Tôi làm quen với Những người khốn khổ của Victor Hugo từ khi còn rất bé, chưa biết chữ. Cha tôi, một nhà nho, vào các buổi tối, thường kể lại cho chị em chúng tôi một số tác phẩm người đã đọc qua bản dịch chữ Hán. Chúng tôi say mê theo dõi những câu chuyện ly kỳ của nàng Schéherazade, chúng tôi hồi hộp nghe về cuộc đời của Jean Valjean (mà cha tôi luôn phát âm là Giăng-văn-Giăng), của Cosette (mà cha tôi cũng việt nam hoá cái tên thành Cô - rét - tội nghiệp, đã "cô", lại còn "rét"!) Sau đó, tôi đi học, ở trường làng, trường huyện, rồi trường trung học ở Hà Nội. Bây giờ đến lượt chị em chúng tôi, mỗi khi về nghỉ hè, luân phiên đọc báo, đọc sách cho cha vào các buổi trưa. Và tôi đọc lại cho người nghe câu chuyện về Jean Valjean, Fantine, Cosette... qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh Những kẻ khốn nạn. Rồi chiến tranh bắt đầu; như nhiều bạn bè nữ sinh, chúng tôi rời thủ đô, tiếp đó rời gia đình tại vùng quê để đi tham gia kháng chiến. Vào mùa thu năm 1950, ở Hà , nhiều cán bộ trong cơ quan Dân vận tỉnh - thanh niên, phụ nữ, Tôn giáo vận v.v... được huy động tham gia dân công, chuyển lương thực để chuẩn bị cho một chiến dịch. Tôi ở trong số cán bộ này, và được giao phụ trách một nhóm khoảng hai mươi chị đều là dân thành thị tản cư ra vùng tự do, tạo nên một "phố" nhỏ ven đồi đất đỏ, không xa cơ quan tỉnh, "phố" Xích thổ. Kỷ luật rất nghiêm: xâm xẩm tối mới lên đường, đi ban đêm, sáng ra tìm nơi trú ẩn trong các làng, bản ven rừng hoặc vào hang, động, nghỉ ngơi lấy lại sức và tránh bị máy bay phát hiện, bởi việc chuẩn bị chiến dịch phải được giữ bí mật. Tuy là người thành phố không quen vất vả nhưng chúng tôi còn rất trẻ, ít nhiều đều đã tập gồng gánh (trước đó mấy tháng, tập gánh nước lên đồi, tôi đã phải đền chiếc nồi hông cho bà chủ nhà), hai mươi cân gạo đường trường chẳng phải điều gì quá sức, và cả nhóm khởi hành rất vui vẻ. Nhưng sau hai ba ngày, tôi bắt đầu gặp khó khăn trong việc phụ trách nhóm: vào giờ cả đoàn tập hợp để lên đường, nhóm chúng tôi luôn luôn đến muộn, như thế là phải đi cuối đoàn, điều chẳng mấy dễ chịu, khi xuyên rừng, lại vào ban đêm. Mấy hôm liền cứ đến giờ là tất tả đi tìm, đi gọi mà vẫn phải xếp hàng sau các nhóm khác, tôi vừa lo vừa tò mò, liền để ý quan sát các chị. Và cuối cùng, tôi cho rằng mình đã khám phá ra nguyên nhân của sự chậm trễ lặp đi lặp lại ấy. Trẻ trung đầy sức sống, các chị không chịu được cảnh bó chân bó tay ngồi đợi tiếng còi tập hợp sau khi đã ngủ chán cả mắt buổi sáng, thêm một phần buổi chiều. Thế là người thì lên đồi hái sim, người vào rừng tìm quả bứa. quả vả, người lang thang nhặt lá quế, nhành quế khô để ngày mai đun nước gội đầu, và làm sao mà nhớ được giờ tập trung (thời đó, ít ai có đồng hồ đeo tay, dù là người thành thị tản cư). Vậy là phải làm sao cho thời gian cuối buổi chiều thành bận rộn đối với các chị, và bận rộn một cách vui vẻ. Chúng tôi tập hát, đọc dăm bài thơ, quanh quẩn rồi cũng "cạn vốn". Nhớ lại những