Nghiên Cứu & Bình Luận
Trao đổi với Tạ Đình Nam về "Đám mây lơ lửng" của Hoàng Vũ Thuật
08:47 | 04/09/2008
MAI VĂN HOANỞ Huế tôi đã có nghe bạn bè nói sơ qua về cuộc hội thảo tập thơ "Đám mây lơ lửng" của Hoàng Vũ Thuật, tác phẩm đoạt giải A giải thưởng VH-NT Lưu Trọng Lư lần thứ hai (1996 - 2000) do Hội Văn nghệ Quảng Bình tổ chức.

Được biết có 9 bản tham luận trình bày trong buổi hội thảo đề cập tới nhiều góc độ khác nhau. Điều đó chứng tỏ "Đám mây lơ lửng" đã thu hút sự chú ý của nhiều độc giả yêu mến thơ Hoàng Vũ Thuật. Mới đây, nhân dịp ra Đồng Hới tôi may mắn đọc được bản tham luận của anh Tạ Đình Nam in trên báo Quảng Bình chủ nhật số 4493, ra ngày 21.7.2002 với tựa đề "Hồn quê đọng giữa mây trời". Bản tham luận đã đề cập đến một trong những đề tài quen thuộc của Hoàng Vũ Thuật và của thơ ca Việt từ xưa đến nay. Mỗi chúng ta ai chẳng có một làng quê thân thương trìu mến. Trong thơ ca Việt không ít bài nói về nỗi nhớ quê da diết. Tế Hanh nổi tiếng với bài "Nhớ con sông quê hương", Xích Bích trong tập thơ "Tiếng hát một chặng đường" có bài "Làng" được nhiều thế hệ những người yêu thơ nâng niu, trân trọng. Ngô Minh cũng có không ít những câu thơ viết về cái làng cát Thượng Luật day dứt và cảm động. Trong "Đám mây lơ lửng" đúng như Tạ Đình nhận xét "Có thể ví tâm hồn nhà thơ như người nông dân mặc áo công chức. Vì thế, dẫu trong cuộc sống đời thường được làm việc tiếp xúc trong điều kiện môi trường mới nhưng tấm lòng nhà thơ vẫn không nguôi nhớ về những kỷ niệm của làng quê quen thuộc. Những sắc màu trong "Đám mây lơ lửng" luôn chuyển động và ẩn hiện sau những liên tưởng trùng điệp. Đó là một làng quê cổ tích; một làng quê tuổi thơ với bao kỷ niệm êm đẹp, một làng quê quen thuộc với bao nếp sống bình dị thân thương". Nhận xét đó không chỉ đúng với Hoàng Vũ Thuật mà đúng với tất cả những ai cùng hoàn cảnh với Hoàng Vũ Thuật. Ở phần đề cập đến "một làng quê cổ tích" trong "Đám mây lơ lửng", Tạ Đình Nam đã dẫn ra những câu thật hay như những câu thơ về mẹ:
            Mẹ tôi nhóm trấu trong chiều
            Khói xanh lên đến cánh diều ngày xưa
            Gió lùa vạt áo phèn chua
            Mẹ đi như thể sợi mưa qua đồng
                                               
(Hương trấu)
Những câu thơ gợi nhớ về làng khi nghe tiếng chim gù giữa thủ đô Hà Nội:
            Ôi miền quê xóm mạc của tôi ơi!
            Tiếng gáy nối liền nhà liền ngõ
            Liền đất đai bao đời máu vỡ
            Hạt gạo thơm cúng tế vãi quanh vườn..."
