Nghiên Cứu & Bình Luận
Liên tưởng thị giác trong thơ
09:18 | 08/04/2011
NGUYỄN QUÂNLà một người vẽ mà lại yêu thơ, khi đọc liên tưởng của tôi trước hết là liên tưởng của con mắt. Cái chúng ta quen gọi là hình ảnh, hình tượng thơ … với tôi trước hết là cái có thể nhìn thấy trong đầu, khi đọc thơ.
Liên tưởng thị giác trong thơ
Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân - Ảnh: internet
Song chẳng với riêng ai, liên tưởng thị giác vẫn là quan trọng nhất trong mọi thứ liên tưởng - bởi hai lý do con mắt ta có khả năng thẩm nhận ngoại giới lớn nhất, lớn hơn rất nhiều so với các giác quan khác; kinh nghiệm thị giác ký ức thị giác cũng sâu, rộng và mạnh mẽ, nhạy (nghĩa là dễ gọi lại làm sống lại) hơn ở bộ nhớ về mùi vị âm thanh hay cảm giác xúc giác. Hai là các biểu hiện thị giác có khả năng diễn đạt, biểu cảm và cả luận lý nữa rất cao. Thị giác đứng đầu trong ngũ quan - bao trùm các xúc cảm và lại kế cận với ngôn ngữ (với tư cách là vỏ trực tiếp của tư duy). Tư duy thị giác, Ngôn ngữ thị giác không phải là chữ dùng cho hay mà là khái niệm có nội dung khoa học nghiêm túc. Bằng các ký hiệu tín hiệu thị giác (màu, hình, nét…) ta có thể suy lý, có thể phán đoán. Thông tin thị giác không chỉ là cách nói mà nó được ứng dụng rộng rãi từ thượng cổ, tới các lĩnh vực khoa học kỹ thuật tối tân nhất ngày nay. Ai cũng có một lịch sử, một số phận, một đời sống thị giác của mình, một cách nhìn của mình. Con mắt vì vậy không chỉ là một “cửa sổ” của tâm hồn mà nó còn quyết định làm nên nhân cách mỗi người.

Trở lại thơ. Có lần tôi hỏi anh Hoàng Trung Thông về một chữ “hồng” trong hai câu sau của Lục Du:

Thương tâm kiều hạ xuân ba lục
Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai… (1)

Hồng ở đây là tà áo người đàn bà, là tượng trưng cho người đẹp hay là con chim hồng? Anh Hoàng Trung Thông bảo hồng, là hồng, là phải có màu hồng. Tôi hỏi vì trước đó có đọc một bản dịch dịch cái chữ lục thành ra một màu biếc gì đó. Và tôi thấy bài thơ xấu hẳn đi. Lục Du để một chấm đỏ chói trong nền lục sẫm của nước hồ có bóng cây rậm rạp. Đỏ trong lục, hai màu đối lập nhau 180 độ trên vòng tròn màu. Đỏ chói lên, nhức nhói - nhiều sức nóng như ánh lửa trong rừng sâu. Nó là nỗi nhớ day dứt, nung ủ, đau đớn trong lòng nhà thơ với mối tình “tứ thập niên”. Lại nhớ bài “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ. Cái áo đỏ trong vườn cây xanh ấy cứ mãi mãi theo đi, cứ còn nguyên không suy giảm độ chói của màu. “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy”.

Tôi thích Kiều của Nguyễn Du và Chinh Phụ Ngâm ở Đoàn Thị Điểm. Tại sao về chuyện khuê phòng của một phu nhân phong kiến mà Chinh Phụ Ngâm lại có màu sắc dân gian hơn. Còn chuyện đời phồn tạp lênh đênh của Kiều lại lúc nào cũng có màu sắc quý sang, bác học hơn, đây là nói màu sắc của ngôn ngữ. Thầy dạy văn lớp 9 của tôi có giảng hai câu.

“Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in” và hai câu:

“Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”.

Áo chàng đỏ tựa ráng pha/Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in. Ảnh: internet


Ông nói về tài mô tả tâm lý. Cô Kiều dự cảm, e ấp, đã biết chàng Kim là ai đâu nên cái nhìn của cô êm ả, lờ mờ, bảng lảng, nhẹ nhàng. Còn người vợ với bao tình nghĩa phải nhìn thẳng vào chồng, người chồng nổi bật lên, chiếm toàn bộ “trường nhìn” của đôi mắt vợ. Còn tôi tự hỏi màu nào làm nên tâm lý đó. Tuyết trắng, ngựa trắng hai độ trắng khác nhau, in lồng vào nhau. Cỏ xanh non, áo xanh lục nhạt và da trời xanh lơ pha lục với các độ và sắc lục lơ khác nhau. Gam màu “lạnh”, đối lập về màu không có vì trắng là độ sáng chứ không phải màu. Trong ba màu cơ bản (lơ, vàng, đỏ) thì lơ là nhẹ và xa nhất. Mọi vật lại nhòa vào nhau không có ranh giới, cái nọ in vào cái kia, màu này pha vào màu khác. Hệt một bức tranh của phái ấn tượng bên Pháp cuối thế kỷ trước nơi ánh sáng làm màu tan vỡ ra, làm nhòe đi cả khối và nét. Một bức tranh ấn tượng đặc trưng nữa trong Kiều là “Long lanh đáy nước in trời - Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. Hóa ra các thủ pháp tạo hình màu, nét và cả không gian cứ chạy về xa phía chân trời trong hai câu Kiều đã gây ra cái tâm lý phức tạp, đẹp và nhẹ khó nắm bắt của sớm xuân kỳ ngộ để sau này trở về định mệnh cô Kiều. Còn ở hai câu Chinh Phụ thì: toàn bộ bức tranh chỉ có hai màu trắng đỏ. Đỏ là mạnh nhất nổi lên, gần lại mắt ta, trên nền trắng nó chỉ phát huy thêm sức nóng và gần. Ở đây màu phẳng đều không thay đổi độ và sắc. Chỉ một màu đỏ, như ráng chiều chói và buồn vô hạn. Chỉ một màu trắng đều như tuyết lạnh. Đường viền tách bạch hai màu, không pha trộn làm nhòe đi bởi ánh sáng. Tranh dân gian Đông Hồ cũng thế: nét đậm đen làm thành biên giới không thể xâm phạm cho các màu gốc như đỏ da cam, vàng, lục, chàm… Đơn giản, khúc chiết và sâu sắc phải chăng là phẩm chất tinh quý của ngôn ngữ bình dân. Nhớ lại câu ca dao:

“Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng”.

“Ngoài đầu ngòi nước trong như lọc” là một câu khác trong Chinh Phụ Ngâm. Nước trong có tính vật lý có thể cầm nắm được chứ không là ảo giác như “đáy nước in trời” hay “cỏ áy bóng tà” trong Kiều. Độ trong đến phi thị giác này làm tôi nhớ đến Tú Xương - một nhà thơ tôi yêu mến nhất - với bài thơ tình mà tôi cho vào loại hay nhất, trong đó có hai câu:

Ước gì ta hóa ra dưa
Để cho người rửa nước mưa chậu đồng.

Ánh sáng, độ tinh khiết và sung sướng viên mãn, lộng lẫy mà giản dị cụ thể của nước mưa chậu đồng cho cảm giác tắm gội, thanh tâm hóa, làm sạch, làm sướng của tình yêu.

Đó là cách dùng màu và ánh sáng trong hội họa của Véc-me mà những bức tranh thiếu nữ trong nội thất Hà Lan thế kỷ 17 của ông vẫn được coi là những viên ngọc của lịch sử hội họa Âu châu. Đã có lần tôi thống kê các từ chỉ màu và tần số dùng các từ này trong Chinh Phụ Ngâm và Kiều. Thì kết quả khá lạ: bà Đoàn Thị Điểm dùng nhiều từ chỉ màu hơn (11 hay 12 gì đó). Còn Nguyễn Du dùng ít hơn, 8 từ chỉ màu. Song trong mấy trăm câu Chinh Phụ Ngâm màu luôn đứng một mình, là màu nguyên không pha - Bà không dùng tính từ, trạng từ để tả sắc và ánh sáng của màu. Xanh là xanh/: “Thấy xanh xanh biết mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh biếc một màu”. Trắng ra trắng: “Mặt chinh phụ trăng rõi rõi soi”. Trắng đến ghê rợn. Ngược lại, cụ Tiên Điền không khi nào dùng màu nguyên. Bảng màu của cụ luôn được pha trộn nhiều màu cùng gam, nhiều sắc độ và ánh sáng ở cả những khi nhân vật của cụ bình tĩnh nhất. Tính từ và trạng từ bổ túc cho từ chỉ màu rất chăm chỉ, rất tế nhị. Sự hòa màu của Nguyễn Du giống như sự hòa thanh của âm nhạc phức điệu trong cả một dàn nhạc. (Cả khi không có màu cũng vậy) “Trắng phau cầu giá đen rầm ngàn mây”/ “Đầu đường lửa lựu lập lòe đâm bông”/ “Nhặt thưa trăng soi bóng cành”/ “Thoáng trông nhờn nhợt màu da”, v.v… và v.v…

