Nghiên Cứu & Bình Luận
Các nhà văn cho điểm Marcel Proust
15:56 | 01/09/2008
ĐÀO DUY HIỆP“Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust (1871-1922) là một tiểu thuyết đồ sộ gồm bảy tập với trên dưới ba nghìn trang ngày nay đã được độc giả toàn thế giới say sưa đón đọc và được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đánh giá rất cao.
Các nhà văn cho điểm Marcel Proust

Tại Việt Nam, tập thứ hai, (giải Goncourt năm 1919), có tên Dưới bóng những cô gái tuổi hoa của bộ tiểu thuyết trên, đã được Nguyễn Trọng Định dịch sang tiếng Việt năm 1992, tại nhà xuất bản Văn Học. Nhà nghiên cứu người Pháp Bemard Raffalli cho rằng "toàn bộ nền văn học Pháp sẽ được đọc trước hoặc sau Proust": cuộc cách mạng tiểu thuyết của Proust được coi như cuộc cách mạng của Copernic (1) hay của Einstein (2). Từ rất sớm, các nước Mỹ, Anh và nhất là Đức đã coi Proust là nhà văn đứng đầu của thế hệ ông. Cho đến nay, sau Proust, tiểu thuyết Pháp thế kỷ vừa qua chưa từng chứng kiến lại hiện tượng nào tương tự mà tác phẩm lại làm "cạn kiệt" thể loại như thế. Trong hai đợt bình chọn: năm 1990, về "Mười cuốn sách Pháp hay nhất cho những năm 2000" và năm 1992, về "Mười cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay nhất trong văn học Pháp" thì đợt I, M.Proust được xếp đầu bảng, đợt II, không xếp theo thứ tự mà chỉ xếp theo vần chữ cái tên tác giả. Tạp chí Đọc (Lire), tháng 7 năm 1997 mở cuộc thăm dò 9320 độc giả Tây Ban Nha về mười đầu sách đã được đọc suốt trong thế kỉ XX, thì Đi tìm thời gian đã mất được xếp thứ tư sau Marquez (3) (Colombia, Nobel 1982), Camilo José Cela (4) (Tây Ban Nha, Nobel 1989) và Ramon del Valle-Inclán (5) (Tây Ban Nha, 1866-1936). Tuy nhiên, tình hình đã không diễn ra như vậy khi tác phẩm của Proust mới xuất hiện với ngay các nhà văn đồng bào của ông.
B.Raffalli cho biết vào giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, những nhà Siêu thực đã không hiểu Proust. Tháng 3 năm 1921, trên tạp chí Văn học các nhà văn đã cho điểm Proust: L.Aragon (6) cho 0/20, A.Breton (7) cho 6, còn P.Eluard (8) cho 8. Văn học dấn thân giai đoạn 1930-1950 trách Proust đã không quan tâm đến thời cuộc. Tạp chí Châu Âu năm 1935 đã coi ông ở "ngoài lề xã hội" và, đến ngày 12 tháng 3 năm 1937, tờ Thứ Sáu đã tuyên bố. "Proust đã chết, chết hẳn rồi, đã khá xa chúng ta đến mức người ta có thể...".
Năm 1949, Gaetan Picon, một nhà phê bình nổi tiếng, đã viết trong Tổng quan về nền văn học mới của Pháp: "Nếu tôi không nói về Proust, thì không phải là tôi không biết về ông và phủ nhận ông mà bởi tác phẩm của ông đã xa vời chúng ta không chỉ về năm tháng, mà còn bởi bản chất của nó nữa".
Nhưng đến giữa thế ki XX, đã có ba hiện tượng làm thay đổi lại toàn bộ những cách nhìn trên về tác phẩm của Proust: đó là việc xuất bản cuốn Đi tìm Marcel Proust của André Maurois (9) (1949); hai cuốn Jean Santeuil (1952) và Chống Sainte-Beuve của Proust (1954).
Giới phê bình từ đây bắt đầu ồ ạt khám phá lại Proust và tác phẩm của ông. Vào năm sinh lần thứ một trăm của Proust, năm 1971, người ta đã tính được 600 đầu sách viết về cuộc đời và tác phẩm của Proust.
Nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh. Virginia Woold (10) (1882-1941) đã viết: "Cuộc phiêu lưu lớn của tôi, đó thực sự là Proust. Còn cái gì để viết nữa sau cái đó? [Đi tìm thời gian đã mất ND] Jean Cocteau (11) đã nhận xét về cấu trúc của Đi tìm thời gian đã mất là: "Một họa đồ kì vĩ, tràn ngập ảo ảnh, những khu vườn chồng chất lên nhau, các phần [của tác phẩm] vận động giữa không gian và thời gian". A.Gide (12) đã phát biểu: "Nếu như ngày nay tôi tìm thấy cái điều khiến tôi thán phục nhất trong tác phẩm này, thì tôi nghĩ rằng đó là tính vô tư của nó (...) Một tác phẩm mới lạ lùng làm sao. Bước vào đó cứ y như ta đang bước vào một khu rừng bị phù chú". Curtius, nhà nghiên cứu hiện đại người Đức, đã nhập tên tuổi của Proust vào với Einstein. Proust ngạc nhiên ngược lại với vinh dự đó, đã viết rằng, ông: "không biết đại số học" và "có lẽ chúng tôi có mặt phương diện tương đồng là đã làm sai lạc thời gian". Các nhà văn, nhất là các nhà nghiên cứu lớn đều nói đến sáng tạo của Proust về thời gian. Trong số đó, đáng chú ý nhất là các công trình của các nhà nghiên nổi tiếng của Pháp và nước ngoài: G.Poulet, G.Genette, J-Yves Tadié, J.Kristeva, P.L.Rey, P.Ricoeur, W. Hachez, G.Steel...
Các nhà nghiên cứu đã coi Đi tìm thời gian đã mất chính là một Tấn trò đời mới, hay đúng hơn là một Thần khúc về con người và xã hội. Tất cả mọi tầng lớp: thượng lưu, quý tộc những người lao động làm công, những bà giúp việc, những người hầu bàn, trông coi thang máy của thời Hoa lệ Pháp cùng những vấn đề về xã hội, lịch sử, tình yêu, sự sống, cái chết, triết lí, âm nhạc, hội  họa,... đều có mặt trong kiệt tác của Proust.
Cuộc cách mạng tiểu thuyết của Proust rộng lớn và sâu sắc đến mức, khác với lúc mới ra đời, giờ đây, mỗi trường phái, mỗi trào lưu phê bình càng ngày càng nhận thấy trong tác phẩm của ông những vấn đề quan tâm lý thú của họ: giới phê bình phân tâm học sáp nhập Proust với Freud để đi tìm cấu trúc của ham muốn thông qua những ẩn dụ hay những mặc cảm Oedipe được "ẩn giấu"; phê bình cấu trúc học về tiếng vang và những tương ứng; phê bình ký hiệu học về những ẩn dụ trong tác phẩm, nghiên cứu theo hướng phân tích chủ đề có trụ sở ở 45 phố Ulm, Paris thiên về kiến trúc, hội họa, âm nhạc...
Một điều hết sức kì lạ là, chính trong lúc tại Pháp còn đang chưa kịp hiểu Proust, thì ở Việt Nam chúng ta ngay từ những năm 30, nghĩa là chỉ trên dưới chục năm sau khi Proust qua đời, Thạch Lam, người phụ trách mục Theo dòng, hằng tuần bàn về những vấn đề đọc sách, học thuật trên báo Ngày nay đã giới thiệu tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất và Thạch Lam có nhắc đến trường đoạn chiếc bánh madelaine: "La Petite Madelaine" và đã dịch nhằm là "Cô bé Madelaine". Sau đó hai, ba tuần Thạch Lam đã tự nêu cái nhầm của mình và thẳng thắn nhận lỗi vì chưa đọc trọn tác phẩm và ngỏ lời cảm ơn độc giả đã chỉ giùm và mong được giúp đỡ tiếp (13). Tâm hồn và đức tính trung thực của Thạch Lam thực đáng kính trọng. Dù chưa đọc hết tác phẩm của Proust, (vả chăng, đã mấy ai là dám khẳng định rằng mình đã đọc hết tác phẩm của Proust), nhưng có phải vì thế mà Thạch Lam chưa góp công lao vào việc giới thiệu một nhà văn lớn mà ngay trong chính quốc văn còn bỡ ngỡ? Một nhà văn nước ngoài muốn được "nổi tiếng" ở một xứ sở khác thì không có con đường nào khác ngoài việc giới thiệu và dịch thuật của chính những con người của nơi tiếp nhận. Việc làm của Thạch Lam thực đáng trân trọng và mang ý nghĩa tiên tri khi giờ đây danh tiếng về tài năng của Proust đã vang trên khắp thế giới.
Bằng cách đó, Thạch Lam đã cho điểm Proust theo cách của mình chăng?
Hà Nội, 2002
Đ.D.H

