Nghiên Cứu & Bình Luận
Lê Khánh Mai, khai mở những con đường
15:46 | 01/09/2008
HOÀNG QUẢNG UYÊNTôi yêu mến và quý trọng những câu thơ như là "không thơ" của chị:Câu thơ nước chảy bèo trôi/ Vẫn nghiêng về phía phận đời khổ đau. (Hương cỏ)

Chị luôn đứng về "phe khổ đau" và từ tâm thế ấy mà gửi thân phận con người vào thân phận hoa cỏ, mây gió, thân phận Con Thuyền Nhỏ giữa ngàn khơi sóng gió: Con thuyền nhỏ/ Tả tơi/ Về gối bãi... Run rẩy/ Úp vào ngực cát/ Khóc một niềm vô vọng/Ngàn khơi.
Chị lý giải, chiêm nghiệm một điều gì từ những thân phận mỏng manh? Không! đơn giản đó là sự cảm nhận, cảm thông phận đời, vì vậy đọc thơ chị không tìm thấy câu trả lời, sau nhiều câu hỏi đặt ra mà như đã được trả lời, đó chính là bản lĩnh thơ Lê Khánh Mai – một bản lĩnh tạo ra những tứ thơ, câu thơ bình dị, có phần "đơn sơ", đọc cứ như không mà ám ảnh:
Ta đơn sơ như cỏ thôi/Phải đâu dấu hỏi mà đời phân vân/Có ta trời thản nhiên xanh/Không ta mây trắng yên lành vẫn trôi.
Phải thấu lẽ đời lắm thì mới có thể "dửng dưng" một cách thanh thản như vậy. Có được lối nghĩ, cách nhìn ấy là bởi sau bao nhiêu lần: "Trượt ngã trên những con đường đầy sỏi, ai đó rải ra cản lối. Những viên sỏi vo tròn tầm thường giả dối" nhà thơ vẫn vươn dậy mạnh bước trên đường thơ hái những "vì sao tận cuối trời xa lắc":
Chết vùi đi, hay là thắp lửa?/ Đơn giản vô cùng sao cứ mãi phân vân. (KHÁT VỌNG)
Chị không trả lời, nhưng rõ ràng là chị thắp lửa – thắp ngọn lửa từ trái tim để mà khai mở những con đường mới cho thơ. Mải miết, dịu êm mà bạo liệt, chị chưa bao giờ bằng lòng với những điều người khác tìm ra, định ra mà phải tự tìm ra con đường của chính mình. Có một cái gì đó tương hợp với điều mà Mác Xen Pruts đã từng triết luận: "Đi tìm cái mới không phải là tìm những miền đất mới mà là nhìn bằng Con mắt Mới". Phải, chính vì chị nhìn bằng Con Mắt Mới mà khám phá ra nhiều điều mới mẻ từ những sự vật, những chuyện "cũ như cổ tích".
Nhập vào ân oán của chị em nhà Tấm, Cám, chị đau đớn kêu lên:
Mà sao tựa bóng ngai vàng/ Nơi tột đỉnh cao sang/ Chị giết em mình thảm khốc.
Và chị muốn (hay đời muốn):
Chị cứ là cô Tấm trắng trong/ Của đồng quê bùn đất/ Dẫu rằng cổ tích sẽ buồn hơn (CỔ TÍCH BUỒN)
Chị không phải là người "nói" đầu tiên điều này mà từ sự cảm nhận đó đã dẫn đến cái nhìn mới trong thơ. Thế là đã quý rồi.
Và:
Nếu quả thật có một thung lũng tình yêu/ Loài người sẽ tìm về nôn nả/ Đông hơn cả cuộc hành trình đến La Mã/ Đà Lạt bỗng thành cái rốn địa cầu.
Vẻ ngờ vực hỏi cho vui vậy thôi, chứ chị tin mà mong những điều huyền diệu ở thung lũng tình yêu. (Thực ra là tin Tình Yêu, Khát Vọng Tình Yêu).
