Nghiên Cứu & Bình Luận
“Nhật ký trong tù” trên hành trình thơ văn của Bác
08:51 | 11/03/2011
PHONG LÊGiá Bác không đi Trung Quốc? Hoặc giá Bác không bị bọn Tưởng bắt giam? Hoặc nữa, đã có tập thơ, nhưng năm tháng, chiến tranh, cùng bao nhiêu sự cố khiến cho tập thơ không còn về được Viện bảo tàng cách mạng?
“Nhật ký trong tù” trên hành trình thơ văn của Bác
Hình bìa gốc "Ngục trung nhật ký" - Ảnh: wikipedia.org
Từ một số giả định, có thể nêu Nhật ký trong tù có được trong tay chúng ta hôm nay như một sự may mắn ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên, như chính Bác nói: “Các chú không nhắc thì Bác cũng không nhớ đến nữa…” (1)

***

Trở lại một chút tình hình trước khi có tập thơ. Trên hai mươi năm sử dụng “vũ khí của tiếng nói” Bác đã viết bằng nhiều thứ tiếng, trên rất nhiều báo chí, các bài văn thuộc dạng tiểu phẩm, bút chiến, truyện ký, chính luận, thư từ, kêu gọi… Thơ, là thể loại Bác chưa dùng, hoặc nói đúng hơn, còn ít dùng. Bác chỉ làm thơ như một hình thức bổ sung cho văn, để diễn giải nội dung văn xuôi cho dễ nhớ, dễ truyền tụng. Như “Việt Nam yêu cầu ca”, nhằm đưa nội dung tám yêu sách gửi Hội nghị Véc-xay về với đồng bào. Như lời cổ động cho tờ Việt Nam hồn, Bác dự định làm bằng tiếng Việt bên cạnh tờ Le Paria. Hoặc để điểm xuyết vào văn như một hình thức gắn nối, gợi dẫn của truyện chương hồi cũng để cho dễ nhớ, dễ thâu tóm, như những câu lục bát trong Nhật ký chìm tàu.

Hai mươi năm trong niềm trông đợi của người dân Việt Nam, Bác là nhà cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc, là nhà báo, nhà chính luận, chứ chưa là nhà thơ. Ba mươi năm xa tổ quốc, hẳn có biết bao tình huống, bao cảnh ngộ mà một người từng trải và giàu tình cảm lớn như Bác có thể làm thơ. Nhưng thơ - trực tiếp cho công chúng đồng bào, đó là điều, do cách bức về không gian, nên Bác không dễ có hoàn cảnh thực hiện. Còn thơ - cho mình, như một cách ngụ tâm sự, phô diễn tình cảm, thì hoàn cảnh một người cách mạng chứ không phải nhà thơ chuyên nghiệp - hẳn Bác thấy có bao nhiêu việc cần thiết hơn.

Giờ đây đã đến lúc Bác có thể và cấp bách phải về nước. Ở địa đầu tổ quốc, vào ngày lịch sử 8-2-1941, nếu có giây phút đầu tiên, Bác hôn lên nắm đất, thì ở những ngày, những tháng tiếp đó là cảm hứng và non xanh nước biếc quê nhà. Phải nói cảm xúc đó là nồng nàn, nên mới nhanh chóng có được, sau bao năm không làm thơ, hai bài tức cảnh về Pác bó; cùng sau đó ít lâu bài thơ chữ Hán đầu tiên, bài Thượng Sơn, khi cơ quan rời về Lũng Dẽ. Ấy là những bài hiếm hoi ghi nhận được cái phong thái ung dung, thích thảng, như một chút “xả hơi” - nếu được phép nói vậy - sau ba mươi năm bôn tẩu trên hàng chục vạn dặm đường…

Biết bao việc trọng đại của đất nước, của cách mạng đã dồn đến, đang chờ đợi Bác. Trong vị trí Tổng chỉ huy toàn bộ các lực lượng cách mạng của dân tộc, nhằm xốc tới ngày tổng khởi nghĩa, Bác vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí tiếng nói. Nhưng tiếng nói đó vào lúc này là ở thư Kính các đồng bào, sách Cách đánh du kích, phép dùng binh, cách huấn luyện cho quân đội, là ở những trang dịch Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, cùng các diễn ca lịch sử và địa lý nước nhà. Đồng thời, cũng phải đến lúc này, thơ lại đến với Bác như một phương tiện hiệu quả để chuyên chở nội dung cách mạng. Chỉ khoảng hơn một năm, Bác đã làm đến mấy chục bài thơ trong dạng tuyên truyền cổ động để kêu gọi các tầng lớp đồng bào. Người đã viết bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài, tra cứu hàng trăm cuốn sách nơi các trung tâm văn hoá lớn, rồi đây cũng sẽ là người biết cách chọn lời, chọn chữ sao cho đơn giản nhất, để mỗi người dân ít chữ hoặc mù chữ cũng có thể hiểu được. Và do yêu cầu đó nên báo chí càng là phương tiện tích cực để phổ biến thơ văn. Sẽ là văn ngắn gọn ai đọc cũng hiểu; và sẽ là thơ trong các thể dạng dân gian quen thuộc để cho ai nghe cũng nhớ, và lưu truyền.

Thế mà giữa lúc công việc cách mạng hết sức bề bộn, khẩn trương, và niềm tâm nguyện viết cho đồng bào vừa mới thực hiện và có hiệu quả, thì Bác bị bắt. Rồi cuộc hành trình gian khổ, suốt mười bốn tháng trời trên phần đất Quảng Tây Trung Quốc lại sẽ là hoàn cảnh cho ra đời Nhật ký trong tù, với trên một trăm bài thơ chữ Hán.

***

Vậy là có một hoàn cảnh khách quan và chủ quan rất đáng chú ý đã thôi thúc Bác làm thơ vào buổi đầu những năm bốn mươi. Và thơ đã xuất hiện với một độ cao - mấy chục bài thơ và diễn ca bằng tiếng Việt, viết cho đồng bào, và trên trăm bài thơ chữ Hán dường như chủ yếu viết cho mình.

Dễ nhận rõ một điều không bình thường. Đó là cái hoàn cảnh “đòi” Bác phải có thơ, hoặc gợi thi hứng nhiều nhất nơi con người thơ của Bác lại là một hoàn cảnh thật sự căng thẳng và khắc nghiệt. Có thể nói đó là những năm tháng Bác phải sống gian khổ và nguy hiểm nhất. Đã đành lúc này Bác có hạnh phúc được về trong lòng tổ quốc, cùng đồng chí đồng bào trực tiếp chung, lo việc lớn… đã đành cái nhìn của Bác bao giờ cũng là cái nhìn lạc quan, để thấy “cuộc đời cách mạng” với cảnh sáng tối vào ra nơi hang núi, cùng “cháo bẹ rau măng” là “sang”… Nhưng rõ ràng, so với mọi tình cảnh trước đây, dầu là người phụ bếp trên tàu, người quét tuyết ở Luân Đôn, người tìm việc làm nơi ngõ hẻm Công poanh, người rong ruổi trên các trục đường hàng vạn dặm xuyên hai đại lục Âu Á, hoặc người tù của thực dân Anh ở Hương Cảng… thì sự vất vả, thiếu thốn, hiểm nguy lúc này còn có phần hơn.

Rồi sẽ đến với Bác tình cảnh gian truân gấp bội khi sa vào tay bọn Tưởng. Cảm thông với ông Phan Nhuận, muốn có một bản dịch lột tả được tinh thần Nhật ký trong tù, ngày ngày đến ngục Xăng-tê để lấy “không khí”, để có dịp cảm nhận bằng da thịt nỗi khổ của người tù. Nhưng tình cảnh của tù Tưởng thì khó có nơi đâu so sánh được.

