Sơn Tây là vùng đồi đất đá ong khô hạn, không hơi nước bốc lên, trời cao xanh và mây trắng. Sơn Tây là vùng trước núi, nơi người Việt cổ làm nương rẫy và đặt bàn chân đầu tiên khi bước xuống đồng bằng. Từ châu thổ họ đi tứ xứ, nhưng luôn nhớ về mảnh đất gốc, luôn thả hồn theo những đám mây trắng trôi về đậu đỉnh Ba Vì. Con cháu họ, những Tản Đà, Quang Dũng, phải chăng đã thừa kế ở họ dòng máu giang hồ và sự hoài niệm quê hương? Chàng thanh niên Bùi Đình Diệm hoa niên cùng với văn học lãng mạn. Tiếng nói cá nhân cất lên từ cái bọc trăm trứng. Ông mê nhân vật Dũng của Nhất Linh và kẻ giang hồ "Rũ áo phong sương trên gác trọ" của Thế Lữ. Phải chăng bút danh Quang Dũng bắt nguồn từ đó? Có điều dòng máu giang hồ truyền kiếp kia nay nhờ văn chương lãng mạn mà có dung mạo cá nhân. Quang Dũng là một kẻ lãng mạn, lãng mạn đến chót mùa. Các nhân vật lãng mạn xưa xê dịch vì xê dịch bởi huyết quản sục sôi máu giang hồ. Họ cần tìm những không gian mới để thay đổi phong cảnh tâm hồn mình. Kháng chiến chống Pháp đã tạo cho Quang Dũng những chuyến đi, hơn nữa để đền nợ núi sông. Ông hăm hở tham gia vào trung đoàn Tây Tiến. Bộ đội Tây Tiến được giao nhiệm vụ vượt Tây Bắc sang Lào để chia lửa chiến trường. Một cuộc hành quân chiến đấu gian khổ. Một con đường máu. Tây Tiến được Quang Dũng viết khi đơn vị đã xong nhiệm vụ trở về Phù Lưu Chanh. Tây Tiến với tính cách là nhan đề một bài thơ còn dôi thêm một nghĩa nữa. Đó là một chuyến đi về phía Tây, phía núi, phía mặt trời, phía, theo quan niệm dân gian, của những người chết. Không phải ngẫu nhiên mà xưa nay nghĩa địa làng, những làng ma đều ở phía Tây. Và người chết đều được chôn chân về hướng núi. Tây Tiến, như vậy, là từ - chìa khoá của bài thơ, bó lá dứa gai treo trước cổng những ngôi nhà tang tóc, điềm báo về những cái chết. - Anh bạn dãi dầu không bước nữa Gục bên súng mũ bỏ quên đời! - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất - Rải rác biên cương mồ viễn xứ Cái chết ở đây được nói một cách giảm nhẹ. Nếu dân gian tránh gọi trực diện cái chết và thay vào đó bằng các uyển ngữ, thì Quang Dũng nhìn nó qua lăng kính của ký ức:Tây Tiến là một thiên hồi tưởng. Hồi tưởng tức là có khoảng cách: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi Chữ xa trong câu thơ đầu là khoảng cách không gian và thời gian, còn chữ nhớ chơi vơi trong câu thơ sau là khoảng cách tâm lý. Quả thực, sự gian khổ, chết chóc của con đường Tây Tiến ở đây, mặc dù đã được quay cận cảnh: dốc thăm thẳm, dốc khúc khuỷu, ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống, súng ngửi trời, gục lên súng mũ, thác gầm thét, cọp trêu người... Nhưng sự đặc tả đó lập tức bị xoá mờ bởi ống kính đã được lùi ra xa. Các chi tiết hiện thực được trùm phủ bởi các chi tiết lãng mạn: hoa về, đêm hơi, chiều sương, sương lấp, mưa xa khơi, cơm lên khói, thơm nếp xôi, hoa đong đưa... Nhờ được nhìn bằng những khoảng cách nghệ thuật như vậy, nên sự tác động của gian khổ, chết chóc với tính cách là một đối tượng thơ không chỉ dừng lại ở vùng cảm, nhất là ở bản năng, mà đã lên tới vùng thức. Hơn nữa, thực tế gian khổ mà hào hứng của những năm đầu