(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)

 



---------------------------
1. Copernic (1473-1543), nhà thiên văn học người Ba Lan đi ngược lại với tư tưởng phi khoa học đương thời, ông cho rằng Trái đất không đứng yên trong Vũ trụ mà tự quay quanh nó và quay quanh Mặt trời.
2. Einstein (1871-1955), nhà vật ]ý học nổi tiếng gốc Đức nhập quốc tịch Thụy Sĩ năm 1990, sau đó nhập quốc tịch Mỹ. Ông là người đề ra Thuyết tương đối giải thích nhiều hiện tượng về nguyên tử cũng như thiên văn học.
3. García Márquez (Gabriel), sinh 1928, nhà văn . Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch bằng tiếng Việt, giải Nobel l982.
4. Cela (Camilo José), nhà văn Tây Ban Nha, sinh 1916, tác giả của Gia đình Pascal Durante (l942), Bầy ong (1951), Văn phòng tăm tối (1973)... Giải Nobel 1989.
5. Valle-Inclán (Ramon del ), (1866-1936), nhà văn Tây Ban Nha, tác giả của nhiều tập thơ và truyện hiện đại (Những bản Sonates 1902-1905). Sau đó chuyển sang viết bộ ba vở kịch Những hài kịch man rợ (l907-l922), ở đó ông đã sáng tạo nên một thể giới kì lạ với những nhân vật bợm nghịch, biến dạng...
6. Aragon (Louis), nhà thơ cộng sản Pháp (1897-1982), ban đầu có chân trong chủ nghĩa Siêu thực, tham gia kháng chiến.
7. Breton (André), nhà thơ Siêu thực Pháp (1896-1996).
8. Eluard (Paul), nhà thơ Siêu thực Pháp (1895-l952).
9. Maurois (André), nhà văn Pháp (1885-l967).
10. Woolf ( Virginia ), (1882 -1941), nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh.
11. Cocteau (Jean), nhà văn và nhà viết kịch bản điện ảnh Pháp (1889-1963).
12. Gide (André), nhà văn Pháp (1869-1951).
13. Văn, số 36, 15/6/1965. Bài: Tìm hiểu Thạch Lam thêm một vài khía cạnh, của Đinh Hùng.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Lão Tử (28/08/2008)