vào gió thổi
Tin, không tin... vẫn còn lại riêng mình.
Còn lại tấm lòng mong manh, dễ vỡ
Cát đã qua lò, nay hóa thủy tinh(1).
2. Thứ hai, là mặc cảm âu lo của các tài năng khi như linh cảm rằng có một cự ly không lớn lắm giữa mình với cái quy luật (cả xã hội lẫn tự nhiên) xót xa muôn đời: "tài mệnh tương đố".
Người bạn thơ tinh tế nhạy cảm Vũ Quần Phương (người in chung với Bằng Việt tập thơ Cát sáng - 1985) khi giới thiệu chùm thơ 7 bài của Bằng Việt trên tập san Nhà văn (4 - 2000) đã thật giỏi khi nhận xét: "Nay lại ném câu thơ vào gió, Bằng Việt lại có dịp trở lại những hy vọng, lo âu (tôi nhấn mạnh - V.T.) phập phồng sáng tạo".
Quả là giờ đây Bằng Việt "ném câu thơ vào gió" chẳng khác mấy với động thái của tác giả Gửi hương cho gió nửa thế kỷ trước. Trong bài Lời thơ vào tập gửi hương - coi như bài Tựa của tác phẩm Gửi hương cho gió (Nxb Thời đại - Hà Nội, 1945), Xuân Diệu đã đưa vào 2 khổ thơ kết thúc bài thơ này bao hy vọng đồng thời âu lo, theo tinh thần sẵn sàng chấp nhận cái "nghiệp" bị thế nhân hờ hững phụ phàng:
Tình yêu muôn thuở vẫn là hương;
Biết mấy lòng thơm mở giữa đường
Đã mất tình yêu trong gió rủi,
Không người thấu rõ đến nguồn thương!

Thiên hạ vô tình nhận ước mơ,
Nhận rồi không hiểu mộng và thơ...
Người si muôn hướng là hoa núi,
Uổng nhụy lòng tươi tặng khách hờ!
3. Thứ ba, cuối cùng, tựa đề tập thơ NCTVG vốn có mầm mống từ lâu:
Làm thơ gì đây? Buồn hay vui,
Mang máng một cảm tình dang dở...
Chưa gửi gió nỗi niềm thương nhớ
(Không đề - 1960)
Chàng muốn "gửi gió nỗi niềm thương nhớ" thì cũng tương tự người chinh phụ cổ kính trung đại muốn nhờ làn gió Đông chuyển tới người chồng nơi chiến địa gian nguy nỗi "nhớ chàng thăm thẳm" khôn nguôi, hay cô nàng hiện đại có "đôi mắt nâu to với nét buồn sâu thẳm", "Gói một chiếc hôn gửi vào ngọn gió" (Casablanca) - Xem ra ngành bưu điện cũng nên ghi nhận công lao 2 nhân vật nữ (hư cấu) và một người nam (người thật việc thật - tác giả NCTVG) đã sớm có sáng kiến muốn sử dụng Gió làm một công cụ viễn thông.
Quả thật, tập thơ NCTVG rất lộng gió:
Ném một câu thơ vào gió thổi (...)
Nay lại ném câu thơ vào gió thổi
(Ném câu thơ vào gió)
Trước mắt lặng gió thì vẫn có thể hoài niệm gió dĩ vãng:
Giữa mùa dông gió ấy
Kỷ niệm nào thức dậy
Trong bếp sắp tàn tro
(Muộn)
Có lúc gió kỷ niệm và gió hiện tại quyện vào nhau:
Xa ngọn gió tỏa hương chè, hương trẩu...
Cây trám quạnh hiu lặng lẽ bên trời...
Về lại ngẫu nhiên thời sơ tán cũ
Vẫn nắng ôm cây, vẫn gió ôm đồi
(Trung du)
Đôi khi tưởng bặt gió mà thật ra gió vẫn có mặt qua tín hiệu thông báo sự hiện diện:
Mùi hương tuổi thơ vĩnh viễn
(Sen Hồ Tây)
Trong tất cả những luồng gió ấy, có lẽ sau đây là ngọn gió dào dạt nhất và như chứa đựng phép mầu thần tiên:
Em có nét buồn sâu như ngọn gió
Thổi lang thang qua tháng năm hao gầy
Tôi có chút buồn xa như ngọn cỏ
Khuất chìm trong cát bỏng đến chân mây
(...) Chỉ em biết cỏ rồi xanh mút mắt
Chỉ một mình em biết - cỏ là tôi!