Thế nhưng chính trong hoàn cảnh đó, chính vào lúc gian khổ nhất về vật chất, và căng thẳng nhất về tinh thần, Bác lại có thơ. Vậy tình huống gì đã xảy ra ở đây? Tình huống gì đã tạo nên, trong vài mươi tháng trời, sự tuôn chảy dào dạt của cả một nguồn thơ đổ về hai hướng, để rồi dồn tụ vào biển cả thơ ca cách mạng?

***

Hai phương diện có thể xét đến, như là nguyên cớ trực tiếp để hiểu hoàn cảnh thơ đã đến với Bác vào lúc này. Trước hết, đây chính là lúc nhà cách mạng và nhà thơ Nguyễn Ái Quốc đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với quần chúng, đồng bào. Người mà tâm trí luôn luôn như chiếc kim địa bàn nhậy bén và kiên định quay trở về dân tộc, người luôn luôn đặt ở hàng đầu phương châm: Viết cho ai? Hẳn sẽ tràn đầy một niềm cảm động và hứng khởi khi có dịp trực tiếp chuyện trò, tâm sự với mọi tầng lớp nhân dân về cái vấn đề sinh tử nhất là giành lại cho họ quyền sống, cơm áo, và tự do.

Và ở một phương diện khác, khi mạch thơ đang tuôn chảy ấy bị ngắt quãng, vì cảnh tù đày; khi sự cách bức với công chúng cụ thể khiến Người không có hoàn cảnh và không còn được tự do trò chuyện… thì một tình thế thơ khác đã xuất hiện. Một tình thế “kép”, vừa phải, “đối phó” hết sức khôn khéo với một ngoại cảnh cực kỳ nguy hiểm, vừa phải “thỏa mãn” nhu cầu phô diễn chân thực những trạng huống mới của cảm xúc, và đối thoại với chính mình. Nói động tác “đối phó” là để chỉ sự vận dụng sách lược đối với các loại kẻ thù, là nói nhãn giới của nhà chính trị. Nhưng điều đó lại không được gây cản trở cho yêu cầu phô diễn chân thực thế giới nội tâm, và cảm xúc của nhà thơ. Và cả hai, như ta thấy, đã tìm được sự hòa hợp nơi Nhật ký trong tù.

Sự chọn dùng ngôn ngữ Hán Việt cùng thơ luật Đường khiến cho ta nghĩ hẳn chắc Bác không nhằm viết cho một công chúng cụ thể nào. Và đó là điều khác trước, cũng có thể là một “ngoại lệ” trong đời viết của Người. Nhưng không nhằm vào một công chúng cụ thể, không có nghĩa là thơ. Người không gắn với một bối cảnh đặc biệt của thời cuộc. Nếu đối với bản thân Bác - người tù, đây là lúc mọi nỗi gian truân, hiểm nguy cùng lúc dồn đến, nó là phần “hiện thực” không thể không vang vọng, không lưu lại dấu ấn trong dạng nhật ký - thơ ; thì đối với đất nước, đây lại là lúc tình hình đang chuyển biến từng ngày để hướng vào cao trào cách mạng; để nhanh chóng giành đoạt thời cơ khởi nghĩa mà Người từng tiên đoán từ cuối năm 1941, trong dòng cuối diễn ca Lịch sử nước ta.

Chính thời cơ cách mạng đang nhen nhóm, đang trở thành hiện thực, vốn là kết quả của cả một khoa học tuyên truyền, vận động, tổ chức cách mạng hết sức vĩ đại mà Đảng ta đã tiến hành, hẳn là nền cảnh, là niềm thôi thúc, góp phần giúp ta cắt nghĩa nguồn thơ lớn của Nhật ký trong tù.

Người tù tác giả hơn trăm bài thơ ra đời trong khoảng thời gian và không gian chật hẹp kia, cũng chính là Người đã góp công lớn nhất, đã dành trọn ba mươi năm, đi khắp chân trời góc biển, để tìm kiếm và tạo dựng nên tình thế cách mạng đã sáng bừng lên ở chân trời quê hương.

Người tù - người đang phải chịu mọi sự đày ải, người đang trải những tâm trạng bực bội, bất lực, buồn thương, xót xa, cay đắng, và có lúc bi thảm nữa, cũng là người đang tỏa rộng lòng mình để đón nhận mọi tín hiệu đến từ phía ánh sáng của ngày mới; và do vậy sao không hứng khởi, lạc quan, tràn đầy niềm sinh thú, trước viễn cảnh của việc trồng cây sắp đến ngày hái quả.

***

Như vậy đối với Bác, tình huống vào tù lúc này không phải là sự bó tay, mà chỉ là một sự chuyển đổi môi trường hành động.

Vẫn người cách mạng, nhưng hoàn cảnh đã thay đổi.

Nhưng trong sự thay đổi của hoàn cảnh, con người của ý chí, nghị lực và niềm tin vẫn là một dấu hiệu nhất quán.

Khỏi phải nói lại tất cả sự đầy đọa mà chế độ nhà tù Tưởng đã dồn cho Bác: từ cảnh muỗi rệp, ghẻ lở, ăn đói mặc rét, bị giải tới giải lui trên ba chục nhà lao của huyện xã, rồi ốm đau bệnh tật, sức khỏe suy kiệt… mà một phần nhỏ, nhờ vào hình thức thơ - nhật ký ta có thể thấy qua Nhật ký trong tù.

Quá hiếm có tập thơ nào nói được nhiều “sự thật” đến thế. Sự thật về một trạng huống xã hội, và sự thật về nỗi đầy đọa cho một con người.

Nhưng dường như “sự thật” đó không phải là điều mà tập thơ muốn đạt, và tác giả muốn khai thác cặn kẽ. Nói cách khác, chất “nhật ký” ghi việc hàng ngày không chèn lấn chất thơ. Phần sâu đậm vẫn là toát lên từ một thế giới khác.

Sau cận cảnh:

…Bị trói chân tay

hoặc:

Lủng lẳng chân treo tựa giáo hình

là bối cảnh:

Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng
                       
            (Trên đường)

và:

Làng xóm ven sông đông đúc thế
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh

(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh)

Một thế đối xứng thơ quen thuộc như vậy có thể tìm thấy ở nhiều bài trong Nhật ký trong tù.

Tôi không muốn nói cái khía lãng mạn và lạc quan cách mạng của nội dung, toát lên từ sự tương phản như trên, có ở rất nhiều bài thơ mà ai cũng rõ. Tôi muốn nói: một hoàn cảnh sống dày vò, đày đọa con người đến như Bác phải chịu đựng, vẫn không cản Bác làm thơ. Và đó chính là biểu hiện của ý chí tự do, của sức mạnh tinh thần, của khả năng làm chủ ngoại cảnh và làm chủ bản thân cực kỳ mạnh mẽ nơi Bác. Bác làm thơ, vì đó là điều mà hoàn cảnh tù - dẫu tàn bạo đến đâu - cũng không ngăn cản Bác được; và vì ở vào hoàn cảnh tù, người tù không có thể làm gì khác được ngoài làm thơ. Có cần nói thêm: trong hình thức nhật ký - thơ, thì nội dung nhật ký, ghi việc hàng ngày, là điều một số người cách mạng đã làm. Nhưng cho nó một hình thức thơ, và tạo được chất thơ thực sự cho nó, trong một hoàn cảnh như của Bác - có khác với nhiều chí sĩ cách mạng trước đây - thì quả là điều không dễ.

