Học giả người Pháp Jean Baudriard đã nêu lên giai đoạn thứ tư của sự biến đổi lịch sử đó là giai đoạn xã hội tiêu dùng (Mác đã nêu 3 giai đoạn là: giai đoạn tiền hàng hoá, giai đoạn hàng hoá và giai đoạn hàng hoá hoá). Trong xã hội tiêu dùng, không phải chỉ có hàng hoá được sản xuất cực nhiều mà còn tạo ra đủ loại nhu cầu cho con người. Hành vi tiêu dùng của con người không chỉ là hành vi kinh tế mà đã chuyển hướng thành hành vi lối sống và hành vi văn hoá. Nhìn chung xu thế phát triển của kinh tế thế giới, toàn cầu bước vào xã hội tiêu dùng, điều này đã được đại đa số chuyên gia công nhận.
Nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong thời kỳ chuyển nhanh sang kinh tế thị trường đồng thời cố gắng hoàn thiện nhanh nhất thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Mặc dù hiện nay đang có sự phát triển không cân bằng giữa miền Đông và miền Tây đất nước, giữa thành thị và nông thôn, miền núi, song về tổng thể, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn giữa của xã hội tiêu dùng. Trong khi nhân dân được ổn định mức tăng trưởng thu nhập, nhu cầu cơ bản của cuộc sống là “ăn” đã thoả mãn, thì những chi phí về vui chơi, du lịch, nghỉ ngơi, cũng đã tăng thêm... Trong thời đại tiêu dùng ngày nay, văn học đang đứng trước hai vấn đề lớn: Một là văn học thời đại tiêu dùng rốt cuộc là cái gì? Hai là ý nghĩa của văn học thời đại tiêu dùng là thế nào? Về vấn đề thứ nhất, mấy năm trước đây đã có nhiều thảo luận, tuy chưa đi tới một định luận song đã thấy được đường hướng mới. Còn vấn đề thứ hai, tức ý nghĩa của văn học thì nhiều nhà phê bình, nhà lý luận tỏ ra lo ngại: một là văn học nghệ thuật bị trở thành hàng hoá sẽ mất đi ý nghĩa văn học nghệ thuật, nhất là ý nghĩa giáo dục. Hai là trong quá trình kích thích tiêu dùng, các lĩnh vực khác sẽ vay mượn hoặc lợi dụng văn học nghệ thuật để thẩm mỹ hoá cuộc sống đời thường, sẽ làm cho “chất thơ” của văn học nghệ thuật loãng ra, làm mất đi sự hấp dẫn của văn học nghệ thuật. Ba là văn học nghệ thuật bị hàng hoá hoá sẽ mất đi tính sáng tạo và cả tính sáng tác, dẫn đến chỗ mất đi ý nghĩa của văn học.
Từ góc độ văn hoá kinh tế mà xét thì quá trình lưu thông hàng hoá văn học nghệ thuật không chỉ có lưu thông tiền của mà cũng có sản sinh và lưu thông ý nghĩa, sự thích thú và tư cách xã hội, cho nên độc giả (hoặc người cảm thụ) cũng có tiếp nhận được những thứ đó. Họ sẽ chọn lựa loại văn học nghệ thuật nào đó là quan niệm về giá trị văn hoá của họ. Ý nghĩa và sự thú vị của văn học nghệ thuật trong quá trình lưu thông có khi nhiều khi ít, khi mạnh khi yếu, song không phải do lưu thông mà chủ yếu do bản thân nó. Từ góc độ truyền bá mà xét thì văn học nghệ thuật là thứ hàng hoá trao đổi càng nhiều thì ảnh hưởng ý nghĩa càng lớn, hiệu ích xã hội của nó càng nhiều, giá trị xã hội của nó cũng tăng lên. Nếu có được nhiều cơ hội trao đổi, lưu thông thì văn học nghệ thuật ở tư cách hàng hoá càng phải suy nghĩ nghiêm túc về giá trị nghệ thuật và ý nghĩa xã hội của mình, vì hàng hoá nghệ thuật mà dở chỉ khiến khẩu vị của người tiêu dùng chán ngán và sẽ nhanh chóng bị đẩy ra khỏi thị trường. Ở khía cạnh kinh doanh, nghệ thuật thành hàng hoá cũng phải dựng cho mình một ý thức về thương hiệu, phải làm sao càng tinh xảo đẹp đẽ, thu hút được nhiều người tiêu dùng. Giống như phim điện ảnh và các sáng tác khác của Trương Nghệ Mưu, đạo diễn nổi tiếng thế giới này đã tạo được một không khí duy mỹ bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật, đã tìm mọi cách để giành được thị trường và người tiêu dùng. Ông muốn đi con đường thị trường, nhưng thực tế, sau khi làm thành công hai phim “Cao lương đỏ” và “Thu Cúc đi kiện”, ông tiếp tục đi tìm con đường thị trường hoá điện ảnh, đã làm cho một số đề tài bình thường trở thành nổi rộ (như “Một người không thể thiếu”, “Cha mẹ tôi”), nhưng sau người ta phê bình phim “Anh hùng” và “Thập diện mai phục” của ông, họ cho rằng thật sự không thành công, đó là do chỉ chú ý dựng “thương hiệu” mà không nắm chắc mối quan hệ giữa ý nghĩa tốt của văn học và thị trường, dẫn đến ảnh hưởng cho hiệu quả thị trường. Chắc ông đã có suy nghĩ và tổng kết những bài học kinh nghiệm, nên phim “Ấn tượng chị Ba Lưu” đã có tiến bộ.
Văn học nghệ thuật sau khi trở thành hàng hoá và được lưu thông có bị giảm chức năng giáo dục không? Hoặc có thoái đạo đức không? Vấn đề này không tuyệt đối. Phải công nhận rằng nó sẽ chú trọng đến thị trường nhiều hơn song nó không có mối liên hệ tất nhiên với sự suy thoái đạo đức, cũng như sự phát triển kinh tế thị trường không có mối quan hệ tất nhiên với sự mất đạo đức. Từ thế kỷ 18, rõ ràng có “khủng hoảng đạo đức” sau khi có sự xâm nhập của tư bản vào sản xuất văn hoá, như nhà bình luận văn hoá người Anh đã nói: “Thế kỷ 18, sự phát triển của tiểu thuyết đã bị công kích rộng rãi, rằng về đạo đức, tiểu thuyết có hại cho những phụ nữ yếu đuối và loại người hầu hạ, mà họ lại là những người tiêu dùng loại này nhiều nhất. Từ nhà thơ đến giới bình luận đều đả kích tiểu thuyết. Hiện tượng này lặp lại đối với điện ảnh những năm 30 của thế kỷ 20 và đối với ti vi của những năm 50. Sự khủng hoảng này tập trung vào trẻ em và thanh thiếu niên non trẻ. Người ta sợ rằng chúng sẽ bị ảnh hưởng bạo lực. Ở Trung Quốc, chính kịch và tiểu thuyết thời Minh Thanh nổi lên cũng bị phê phán đạo đức, bị cho là “hối dâm hối đạo”, có quan địa phương còn cấm diễn “dâm kịch”. Ngay cả gần đây, người ta còn sợ phim “Hoàn Châu cách cách”, hình tượng Hoàn Châu có thể ảnh hưởng đến đạo đức của thanh thiếu niên. Ngày nay, loại tiểu thuyết và điện ảnh “ma giới” xuất hiện, lại có người lo thanh thiếu niên sẽ rơi vào ảo tưởng, không phân biệt được lịch sử và hiện thực, rồi làm những chuyện bậy bạ. Song họ không nghĩ đến những tác động tích cực. Thí dụ truyện “Harry Potter” cũng có nhiều điều chính nghĩa, có giáo dục luân lý thiện ác. Ca nhạc cũng vậy, có những bài hát rất tốt.