(Em và tôi)
Thực ra trước khi gió lộng trong NCTVG thì trời đất trong thơ Bằng Việt cũng đã ngập gió rồi: "Gió thổi trong tôi..." (Những gương mặt những khoảng trời), "gió bao la" (Cuối năm), "gió thổi dông dài" (Buổi chiều ở Tam Quan), "gió mênh mông" (Về xóm nhỏ trên cồn), "gió bao la phóng túng" (Hòn Khoai), "gió xa tắp... lồng lộng" (Đôi dòng tiễn đưa bà nội)...
Trong thơ tình yêu, dĩ nhiên gió càng dào dạt bát ngát hơn: "Em khép cửa khi mùa thu gió nổi" (Chuyện nhỏ giữa hai người), "Hoa tím ngát thở dồn trong ngọn gió" (Gợi mở một thời), "Lá cây ru mềm, gió đưa la đà..." (Bài thơ đầu hè mới) - Xem ra, nơi đâu xuất hiện tình yêu, nơi đó "gió nổi":
- Thuở bé dễ chừng anh cũng yêu em
Áo đỏ sân trường, mùa thu gió nổi
(Tự hỏi)
- Hạnh phúc cũng thành ngọn gió đi qua
Mành ơi mành cớ chi lay động mãi
Có phải vì không bao giờ trở lại
Mà ta yêu em say đắm đến nhường này.
(Có phải vì...)
Nhiều khi người yêu được đồng hóa với gió: "Em đã đến như một mùa gió lộng" (Những điều giản dị). Rồi do thân thiết gió, tác giả NCTVG phát kiến ra có thứ gió nhân tạo tiềm ẩn công suất phi thường: tạo ra được cả "thủy triều":
Anh ngỡ màu xanh sông rất yên
Đôi nét mi em chớp thật hiền.
Đâu biết lòng sông trầm lặng thế
Mà em thổi được thủy triều lên!
(Sông)
Nếu thứ "thủy triều" này lại giống loại "Triều đâu nổi tiếng đùng đùng" của sông Tiền Đường thì hãi quá!...
Hóa ra trong con người tác giả NCTVG không chỉ tồn tại bậc vương giả kín đáo tự hào tự tín mà còn có một chú bé hiếu động ham đùa nghịch. Trong khi những trẻ con hiếu động khác thích vọc đất, nghịch nước, chơi nắng..., thì chú bé này ưa bầu bạn, vui đùa cùng gió!
Nhưng thứ gió mà chú bé hiếu động ấy ưa bầu bạn hẳn không phải gió bình thường mà là Gió vũ trụ, tức là Phong ("cơn lốc của khí sinh tạo của vũ trụ"). Viện sĩ I.X.Lixêvích (Liên Xô cũ) đã nhắc lại khái niệm Phong theo ý cổ nhân: "... gió là một cái gì hết sức quan trọng, hùng mạnh, là yếu tố thể hiện các sức mạnh vũ trụ, là thông điệp của Trời, là hơi thở của hoàn vũ"(2). Từ đó, tác giả Tư tưởng văn học Trung Quốc nhắc lại những dòng của Lục Cơ viết trong Văn phú về việc sáng tác thơ: "Bút lông - công cụ để sáng tác thơ dường như hấp thụ vào bản thân nó tất cả sức mạnh không gì kìm giữ nổi của Khí thế giới đang bay và chuyển nó vào tác phẩm. Như rừng cây rạp mình dưới cơn gió giận dữ, ngọn bút trên giấy cũng rạp mình trong cơn cảm hứng trào dâng. Và sáng tác là rót vào bài thơ một dòng khí phấn chấn đang tuôn theo ngọn bút..." (Tlđd - tr.124)(*).
Cũng bởi am hiểu âm nhạc (Bằng Việt từng viết sách biên khảo về Mozart, sáng tác những bài thơ xuất sắc về nhạc Beethoven, về Plixetxcaia khi trình diễn vũ kịch Carmen - nhạc của Bizet); và có trình độ thẩm âm cao; lại thường xuyên lắng nghe tiếng gió: "Có tiếng gì reo cao rất cao" (không có tựa đề); cho nên thơ Bằng Việt thật giàu nhạc tính - Ai cũng rõ trong hệ nhạc khí có bộ hơi, do con người tạo hơi, tạo gió nhân tạo mà tiếng nhạc phát sinh; nếu dùng gió thiên nhiên tạo tiếng nhạc thì như diều sáo chẳng hạn - "Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng" (thơ quang Dũng). Thiết tưởng một bài thơ như Giày trắng của Bằng Việt thì tác giả hầu như đã làm đỡ được có lẽ đến nửa phần công việc cho nhạc sĩ nào muốn phổ nhạc bài thơ ấy - Hãy lắng nghe "Tiếng nói Thiên thai" ríu rít trầm bổng ngọt ngào của cô Ngọc nữ đi "giày trắng" hình như có số đo hơi lớn hơn cỡ chân một chút - tiếng nói của tình yêu thuở hoa niên một đi không bao giờ trở lại:
1                                              2
"Đợi em một lát          Ta đi lên dốc
Giày em tuột rồi          Khoan khoan đừng về
Ta đi lên dốc               Con đường thẳng tắp
Ta đi lên đồi                Đi vào như mê
Đừng buồn anh nhé    Con đường êm mát
Buổi chiều vàng tươi   Có mình ta đi
Đừng buồn anh nhé    Biết đâu hạnh phúc
Em đây còn ai!                        Đợi đầu bên kia?(...)
                                                                        (Giày trắng)
Là một nhà thơ kỳ cựu, tài danh, đồng thời là một trí thức kiến văn thâm hậu, sống nếm trải nhiều; trước hiện tình thơ ca Việt , hẳn Bằng Việt không thể không suy nghĩ về một vấn đề ít nhiều có tính thời sự: đổi mới thơ Việt .
Tác giả NCTVG từng "nghĩ về thơ" hiện tại một cách chân thành:
1
Thơ có còn tri kỷ nữa hay chăng?
Đời đột biến mà thơ đi quá chậm
Đời hết sức thẳng thừng. Thơ vòng vèo lẩn thẩn
Đời trả giá hết mình. Thơ khi nhớ khi quên!
2
Hát suốt 30 năm điệu tâm hồn đã cũ
Bất quá chỉ như lời an ủi xuôi chiều
Lời an ủi dông dài cho những ai yếu đuối
Có thực sự hòa đồng với tuổi trẻ cần yêu?
3
Cao đạo để làm chi? U uẩn để làm chi?
Mỗi khám phá nhỏ nhoi ngỡ đâu tầm vũ trụ!
Bao gay cấn xát lòng, mà thơ như ngoại trú
Thơ có còn tri kỷ nữa hay chăng?
(Lại nghĩ về thơ - 1980)
Trả lời câu hỏi của nhà báo Minh Anh: "Thơ có phải đang vào cấp báo động?" Bằng Việt cũng phát biểu thẳng thắn và đúng mức: "Tôi không bi quan để thấy rằng văn học và thơ nói riêng đang cần báo động. Tôi chỉ có lo lắng thì đúng hơn" (Văn hóa Văn nghệ Công an, số 9 - 2001). Do "lo lắng", mấy năm qua Bằng Việt đã thể nghiệm ít nhiều sự cách tân thơ - công việc nhận được thái độ tán thưởng của không ít bạn bè: "... bài Lục bát cầu may một bài thơ rất hay, rất đặc trưng cho lục bát Bằng Việt (...). Điều ấy có tên gọi là biết làm mới (tôi nhấn mạnh - V. T.) lục bát! (...) Bài thơ Ném câu thơ vào gió, thơ tám chữ, 16 câu gọi là thơ bát ngôn (8 chân) quen thuộc, vậy mà đọc xong, ta thấy mới vô cùng! Cái mới ở đây là hồn vía mới, tâm trạng mới, suy nghĩ mới..." (Trịnh Thanh Sơn - Tlđd).
Đổi mới mà vẫn thân thuộc dường ấy - "Dung nhan chẳng khác chi..." - phải chăng khi cách tân, tác giả NCTVG vẫn duy trì, thậm chí nâng cao được một yếu tố thuộc bản chất đặc trưng của thể loại thơ: tính nhạc - yếu tố được tác giả Tỳ Bà hành mệnh danh là "hoa của thơ" - Và nói chung, các thi nhân xưa đều nêu cao yêu cầu: "Cái suy nghĩ được mặc dầu khổ đắng, nhưng nói ra phải ngọt ngào" (tứ khổ, ngôn cam)!
Do bản tính hiền hòa nên khi chuyển điệu thức nhạc cho thơ, Bằng Việt thường dùng vần bằng thay cho vần trắc tạo hiệu quả "âm điệu ngọt ngào" như nhà báo Huệ Thư nhận xét (Tlđd) - Xem các bài: Gợi mở một thời, Vọng hải đài, Này em năm tháng qua, Bài thơ đầu hè mới...