kháng chiến cũng đã được Quang Dũng nói đến trong bài thơ. Đó là những tối liên hoan lửa trại dọc đường hành quân, những điệu múa của người thiếu nữ dân tộc, cô gái "Mai Châu mùa em", dáng người đàn bà chèo thuyền độc mộc trên sông: Doanh trại bừng lên hội đuốc, hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa Con người lãng mạn Quang Dũng dù trong hiện thực khắc nghiệt đến đâu cũng tìm ra những yếu tố để mơ mộng. Không phải là sự mơ mộng lừa dối, mơ mộng để quên thực tế, mà là sự mơ mộng bốc lên từ sự lạc quan, từ chất người. Đó là loại người, như Pautovski nói, bao giờ cũng nhìn đường đi bằng cả hai con mắt: một con để thấy vũng nước, còn con kia để thấy những vì sao long lanh đáy nước. Tây Tiến được viết theo thể hành, một thể thơ cổ phong Trung Hoa đã đạt đến toàn bích thời Đường. Thơ Mới cũng đã có thi nhân sử dụng thể này rất thành công: Tống biệt hành của Thâm Tâm. Câu thơ bảy chữ (số lẻ) vững chãi và vần trắc mạnh mẽ đã lột tả được cái gian nan hùng tráng của hành trình Tây tiến. Những từ Hán Việt như đoàn binh, biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành... kéo dài độ ngân vang đưa người đọc trở về cái không khí những bài thơ biên tái của Đỗ Phủ, Cao Thích, Sầm Tham. Nhờ sự liên văn bản (intertextualité) này, một lần nữa, người đọc bài thơ lại được lùi khỏi đối tượng thơ một độ lùi cần thiết bằng cả một khoảng cách văn hoá. Như vậy, các khoảng cách không gian và thời gian, khoảng cách tâm lý, nghệ thuật và văn hoá đã khiến bài thơ không sa vào cảnh tượng. Không như Baudelaire miêu tả cái chết của một con chó mà đếm đến từng con giòi. Cảnh tượng sẽ chỉ tác động vào những cảm xúc bản năng của con người như sự sợ hãi, kinh hoàng, ghê tởm... Thơ cần phải vượt qua cảnh tượng để đến với kinh nghiệm. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là kinh nghiệm về gian khổ, về chiến tranh, về cái chết. Kinh nghiệm, nhờ tính gián cách với đối tượng miêu tả của nó, có tác dụng lọc trong, có khả năng cải biến những cảm xúc sinh học thành những cảm xúc thẩm mỹ. Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi Chiều chiều oai linh thác gầm thét Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người Đoạn đường vào cửa ngõ Tây Bắc trong bài thơ là một bức tranh vẽ bằng mực Tàu của một hoạ sĩ bậc thầy. Các hoạ tiết vừa đậm nhạt vừa cụ thể, vừa ẩn vừa hiện. Có chỗ được sương khói ( sương lấp, đêm hơi) xoá mờ đi, có chỗ được miêu tả cụ thể, chi tiết, được nhấn mạnh bằng sự lặp lại có tiến triển để mô phỏng sự leo dốc nặng nhọc (Dốc lên thăm thẳm dốc khúc khuỷu, Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống). Hình ảnh súng ngửi trời cũng vừa thực vừa ảo, vừa hiện thực vừa lãng mạn đã đưa độ căng cảm xúc của bài thơ lên đến đỉnh điểm để rồi oà vỡ bằng một câu thơ toàn vần bằng (Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi). Ai đã từng lên Tây Bắc thì đều có thể hình dung được đoạn đường mà trung đoàn Tây Tiến vừa vượt qua chính là đỉnh dốc Thung Khe, một thạch trận được thiên nhiên bày ra trước lối vào thung lũng Mai Châu. Nhưng các điệp từ ở hai câu cuối (chiều chiều, đêm đêm) lại lập tức vĩnh cửu