Tôi vẫn đứng đây trên miệng vực/ Tưởng tượng đáy sâu kia là chốn địa đàng/ Có vòm lá xanh ẩn hiện mơ màng/ Có chùm quả ngọt lành cám dỗ/ Và A Đam đợi tôi ở đó/ Để cùng tan đi trong cái rốn địa cầu
. (THUNG LŨNG TÌNH YÊU)
Thêm một cái nhìn mới về nhân cách sống qua Điều cảm nhận về thông"... Chẳng như người quân tử, xin đổi kiếp làm thông, tôi làm người học thông cách sống".
Cũng bởi cảm nhận từ phía khổ đau mà chị đã gắng gỏi "minh oan" cho bùn:
Mùi bùn có hôi tanh đâu/Mà câu ca nỡ làm đau lòng bùn.
Lê Khánh Mai hay ở mảng thơ viết về người thân, bạn bè vì gần mà thật, hoặc giả đó chính là chị: Hình ảnh về người cha "rụng xuống lá xanh"; về đời mẹ "chiếc thuyền giấy vật vã, long đong", về đứa con, "chàng trai của mẹ"... Những hình ảnh đó luôn trở đi, trở lại, mỗi lần mỗi vẻ, mới và chưa bao giờ cạn vơi. Thơ dâng hồn Cha, viết cuối năm 1997, là những ký ức trỗi dậy:
Tuổi thơ con côi cút/Thiếu vắng một tình thương/. ../ Đường ngã ba ngã bảy/Biết nương theo lối nào.
Hai năm sau, cũng trở về từ thẳm sâu ký ức, nhưng là tiếng khóc: Cha ơi! thật gần, thật sâu: "Đời con thiếu cha như cánh chim lạc bước, bay ngả nào cũng gặp mây che".
Trước đây (Thơ dâng hồn cha) thì:
Sướng khổ đã cam phận/Mong sao lòng thảnh thơi/Biết ơn cha vô hạn/Đã sinh con làm người.
Còn sau này (Cha ơi! ) – Cao hơn, thần thái hơn: "Nhưng con trong một niềm tin bất tuyệt, con sẽ hái những vì sao xa lắc, bởi có cha nâng cánh cho con".
Tôi nói hơi dài ở đoạn này, bởi vì thoạt nhìn có những bài thơ dường như có sự trùng hợp về ý, về tứ, nhưng đọc kỹ thì thấy đó như là những đường tròn đồng tâm, vòng sau rộng hơn, ôm trùm hơn vòng trước – do đó không có cảm giác nhàm chán, cũ mòn.
Lê Khánh Mai là người chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ – chuyên tâm đến độ say mê! Điều đó thể hiện rõ trong thơ chị và tôi có thể nói rằng: Ngôn ngữ trong thơ chị là một thứ ngôn ngữ chính xác, sáng tạo làm nên thần thái mỗi câu thơ, bài thơ – xét trong địa phận hẹp đó chị cũng đã có sự khai mở riêng của mình. Tôi nhớ một nhà viết văn xuôi nước ngoài đã từng khuyên những người viết trẻ có phần cực đoan rằng: "Các bạn hãy tìm giết những tính từ trong các trang viết của mình, như giết chết những con rệp!". Ta thử xem những tính từ trong thơ Lê Khánh Mai là những sinh vật gì (cả những tính từ mang dáng vẻ danh từ, động từ... dẫn trong tập Cổ tích xanh – Nhà xuất bản Thanh Niên – 2000).
Có ban mai tôi như người ốm dậy/Ngập lụt nỗi buồn, gầy guộc niềm vui. (CHIẾC LÁ).