***

Nhưng những khổ ải vật chất, dẫu lớn, vẫn không phải là chuyện dày vò Bác nhiều nhất. Nỗi khổ chính ở Bác vẫn là sự mất tự do, ở sự cầm tù, trong khi tình thế cách mạng đang cần sự có mặt của mình:

Cay đắng chi bằng mất tự do
(Cảnh binh khiêng lợn cùng đi)

Chính nỗi khổ đó mới là nguyên nhân chính, tạo nên những câu thơ lúc bực dọc, cáu kỉnh:

Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận
Hoàn cầu lửa rực bốc trời xanh
Trong ngục người nhàn, nhàn quá đỗi
Chí cao mà chẳng đáng đồng trinh
                                    (Buồn bực)

Lúc da diết, ưu tư:

Ngày đi tiễn bạn đến bên sông
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng
Nay gặt đã xong, cày đã khắp
Quê người tôi vẫn chốn lao lung

                        (Nhớ bạn)

Thậm chí có lúc bi thảm:

Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay
Ở tù năm trọn thân vô tội
Hòa lệ thành thơ tả nỗi này
.
                        (Đêm thu)

Giữa bao nhiêu tâm trạng trái ngược mâu thuẫn như vậy. Bác vẫn làm thơ. Và đó tiếp tục là điều lạ. Lo nghĩ bao nhiêu việc lớn, nếu được tự do như trước, hoặc ngay lúc này, nếu được tự do, hẳn Bác sẽ tiếp tục làm thơ như một hành động hướng ngoại, hướng về quần chúng đông đảo, vì đó mới chính là công việc cấp bách của cách mạng; là điều hợp với sở nguyện của Bác, sau bao năm mong đợi, chứ không phải là tình trạng “nhàn rỗi”.

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây…

Thế nhưng, nếu vì hoàn cảnh không may mà người cách mạng bị tù tội và buộc chỉ có thể làm thơ thôi, như là một hành động tự do không ai ngăn cấm được, thì nội dung thơ sẽ phải là sự tâm nguyện, sự tiếp tục của nghị lực và ý chí, nhằm khẳng định nhân cách, bất chấp hoàn cảnh tàn bạo của nhà tù. Thay vì những bài thơ viết cho đồng bào, Bác sẽ có thơ như một cách ngụ tâm sự. Bên cạnh những bài nói nỗi bực dọc hoặc ưu tư, do sự bất lực, bị “trói tay chân”, cả nghĩa bóng và nghĩa đen, sẽ có những bài Bác làm như một cách tự nhắc nhủ, tự động viên:

Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
            (Nghe tiếng giã gạo)

như một sự đúc rút kinh nghiệm:

Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ
Kiên quyết không ngưng thế tiến công
           
            (Học đánh cờ)

Tôi không nghĩ đó là những bài, những câu Bác làm nhằm giáo dục người khác; những bài, những câu mà hôm nay hiển nhiên đã trở thành cẩm nang cho sự tu dưỡng của mọi chúng ta, đã thành nguồn sức mạnh cho cả một nền thơ chiến đấu, một nền thơ có thép Việt Nam. Bác chỉ nhằm viết cho mình. Vì đối với Bác, cũng như đối với bất cứ nhà cách mạng và nhà thơ chân chính nào, thơ là một hình thức hoạt động của cảm xúc và trí tuệ, thơ là sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người hành động. Ở hoàn cảnh bị tù đày, nhu cầu hành động có khi chỉ là một cuộc độc thoại bên trong, một cuộc đối thoại với chính mình. Người cách mạng, ngay cả những đại diện tuyệt vời như Bác cũng luôn luôn đặt yêu cầu tu dưỡng, tự vấn, tự răn mình. Không có những phẩm chất tự nhiên mà có. Hoặc có một lần rồi nguyên vẹn mãi:

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên

                        (Nửa đêm)

***

Sau 14 tháng trời bị đày ải, Bác mới được trả lại tự do; và phải hơn một năm nữa Bác mới về tới nước. Biết bao chuyện bận rộn, căng thẳng để chuẩn bị cho thời cơ giải phóng “chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa” (2) khiến Bác đã quên tập thơ. Cùng với công tác lãnh đạo, tổ chức, tuyên truyền cách mạng, Bác vẫn tiếp tục viết, nhưng là viết các chỉ thị, viết Lời kêu gọi tổng khởi nghĩa, và tiếp đó, bắt tay vào soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.