hoá, phổ quát hoá một cuộc hành quân cụ thể để đưa đoạn thơ gia nhập vào những kiệt tác của nhân loại như Hành lộ nan, Thục đạo nan... Tuy nhiên, Tây Tiến không chỉ là kinh nghiệm về gian khổ, về cái chết, mà, quan trọng hơn, còn là kinh nhiệm về sự vượt qua gian khổ, vượt qua cái chết, quyết tâm đi đến mục tiêu cuối cùng. Bài thơ cũng còn trải trước mắt người đọc toàn bộ tấm bản đồ Tây Bắc. Một vùng núi non trùng điệp càng hướng lên cao về phía Lào thì đám màu càng đậm. Đó là màu xanh của rừng, màu xám của đá núi. Đoàn quân Tây Tiến "da xanh màu lá" chậm chạp xuyên rừng vượt núi, chiến thắng sốt rét tiến lên. Bên cạnh đó là dòng sông Mã sủi bọt trắng xoá đổ dồn về xuôi. Những kí - hiệu - con - chữ trên tấm bản - đồ -bài - thơ chuyển động theo hai hướng trái ngược nhau tạo ra sức căng của tác phẩm. Trong ý nghĩa đó, dòng sông Mã là một biểu tượng. Nó chảy dọc bài thơ, qua cả ba đoạn, như là một sức mạnh bản năng, một xung lực vô thức, níu kéo, ngăn trở, làm cùn nhụt ý chí Tây Tiến. Dòng sông đục này lẩn khuất, ẩn hiện. Có lúc nó rất xa xôi, nhưng có lúc nó thật gần gụi: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa Nó là hồn lau (linh hồn của cây lau hay linh hồn của người chết vì lau thường mọc trên những nấm mồ hoang) thấp thoáng dọc đường? hay là cô gái chèo thuyền độc mộc đang trôi theo dòng nước lũ? Chữ dáng, dáng người, bóng dáng khiến con người thực ấy thoắt trở thành ẩn hiện, hư thực làm người đọc liên tưởng đến các nữ thuỷ quái của Homere chuyên hiện lên để chài mồi hòng cản bước chân những chàng Ulysse. Những bông hoa biết đong đưa (phải chăng cũng do nữ thuỷ quái hiện hình?!) trên dòng nước xiết càng làm tăng thêm cái cảm giác huyền hoặc đó. Dòng sông Mã bản năng muốn kéo con người xuống thấp, về xuôi, còn con người thì muốn đi ngược, lên cao. Bằng những hình ảnh vừa cụ thể vừa biểu tượng, Quang Dũng đã phát hiện ra một cuộc chiến khác, cuộc chiến không phân địch ta, không phân chiến tuyến. Và các anh bộ đội Tây Tiến cứ lầm lũi đi bất chấp gian khổ (đầu không mọc tóc, da xanh màu lá), bất chấp cái chết (Gục bên súng mũ bỏ quên đời, rải rác biên cương mồ viễn xứ), ý chí mạnh như cọp (dữ oai hùm) nhằm phía biên thuỳ tiến tới (Mắt trừng gửi mộng qua biên giới), để lại sau lưng tiếng gầm thét bất lực của con sông đang độc hành về xuôi... Như vậy, cuộc tranh chấp giữa con người và thiên nhiên, giữa ý chí và bản năng cuối cùng phần thắng đã thuộc về con người, về ý chí. Giống như anh chàng tráng sĩ Kinh Kha xưa, những anh bộ đội Tây Tiến hồi ấy cũng nhất quyết một đi không trở lại: Tây Tiến người đi không hẹn ước Đường lên thăm thẳm một chia phôi Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi Sau Tây Tiến, Quang Dũng còn những chuyến đi khác. Và con người giang hồ ấy càng đi xa, đi nhiều thì càng nhớ về quê hương. Như con thuyền phiêu bồng của Đỗ Phủ bị buộc chặt một mối tình nhà. Trong thơ Quang Dũng, đất đai, sông núi, con người xứ Đoài đã thành ám ảnh. Đặc biệt khi nó được nhìn bằng chính Mắt người Sơn Tây. Sơn Tây là một vùng bán sơn địa, quê hương của đất đá ong. Đất đá ong chứa nhiều chất sắt nên mỗi khi trời giông