Nghiên Cứu & Bình Luận
Nỗi niềm của Nguyễn Duy qua bài thơ “Nhớ bạn”
10:38 | 20/08/2008
MAI VĂN HOAN.Tôi biết Nguyễn Duy qua bài thơ “Tre Việt ” in trên báo Văn Nghệ. Từ đó, tôi luôn theo sát thơ anh. Mở trang báo mới thấy tên anh là tôi đọc đầu tiên. Với tôi, anh là một trong những người hiếm hoi giữ được độ bền của tài năng.
Nỗi niềm của Nguyễn Duy qua bài thơ “Nhớ bạn”

Anh viết thật hay về hai vùng quê: Thanh Hoá, nơi anh sinh ra và lớn lên, Nam Bộ nơi anh từng lăn lộn gắn bó nhiều năm. Thấp thoáng trong thơ anh còn có các địa danh Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt và Huế. Huế là nơi hình như anh chỉ ghé qua một đôi lần nhưng ấn tượng về Huế lưu lại trong anh thật sâu đậm. Trong chùm thơ “Gửi Huế” anh viết về họng súng thần công, tiếng chuông chùa, những chiếc cầu bắc qua sông Hương. Anh hỏi thăm:
            Quán cơm Âm Phủ còn không?
            Cô gì hôm ấy lấy chồng hay chưa?
Nguyễn Duy khép lại chùm thơ về Huế bằng nỗi niềm “Nhớ bạn”:
            “Tôi về xứ Huế mưa sa
            Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
            Tôi về xứ Huế chiều mưa
            Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu”.
Tôi cứ băn khoăn không biết vô tình hay cố ý anh lại về xứ Huế đúng vào cái lúc “mưa sa” ấy. Huế đã từng ngắm cái dư vị mưa trong thơ Nguyễn Bính. Huống hồ anh đang có nỗi niềm với người con gái mà anh gọi bằng em một cách yêu thương, trìu mến. Người con gái ấy đã để lại trong anh những kỷ niệm khó quên. Hình như lòng anh đã thầm yêu nhưng chưa kịp giải bày. Họ đã từng:
            Lối mòn đá cuội rong chơi
            Lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ
Để bây giờ anh trở về thì:
            Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu
            Em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi!
Một chút ngậm ngùi, một chút hối tiếc bâng khuâng. Họ chưa kịp bước qua cái ranh giới mỏng manh, và vì thế giữa hai người mãi mãi vẫn là tình bạn. Anh đâu dám trách ai chỉ tự dằn vặt mình.
Giờ đây, tất cả đã thành chuyện “Ngày xưa” rồi. Hai tiếng “Ngày xưa...” nghe sao mà ngậm ngùi đến vậy. Tôi chợt nhớ lời một bài hát: “Ngày xưa mưa rơi thì sao... Bây chừ nghe mưa lại buồn...”. Buồn là vì mưa Huế đã gợi trong anh những kỷ niệm êm đềm, thơ mộng của cái thời xưa ấy. “Lối mòn đá cuội” còn đó, “chân đồi hoa mơ” vẫn còn đó... Nhưng “Một người vắng, tất cả đều hoang vắng”. Đang đắm chìm trong cơn mưa hồi ức thì vào đúng cái thời điểm ấy, anh chợt thấy:
            Lan báo hỉ nở tình cờ
            Bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương Giang.
Một vừa hé nở, một vừa rơi rụng như sự sống cứ thế nối tiếp nhau: Hạnh phúc và nỗi đau, nụ cười và nước mắt... Phải chăng đó là quy luật của muôn đời? Đọc hai câu thơ này tôi chợt nhớ Nam Cao khi ông nói, đại ý: Hạnh phúc như một chiếc chăn hẹp người này kín thì người kia hở. “Bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương Giang” hay chính là giọt nước mắt tiễn biệt một mối tình? Kết thúc bài thơ là hình ảnh:
            Chợ chiều Bến Ngự chưa tan
            Ai đi ngược dốc Phú Cam một mình.
Cái dáng “ai” một mình ngược dốc Phú Cam kia thật là tội nghiệp, thật là cô đơn. Đại từ “ai” không xác định vì thế gợi cho người đọc những mạch liên tưởng khác nhau.
“Nhớ bạn” thật nhẹ nhàng mà cũng thật sâu lắng. Lời thơ bình dị, tự nhiên làm ta có cảm tưởng “như từ trời rơi xuống (Nguyễn Quang Sáng). Vào những “Chiều mưa phố buồn” tôi cứ nghe văng vẳng đâu đây dư âm của những vần thơ “Nhớ bạn”. Và mỗi lần như thế lòng tôi lại bâng khuâng một nỗi buồn dịu nhẹ, trong trẻo. Nỗi buồn đó phảng phất như một làn hương thanh tao, tinh khiết.
M.V.H
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng