Thế nào là có hiệu quả? Vì sao “cái trống rỗng là nguồn vô tận của hiệu quả”? Cái gì đã đầy thì không có tương lai, chỉ có thể “tràn” ra thôi, ngược lại cái gì không đầy vươn tới sự đầy và nhờ vậy có thể “tự đổi mới”. “Không” của Phật giáo và “Hư” của Đạo giáo. Đức tính “khiêm hạ” có ý nghĩa thuần tuý đạo đức hay còn có ý nghĩa chiến lược?... Và ít suy nghĩ tản mạn về mỹ học. ...Theo sự truyền dạy của minh triết Trung Hoa cổ, chúng ta bắt đầu ngờ rằng một hiệu quả không đo bằng cái người ta thấy về nó, bằng ý thức của người ta về nó và bằng việc người ta nói về nó. Bởi vì cái hiệu quả gây ấn tượng mạnh như vậy lại là ít hiệu quả: nó chỉ là một lớp màng mỏng trên mặt nước đâu có hoà vào thực tại và trong sự tự khẳng định, nó sinh ra tự bản thân nó những phản ứng đối kháng; kết quả là một sự đối đầu bất tận, người ta bị sa lầy vào đó. Trái lại, những bậc thầy của minh triết Trung Hoa cổ dạy cho chúng ta sử dụng cái thực tại bằng cách dùng mưu mẹo đối với nó - không phải là giở mưu mẹo với những kẻ khác, ở chúng ta cái trò này đạt tới tột độ khôn khéo (Ulysse hoặc Renard [Cáo],vân vân...) mà đây là dở mưu mẹo với tình thế, tính đến lô gích của tiến trình của nó: như vậy vừa để cho hiệu quả xảy ra - không cần nỗ lực và tiêu hao sức mình - lại vừa tránh được mọi sự đổ vấy cho mình, có sự châm chước đối với hiệu quả. Cái này chế định cái kia, bởi lẽ đòi hỏi chỉ có một và, trong Lão tử nó lại được nắm bắt liên kết ở ba phương diện chính: hiệu quả không được gò ép, đừng có toan chiếm hữu nó và phải tránh làm cho nó bão hoà. Về hiệu quả của hành vi, điều mà người ta nói mãi, nói khắp nơi, nói đi nói lại hoài, không thể nói gì hơn nữa, đó là sự khôn ngoan được kế thừa tự ngàn xưa, là lòng sông của mọi nền minh triết (vẫn được gọi là minh triết dân gian hoặc của “các dân tộc”: cái vốn có trước của mọi thứ lý thuyết), điều đó là sự hiển nhiên này: phải tránh sự thái quá. Hình ảnh được lấy làm điểm xuất phát trong Lão tử là hình ảnh một chiếc bình, rỗng thì đứng thẳng nhưng hễ cứ đầy thì bổ nghiêng: người ta có thể giữ nó “đứng thẳng” (dùng sức để giữ) để “nước ngập miệng bình”, nhưng, vừa mới bỏ ra, là nó bổ nghiêng và đổ nước ra; vậy thì “tốt hơn cả là dừng lại” trước khi đầy bình, để nó giữ được thăng bằng khỏi đổ nước ra (th.9). Một hình ảnh khác: cái mũi nhọn được mài nhọn quá không thể giữ nguyên được và trước sau sẽ vỡ. Quá nhiều tịnh chẳng cần đến (đổ nước quá nhiều, mài sắc quá nhiều vân vân...) - người ta nhận ra ở đây câu cách ngôn (meden aga, bằng tiếng Hy Lạp; khử thái, bằng tiếng Hán; đối chiếu với Lão tử, th. 29). Nhưng đã thấy sự sai trệch hiện ra lại. Ở chính ngay nơi, dưới cái có vẻ như là hết sức quen nhàm, người ta tưởng rằng mọi ngừời sẽ nhất trí. Bởi lẽ khác điều mà ở chúng ta những bài thơ gnomique (dạng ngạn ngữ) nói lên, hoặc điều mà những dàn đồng ca bi kịch Hy Lạp thổ lộ, ở Trung Hoa, sự thái quá này không bị lên án, bởi vì, vượt quá mức độ, thì người ta ra khỏi thân phận con người và dẫm sang một lĩnh vực khác (lĩnh vực của những vị thần: hubris); nó không bị lên án vì nó gây ra những lực lượng cao hơn chúng ta và nó đến để thử thách số mệnh một cách ngạo ngược. Nếu như thực sự có sự vượt giới hạn, thì chẳng phải vì vậy mà có sự vi phạm, phương diện duy nhất được tính đến là lô gích nội tại của tình thế: chẳng qua là cái quá đầy nó tràn ra (hoặc là cái được mài quá nhọn thì gẫy) và sự thái quá của hiệu quả quay trở lại chống lại hiệu quả. Sự thái quá của hiệu quả giết hiệu quả. Không cần nhờ đến một hậu cảnh đạo đức hoặc tôn giáo nào cả (người ta phải thú nhận rằng hậu cảnh này bao giờ cũng có ít nhiều tính chất ma thuật về mặt này), quan điểm ở đây là quan điểm của tính hiệu quả đơn thuần: hễ mà nó được đẩy tới cùng, nó trở thành cứng nhắc hoặc bị gò, hiệu quả vượt qua ngưỡng chịu đựng của thực tại, nó không còn sáp nhập được nữa và luội đi. Do đó, một điều hết sức cốt yếu là hiệu quả đừng có trở thành đối tượng của một gánh nặng thêm thắt nào từ phía kẻ sản sinh ra nó, và người này phải hết sức tránh không thêm thắt gì riêng tư và tình cảm vào hiệu lực thuần tuý của nó (th.30): không “dám” tỏ ra mình mạnh hơn, chớ kiêu căng, chớ có “kiêu ngạo”, không “khoe khoang”. Chỉ cần có được “quả” thôi: làm sao hiệu quả xuất hiện như là quả chỉ được kết từ tình thế thôi và nó lặng lẽ tuồn vào nội kết của tình thế; làm sao nó được mọi người sống như là điều không tránh khỏi - như là không thể khác được, phải qua nó thôi, đạt được kết quả là vì bất đắc dĩ, đạt được kết quả mà chớ ép buộc. Do đó, làm sao cho không có một sự phô trương sức mạnh nào để làm tôn lên hiệu quả. Bởi vì, bằng không, tất cả những gì ở hiệu quả là phô trương sức mạnh làm cho hiệu quả này phụ thuộc vào những sự lật ngược tình thế mà mọi việc sử dụng đến sức mạnh đều hứng chịu; hơn nữa, hiệu quả trong tình hình này không tránh khỏi bị tiêu hao lực lượng. Tóm lại, sự tăng cường hiệu quả lại làm hiệu quả yếu đi... Ngay cái chỉ làm nhấn mạnh hiệu quả cũng đã là ăn tàn, phá hại nó và nhất là ức chế nó. Nói như trong Lão tử (th.24) những “đồ ăn thừa”, “những cục bướu” ai cũng ghét. “Nhón chân thì không đứng vững được; chạng chân thì không đi được.” Khi người ta làm quá đi thì chẳng những hao sức một cách vô ích mà còn làm sói lở ngay cả khả năng hiệu quả. Cái “làm quá đi” này tác động lõm, bởi lẽ cái dôi thừa này không chỉ là một trọng lượng chết, nó không chỉ đe doạ làm cho hiệu quả có nguy cơ bị lật ngược hoặc suy kiệt, mà nó còn gây cản trở cái có thể xảy ra - thậm chí có thể nói: cái chỉ còn có nước là xảy ra; chung quy người ta ngăn cản hiệu quả kết thành quả. Như vậy phải trả giá hai lần: một mặt, cái dôi thừa làm sói mòn hiệu quả ở bên trong, do sự phá rối nó gây ra và mặt khác, ở bên ngoài, nó làm cho hiệu quả “bị ghét”. Bởi lẽ, thay cho việc lặng lẽ xảy ra (không ai thấy), sự “vượt quá” này làm cho thiên hạ nhìn vào hiệu quả, gây ra những sự e ngại và tụ tiêu những sự chống đối, dẫn tới việc vứt bỏ nó. Lão tử còn đặt yêu cầu cao hơn nữa: “khi hiệu quả xảy ra, đừng có chỗm lấy nó” (th.2). Nhà hiền triết/chiến lược không tìm cách vơ lấy nó cho mình, không lấy nó để kể công. Bởi lẽ một khi người ta vơ hiệu quả cho mình thì người ta tham gia vào một lô gích chiếm hữu nó chỉ có thể làm cho hiệu quả bị thua thiệt, tất cả những gì mà người ta “chỗm được” trước sau sẽ bị “lìa bỏ”, và sự chiếm hữu này, dội sang hiệu quả, làm cho nó bị nghi ngờ; “vơ lấy hiệu quả” (th.77) đương nhiên có nghĩa là, chiếm lấy nó như là một chỗ đứng, đồng thời người ta dẫm lên chỗ đứng của người khác, và hiệu quả thế là bị nguy hại bởi sự kình địch này, sự lâu bền của nó chẳng có gì là chắc chắn nữa. Ngược lại, chỉ cần không vơ hiệu quả cho mình thì “không mất nó”: thay cho việc làm cho nó bấp bênh bằng cách gắn chặt nó vào mình, người ta để cho nó thuộc về cái thế giới đã làm cho nó tồn tại - người ta trả nó lại cho tính nội tại của nó. Một công thức khác nói hay hơn sự kín đáo chiến lược này: “hiệu quả đã thành thì bản thân mình rút lui” (th.9). Công thức này nói được hai điều cùng một lúc; một là: hiệu quả “đến” như kết quả, nó thuộc phạm trù hệ quả - chứ không thuộc phạm trù dự phóng; và hai là: thay cho việc tự cho mình là tác giả của hiệu quả và khai thác thanh thế từ nó, người ta nhường chỗ cho những nhân tố mang chở hiệu quả, để cho chúng mặc sức tác động tung tẩy. Một lần nữa chúng ta bị lôi đi xa rời hẳn “chủ nghĩa yêng hùng: nào là hiệu quả không được cứng nhắc, không bị gò ép quá sức, nào là không được tìm cách đề cao nó, nào là phải tránh có tham vọng nhúng tay vào đấy và lấy làm vinh dự, tất cả phải nhằm để cho hiệu quả lặng lẽ tuôn vào sự tiến triển của sự vật và hòa tan vào đấy. Bị thu hút bởi cái thực tại, từ đó nó lấy tính thực tại. Sự từ chối tăng cường lộ liễu hiệu quả (tăng cường một cách riết ráo, một cách quyết đoán) phải được hiểu căn cứ vào cách hiểu cái gì làm ra hiệu quả: một hiệu quả chỉ là hiệu quả nếu như nó có thế triển khai, nếu như nó làm việc và trở thành hữu hiệu. Điều này đòi hỏi nó không được bão hoà; không những không được vượt quá giới hạn của hiệu quả mà ngay đưa nó tới giới hạn cũng không được. “Ngũ sắc làm cho mắt tối đi”, đây là những câu trong Lão tử (th.12), “Ngũ âm làm cho tai điếc, ngũ vị làm cho miệng tê”. Có thể đọc ở những câu này lời kêu gọi “giảm bớt ham muốn” có ý nghĩa đạo đức, nhưng từ sự vứt bỏ cái gây ấn tượng mạnh, có thể suy ra rằng một cảm giác càng ít tính chất nhấn mạnh thì càng nhiều hiệu quả; khi nó đến độ hoàn toàn, nó trải ra thì hiệu quả không tác động nữa. Hoặc thế này nữa, hiệu quả tác động không phải khi nó đến độ hoàn toàn mà khi nó đương xảy ra. Khi những cảm giác đến tột độ và những giác quan thừa mứa chúng, hiệu quả không được cảm nhận nữa và không còn hữu hiệu; nó cũng không được cảm nhận nếu như nó được dọn ra tức khắc. Ngược lại, chính là vì có chỗ cho sự biến hoá, vì có thể chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác và tiến triển, do phải vượt qua sự thiếu, hiệu quả vốn phải giành với không hiệu quả để mà có, chính là vì tất cả những điều nói trên mà hiệu quả có thể tác động. Theo phương thức một sự lắng lại hoặc một sự tiến đạt dần dần (th.15): giống như “nước đục”, “lắng lại” “dần dần trở thành trong”; hoặc ngựơc lại, giống như ai đó “đương yên nghỉ”, do một sự lay động lâu lâu mà “ dần dần trở về với sự sống”. Cho nên “kẻ giữ được cái Đạo ấy” “không muốn sự đầy”. Bởi lẽ, trong khi cái gì đã đầy thì không có tương lai, chỉ có thể “tràn” ra thôi, thì ngược lại cái gì không đầy vươn tới sự đầy và nhờ vậy có thể “tự đổi mới”. Chính vì vậy, cuối cùng, hiệu quả thực sự có vẻ như là yếu. “Công trình lớn không mấy khi thành” (dịch như vậy đúng hơn là: “thành vào buổi chiều tối”), đây là một câu trong Lão tử (th.41). Như hội họa hiện đại đã cho ta hiểu qua việc đề cao giá trị của bản phác thảo, cái có vẻ như là thiếu cho phép tác phẩm tiếp tục tiến hành và gây ảnh hưởng của nó; cái chưa hoàn thành này duy trì tác động của hiệu quả. Hoặc còn điều này nữa, “Âm giảm bớt nhưng độ vang lại lớn”: ngược lại với “ngũ âm”, các âm gộp lại đưa cảm giác đến tột độ, làm inh tai và ngăn cản nó chẳng cảm nhận được hiệu quả nào cả, nhưng trường hợp âm ít thôi thì hiệu quả hoà âm của nó lan toả càng hay nếu như bản thân âm đó được nín giữ lại, có sự dè dặt và co nén lại. Cũng có thể nói rằng, để có thể tác động, hiệu quả đích thực có vẻ như là trái ngược với kết quả đạt được, bao giờ cũng đuối so với kết quả, chính là nhờ vậy mà nó không ngừng kết thành quả. “Việc đại thành giống như là có thiếu sót, cho nên công dụng của nó không hết”, “cái đầy lớn có vẻ như là trống rỗng cho nên công dụng của nó không bao giờ cùng” (và một số ý khác tương tự: “sự ngay thẳng lớn có vẻ như cong”, “sự khéo léo lớn có vẻ như vụng”, “sự hùng biện lớn có vẻ như ấp úng”, vân vân...). Cần lưu ý đến những từ “giống như là”, “có vẻ như”: như vậy không có nghĩa là tính hiệu quả thực sự bị thiếu sót, điều muốn nói là phải xem như chính đáng việc nó có vẻ như vậy để nó luôn luôn được đòi hỏi phải xảy ra - phải thao tác - và không bao giờ chịu thực tại hoá hoàn toàn. Bởi lẽ, bằng không, giống như mặt biển lặng đứng tràn ngập chân trời, nó sẽ bịt lại hết mọi sự chờ đợi và không thể làm tròn chức năng của nó nữa. Nói một cách khác, tính hiệu quả đích thực bao giờ cũng hiện ra ở chiều lõm, một trong những mô típ được ưa thích trong Lão tử nói lên điều này: đó là mô típ “thung” (từ Hán Việt: “cốc”, trong những bản dịch tiếng Việt được dịch là “hang”, F.Jullien dịch bằng từ tiếng Pháp “vallon” có nghĩa là “thung” ). Thông qua sự loe ra của “thung”, nhờ vào sự khoét rỗng luôn luôn phải đổ đầy, “thần trí” qua đó “không bao giờ chết”. Tính hiệu quả cũng vậy thôi: thay cho việc đường đường hiện ra thật đầy đủ, nhờ có sự trống rỗng mà nó chứa đựng, nó có thể gây hiệu lực hết cỡ. Bởi lẽ có hai cách hiểu cái trống rỗng. Hoặc là cái trống rỗng của sự không tồn tại, ở trong khuôn khổ của một quan điểm siêu hình đặt ra vấn đề tồn tại và không tồn tại: đó là cái “không” của Phật giáo (tiếng phạn: sunya; tiếng Trung Hoa: kong, từ Hán Việt: không); hoặc là cái trống rỗng chức năng trong Lão tử (khái niệm “hư”): nó tác động trong tương quan với đầy (từ Hán Việt: doanh) và nhờ nó cái đầy có thể thực hiện được hiệu lực của nó hết cỡ. Hai cái trống rỗng này khác nhau về căn bản, dầu cho người ta đã tìm cách lẫn lộn cái này với cái kia và tiếp theo chúng đã nhiễm vào nhau (phần nào chính là nhờ sự nhầm lẫn này mà Phật giáo - đến từ Ấn độ, tức là từ Ấn-Âu, đất của siêu hình học - đã vào Trung Hoa; điều này cũng có thể hiểu được thôi: người ta chỉ có thể bắt đầu đồng hoá một tư tưởng ở bên ngoài bằng sự hiểu lầm về nó). Đối lập với đầy và tác động trong mối tương liên với nó, cái hư của Lão tử là môi trường trong đó cái đầy tiêu tan và mất đi tính biệt hoá; nó cũng là cái từ đó cái đầy xảy ra và trở thành hữu hiệu. Do đó, nó không phải là “phi tồn tại” mà là cái cái nền tiềm ẩn của sự vật, nền ở đây có nghĩa như khi ta nói đến nền của một bức tranh hoặc cái nền của sự im lặng: cái nền này là cái vốn từ đó âm được sản sinh và làm cho âm vang lên, từ đó đường nét ló ra và nhờ vào nó đường nét mới rung lên... Tiếp tục kinh nghiệm hoạ pháp: đâu có phải là một sự trống rỗng hư ảo, sự rỗng khoét này đúng hơn là “nét mảnh” đối lập với nét đậm của đường nét, ở đó cái cụ thể được giảm tới mức nhỏ nhất và trở nên kín đáo, nét mảnh làm nổi bật nét đậm trong sức mạnh và bề giầy của nó: cái mảnh vô cùng tinh tế, tinh thần của nó do đó trút bỏ đựơc sự nặng nề của những hình thức và sự vật, nó không ngừng lưu hành xuyên qua chúng và truyền sinh khí linh hoạt cho chúng. Nếu nó ngừng xuyên qua, cái thực tại sẽ thực sự bị tê cóng, sỉu lả, đông cứng; không có cái luồng vận hành này của cái trống rỗng, cái thực tại sẽ bị sự vật hoá hoàn toàn. Trong Lão tử có đưa ra những hình ảnh (th.11). Tất cả những nan hoa của bánh xe châu về một bầu xe và chính là “ở nơi không có gì cả”, trong bộ phận khoét rỗng (ở khoảng giữa chỗ trục xe đâm vào), chính nơi ấy lại là “công dụng của cỗ xe” (cho phép bánh xe lăn và cỗ xe tiến lên); cũng vậy, người ta nhồi đất làm chiếc vò, nhưng chính là “ở nơi không có gì cả” lại là “công dụng của chiếc vò”: nhờ có khoảng rỗng bên trong này mà chiếc vò có thể đựng được, mà nó là một đồ dùng; laị một ví dụ nữa, chính là nhờ khoét cửa lớn, cửa sổ mà phòng có thể ở được. Chỗ nào cái đầy bị đào lõm, bị khoét rỗng, không kể là gỗ, là đất hay tường, từ chỗ ấy có thể có công dụng, từ chỗ ấy sinh ra khả năng hữu hiệu. Sách Lão tử tóm tắt điều này trong một công thức có thể truyền đạt như sau: cái thể hiện như là “lợi” ở giai đoạn thực tại hoá của cái thực (hữu) thì tác động như là “dụng” ở cấp của vốn chưa phân hoá của chúng (vô) [th.11]. Trên thực tế, nhờ vào sự thực tại hoá của cái đầy [doanh] (tức là cái thực, ở đây từ Hán Việt doanh vừa có nghĩa là đầy vừa có nghĩa là thực. Chú thích của ng: dịch) công dụng bất định của cái trống rỗng (hư) có thể ra khỏi tình trạng không xác định của nó và biểu lộ thành cái lợi đặc biệt; nhưng chính là nhờ vào tác động giải phân hoá của cái trống rỗng dùng làm vốn tiềm ẩn cho sự vật mà mỗi sự thực tại hoá đặc biệt không bị bưng bít trong tính đặc biệt của nó nữa, nó lại có thể từ cái nền của nó liên lạc với những cái khác và, bằng sự liên hệ, để lộ ra khả năng tiềm tàng của nó... Để giải thích khả năng hiệu quả, chúng ta phải thăm dò khả năng vừa liên thông vừa triển khai đến với nó từ cái trống rỗng. Cả hai chức năng này tiếp vào nhau, điều này nói ở dạng phủ định thì rõ ý hơn: không có tác động giải biệt hoá của cái trống rỗng, như là nền chung (ý niệm vô), một tính cá thể không thể gặp những tính cá thể khác, tương tác với chúng và làm nổi bật hiệu lực của nó; và nếu như không có sự rỗng của cái trống rỗng như là môi trừơng xung quanh, hiệu quả này không thể lan truyền được. Trong những lời bàn của một nhà bình chú Lão tử có một ý niệm thâu tóm được tính hiệu quả này của cái trống rỗng (đó là ý niệm thông, trong trước tác của Vương Bật; đối chiếu với th.14, 40, 44): cái trống rỗng chẳng qua chỉ là cái cho phép hiệu quả đi qua. “Nơi chẳng có gì được thực tại hoá thì chẳng nơi nào mà không qua được, chẳng nơi nào mà không đi được”. Ngược lại hiệu quả bị ngăn cản tác động khi cái đầy không có cái trống rỗng lọt vào và trở nên mờ đục, nó gây trở ngại: làm thành tấm chắn nó đưa cái thực tại tới tình trạng đông cứng lại, người ta bị cột vào đấy; không thể có một sự lưu thông nào cả, người ta bị sa lầy. Chẳng có thần bí nào cả (làm gì có mối quan tâm siêu hình học ở đây), sự trở về với cái trống rỗng được ca tụng trong