Đến đây, xin quý vị độc giả bỏ ra mấy giây đọc cái câu này: "Những đám mây hành kinh trời xa vòm xanh quần lót mà đôi chân sông núi thập thò...". Không có lỗi nhà in đâu! Đó là cái câu được một số người xem là nằm trong lối "thơ vụt hiện", "thơ vọt trào" muốn cách đi cái mệnh hiện hữu bao năm của thơ ca Việt Nam hiện tại, đăng trên báo Người Hà Nội (3 - 3 - 2001) - dẫn theo bài Thơ ca hay là một lối ứng xử văn hóa (tập san Nhà văn số 10 - 2001).
Tôi hoàn toàn ủng hộ những nhà thơ chân chính, tài năng, có thiện chí đổi mới thơ Việt , đặng thúc đẩy văn chương dân tộc tiến lên một bước. Ở đây chỉ không tán thành cái phân số các cây bút tài cán hạn chế, viết ra những câu "cách tân" tùy tiện kiểu cách như trên - Cái phân số "cách tân" tùy tiện này đã mắc phải 2 điều nhầm:
a) Thứ nhất, theo "những quy luật chung của thiên nhiên" (les lois générales de la nature - mấy chữ của V. Hugo), người đọc những câu thơ "vọt trào" giống thế bị lâm vào cảm giác khổ sở, thậm chí đau đớn, không chỉ tinh thần, mà còn cả về phương diện sinh học. Đúng là, với sự phát triển của các khoa sinh thái học hiện đại (sinh thái - khí tượng học, sinh - nhật xạ học,...) con người càng ngày càng nhận thức rõ thêm: họ chịu sự chi phối của thiên nhiên mạnh mẽ và sâu sắc hơn họ đã tưởng. Quả là thơ cần nhạc tính như con người cần khí trời. Quan niệm ấy xuất hiện lâu lắm rồi. Đại khái, Victor Hugo phát biểu tổng quát thế này: "Không có quy tắc nào, cũng không có mẫu mực nào, hoặc đúng hơn là không có quy tắc nào ngoài những quy luật chung của thiên nhiên (tôi nhấn mạnh - V. T.) trùm lên toàn bộ nghệ thuật". Đó là câu dịch của nhà thơ Ngô Quân Miện trong mục Bàn về thơ in trên tuần báo Văn nghệ (số 48, ngày 1 - 12 - 2001). Nguyên tác câu ấy ở bài Tựa trứ danh trong vở kịch Cromwell (1827) của Victor Hugo là: "Il n'y a ni règles, ni modèles, ou plutôt il n'y a d'autres règles que les lois générales de la nature qui planent sur l'art tout entier...".
Người ta đến với nghệ thuật là mong muốn gặp gỡ, hưởng thụ Chân, Thiện và Mỹ - cái yếu tố mang đến cho con người cảm giác vui sướng "như khi gặp mặt người yêu". Bởi vậy, không độc giả nào muốn thưởng thức loại thơ phản nhạc có thanh âm tra tấn người đọc như thế.
Muốn sáng tạo nghệ thuật thành công, nghệ sĩ cần tuân thủ những quy luật xã hội; V. Hugo "đại dương của tưởng tượng" bổ sung: nghệ sĩ còn cần tuân thủ cả "những quy luật chung của thiên nhiên"! - Ai cũng rõ: hành động trái quy luật thiên nhiên, trước sau sẽ thất bại.
Thế thì, với những bài thơ dồi dào "âm điệu ngọt ngào", Bằng Việt đã thường xuyên mang đến cho bạn đọc nhiều niềm vui sướng "như khi gặp mặt người yêu".
Phải chăng cũng nên xem đó là một gợi ý mặc nhiên, bổ ích đối với công việc cách tân thơ hiện nay.