Trong xã hội tiêu dùng ngày nay, văn học nghệ thuật thường bị các hiện tượng văn hoá khác như quảng cáo truyền hình, biểu diễn thời trang, giới thiệu thương phẩm, các hội hè... vay mượn để dùng cho đại chúng. Sự vay mượn này tạo thành nhiều hiện tượng Á văn học nghệ thuật, mở rộng biên giới của văn học, hình thành sự thẩm mỹ hoá cuộc sống đời thường. Vậy nên ứng phó thế nào? Trước hết, cần thấy rõ sự vay mượn đó không phải là chuyện có hại. Trong lịch sử, văn học nghệ thuật luôn bị tôn giáo vay mượn, như âm nhạc nhà thờ, hội hoạ nhà thờ... Tôn giáo thấy rõ sức hấp dẫn của văn học nghệ thuật. Ngày nay, quảng cáo mượn văn học nghệ thuật làm tăng sức hấp dẫn quảng cáo, lại có thể có loại văn học quảng cáo - một thể tài mới. Ca vũ quy mô lớn cũng có thể thành một hình thức độc lập. Văn học thông tin, văn học mạng. Theo quan điểm của Mác: sau khi điều kiện sản xuất vật chất bao gồm kỹ thuật có sự biến đổi thì hình thái ý thức bao gồm những cái thuộc thượng tầng kiến trúc (văn học nghệ thuật,...) sẽ có sự biến đổi hoặc nhanh hoặc chậm. Thời đại nào có văn học nghệ thuật của thời đại đó, trong thời đại thông tin, thời đại tiêu dùng ngày nay, văn học nghệ thuật được mở rộng, có thay đổi, là điều dễ hiểu và dần dần có thể chấp nhận.
Thứ nữa, văn học nghệ thuật bị vay mượn dẫn đến thẩm mỹ hoá đời thường, điều đó cũng không xấu mà lại hay. Trong tiến trình xây dựng xã hội khá giả, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân chỉ có thể ngày càng mạnh, vấn đề ăn, mặc, đi, ở càng ngày càng theo xu hướng thẩm mỹ hoá. Tặng quà có kèm thêm mấy câu thơ Đường. Đồ gia dụng đẹp... kích thích tiêu dùng có lợi cho tiêu thụ, lẽ nào tính nghệ thuật ở đó chỉ gây phản cảm? Cuộc sống đời thường được thẩm mỹ hoá hiện tượng Á văn học nghệ thuật lẽ nào không đem lại sự hưởng thụ đẹp đẽ cho đại chúng? Ý thơ có tản rộng ra một chút có gì là không ổn? Cũng cần phải có sự lý giải mới về vấn đề ý thơ trong xã hội tiêu dùng như thế nào?
Hãy nói về hội họa Trung Quốc. Xưa miêu tả cảnh rừng sâu núi cao, ngư tiều, chùa miếu, xem đó là ý thơ. Đến khi Cao Kiến Phú sáng lập ra “Sầm họa phái”, rồi Tề Thạch Thạch - vị quốc họa đại sư, chuyên miêu tả người bình dân và những đồ vật thường dùng của bình dân, đó không thể nói là không có ý thơ. Từ Bi Hồng vẽ ngựa cố nhiên là phù hợp với ý thơ truyền thống. Song những tranh tả thực tả sử như “Điền hoành ngũ bách tráng sĩ” cũng có ý thơ. Nhiều hoạ sĩ đưa những hiện tượng đời thường vào hội hoạ, cũng có ý thơ. Giới tranh dầu hiện nay cũng có khuynh hướng vẽ về cuộc sống thường ngày. Nghĩ cho kỹ, những tác phẩm hoạ ưu tú phương Tây, xưa kia phần lớn là miêu tả cuộc sống thường ngày như tắm gội, trang điểm, tiệc tùng... rất thời thượng mà cũng giàu ý thơ. Các họa sĩ thời nay vẽ về cuộc sống đời thường nếu suy nghĩ sâu sắc cũng có thể có ý thơ như vậy. Thời đại khoa học kỹ thuật, dùng máy móc phục chế tác phẩm cũng hay, khiến nghệ thuật trở thành thứ của đại chúng, khiến chức năng, giá trị của nghệ thuật và sự tiếp nhận đều có thay đổi căn bản. Vậy thì ý thơ cũng có thể thay đổi chứ. Có thể quan niệm rộng hơn về ý thơ. Như Haiđơgơ (Heideger) nói: con người nên sinh sống có ý thơ trên trái đất này. Ý thơ ở đây không chỉ có nghĩa là con người cần có thú vui tinh thần mà còn có những mối quan hệ hài hoà giữa con người với thiên nhiên, với con người, với xã hội. Văn nghệ đương đại có đầy đủ những tư tưởng sâu sắc và phong phú thức tỉnh con người đang mê mẩn trong vòng vật chất, khiến con người có lại được hi vọng và niềm tin đối với cuộc sống hợp lý trong hiện thực, đó chẳng phải là “ý thơ” trong xã hội ngày nay sao?