Rồi: Cơm mới thơm nức nở ngày mùa/Tình yêu tôi ngát hương cả mật, cỏ gà. (TÔI SINH RA TỪ BÙN)
Và: Nếu quả thật có một thung lũng tình yêu/ Loài người sẽ tìm về nôn nả. (THUNG LŨNG TÌNH YÊU)
Và nữa: Bến cá mỗi ban mai mở hội/ Tấp nập thuyền ghe, nhễ nhại những nụ cười (NHA TRANG CỦA TÔI)
V.V...
Dẫn ra vài ví dụ trong rất nhiều ví dụ để thấy rằng: Những tính từ trong thơ Lê Khánh Mai là những sinh vật, sinh linh đáng yêu, có tuổi thọ cao. Chị luôn sáng tạo một cách tự tin, chọn từ chuẩn xác.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói rằng, vốn trí thức về các nền văn hóa, về văn học – nghệ thuật và cả vốn sống, lẽ đời... làm đầy đặn cho tác phẩm nghệ thuật, nhưng tham quá sẽ trở thành lê thê, lý sự chỉ để mà. .. lý sự! Điều đó vẫn gặp đâu đây trong thơ Lê Khánh Mai (dù rất ít), càng củng cố thêm nhận định có tính quy luật trong nghiên cứu thơ: "Điểm yếu của mỗi nhà thơ lộ ra từ chính điểm mạnh của nhà thơ ấy". Lê Khánh Mai cũng không phải là ngoại lệ.

Tôi là người may mắn có trong tay cả 4 tập thơ của Lê Khánh Mai (Trái chín – 1990; Nước mắt chảy về đâu - 1998; Cổ tích xanh – 2000; Cát mặn – 2001). Mỗi tập một vẻ, trong số đó tôi thích Cổ tích xanh hơn cả vì thơ vẫn giữ được nét trong trẻo, nguyên sơ thời trẻ vừa đằm sâu lẽ đời nhiều trải nghiêm. Tôi thật sự thích những bài Dị bản, Cổ tích buồn, Con thuyền nhỏ, Đơn sơ, Cha ơi... và nhiều bài khác nữa. Dường như ở tập thơ nào Lê Khánh Mai cũng có lời tâm sự với thơ ca, tâm sự với bạn đọc về những chặng đường thơ, những "cuộc hành trình đơn độc/La Mã vời vợi xa", những được mất giữa đời và thơ "khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau/thơ vực tôi đứng dậy". Có phải vì thế mà chị viết:
Mỗi câu thơ mang bóng dáng nụ cười/ Hay nước mắt buồn đau số phận/Tôi đã đổi bằng bao cay đắng/Có khi như vắt kiệt chính mình.
Nên bạn đọc đón nhận thơ chị với niềm tin yêu:
Bạn đọc thơ trôi chảy, dễ dàng/Nghĩa là tôi đã trải nhiều khổ sở/Thơ đâu phải là trò chơi con chữ/Trả giá một đời chỉ gặt hái đôi câu (TÂM SỰ THƠ CA)
Vâng! Một đời làm thơ chỉ gặt hái được đôi câu đã là hạnh phúc lắm rồi – Với những người yêu thơ, có thể Lê Khánh Mai làm được nhiều hơn thế, bởi lẽ chị luôn luôn đặt ra cho mình một lẽ sống, một trách nhiệm với thơ ca:
Hãy đi tới như một người can đảm/ Bởi sống là khai phá những con đường (CHÀNG TRAI CỦA MẸ).
Lê Khánh Mai đã sống, đã "vắt kiệt sức mình" cho việc khai mở những con đường mới, để tìm một lối đi cho riêng mình dù là rất nhỏ. Với khát vọng và tình yêu thơ, chị rắn rỏi mạnh bước trên đường với niềm tin bất tuyệt – niềm tin có bóng mình, cha, mẹ, tình yêu của chồng con, tình thân ái của bạn bè và lòng ngưỡng mộ của bạn đọc nâng cánh giữa ngàn xanh.
Những ngày rét đậm cuối năm 2001
H.Q.Y

(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Lão Tử (28/08/2008)
Nói ngược (20/08/2008)