Lão tử là một sự kêu gọi thủ tiêu mọi sự chặn chẹn mà mọi cái thực tại thường là nạn nhân một khi chúng không có kẽ hở nào và bị bão hoà. Bởi lẽ nếu như tất cả đã tràn đầy thì chẳng còn khoảng lề nào để thao tác; nếu như mọi trống rỗng bị loại bỏ thì sức hoạt bát cho phép hiệu quả tự do tác động cũng bị phá. Trở thành mờ đục và cứng nhắc, chẳng còn một khoảng trống rỗng nào làm chốn ở cho mình, cái thực tại bị ức chế đờ đẫn; và sự cảnh cáo này cũng có giá trị (đúng hơn, trước hết có giá trị) ở bình diện chính trị. Cái quá đầy này làm cho tình hình lỉnh kỉnh, lôm côm, như chúng ta biết, là cái quá đầy luật lệ và những sự cấm đoán, được nhân lên cuối cùng chúng sẽ là chướng ngại cản trở xã hội và làm cho con người sống trong đó không tài nào tiến triển theo sở thích. Cho nên phải thải chúng đi để làm ra khoảng trống rỗng, trả lại cho cái thực tại khả năng bứt lên của nó. Bởi lẽ, một khi chẳng có gì được quy tắc hoá (mọi sự quy tắc hoá chỉ là sự vật hoá cái đầy), và do đó chẳng còn gì ngăn chặn tinh thần chủ động sáng kiến, tinh thần này triển khai một cách tự phát (sponte sua): trong khoảng trống rỗng những luật lệ và cấm đoán, chỉ cần để cho làm-cho qua và sự hành động sẽ không mưu mô, thủ đoạn. Cái trống rỗng này không phải là duy linh, cũng chẳng phải là duy vật, nó không dẫn đến cả hình nhi hạ các vật thể lẫn hình nhi thượng (métaphysique) của linh hồn, lô gích của nó có tính chất chức năng: nó là cái cho phép cái đầy giữ được thể lỏng và thở (giữ được sự thông thoáng) - duy trì cho cái đầy vận hành và linh động (và trạng thái chênh vênh này là cốt yếu:quan điểm ở đây chẳng phải là quan điểm của linh hồn như là thực thể, mà là quan điểm của sự linh động như là quá trình. Về vấn đề này, hội họa Trung Hoa cho một ví dụ có sức thuyết phục giúp ta hình dung được cụ thể tương tác của của cái trống rỗng với cái đầy - mỗi lần nó vẽ chính là vẽ sự tương tác này: khoảng trắng trong đường nét, trên cuộn giấy (hoặc lụa) là cái cho phép những nét đậm liên thông với nhau, nó là môi trường để trống ở đó những liên hệ giữa chúng được tết dệt; đồng thời nó cho phép triển khai hiệu lực của chúng, nó mở cái được phác hoạ ra vô tận - hướng về cái vô cùng. Quả vậy, chỉ cần xoá đi ít nhiều cái được phác hoạ, làm cho nó chập chờn, thì cái vốn không đáy của sự vật lộ ra ở nó; qua sự cách quãng nhỏ nhất chân trời xa vời nhất được tiếp nối. Cho nên chân trời này được phát tán xuyên qua bức tranh cuộn, toàn bộ cái được phác hoạ thấm cõi bên kia, “trời” không bị định khu nữa, trời có khắp nơi (đúng hơn, trời thao tác khắp nơi, không phải là có khắp nơi). Được làm nơi ở của cái trống không, cái được phác hoạ trở thành dấu ấn nhất thời của một sự vắng, thay cho việc phơi bầy đầy đủ hình hài của nó, nó thu dẫn một luồng vô hình - luồng của cái vô hình (thần) - cái được phác họa trở thành dấu vết. Bởi lẽ chính là từ đó cái trống rỗng không ngừng rút ra hiệu lực của nó: trong khi cái đầy bao giờ cũng bị hạn chế, người ta thấy được đầu cuối của nó, còn cái trống rỗng là vô tận. Vốn của nó là không có đáy. Trong Lão tử điều này được nói rành rành trong nguyên văn (th.4): “Đạo tuy trống rỗng nhưng công dụng của nó không bao giờ hết” (dịch như thế này đúng hơn là: “nhưng chưa bao giờ người ta phải làm cho cho nó đầy lại”; đối chiếu với th. 35). Và điều này nữa, “khi dùng nó, chẳng phải vất vả” (th. 6): cái trống rỗng chẳng mời đón gì cả, chẳng chống đối gì cả, nó không thể gây ra phản kháng, do đó nó không thể hao mòn. Chứng cứ là trong Lão tử tất cả những gì là hình ảnh của sự rỗng khoét không ngừng cho qua: hình ảnh thung lũng, hiệu lực vô hình của nó, như ta đã biết, không ngừng xuyên qua và do đó, hiệu lực “không bao giờ chết” (th.6); hình ảnh cái cửa, bao gồm cả cửa của người Mẹ, qua đó không ngừng sinh sôi nảy nở (th.1,6); hình ảnh cái ống bễ, nó “rỗng đấy nhưng không oằn xuống”, và “càng vận động” “sinh ra càng nhiều” (hiệu quả, th.5). Cái “khoảng ở giữa trời và đất”, một câu hỏi được đặt ra trong Lão tử, toàn bộ cái khoảng “trống rỗng” này nơi sự sống đến, phải chăng giống như “một cái ống bễ lớn”?