Còn vấn đề văn học nghệ thuật trở thành hàng hoá có làm mất đi tính sáng tạo và cá tính nghệ thuật của văn học nghệ thuật không? Đây cũng là vấn đề đang tranh cãi. Hiện nay, trong tình hình sản xuất văn nghệ hoặc sản xuất văn hoá, cố nhiên là có vấn đề mất đi tính sáng tạo và cá tính nghệ thuật vì đã là hàng hoá lưu thông tất nhiên sẽ có một số người sản xuất loại hàng hoá đó. Song khẩu vị của người mua cũng có thay đổi, đến một lúc nào đó họ sẽ không hài lòng với loại hàng thông dụng mà đòi hỏi hàng “tinh phẩm” hơn. Thực ra trong xã hội tiêu dùng cạnh tranh kịch liệt, văn học nghệ thuật trong thị trường cạnh tranh cũng phải cố gắng, nếu không có cá tính mạnh và sức sáng tạo thì người tiêu dùng cũng không mua. Người sản xuất nghệ thuật giỏi phải nghĩ tới nhu cầu thị trường song vẫn phải kiên trì lý tưởng nghệ thuật và cá tính nghệ thuật. Balzac đã từng viết cho thị trường, song trong rất nhiều sáng tác ông vẫn lưu lại một số “tinh phẩm” giàu tính sáng tạo. Sáng tác của Sếch-spia cũng từng đón chào khẩu vị của đại chúng, song tác phẩm ưu tú của ông vẫn nhiều nhất trong các tác gia kịch. Trong xã hội tiêu dùng, ngay sản xuất sản phẩm vật chất cũng phải có phẩm bài có cá tính mới thu hút được người mua như đồng hồ, máy giặt... Người thiết kế cũng phải tìm cách cá tính hoá và sao cho độc đáo. Gần đây, có hiện tượng khách hàng thông qua mạng để tham dự vào quá trình sản xuất, từ đề xuất mẫu sản phẩm cá tính hoá, rồi nhà sản xuất tiếp thu. Ở Thuỵ Sĩ một số nhà máy sản xuất đồng hồ để khách hàng tham dự việc thiết kế.
