Trong kháng chiến chống Mỹ 1965-1975, Lâm Thị Mỹ Dạ làm việc ở Hội Văn nghệ Quảng Bình và bắt đầu làm thơ. Quảng Bình khi ấy là vùng chiến sự ác liệt nhất miền Bắc. Chặng thơ đầu tiên của Lâm Thị Mỹ Dạ lấy cuộc sống đánh giặc gian lao đó làm nội dung. Đó cũng là đặc tính chung của cả nền thơ. Nét riêng của cây bút trẻ Mỹ Dạ khi ấy là không đuổi theo sự kiện chiến tranh, thơ không ôm đồm chi tiết hay sự tích chiến đấu. Hiện thực phải rọi qua lăng kính tâm hồn và thủ pháp nghệ thuật mới thành thơ trên trang giấy. Ca ngợi cô gái lấy thân mình đánh lạc hướng bom giặc để cứu đường, bà không viết trực tiếp sự kiện anh hùng ấy. Bài thơ Khoảng trời hố bom không có tiếng bom đạn đã là sự lắng lại của cảm xúc và nhận thức. Cô gái đã thành những làn mây trắng và vầng mặt trời sáng chói in trên mặt nước cái hố bom đã giết cô. Lâm Thị Mỹ Dạ ca ngợi ý chí hy sinh chiến đấu của người kháng chiến lại bằng chính nỗi nhớ cảnh thanh bình của họ. Tính thiện thắng cái ác bằng chính sự tồn tại của nó: Đêm qua bom nổ trước thềm Sớm ra trời vẫn ngọt mềm tiếng chim Nghe hương cây vội đi tìm Hái chùm ổi chín lặng im cuối vườn. Nhiều nét đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên và tâm hồn con người hiện diện trong thơ chiến tranh của Mỹ Dạ: tình mẹ con, lòng tin vào bản thân, sự hồn nhiên của tạo vật... Ngay từ những bài thơ đầu tay ấy đã có thể thấy tính hướng nội của thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Thơ mang những nét của bản sắc tâm hồn người viết, rõ nhất là tính phụ nữ, nét dịu dàng của cảm xúc, cách khai thác, cách lọc tìm chất thơ trong đời sống. Cùng với năm tháng, thơ Mỹ Dạ càng tìm sâu vào chính tâm hồn bà, tạo nên một phẩm chất trữ tình khá thuần khiết. Đến tập thơ Đề tặng một giấc mơ (xuất bản 1998) Lâm Thị Mỹ Dạ đã như chú ngựa nhớ mặt trời thì ngửi trong đất đai tìm hơi ấm vương còn. Bà "đánh hơi" trong mọi ngóc ngách tâm hồn mình để nhận ra đời. Đời của một con người in đỏ dấu ấn của thời người ấy sống. Những cảm xúc của Lâm Thị Mỹ Dạ là cảm xúc chung có tính quy luật của loài người nhưng nó trở thành mới lạ thuyết phục ta bởi tính cá thể cụ thể. Lâm Thị Mỹ Dạ có một tuổi thơ vất vả. Dấu vết còn in trong giọng thơ. Giọng thơ luôn phảng phất buồn. Giờ đây vào tuổi lớn ngoảnh lại/giật mình/hoang vắng/Bởi tôi đã gieo tôi cặn kiệt không ngờ. Thảng thốt nhìn năm tháng qua mau, luyến tiếc thời thanh niên sôi nổi được thể hiện như một nhận thức, một giác ngộ về đời người, tưởng thế mà không phải thế: Tưởng tương lai vẫn còn dài rộng lắm Nào đâu hay đã gần hết chuyến đò (...) Tưởng là vậy, tưởng là mình gan góc Nào đâu ngờ nước mắt cạn đêm nay. Nước mắt nhưng không phải sự than khóc van xin mà là sự hiểu mình, nhận ra cái sinh linh mỏng mảnh dễ vỡ của chính mình, nhận ra cái ngắn dài của đời người Mới ban mai đã chiều nhạt nắng. Sóng vỗ vào/ Sóng lùi ra/ Từng đợt/ Hỏi trời xa/ Ai lấy hết tuổi mình. Nỗi đau nhất của người, theo Mỹ Dạ, là sự cô đơn. Bà cảm nhận nỗi đau ấy bằng hoa lá (Một quỳnh ta) khi trốn vào trò chơi con trẻ (Ném thia lia) khi hiện diện trong cõi một mình. Cô đơn mang tính triết học, cô đơn trong tình yêu. Tâm trạng cô đơn thường bắt nguồn từ lòng yêu đời sâu sắc. Thơ cũng dùng nó để diễn tả một cách xót xa lòng yêu đời. Người phụ nữ trong thơ Mỹ Dạ có lúc muốn lấy trái tim mình làm nghĩa trang chôn những kỷ niệm, muốn trên y phục mình chỉ là một màu đen khâm liệm, nhưng chỉ một cơn gió xuân choàng qua vai, nàng đã không im lặng được. Người đàn bà nói một câu rất nhỏ Chỉ để mình nghe Chỉ để gió nghe Nhưng bạn đọc chúng ta nghe được. Biểu tượng thơ hơi điệu đà (nói chung thơ Mỹ Dạ hơi điệu) nhưng cũng đủ cho ta thấy nỗi khát khao và niềm hy vọng vào cuộc đời của bà. Mỹ Dạ nói Tạ từ làm ta xót thương, nói ao ước làm ta chói lòng. Ao ước làm con thuyền còn ra khơi được (Trước Nha Trang). Bà cảm nghe thân phận như cái vỏ ốc Trống rỗng hết bao điều quên nhớ, như giọt sương Rơi không thành tiếng... như con sông không tìm thấy biển vì... làm gì có biển (!), Nhưng sau tất cả là một sức phấn đấu nội tâm rất lớn. Phấn đấu ở chỗ xác nhận chất tươi xanh vốn có của tâm hồn chọi lại với mọi già cỗi Ta thành trái mà hồn còn như lá. Xác nhận kích cỡ người Đàn bà thời nay: muốn anh thành cao thành rộng, thành sâu sắc thì em phải nhỏ như búp bê. Và nếu ta là cái vỏ ốc rỗng thì hãy ném ta vào biển để ta hiểu được muối mặn - hiểu giọt mồ hôi chát đắng nỗi trần gian. Người đàn bà tuổi Sửu này (Kỷ Sửu) cảm tạ trời đất lúc mùa xuân: Trâu ăn bao nhiêu cỏ Mùa xuân lại dâng đầy Cảm ơn trời che chở Cho trâu hoài thơ ngây. 6-2002 V.Q.P
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)
|