bão thì bao nhiêu sấm sét đều bị hút về đây. Phải chăng vì thế mà người Sơn Tây thô mộc và cứng cỏi? Đất đá ong cũng là đất nghèo dưỡng chất. Bởi vậy con người muốn sống được phải dựa vào cộng đồng ở gia đình, họ hàng, làng xóm... Và nếu không sống được nữa, người ta phải bỏ quê mà đi. Những người Sơn Tây tha hương tách khỏi cái bọc cộng đồng trăm trứng dễ trở thành những cá nhân. Nhìn lại nơi chôn rau cắt rốn bằng con mắt của kẻ khác, người xa quê lại càng hiểu quê hơn. Nỗi nhớ quê trở thành hoài niệm. Vả chăng, Sơn Tây cũng có cái để nhớ. Ba Vì là ngọn núi thiêng của cả nước. Tản Viên là vị thần đứng đầu Tứ Bất Tử. Sài Sơn với Từ Đạo Hạnh là một trong những nơi lưu dấu tích đầu tiên của Phật giáo. Dòng sông Đà dữ dội và sông Đáy hiền hoà. Và vùng núi đá vôi Quốc Oai đẹp như một Hạ Long cạn... Em ở thành Sơn chạy giặc về Tôi từ chinh chiến cũng ra đi Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì Hai người Sơn Tây lưu lạc gặp nhau: anh, bộ đội và em, tản cư. Nhìn người nhớ cảnh. Và trong miền nhớ ấy của Quang Dũng, Ba Vì xuất hiện đầu tiên. Nhưng núi không hiện ra như một cảnh tượng. Núi Tản như con gà cổ đại Khổng lồ mào đỏ thắp bình minh (Thơ Huy Cận) Bởi, cảnh tượng do con mắt của người ngoài nhìn vào, còn Quang Dũng thì sống với núi từ nhỏ. khung trời xứ Đoài, không gian xứ Đoài luôn tồn tại một Ba Vì như một yếu tố không thể thiếu vắng: Ba Vì tảng trán xanh, Thức với mây Đoài trắng lắm. Có lẽ thế, khi đi xa, Quang Dũng không nhớ núi, mà chỉ nhớ bóng núi Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì Bóng ở đây có thể là bóng (dáng) Ba Vì trên nền trời tây mà núi đã tự khắc vào đó. Cũng có thể là mỗi khi xế tà, núi Ba Vì đổ bóng dài từ Bất Bạt chạy xuống Đan Phượng quê nhà thơ. Nằm trong khoảng bóng ấy (như trong bóng mây), mọi vật thẫm lại và trở nên xanh. Và cả thời gian cũng như xanh. Đang ở những không - thời gian khác, Quang Phú nhớ tới những chiều xanh, sự gặp gỡ kì diệu của không gian và thời gian qua bóng núi Ba Vì. Thơ Quang Dũng, như vậy không còn là cảnh tượng nữa, mà đã trở thành kinh nghiệm, kinh nghiệm về sự thiếu vắng của cái không thể thiếu vắng. Cùng với núi là mây, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm. Cũng có thể xứ Đoài mây trắng thật. Mây với Quang Dũng tự do, là lãng du, là lang thang (Mây ở đầu ô, mây lang thang); trắng là màu của vĩnh cửu. Mây trắng là sự tự do vĩnh cửu, là cõi tự do vĩnh cửu: Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay. Thế Lữ ngày xưa giữ thái độ không nhập thế: Tôi bước đi bên cạnh cuộc đời, Trăm năm theo dõi đám mây trôi. Quang Dũng ngày nay nhập cuộc, lang thang khắp cuộc kháng chiến cùng với những đám mây để nhớ về một cõi mây trắng:xứ Đoài. Tản Đà lấy sông núi làm bút danh, một phần nhà ông ở dưới chân núi Tản bên dòng sông Đà, phần khác Đà giang hợp với tính cách của ông. Quang Dũng yêu dòng Đáy cũng một phần nhà ông nằm bên dòng Đáy, phần khác nó hợp với tính cách của ông. Từ Bất Bạt đến Đan Phượng là từ đồi núi xuống đồng bằng. Từ sông Đà đến sông Đáy là từ nguồn nước chủ động đến nguồn nước bị động. Sông Đà là hợp lưu của sông Hồng. Mùa lũ nó dồn nước của cả vùng Tây Bắc vào sông Hồng. Sông Đáy là phân lưu của sông Hồng, nó làm dịu bớt sự dữ dội của sông Hồng. Quanh năm con Đáy chảy hiền hoà giữa đôi bờ xanh tốt những bãi mía, vườn dâu, rặng nhãn. - Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc - Mãi mãi xanh tươi nguồn Đáy chậm Thi nhân đã thả sự mơ mộng của tâm hồn mình vào dòng sông chảy chậm. Bất Bạt với núi Tản sông Đà là phần núi của Sơn Tây; Quốc Oai (trước đây bao gồm cả Đan Phượng quê Quang Dũng) với núi Thày sông Đáy là phần đồng bằng của nó. Hai miền đất, hai tính cách dường như được hợp lại ở Quốc Oai - một Sơn Tây bán sơn địa thu nhỏ. Bởi vậy, không lạ gì khi Quang Dũng tha thiết với mảnh đất này: Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng Bương, Cấn là những làng đồi, những làng đất đá ong. Đây là những làng gợi nên không gian sinh hoạt của người Việt cổ, nửa nương rẫy, nửa ruộng nước. Vườn vẫn là kiểu vườn rừng. Làng rất nhiều cây cổ thụ. Những con đường đá ong đỏ au lượn quanh làng rồi mất hút trong tán lá xanh. Nhà cũng được xây bằng đá ong, gọi là nhà đá (Thạch Thất). Đặc biệt trong làng có những giếng nước. Giếng không phải xây hoặc kè đá, mà chỉ việc đào xuống. Gặp không khí đá ong tự rắn lại tạo nên những thành giếng rất vững chắc không bị sụt lở như thành giếng đất. Đá ong còn là một bộ lọc rất tốt, nên nước giếng đá ong rất trong lành và thơm mát. Giếng không chỉ là con mắt của đất, mà còn là con mắt của làng. Bởi lẽ, nhiều sinh hoạt đời thường của làng diễn ra quanh giếng. Tâm hồn người dân đá ong, dân Sơn Tây cũng trong và mát, đơn giản và thẳm sâu như giếng đá ong. Quang Dũng đã nhiều lần ví mắt người Sơn Tây như mắt giếng: Mắt em như nước giếng thôn làng. Những cô gái SơnTây nói riêng và người Sơn Tây nói chung chỉ giữ được đôi mắt ấy, trong sáng và thơ ngây, khi còn sống trong cộng đồng, còn sống bằng đời sống cộng đồng, dù là lam lũ, vất vả (Cô gái Sơn Tây, Yếm thủng tày dần, Răng đen hạt nhót, Má hồng trôn niêu... - Ca dao cổ). Nhưng khi bị chiến tranh làm bật khỏi mảnh đất quê hương, thì đôi mắt đã thay đổi: Đôi mắt người Sơn Tây U ẩn chiều lưu lạc Thương vườn ruộng khôn khuây Mà người Sơn Tây thì có nhiều lý do để mà lưu lạc lắm! Đất nghèo sống khó nổi. Đời sống bầy đàn không phát triển được, chiến tranh đến với mảnh đất này từ thời huyền thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh: Núi cao sông hãy còn dài, Năm năm báo oán đời đời đánh ghen. Nhưng chỉ có bị bứt khỏi cuống nhau của cộng đồng, của đất gốc thì người Sơn Tây mới phát triển thành một cá nhân được. Ý thức cá nhân và cuộc đời lữ thứ lại càng làm cho họ tha thiết với quê hương. Xa quê thì lại yêu quê hơn. Đó tưởng như là một nghịch lý, nhưng hoá ra lại là một thuận lý. Bởi nếu ở quê họ chỉ là mình, còn khi xa quê thì họ vừa là mình vừa là kẻ khác. Và chỉ khi nào biết nhìn quê hương bằng con mắt của kẻ khác, kẻ xa (mất hoặc thiếu) quê hương thì đó mới là một tình yêu đã được thử thách. Sự u ẩn mà Quang Dũng đọc thấy trong đôi mắt người Sơn Tây chiều lưu lạc ấy chứa đựng chứa đựng cả thời gian lịch sử của mảnh đất và con người. Đó là một con chữ khảo cổ học. Cũng