b) Thứ hai, những người viết câu thơ lập dị mang nội dung "vọt trào" tương tự có lẽ cũng đã nhầm lẫn phạm trù. Xin nhường lời phân tích sự nhầm lẫn này cho một nhà lý luận văn chương danh tiếng muôn thuở xa xăm: "Người đời nay muốn mượn điều làm thơ (tôi nhấn mạnh - V.T.) để tỏ học rộng và đua đòi thanh danh là nhầm vậy".(3)
Ý kiến khá nghiêm khắc trên của Viên Mai (1716 - 1798) hoàn toàn có thể "dĩ cổ vi kim". Nhà thơ Anh Ngọc tài - tình, cùng thế hệ với Bằng Việt (Bằng Việt tuổi Tỵ, Anh Ngọc tuổi Mùi - 1943), tân tiến, con trai cụ Nguyễn Đức Vân dịch giả Tùy Viên thi thoại đã tán thưởng rằng: "Luôn luôn Viên Mai làm tôi kinh ngạc, thích thú, vì vốn hiểu biết quá sâu rộng về thơ, về đời, vì những kiến giải đầy chất minh triết có thể vượt lên biên giới của thời gian và không gian để cứ như là từ trong gan ruột của chúng ta hôm nay mà cất lên tiếng nói. Đọc ông, ta bỗng nảy nghi ngờ: Liệu lịch sử tiến trình nhận thức của con người về những vấn đề xã hội và nhân văn, về triết học, mỹ học... có nhất thiết tiến lên theo một đường thẳng? Bởi vì, có nhiều điều - đương nhiên ở đây chủ yếu là về thơ và công việc làm thơ - mà hôm nay, chúng ta còn loay hoay tìm kiếm, lắm khi to tiếng cãi vã, thì tác giả Tùy viên thi thoại từ hai trăm năm trước ở một xứ sở khác đã đề cập tới và giải quyết nhẹ nhàng, chóng vánh cả rồi" (Lời Bạt bản dịch Tùy Viên thi thoại, tr. 195 - Anh Ngọc).
Chúng ta hiểu ý tứ của Viên Mai về một số người trong văn giới nhầm lẫn phạm trù: "muốn mượn điều làm thơ... để đua đòi thanh danh" tức là họ không có nhu cầu, không thành thực muốn sáng tác thơ, mà chỉ muốn lợi dụng lối thơ lập dị với những quái tứ, kỳ ngôn dị ngữ... hòng "lưu danh hậu thế".
Do không chân thành, họ đã vi phạm một đặc trưng bản chất nữa của công việc làm thơ (của sáng tạo nghệ thuật nói chung) - Coi thường nhạc tính là vi phạm điều kiện về hình thức nghệ thuật; không chân thành trong cấu tứ là vi phạm về cơ sở nội dung tư tưởng.
Thế thì thực tiễn sáng tác thơ của tác giả NCTVG lại cũng mặc nhiên cung cấp thêm một chủ kiến bổ ích nữa cho công cuộc đổi mới thơ ca Việt hiện nay.
Khi trả lời câu hỏi của nhà báo Huệ Thư: "Những phẩm chất nhà thơ cần có là gì?" Bằng Việt đã xác định phẩm chất đầu tiên của người làm thơ là sự "chân thành" (Tlđd). Do thi tứ "chân thành" nên thơ Bằng Việt được tin yêu, từ đó tăng thêm năng lực thâm nhập tâm hồn người đọc: "Đọc thơ (của Bằng Việt) có lúc như gặp lại người bạn thân, một người anh em trong gia đình" (Nguyễn Xuân - Tlđd).
Ngôn hành hợp nhất.
Tác giả NCTVG không giấu diếm những nỗi niềm bàng hoàng, đau khổ "không phải của riêng ai" trước các quy luật muôn đời: thời gian trôi nhanh, mái đầu sớm bạc, bao việc dở dang...:
Đã đứng rồi ư? Sao ngày ngắn vậy
Nghĩ chưa xong, thời khắc điểm xong rồi
Đã chín rồi ư? Sao đời ngắn vậy
Quay lại nhìn, bao việc vẫn buông xuôi!
(Ngày đã đứng trưa - 1991)
Chàng cũng không né tránh những cảm xúc "thế sự" (Giọng hát hay - 87, Sự nhạy cảm không có chỗ, Thời đã khác rồi, Lẽ ra, Đọc lại Nguyễn Du...). Và có một nỗi buồn hầu như vô căn lan tỏa trong thơ Bằng Việt (NCTVG và trước đó) mà nhà thơ gọi bằng cái tên mơ hồ: "nỗi buồn Người" - Một lần kiểm kê tài sản bản thân, nhận thấy rằng thứ bảo vật văn hóa phi vật thể này không bị thế cục phức tạp làm suy suyển, chàng mừng rỡ xuýt xoa mấy lần:
Hãy còn nguyên nỗi buồn Người
Giữa vật đổi sao dời thảng thốt
Giữa những dòng người bon chen xuôi ngược
Hãy còn nguyên điều ta ủ ấp
Những gì ưu ái tuổi đôi mươi
Hày còn nguyên nỗi buồn Người (...)
(Hãy còn...)
Những nỗi niềm buâng khuâng u hoài sâu lắng của Bằng Việt khiến độc giả dễ liên tưởng đến những nét bút thơ màu sắc lạnh buồn xuất hiện rải rác trong thơ một số thi sĩ khác gần đây và hiện nay: Trần Ninh Hồ và Vân Long buồn ngậm ngùi, Vũ Quần Phương buồn hiu hắt, Hoàng Hữu buồn nghẹn ngào, Phùng Khắc Bắc buồn xanh ngắt, Lưu Quang Vũ buồn cay đắng, Phùng Quán buồn sấm sét, Hoàng Cầm buồn mang mang siêu hình "gió quê vi vút gọi", Nguyễn Quang Thiều thỉnh thoảng cuốn lên những luồng gió hoang "loang lổ" quẩn buồn khó hiểu...
Bên cạnh những tứ thơ "hướng nội" như đã dẫn, tác giả NCTVG cũng "chân thành" trình bày những vần thơ triết luận độc đáo, sâu sắc vốn là "phong cách xuyên suốt" góp phần tạo nên sức hấp dẫn khác thường của thơ Bằng Việt. Ví dụ sau khi tham quan Công viên Thâm Quyến (1999), quan sát hệ thống nghệ thuật (thế giới) thu nhỏ, (Vạn lý trường thành, tháp Ai Cập, tháp Ép phen, lầu Hoàng Hạc...), tác giả NCTVG kết luận:
Thu nhỏ mọi cảnh quan, làm bé từng hiện vật
Dẫu tinh xảo tột cùng, cũng chỉ hóa trò chơi
Điều may mắn cho mọi nền nghệ thuật
Là không thu bé đi mọi giá trị con người
Thu sao mọi ước mơ, thu sao mọi nỗi buồn
Gọt bớt cảm xúc ư? Gọt bớt dòng suy tưởng?...
Nhân loại đã đi qua mọi luân hồi nghiệp chướng
Để được đúng là mình, không chịu bé đi hơn...!
(Công viên Thâm Quyến, 1999)
Đoạn thơ trên bao hàm nội dung triết lý phong phú: triết lý nghệ thuật, triết lý mỹ học. triết lý văn hóa nói chung...
Giờ đây, "Ngày đã đứng trưa", ở "Tuổi giữa chừng": "Trái tim chừng đập mau hơn (...). Nửa như thấm mệt, nửa còn thanh xuân", thi nhân tác giả NCTVG xem ra muốn gắn bó hơn nữa với thiên nhiên (Trong rừng, Sen Hồ Tây, Lặng lẽ...); muốn "hòa nhập" hơn với Vạn hữu duyên sinh thường hằng thay hình đổi dạng:
Em thuộc về một thế kỷ xa rồi
Khi hoa cỏ với con người hòa nhập
Con bống con bang sống cùng cô Tấm
Và bức tranh chớp mắt hóa ra người
(Phố trụi - 2000)
Và, đã muốn gắn bó mật thiết với thiên nhiên,muốn "hòa nhập" với Nhất Như không Hai, không Một, thì ắt là cũng đã bắt đầu gõ cửa Thiền tông, xin được bái yết Tổ thăm hỏi nẻo đường về "bỉ ngạn".
Đá ngồi thiền, thẩm thấu lẽ tử sinh
Rêu lặng lẽ xuất thế và nhập thế,
Ngỡ nước chảy, mà thực không có nước
Sóng cuội, sóng khô, vô tận vô cùng...

Thanh tĩnh đến mức nghe được chính mình
Vườn ẩn hiện bất ngờ theo nhịp bước
Những tham, sân, si... đã bỏ quên ngoài cổng
Chút ghen tị hóa công cũng rơi nốt dọc đường
(...)
(Vườn Nhật Bản - 1997)
Hà Nội, 19 - 12 - 2001
V. T
(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

---------------------------------------------------
(1) Tôi nhấn mạnh (V.T)
(2) I.X. Lixêvích - Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc - Trần Đình Sử dịch, tr.94, Nxb Giáo dục,H,1994).
(*) Đoạn vừa rồi đã trích in trên tạp chí KTNN (số 412, 20-1-2002)
(3) Tuỳ viên thi thoại - Viên Mai - Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nxb Giáo dục, H,1999


Các bài mới
Các bài đã đăng