Có lẽ hệ thống sắc bộ và ánh sáng ở các tính từ và trạng từ chỉ màu này cùng hệ lớn của cách diễn tả hình khối, cảm giác về âm thanh, mùi vị hay xúc giác trong truyện Kiều, phù hợp với lối phân tích tâm lý đa chiều của cuốn tiểu thuyết này chăng. Gió hiu hiu thổi gió giục mây vần, cành xuân la tà, sen vàng lãng đãng như gần như xa, v.v… và v.v… Về mặt này Tú Xương cũng rất xuất sắc, làm cho thơ ông cứ hiện mồn một “chí cha, chí chát khua dày dép, đen thủi đen thui cũng lượt là”. Tôi có cảm tưởng rằng nói chung các nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa cũng thích tạo các hình ảnh thị giác có màu pha trộn và nhiều độ ánh sáng như vậy.

Con mắt có cảm nhận sâu sắc về nét và mảng. Thơ cũng gây ra nhiều liên tưởng của đường nét. Tính đồ họa của hình ảnh thơ cũng rất quan trọng và hấp dẫn. Nguyễn Du rất có lý về mặt đồ họa khi ông nói: Cây liễu trong cơn bão có vẻ đẹp ghê gớm, với những nét mảnh và sắc, đứt và liền, thẳng và cong vặn về nhiều hướng trong không gian. Điệu bộ, cử chỉ các nhân vật trong truyện Kiều vẫn được ngợi ca là tinh vi, chuẩn xác, tế nhị vì chúng gợi liên tưởng về nét rất sâu sắc. Sở Khanh thì lẻn vào, lẩm nhẩm gật đầu, Mã Giám Sinh thì ngồi tót, chàng Kim thì “khi tựa gối, khi cúi đầu”, còn Từ Hải thì nét ngang nét sổ rõ ràng, cả khuôn hình chiếm chật mặt tranh, khung cửa - rõ ràng, mạch lạc ngay từ đầu: “Râu hùm, hàm én, mày ngài - vai năm tấc rộng thân mười thước cao”. Đặc biệt ở ca dao lối gợi hình bằng nét mảng, trong ngôn ngữ thật hay “cây ngô đồng cành cao cành thấp / Lá ngô đồng lá dọc lá ngang” chỉ nét thôi đủ ta thấy cái tâm trạng “từ ngày anh gặp mặt nàng/ lòng càng ngao ngán dạ càng ngẩn ngơ”, “Con mắt em sắc như là dao cau, miệng cười như thể hoa ngâu, cái khăn đội đầu như thể hoa sen”, “Để anh mua gạch Bát Tràng về xây, xây dọc rồi lại xây ngang, xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”, “Gió đập cành tre, Gió đạp cành tre/ con thuyền anh vẫn le te đợi nàng”…

Ở rất nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương hình ảnh thị giác hiện ra như không màu nhưng rõ nét. Nhiều bài thơ Đường cho ta cảm giác như một bức tranh sơn thủy chỉ dùng các sắc đen. “Chúng điễu cao phi tận / Cô vân độc khứ nhàn” (2) Đàn chim như những chấm đen nhỏ dần ở mãi trên mép tranh - đám mây nhàn lững thững trôi. “Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia” - vài mái nhà trong cả tầm nhìn hút mắt với các vệt đen loạn xạ không chiều hướng trong vườn nhà Lương: “Lương viên nhật mộ loạn phi nha” ở những bài thơ chuẩn mực theo kiểu “thi trung hữu họa” (Lời bàn về thơ về họa của Vương Duy) ta thấy rõ liên tưởng bao trùm thị giác chính là liên tưởng về không gian. Vương Duy là một trong những nhà thơ và họa sĩ tài cao, danh tiếng nhất thời Đường đã ví mắt người đàn bà với mùa thu và lông mày nàng như núi mùa xuân. Nước mùa thu trong và lặng, trời mùa thu cao nên nước sâu. Trên mặt nước sâu lặng đó tất cả có thể soi bóng vào và ngược lại mỗi hơi gợn “thu ba” vi tế nhất đều phát lộ (Như bài Ao thu của ông Nguyễn Khuyến), Núi mùa xuân thời ở xa tít vẫn rất rõ nét, do có sương có khói nước mà chỗ ẩn chỗ hiện thật sinh động, linh hoạt. Khoảng trống trong tranh Đường Tống vẫn được ca ngợi như nơi tàng ẩn những suy lý sâu xa và rung cảm vi tế - Ở thơ cái “ý tại ngôn ngoại”, cái từ rộng lớn bất ngờ nhiều khi ở cách tổ chức không gian của hình ảnh trong liên tưởng thị giác. Xa và gần, cao và thấp, thực và hư, điểm xuyết và toàn cục. Xin nêu ra đây vài thí dụ: “Xuân sắc mãn viên quan bất trú / Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai” (3).