trong bài thơ này, Quang Dũng còn một con chữ khảo cổ học nữa là buồn Tây phương: Vầng trán em mang mùi quê hương Mắt em dìu dịu buồn Tây phương Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm Em đã bao lần em nhớ thương... Sơn Tây ở phía tây, nên có thể gọi là Tây phương. Nhưng Tây phương cũng là nơi đất Phật, bởi Ấn Độ cũng ở phía tây. Hơn nữa, Sơn Tây còn có chùa Tây phương nơi có những pho tượng đẹp nổi tiếng. Mà mắt Phật bao giờ cũng mang những nét đẹp của một con mắt Châu Âu với một nỗi buồn xa xứ, di sản của người Arinăng để lại. Đó lại là một Tây phương khác. Nỗi buồn Tây phương trong mắt người con gái Sơn Tây mang tất cả những âm hưởng trên. Các kích thước ngữ nghĩa trên xoắn luyến vào nhau, tạo ra một sự nhoè nghĩa gây một ấn tượng mơ hồ, khó hiểu, nhưng sâu đậm, ám thị. Trong kháng chiến chống Pháp, chủ yếu từ sau Bốn Chín, người ta muốn, kể cả ở thi ca, mọi thứ phải rõ ràng, hai năm rõ mười. Chữ buồn Tây phương chỉ được hiểu một nghĩa là phương tây, là châu Âu, là Pháp. Quang Dũng, kẻ lãng mạn đã phải đầu hàng hiện thực, đổi câu thơ thành: Mắt em như nước giếng thôn làng. Vẫn là một câu thơ hay, nhưng rằng hay thì thật là hay, mà khảo cổ học ngôn ngữ thì không còn. Thơ Quang Dũng, thoạt nhìn, chỉ là một sự nối dài của Thơ Mới. Vẫn những câu thơ năm chữ hoặc bảy chữ đều đặn, được xếp vào từng khổ bốn câu, giầu vần điệu, nhiều câu thơ giàu chất thơ, đẹp, thậm chí đèm đẹp... Nghĩa là thơ ông vẫn ánh lên trong ánh sáng của mỹ học Thơ Mới. Bởi vậy, thơ Quang Dũng, nhất là Tây tiến và Mắt người Sơn Tây, được hâm mộ rộng rãi trong những ngày đầu kháng chiến. Nhưng sự cảm thụ cuộc sống có tính chất cá nhân, riêng tư, máu giang hồ lưu lạc, mặc dù có khi đã mượn lời cổ phong, cũng đã đần dần không phù hợp với thời cuộc. Tuy nhiên, đọc sâu Quang Dũng, người ta thấy thơ ông có những chuyển động. Hiện thực của Cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu Kháng chiến đã tác động vào mỹ cảm Quang Dũng. Điều này tạo ra ở thơ ông cái nhìn khảo cổ học tâm hồn. Cái nhìn xuyên thời gian này chỉ có được khi hồn người và hồn đất (nước) rung lên trong những cơn địa chấn, mạch đất nứt toác để dung nham vô thức từ đáy thẳm phun trào lên. Nhờ thế, thơ Quang Dũng không chỉ dừng lại ở Thơ Mới mà đã bắc được một nhịp cầu sang bờ bên kia của thơ hiện đại. Tây Tiến (1948) và Mắt người Sơn Tây (1949) là hai đỉnh Ba Vì trong thơ Quang Dũng. Những bài thơ khác, trừ Đôi bờ, Quán bên đường và một vài đoạn trong Những làng đi qua, nhất là thơ viết sau 1949, sau Hội nghị Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc, thì đều rất nhạt, thậm chí tầm thường, bởi đó là thể xác của những câu Thơ Mới một trăm phần trăm nhưng phần hồn, tiếng nói cá nhân của nó, thì đã thoát dương đi mất. Tuy nhiên, chỉ với Tây Tiến, Quang Dũng đã xác lập được vị thế Sơn thần của mình. Bởi lẽ, Tây Tiến là một trường hợp thơ chỉ một bước đã đi vào cổ điển. Nó vượt qua sự lưỡng phân cũ/ mới, truyền thống/ hiện đại để đạt đến sự nhất nguyên của cái đẹp, một giá trị nằm ngoài thời gian. Sơn Tây, 8/2001 Đ.L.T (nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002) |