Như vậy Nhật ký trong tù có sự hình thành và tuổi thọ 14 tháng, rồi lại tiếp tục cuộc sống im lặng của nó, vì chắc tác giả của hàng trăm bài thơ kia không hề nghĩ đó là áng văn cần đưa cho mọi người; và vì, như tác giả nói, trong một vài dịp sau này, đó là một cách để “tiêu khiển”, hoặc “giết thời gian”.

Một tập thơ dường như ngẫu nhiên mà ra đời, rồi ngẫu nhiên bị quên; thế mà ngót hai mươi năm sau, lại gây một sự kiện vang dội. Một sự kiện không ngẫu nhiên. Biết bao người, trong đó có không ít nhà văn hóa lớn, hoặc nghệ sĩ tên tuổi ở trong nước và trên thế giới đã nói về giá trị lớn của tập thơ. Và giờ đây, giá thử nếu thiếu đi Nhật ký trong tù, nếu vì một sự sắp xếp nào khác của lịch sử, để không có tập thơ, hẳn ta sẽ thấy một sự trống thiếu rõ rệt biết chừng nào. Nếu hình dung cả cuộc đời như một dòng sông lớn chảy từ nguồn ra biển, thì Nhật ký trong tù phải chăng có thể xem là một khúc sông lặng trước lúc đổ ra đại dương. Một khúc lặng, có xoáy ngầm, nhưng trong suốt tận đáy, để cho ta soi mà nhận ra chân dung Bác, và qua Bác, mà nhận ra gương mặt dân tộc.

Để thấy như một bạn thơ nước ngoài, với Nhật ký trong tù “không có một đỉnh cao nào mà con người lại không vươn tới được (3). Ba mươi năm Bác xa tổ quốc, trong thân phận người dân một đất nước còn bị nô lệ, và trong những gian lao người cách mạng phải nếm trải, phải thay tên đổi họ hàng trăm lần, Bác không muốn để lại dấu vết gì về mình. Ở tất cả các bài báo, thư từ, tiểu phẩm… Bác không hề có ý nghĩ làm văn chương càng không có chủ định miêu tả hoặc tự họa… Thế rồi có lúc, Bác đã làm việc đó, một cách không có chủ định, không có chuẩn bị… Có điều, vấn đề quan trọng không phải Bác đã là nhà thơ lớn từ năm 1943 khi có Nhật ký trong tù, hoặc phải chờ đến năm 1960, khi tập thơ được phát hiện. Đối với Bác, trước sau Bác đều khéo léo không nhận mình là nhà thơ. Điều quan trọng là, với tất cả phẩm chất của một tác phẩm nghệ thuật lớn Nhật ký trong tù đã sống cuộc sống xứng đáng của nó, đã gieo trồng được những giá trị văn minh và nhân đạo cao nhất vào đời sống tinh thần của dân tộc và nhân loại tiến bộ, từ mấy chục năm qua. Và Nhật ký trong tù hôm nay vẫn tiếp tục công việc gieo trồng đó một cách rực rỡ, như chính tên tuổi và sự nghiệp của người đã sinh thành ra nó, hay nói cho phù hợp hơn, đã “hái lượm” được nó, như một sự ngẫu nhiên trên lộ trình gian nan và vĩ đại của đời mình.

P.L.
(13/6-85)



-----------------

(1). T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện; NXB Sự thật; 1976; tr.83.

(2). Thư gửi đồng bào toàn quốc, tháng 10-1944, Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb Sự thật; 1980; tr.344.

(3). Phôlích Pita Rôdri ghêt : Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh; Nxb Khoa học xã hội; 1979; tr.545.








Các bài mới
Các bài đã đăng
Mèo Huế (29/01/2011)