                                               
(Tiếng chim gù trưa nay Hà Nội")
Chỉ tiếc là một số lời dẫn của Tạ Đình nam chưa thật phù hợp với nội dung và sắc thái biểu cảm thơ Hoàng Vũ Thuật. Chẳng hạn trước khi dẫn câu "Hạt gạo thơm cúng tế vãi quanh vườn" Tạ Đình viết "Làng quê cổ tích ấy với bao hủ tục đè nặng lên cuộc sống người dân". Đúng là ở thời cổ tích, có bao nhiêu hủ tục đè nặng lên cuộc sống người dân, trong đó có cả việc cúng tế. Nhưng không phải việc cúng tế nào cũng là hủ tục. Đặc biệt ở câu thơ này Hoàng Vũ Thuật đang nói đến một tập tục cúng tế đầy tính nhân văn. Đó là rải những hạt gạo thơm quanh vườn cho những linh hồn vất vưởng không nơi nương tựa. Lời dẫn sau đây của Tạ Đình theo tôi cũng chưa thật phù hợp: "Ở làng quê có các chức sắc hàng ngày ngự trị trong cuộc sống người dân".
            Những cụ Tổng, mõ Lòi, bác Khoá
            Nghe âm âm cổ tích xa vời
Đúng là ở làng quê thời "cổ tích" có các chức sắc hàng ngày ngự trị trong đời sống người dân. Nhưng không phải vị chức sắc nào cũng hách dịch, cường hào, ác bá. Theo tôi được biết vào cái thời "cổ tích" ấy vẫn có những vị chức sắc hết lòng thương yêu nhân dân, được nhân dân quí trọng và yêu mến. Căn cứ vào giọng thơ, cách xưng hô và mạch liên tưởng tôi tin là những cụ Tổng, mõ Lòi, bác Khoá ấy chắc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong ký ức nhà thơ. Tác giả nhớ về họ như Vũ Đình Liên nhớ về "những người muôn năm cũ - hồn ở đâu bây giờ".
Phần cuối của bản tham luận, Tạ Đình đã mạnh dạn nêu ra một số điều cần bàn thêm trong "Đám mây lơ lửng". Tôi cho đây là một việc đáng khuyến khích. Trao đổi văn chương cần thẳng thắn và cởi mở. Những người làm thơ tâm huyết, có trách nhiệm đều mong muốn độc giả, nhà phê bình nghiên cứu chỉ ra cho mình những hạn chế, nhược điểm để có hướng khắc phục sửa chữa sao cho thơ mình ngày càng hay hơn, được nhiều người mến mộ hơn. Tôi rất ngán kiểu phê bình khen chê chiếu lệ. Vì thế đọc phần cuối bài tham luận của Tạ Đình về "Đám mây lơ lửng" tôi rất cảm phục. Tuy vậy tôi cũng xin phép được trao đổi lại một đôi điều. Trước hết tôi đồng tình với Tạ Đình rằng: "Đọc một số bài thơ trong "Đám mây lơ lửng" nhiều lúc tâm hồn ta cảm thấy bâng khuâng một nỗi buồn...". Nhưng không chỉ đơn thuần là nỗi buồn "đối với cuộc đời thực tại". Trong cuộc sống hôm nay vẫn tồn tại những con người, những số phận làm Hoàng Vũ Thuật cảm thấy chán ghét, cảm thấy đau lòng. Anh chán ghét những kẻ tâm hồn trống rỗng như những khối bê tông chọc trời "với gương mặt lì ra không đổi" (Ngã tư Thánh đường), anh đau lòng trước những đứa trẻ không quê: "mòn chân trên trần gian bụi đỏ/ Đi hết bốn mùa không nhớ nữa/ Ngửa lòng tay thay tiếng nói của mình"... Nhưng cái chán ghét hay đau lòng ấy của Hoàng Vũ Thuật hoàn toàn không phải "do ảnh hưởng nhất định của tinh thần học thuyết vô vi" như anh Tạ Đình lý giải. Đây là cái phẫn nộ của một con người không cam tâm khi đứng trước sự trì trệ, đứng trước những tín đồ giáo điều cũ rích; cái đau lòng của một con người giàu lòng trắc ẩn trước những số phận bất hạnh lẽ ra không còn tồn tại trong xã hội của chúng ta hôm nay. Người theo triết lý thanh tịnh vô vi thường sống theo lẽ tự nhiên bởi họ cho rằng: "Trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên". Họ thường sống ẩn dật, vui thú điền viên lánh xa chốn bụi trần với một tâm hồn vô cùng thanh thản, Nguyễn Trãi đã từng có những giây phút muốn sống thanh tịnh vô vi như thế: "Nay ta chỉ thích nằm trong núi/ Nhà dựng bên hoa đọc sách cha..." Nhưng tấm lòng yêu nước thương dân vẫn canh cánh bên lòng. Nên muốn thanh tịnh vô vi mà không thể nào vô vi thanh tịnh được: "Bui có một lòng trung lẫn hiếu. Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen"... Hoàng Vũ Thuật chắc cũng có những giây phút muốn "vô vi trong khói hương cầu nguyện" nhưng đó đâu phải là "quan niệm sống của anh". Anh vẫn là một công chức mẫn cán. Anh vẫn là một nhà thơ luôn trăn trở trước số phận của những con người bất hạnh, trước những điều ngang trái lẽ ra không còn tồn tại trong cuộc sống hôm nay. Nếu sống theo triết lý thanh tịnh vô vi làm sao Hoàng Vũ Thuật còn thấy mình xấu hổ trước nghịch cảnh: "Đồng trĩu phù sa, nhà cao mái phố" lại có những đứa trẻ "ngửa lòng tay thay tiếng nói của mình". Phải động lòng trắc ẩn lắm, phải có trách nhiệm công dân lắm nhà thơ mới tìm hỏi gió, hỏi sương, hỏi sao đêm, hỏi ánh chiều về cái điều ngang trái ấy... Đấy là câu hỏi thức tỉnh lương tâm chứ đâu phải "mất niềm tin, mất phương hướng" như anh Tạ Đình nhận xét. Trong "Đám mây lơ lửng" quả có khi có lúc ta bắt gặp tâm trạng cô đơn, buồn chán của tác giả. Đó là những giây phút Hoàng Vũ Thuật nhớ đến mối tình thầm lặng, uẩn khúc, vô vọng của mình. Những tâm hồn đồng điệu chia sẻ cùng anh những khổ đau hết sức trần thế như đã từng chia sẻ với thơ tình Puskin, Hainơ, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu... Lẽ nào có thể trách họ "lỗi nhịp với trái tim quần chúng"? Tiện đây cũng xin nhắc anh Tạ Đình rằng thời kỳ 1930 - 1932 đâu phải là thời kỳ "lột xác" của các nhà thơ mới. Và vấn đề thơ mới 1930 - 1945 hiện nay đã được nhìn nhận lại với những đánh giá xác đáng hơn so với cái thời từng coi thơ mới như là một thứ dịch hạch cần phải tẩy rửa. "Bế tắc trong thế giới quan và phương pháp sáng tác" mà làm được những bài thơ như "Ông đồ" của Vũ Đình Liên, "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử, "Tràng giang" của Huy Cận, "Tống biệt hành" của Thâm Tâm... là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Hơn ai hết những nhà thơ có lương tâm luôn cắn rứt khi thấy thơ mình chưa làm được những điều mà mình mong muốn. Puskin đã từng than thở: "Giá thơ tôi rung động được lòng người/ Sao tim tôi vẫn cháy một nhiệt tình vô bổ/ Sao trời không cho tôi tài hùng biện để làm nên giông tố"... Như những người đi trước, Hoàng Vũ Thuật chưa bao giờ bằng lòng với chính mình: "Câu thơ như quả dại rừng sâu/ Như mái chèo bỏ sông đi biền biệt"... đó là ý thức trách nhiệm của người làm thơ chứ đâu phải "bi quan về số phận tương lai của thơ mình". Với tâm niệm và trăn trở ấy, tôi tin Hoàng Vũ Thuật sẽ còn hứa hẹn những mùa gặt mới.
M.V.H

(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Lão Tử (28/08/2008)