Toàn cảnh là cái gì khó nắm bắt - sắc xuân, bao trùm mà không ở trong câu thơ. Cái chi tiết làm rung động tất cả là cành hoa nhỏ mà hương như lan tỏa khắp mặt tranh. “Dương liễu giang đầu dương liễu xuân, Dương hoa sầu sắc độ giang nhân. Sổ thanh phong địch lý tình vãn, Quân hướng Tiêu Tương ngả hướng Tần”. Một vài cây dương liễu đầu sông, dăm tiếng sáo sắc mảnh như nét mưa rơi, như nét dao khắc - gợi nên cái cảm hoài run rẫy trong cái mênh mông, hoành tráng của vô định. Lý Bạch xuất sắc nhất trong việc tạo không gian vừa rất chỉ định, cụ thể vừa rất vô định. “Thanh sơn hoành bắc quách / Bạch thủy nhiễu đông thành /Thử địa nhất vi biệt / Cô bồng vạn lý chinh” (4). “Cô phàm viễn ảnh bích không tận/ Duy kiến Trường giang thiên tế lưu” (5). “Bất hướng Đông Sơn cửu/ Tường vi kỷ độ hoa/ Bạch vân hoàn tử tán/ Minh nguyệt lạc thùy gia” (6). Núi xanh chạy ngang phía bắc rồi lại đến nước trắng ở phía đông, không gian đó ở đâu - giữa không gian đó - là cái gì - là nơi chia ly - ngọn cỏ bồng cô đơn - rõ từng sợi một trong cái vạn dặm đi xa. Cánh buồm cô đơn - vẫn rõ ảnh hình trong màu xanh không bao giờ chấm dứt và dòng sông chảy ngang trời theo viễn cận từ trên cao vừa phải mà phóng tầm mắt ra xa. Đúng luật “Dục cùng thiên lý mục/ Cánh thường nhất tằng lâu”. Tất cả là chấm phá, là điểm vào các huyệt quan trọng làm cho toàn cơ thể không gian rung động lên. Đang không nói lâu về quê cũ Đông Sơn, bỗng đến bông tường vi cụ thể nhỏ bé có màu sắc, mây trắng vô định và ánh trăng vô hạn giới lại rơi cụ thể vào nhà ai cụ thể. Nguyễn Du cũng có những không gian đột ngột như vậy: “Nách tường bông liễu bay sang láng giềng”. Cái tường cụ thể có hình, bông liễu bay chéo phất phơ - sang láng giềng thì tự nhiên khó xác định như tấm lòng bâng khuâng không rõ cả ý chính mình. “Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường” có cả một không gian liền mạch từ khuê phòng ra tới chân trời. Cận và viễn cảnh được mô tả còn trung cảnh cũng đầy ánh trăng tuy được bỏ trống. Ngược lại “Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa” là chấm phá tiền và hậu cảnh còn trung cảnh bị cúp đi, đưa không gian ngang lên một mặt phẳng đứng.

Khó có thể phân tích máy móc các liên tưởng thị giác, các yếu tố của hình ảnh thị giác xảy ra trong đầu người đọc khi ngâm thơ. Song chắc chắn có một không gian thị giác do bài thơ làm ra. Ở đó màu, nét, chuyển động, ánh sáng… có vai trò xúc cảm và nhận thức thế giới của nó. Thi trung hữu họa - nghĩa là thơ có họa mà họa theo kiểu Vương Duy tức là chấm phá là gợi mở, là tạo không gian chứ không phải mô tả. Rõ ràng các bài thơ tả cảnh, các đoạn thơ lạm dụng màu sắc, đường nét… định làm việc thay tranh là thất bại, là thô thiển và nhàm chán. Ngược lại, thơ không cho hoặc khó cho một liên tưởng thị giác cũng có cái nghèo nàn, ít xúc cảm. Tôi muốn nói rằng nhà thơ cần xúc cảm thị giác rất vi tế (không thế mà nhiều nhà thơ đã là những người tâm đắc nhất của các họa sĩ mọi thời) và người đọc thơ cũng cần con mắt hội họa, cần huy động các liên tưởng thị giác từ khi kinh nghiệm, từ bộ nhớ thị giác vốn rất phong phú của mình.