buổi tối xưa trong gia đình, tôi liền đề nghị lần lượt mỗi người kể "cái gì hay hay", tuỳ ý. Sáng kiến được hưởng ứng, và thành công vượt quá điều tôi mong đợi. Các chị kể nhiều và hay nữa: truyện Tiếu lâm, Phan Trần, Tống Trân Cúc Hoa, đến cả truyện Kiều! Người thuộc đoạn này, người thuộc đoạn kia, đoạn nào không ai nhớ nổi thơ thì kể bằng văn xuôi. Mỗi chiều, các chị hào hứng tự gọi nhau quây quần, "để nghe đoạn tiếp của câu chuyện hôm qua". Khi đến lượt mình khó lòng khai thác được kho tàng văn học dân gian như các chị, tôi đã kể Những người khốn khổ, lòng cũng lo lo chẳng biết các thính giả không phải là nữ sinh có thích tác phẩm như chị em tôi ngày trước hay không. Và tôi đã ngạc nhiên một cách thú vị, thấy các chị cũng yêu mến Fantine, Cosette, Éponine, cũng hồi hộp, thương cảm trước số phận của họ, không khác gì Kiều, Cúc Hoa, những nhân vật quen thuộc và thân thương của các chị. Điều đáng nói nữa, là mọi sự diễn ra tốt đẹp cho đến hết đợt tải lương, nhóm chúng tôi còn được tuyên dương! (chuyện ít ai ngờ vì những trục trặc trong thời gian đầu khiến mọi người trong Đoàn tuy chẳng nói ra song chắc cũng ngại dân thành phố thiếu tính kỷ luật). Về sau này, khi tiếp tục đi học, tiếp tục đọc Hugo, càng ngày tôi càng hiểu hơn niềm cảm mến hồn nhiên, bột phát mà các chị trong nhóm dân công của tôi dành cho các nhân vật của Những người khốn khổ. Các chị đã nhìn thấy, và đã yêu thương, ở Fantine, Cosette, Eponine, cũng như ở Kiều, ở mẹ con Cúc Hoa... em bé côi cút, người thiếu nữ đang yêu, người đàn bà bị chà đạp, người mẹ hy sinh thân mình cho con, những người nghèo, những kẻ yếu, mà Hugo bênh vực, ngợi ca. Và, một nguyên nhân nữa của sự tiếp nhận nồng nhiệt ấy, có thể và cần phải tìm ở đặc tính mỹ học của tác phẩm. Nói như nhà huy-gô-liêng uyên bác Guy Rosa mà chúng ta vinh dự được đón ở đây, "tính thẩm mỹ hiển nhiên nhất của Những người khốn khổ là được dành cho mọi chốn, mọi người. Điều đó thể hiện trong sự đa dạng của một cách viết (...) mang đủ mọi âm điệu văn chương, từ truyện kể hồn nhiên chất phác nhất đến văn xuôi đầy chất thơ được cấu tứ huy hoàng lộng lẫy nhất"... Đó là một tác phẩm "vừa thuộc về các thể loại và hình thức văn học bình dân - tiểu thuyết đăng tải nhiều kỳ hay tiểu thuyết trinh thám - đồng thời thuộc về các thể loại và hình thái của nền văn chương lớn - sử thi hay bức tranh lịch sử". Tôi cũng hiểu rằng, nếu như Hugo đã không lên tiếng trước các hành động thực dân của Pháp tại Nam Kỳ (trong khi ông lên án những cuộc tấn công xâm lược ở Mêhicô và Quảng Đông) thì các nhân vật của ông đã nói, và đã hành động thay ông. Và Hugo, nhà văn yêu thích sự tương phản, hẳn sẽ rất hài lòng nếu biết được rằng chính Fantine, Eponine với nỗi đau nặng trĩu, chính Cosette với xô nước mà trọng lượng "làm căng cứng những cánh tay gày guộc" đã khiến cho chiếc đòn gánh trên vai những người con gái Việt Nam trở nên nhẹ nhõm! L.H.S (nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002) |