Tương tác giữa cái trống rỗng và cái đầy này, trong lòng của hiệu lực, có tính chất tiêu biểu. Nó biểu lộ quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa những phương diện đối lập của thực tại, nhờ vào đó cái thực tại không ngừng thao tác và cũng do đó nó xảy ra không cùng. Cũng giống như tương quan giữa cái trống rỗng và cái đầy, tất cả những cái trái ngược “sinh ra nhau”, xem Lão tử (th.2): người ta thấy phương diện này ở mặt đầy, thì ở mặt lõm, phương diện khác làm việc. “Khi thiên hạ đều biết cái đẹp là đẹp thì đó đã là cái xấu rồi”, “khi thiên hạ đều biết cái thiện là thiện thì đó đã là cái bất thiện rồi”. Thay cho việc bài trừ nhau, những cái trái ngược quy định lẫn nhau và chính là từ cái lô gích này nhà hiền triết rút ra chiến lược của mình. Bởi lẽ, thay cho việc chỉ thấy những mặt đối lập của sự vật, giống như ý thức thông thường cảm nhận chúng, và đem cô lập chúng, nhà hiền triết biết nhận ra quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng đặng lợi dụng. Chính mối quan hệ này nó khai thác thay cho việc bỏ công sức mình ra hao tổn: một khi tương quan phụ thuộc lẫn nhau này đủ để xúc tiến cái thực tại, nhà hiền triết để cho nó thao tác vậy thôi, ông ta chẳng cần hành động nữa và có thể cứ như vậy vẫn được mang chở. Đến đây ta trở lại với vấn đề khuynh thế (propension) - bởi lẽ, cuối cùng, chính là từ nó mà sự vật được hoàn tất, trọn vẹn (th.51): trong khi “đạo” của Đạo “sinh muôn vật”, “đức nuôi chúng” (bằng nội lực) và “vật cấp cho sự vật hình hài”, phần việc của “khuynh thế” là “làm cho xảy ra”; chính khuynh thế định hướng, dần dần và tuỳ nghi, tiến trình của thực tại. Cho nên phải chăng là với những ý niệm về thế mà nhà bình chú Lão tử (Vương Bật th. 9) hiểu rằng cái gì quá đầy thì phải tràn hoặc cái gì quá mảnh thì phải vỡ. Có một câu nói của ông đáng được chú ý trên hết, vì nó nói rõ thực chất của chiến lược là ở chỗ nào: đặc điểm của nhà chiến lược là “suy tính một cái khuynh thế” sao cho ông ta “khỏi phải bỏ công sức” (và do đó ông ta cũng “chẳng có công lao gì”, (th.64). Biết phát hiện sớm nhất những luật chơi của tương quan phụ thuộc lẫn nhau, ông dựa vào cái xu thế toát ra từ đó và chẳng còn phải “vất vả” nữa.
Hẵng xem một cách cụ thể thao tác như thế nào, hoặc đúng hơn, để cho thao tác như thế nào, và do đó chẳng phải hành động để thành công. Nếu anh muốn đưa thân mình ra trước để thành đạt, đây là lời trong Lão tử (th. 7), làm vậy sẽ kiệt sức và mạo hiểm; anh sẽ không tránh khỏi gây ra những sự kình địch, phải đối đầu với những kẻ khác và vật lộn ráo riết. Còn như nếu anh khiêm tốn đặt thân mình ra sau, rất có thể kết quả (tự nhiên) là anh sẽ được đẩy ra phía trước, sự rút lui mà anh lựa chọn cho anh tự nó sẽ dẫn đến sự đảo ngược: thay cho việc tự mình đẩy mình lên trước, phải làm như thế nào để chính những người khác đến nước phải làm điều này cho anh. Và một khi chính những người khác đẩy anh, họ sau đó chẳng thể đặt vấn đề nghi ngờ sự tiến thân của anh; vì sự tiến thân này tương ứng với cái mà tình thế đòi hỏi, nó sáp nhập vào tình thế một cách tự nhiên. Trên thực tế, vì sự rút lui của anh đã tháo ngòi trước cho những sự nghi kỵ và những thành kiến, những kẻ khác không có sự ghen ghét với anh, sự rút lui của anh đã hấp dẫn họ và tự họ sẽ đến tìm anh: thay cho việc buộc người khác hoàn toàn thừa nhận mình, đạt tới độ bão hoà (ra sức hành động), ta được hưởng lợi từ hiệu lực của lõm, nó làm hội tụ những sức giằng co và từ đó làm nên sự xúc tiến (nhi [có nghĩa là “nên”] đến đây lại là một “hư” tự nói lên tiến trình vô hình đưa ta đến kết cục). Những kẻ cuối cùng sẽ là những kẻ đầu tiên, phương Tây cũng có câu như vậy - nhưng ở đây không phải chuyện ban thưởng (ngày Phán xử cuối cùng và do có sự chăm lo vượt siêu), đây là thưởng ngay trong hiện tại và do tính nội tại thuần tuý (tính nội tại tuôn ra từ tình thế). Hơn nữa, sự lựa chọn rút lui này chẳng thể hiện một sự hy sinh nào cả: nếu như người ta thích đặt thân mình ra sau, chính là để có cách tốt hơn “làm cho cái riêng của mình thành đạt” (và, cũng một tinh thần như vậy, nếu như người ta xem “thân” mình như cái gì đó “ở ngoài” thì chính là để cho nó tồn tại tốt hơn). Thuần tuý vấn đề tính hiệu quả. Vấn đề còn lại là tìm hiểu chính xác hơn sự tự hạ mình này( phải đi đến kết cục là sự thăng tiến của mình nhờ vào những người khác) sáp nhập như thế nào vào một lô gích khái quát hơn theo đó những cái trái ngược gọi nhau, phương diện này quy định phương diện khác. “Không dám đặt mình trước thiên hạ” cho nên có thể “chỉ huy được họ”, đây là lời trong th. 67, thì cũng như là vì tiết kiệm cho nên có thể phóng khoáng (hoặc vì nhân từ cho nên có thể dũng cảm). Nếu như một phương diện có thể đảo thành một phương diện khác, thực ra chẳng qua là nó quay lại tự trong bản thân nó, làm thành dự trữ cho phương diện kia, từ đó cái kia thu rút khả năng của nó: phương diện này chuẩn bị phương diện kia, tích giữ ở dạng lõm trũng cái sau này sẽ nổi lên ở dạng đầy. Người ta chỉ có khả năng chiến đấu kiên cường, nếu như trong hoàn cảnh ngược lại người ta có tình thương; người ta chỉ có tiền bạc để phóng khoáng nếu như, trong cảnh ngộ trái ngựơc, người ta đã biết tiết kiệm. Còn nếu như chưa chi đã vội phóng khoáng, đã vội kiên cường hoặc đã vội lên mặt thì “thế là chết”, trong Lão tử có câu như vậy. Bởi lẽ sự phóng khoáng này hoặc sự kiên cường này, sự thăng tiến này chẳng bao lâu thì hết hơi, chúng có đâu vốn để mà thành đạt. Cho nên không nên tính đến việc “gọi” hiệu lực tới, mà nên để nó tới và xảy ra; đừng có tự mình “tìm kiếm” hiệu lực mà nên thủ thế thu nhận nó. Hiệu lực là cái mà người ta gặt hái. Chính vì vậy cái thế hứa hẹn hơn cả là ở dưới, nơi mà năng lực không bị thúc và do đó có thể “vĩnh cửu” và “không rời bỏ” chúng ta (th. 28). Một hình ảnh của khả năng để cho hiệu lực hội tụ về mình là sông biển thu nhận những khe, lạch (th.32,th.66). “Sở dĩ sông biển có thể làm vua của trăm khe, lạch là vì nó khéo ở dưới thấp (so với khe lạch)...”: biển để cho những con sông theo độ dốc chảy vào nó và chế ngự chúng ở dưới thấp.Thánh nhân cũng vậy muốn ở trên dân chúng “phải dùng lời nói khiêm hạ, nhún mình”(nhà vua tự xưng là “cô” hoặc “quả nhân”; đối chiếu với th.39); vì vậy thánh nhân ở trên mà dân không thấy nặng, họ “vui vẻ đẩy thánh nhân tới trước” mà không chán (th.66); và thánh nhân, đến lượt mình, có thể sử dụng sức của những người khác (th.68). Đức khiêm hạ này (hiểu theo nghĩa đen là chấp nhận đặt mình ở dưới) không có ý nghĩa đạo đức mà cũng chẳng có ý nghĩa tâm lý, nó có ý nghĩa chiến lược thuần tuý (th.61). Và trong Lão tử lợi ích của cách ứng xử này được triển khai sang bình diện ngoại giao: thay cho việc áp đặt bá quyền chắc chắn là sẽ bị phản đối, một nước lớn tự đặt mình ở “phía hạ lưu” (phía dưới) để cho những nước nhỏ “chảy về” nó: vì vậy “uy tín” đến với nó. Nói theo mặt trái của vấn đề, những điều này dẫn đến những công thức được ưa chuộng trong Lão tử: “Kẻ tự biểu hiện mình thì không có địa vị cao” (hoặc “kẻ tự cho là phải thì không nổi”; “kẻ tự khoe mình thì không trường cửu”, (th. 24). Nói một cách khác, kẻ nào toan đạt được trực tiếp cái mình muốn kẻ ấy tự mình ngăn cản khả năng đi tới đó. Mà như vậy chẳng phải vì anh ta nôn nóng (muốn đi tới mục tiêu đã định quá nhanh), mà vì anh ta nhầm to về cái cách thực tại tự thực hiện: cái tự thực hiện một cách hữu hiệu chỉ có thể ở trong loại quy của hiệu lực (ordre de l’effet) và bao giờ thì cũng bằng một quá trình (làm biến hoá tình thế), chứ không tuỳ thuộc vào một mục đích dẫn (trực tiếp) đến hành động, mà người ta đi đến hiệu lực như là kết quả; vậy thì người ta sẽ nhầm về bản tính của hiệu lực nếu người ta nghĩ rằng có thể đạt được nó bằng bạo lực, bằng cách “làm một phát là xong”, thay cho việc đi theo đạo, nó làm cho hiệu lực lần lần được kéo theo (như là hệ quả) bởi tình thế, tự nó đến và xảy ra. Bởi vậy “chỉ không tự biểu hiện mình thì ngừời ta mới có địa vị cao (“chỉ có không tự cho mình là phải thì người ta mới nổi” vân vân...th. 22). Điều này đã được kinh nghiệm đạo đức xác nhận: kẻ nào tự cho mình là vĩ đại bao giờ cũng chỉ là vĩ đại giả, anh ta sẽ ti tiện một cách tuyệt vọng; trái lại, chính là vì “trước sau không làm việc gì lớn” nên “thánh nhân mới làm nên việc lớn” (th. 63), mới thực sự lớn. Như vậy, mọi chiến lược, rút cuộc, chung quy lại là biết bao hàm hiệu quả: biết nhập cuộc tình thế ở phía “thượng lưu” của nó (giai đoạn trước của nó) như thế nào để cho hiệu quả mong muốn về sau sinh ra “một cách tự nhiên”. Đẩy cái lô gích này đến cùng, người ta đi đến điều này: nhà chiến lược là người biết sắp xếp tốt nhất sự thiếu ở trong lòng của tình thế (như là điều kiện) như thế nào để cho về sau một hiêụ lực đền bù, tác động có lợi cho anh ta, kết thành, hơn nữa kết thành một cách tất yếu. Trong Lão tử được nêu lên một cách thích thú những công thức như sau: “Cong thì sẽ được bảo toàn”, “queo thì sẽ được duỗi thẳng”, hoặc “trũng thì sẽ tràn đầy” (th. 22). Tự đặt mình ở một thái cực, người ta hướng về và nạp năng lượng cho cái khuynh thế sẽ mang chở chúng ta đến thái cực kia: cho nên, chọn tự đặt mình vào thái cực âm, người ta - được mang chở bởi sức căng điều tiết của thực tại - được dẫn đến như là ngoài ý muốn của mình tới sự đầy ngược lại. Hiểu ra được điều này là cái mà trong Lão tử gọi là “sự sáng suốt vi diệu” (xem th.36) mà người ta cũng có thể sử dụng đối phó với địch thủ: “Muốn cho một vật thu rút lại ắt phải mở rộng nó ra” (đây là với tư cách tình thế xuất phát, mà hiệu quả có thể sinh ra một cách “nội tại”...’); cũng vậy,“muốn cho ai yếu đi ắt phải làm cho họ mạnh lên đã; muốn phế bỏ ai ắt phải đề bạt họ lên đã; muốn cướp lấy nó ắt phải cho nó đã” (th.36). Nhà bình chú Vương Bật không ngần ngại rút ra từ những điều nói trên những hệ quả ở bình diện chính trị: muốn loại trừ một kẻ chuyên chế, cứ để cho y trượt theo dốc của thói tai ngược của y và ngập ngụa trong trạng thái bạo ngược cực kỳ, như vậy tự y gây ra sự lụn bại của y, còn đáng đời cho y hơn là ra tay trừng trị y.... Nếu như không được biết trước, có thể lầm tưởng là những lời trong Kinh Phúc Âm những câu cuối của Lão tử: “ Càng giúp người mình lại càng có dư”, “càng cho người mình lại càng có nhiều” (th.81). Nhưng nhà bình chú đã giúp ta chẳng phải hồ nghi về chỗ hiểu lầm này: nếu như ta càng có dư, đó là vì “những những người khác tôn kính ta”; nếu như ta càng có nhiều, là vì “những kẻ khác đến với ta một cách tự nhiên”.Có nghĩa là một thái độ như vậy không chờ đợi phần thửơng từ một thế giới khác, cái mối lợi mà nó được là trực tiếp và ở ngay cõi đời này.Đồng thời, thái độ này cũng rất thực tế và không lừa lọc chút nào, người ta không bằng lòng với sự giả vờ, như một hoàng thân của Machiavel có thể giả vờ: thế giới đâu có chịu phân đôi giữa bề ngoài và sự thật (để sự độc ác của những mưu mô, thủ đoạn của mình có thể trót lọt hoặc để làm cho kẻ khác mắc phải bẫy của một bề ngoài lừa dối); bởi lẽ chính là do sự phản ứng với hiệu lực mà thái độ này tính đến mà thế giới, đến lượt nó, có thể được giành lại. Tuy nhiên, một sự “hào hiệp” như vậy hoặc một sự “khiên nhường” như vậy vẫn là đáng ngờ đối với đạo đức; và, ngay ở Trung Quốc, những nhà Nho đã khiếp sợ trước việc: dưới bề ngoài minh triết, Lão tử phơi bầy chiến lược xảo quyệt nhất để phục vụ những mục đích tư lợi. Xuất phát từ nguyên tắc về quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của những mặt trái ngược cấu thành mỗi phương diện của thực tại có phân cực và tính đến sự kiện là những khuynh thế phái sinh từ đó “tìm nhau” và thu hút nhau (mỗi khuynh thế phải tràn vào khuynh thế khác, bằng không có nguy cơ bị luội đi), người ta có thể sử dụng có suy nghĩ cân nhắc lô gích đền bù của cái thực tại để làm phản ứng tình thế theo chiều hướng: muốn vậy chỉ cần bắt đầu bằng đi “ngược dòng” với kết quả mà người ta muốn đi tới (cho nên, như ta đã thấy, người ta rút lui ra sau để được mang chở lên phía trước, người ta đứng ở dưới để có thể lên cao, vân vân...); một khi đã như vậy thì “chưa vào” đã “tính đến việc ra” và, những kẻ khác “không thấy được dấu vết”, ta có thể thu nhận cho ta toàn bộ mối lợi...Thực ra, để cho những cứu cánh tự tư tự lợi nhất của ta có thể sinh ra với tư cách là hiệu quả, chẳng cần phải muốn nữa sau khi suy tính cân nhắc những sự vật, chỉ cần đăng ký chúng vào quỹ đạo của sự vật: làm thế nào cho hiệu quả - phó thác cho tính nội tại của nó - là hiện tượng trong quỹ đạo này. HOÀNG NGỌC HIẾN dịch (nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)
|