Cuối cùng để cho tròn bài tôi xin đề cập một khía cạnh nữa liên quan đến liên tưởng thị giác của thơ, đó là vỏ âm thanh thuần túy của từ ngữ. Rõ ràng các câu thơ khó dịch nhất là những câu thơ mà vỏ âm thanh trong ngôn ngữ nguyên bản đã thống nhất làm một với ngữ nghĩa - hay đúng hơn là ngữ nghĩa nằm ở vỏ âm thanh của hệ thống ngữ âm. Liên tưởng thơ - trong đó có liên tưởng thị giác do vậy gắn chặt với vỏ âm thanh. Dịch thế nào các chữ “chí cha, chí chát, đen thủi đen thui” của Tú Xương. Dịch thế nào các âm eo trong “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Cái trong nằm ở âm eo - trong mà nhẹ tưởng như mỏng, cái bé cũng nằm ở âm eo, bé mà đung đưa, trôi nổi như cái lá, và cả hình nhòn nhọn của cái thuyền, của cái lá tre cũng ở trong âm eo đó. Hồ Xuân Hương xuất sắc nhất về mặt này với những chữ gợi hình bằng âm thanh rất đắt. “Hỏm hòm hom” là tròn tròn, méo méo, sâu sâu. “Đỏ lòm lom” là đỏ mà tối sâu lại ướt nữa. “U gối hạc” “khom khom cật”, bản thân âm u, om đã cong lại lồi lên lõm xuống rồi. Có khi cả một phong cảnh được tạo ra theo kiểu đó. Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo/ “Đường đi thiên theo, quán cheo leo”. Tất cả nghiêng đổ chông chênh, ngoắt nghéo, mỏng mảnh hiện ra ở âm eo với nhiều biến thể và nhịp điệu của nó. Bài Dạ khúc của người lữ khách nổi tiếng Guê-thơ (Gớt) cũng không thể dịch được vì liên tưởng thơ, tức dung lượng xúc cảm và suy tư được định hướng bởi cái âm u, i và ở phụ âm hơi kh. được biến đổi phát triển thống nhất với nhịp thơ. Không phải hoàn toàn tượng trưng nếu có nhà thơ Pháp gán cho mỗi âm vị, mỗi chữ cái một màu sắc. (Tất nhiên gán như vậy không tránh khỏi vô lý và gán ghép). Quả thật âm thanh trong thơ có khả năng gây liên tưởng thị giác rõ rệt nếu không làm sao khi nghe nhạc ta có thể “bịa” ra cho mình những hình ảnh trong đầu!

Tóm lại liên tưởng thị giác là một bộ phận quan trọng của liên tưởng thơ. Nó không hoàn toàn đơn giản như tôi thử trình bày trong bài thơ này. Hơn nữa còn những khía cạnh liên tưởng thị giác mà tôi chưa nêu thí dụ - chẳng hạn con mắt có thể nhìn thấy mùi vị, nhìn thấy độ nhẵn hay nhám, sự nặng hay nhẹ, thăng bằng hay không thăng bằng. Chỉ chắc rằng không có con mắt tạo hình thì thiệt cho thơ khi sáng tác và phí phạm thơ khi thưởng thức. Con mắt tinh đời quả là một phần sức sống của thơ.

N.Q.
Hà Nội 1-1985.
(14/8-85)


---------------------
1. Thương cho sóng xuân màu lục dưới cầu, đã từng phản chiếu bóng hồng ngày xưa.
2. Đàn chim bay mất hút trên cao, đám mây cô đơn nhàn bay đi.
3. Sắc xuân tràn ngập toàn bộ khu vườn, cổng không khóa nổi, một cành hồng hạnh vọt ra ở ngoài tường.
4. Núi xanh dăng ngang ải bắc, Nước trắng vây nhiễu thành phía đông, nơi này là chốn ta chia ly, ngọn cỏ bồng cô đơn trên đường vạn dặm.
5. Hình ảnh phía xa của cánh buồm cô đơn trong màu xanh vô tận/ Chỉ thấy một dòng Trường Giang chảy ngang trời.
6. Lâu không trở lại Đông Sơn cũ, hỏi tường vi đã nở mấy lần/ Bông mây trắng cứ tụ lại tan/ Trăng sáng hôm nay rơi vào nhà ai.




Các bài mới
Các bài đã đăng