Tác phẩm văn học nghệ thuật là sản phẩm tinh thần lại càng cần đại chúng bình luận. Chính kịch, điện ảnh, ti vi, nếu thiếu tính sáng tạo và cá tính sẽ bị người xem bỏ qua một cách vô tình. Do đó, trong thời đại kinh tế thị trường và tiêu dùng, nghệ thuật trở thành hàng hoá càng yêu cầu cao đối với sáng tạo nghệ thuật, mấu chốt là ở chỗ nhà nghệ thuật và nhà lý luận có thể đáp ứng được thách thức đó và cho ra những tác phẩm có tính sáng tạo được hay không. Ở trên tôi đã biện hộ cho vấn đề ý nghĩa của văn học trong thời đại tiêu dùng, mục đích là để tìm hiểu một cách tích cực và chính diện giá trị tồn tại của văn học và tương lai phát triển của văn học. Tôi cảm thấy giới lý luận, phê bình hiện đang quá bi quan đối với vấn đề trên. Một số người cho rằng văn học hiện nay do bị kinh tế thị trường và quan niệm giá trị đa nguyên tấn công nên ý nghĩa của nó đang nghèo nàn hoá, bình diện hoá, dung tục hoá, thậm chí có người giữ lập trường “phái tả mới”, cho rằng văn học đã hoàn toàn mất đi tính phê phán và rơi vào vòng nô lệ của đồng tiền và nhục dục. Tôi cho rằng cách nhìn này đã thiếu biện chứng. Tôi không phủ nhận hiện nay văn học có những tệ hại song những tệ hại này chỉ có thể giải quyết bằng sự phát triển. Phát triển chính là cách để văn học tồn tại và phát triển. Từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, văn học đã phát triển rất mạnh. Thí dụ đầu những năm 90, các nhà văn và nhà phê bình bắt đầu coi trọng tự sự, thực hiện sự chuyển biến quan trọng từ “viết cái gì?” đến “viết thế nào?”. Thể loại cũng phát triển chỉ riêng tản văn đã có nhiều đột phá. Tiểu thuyết có nhiều tác phẩm giá trị không kém những năm 80. Rồi mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh khiến phim truyền hình rất phát triển. Phim truyền hình lại có tác dụng mở rộng ảnh hưởng của văn học, thu hút được rất nhiều người thưởng thức... Điều này đã làm phong phú thêm nhu cầu giải trí văn hoá, giải trí về tinh thần của đại chúng nhân dân. Có thể khẳng định rằng văn học hiện nay không hề suy thoái và tụt dốc, lại càng không phải sắp đến hồi “chung kết”. Nếu hiện nay văn học đang vô nghĩa, vô giá trị, đang làm nô lệ cho đồng tiền vậy thì nó còn có tương lai gì nữa? Phát triển nó còn có ý nghĩa gì nữa? Xã hội tiêu dùng quả đã là khắc tinh của văn học hay sao? Thời đại kỹ thuật quả khiến văn học biến mất trên trái đất này sao? Tôi nghĩ vị tất đã vậy. Thử xem thời Tống - Nguyên - Minh, văn học cũng đã từng đối diện thị trường, từng trải qua thời kỳ tiêu dùng và nhục dục quá đáng, nhưng thoại bản thời Tống - Nguyên chẳng để lại nhiều giai tác đó sao? “Tam ngôn nhị phách” chẳng phải là tác phẩm văn học kinh điển sao? “Kim Bình Mai” được tranh cãi nhiều đã chẳng xôn xao thế kỷ 21 đó sao? Những cái đó xưa cũng đã từng được thị trường và đại chúng hoan nghênh. Chúng cũng đã trở thành một bộ phận và một khâu “có ý nghĩa” trong văn học Trung Quốc. Văn học ngày nay trước sự thách thức của kinh tế thị trường và xã hội tiêu dùng, cũng đang tìm tòi và suy nghĩ để định vị, để có ý nghĩa mới, giá trị mới, có những chuyển biến và cơ cấu mới. Tôi thấy tràn đầy hi vọng đối với tương lai của văn học thời đại tiêu dùng.
Văn học là nhân học, là hoạt động tinh thần quan tâm đến con người, nghiên cứu con người, nghiên cứu xã hội, giữa con người với con người. Xưa nay, văn học bao giờ cũng tràn đầy tình yêu đối với con người và xã hội, có ca ngợi, có phê phán, đều là vì tương lai tươi đẹp hơn của loài người và xã hội. Từ thế kỷ 20, văn học hiện đại chủ nghĩa ra đời cho đến nay, dường như văn học phần nhiều biểu hiện những cái tuyệt vọng của con người, của xã hội, song đúng như A-tô-nốp đã nói, người ta đang làm như kiểu Káp-ka, thấy được hy vọng trong nỗi tuyệt vọng và sẽ được giải cứu. Từ sự phê phán mà được giải cứu, từ trong tuyệt vọng mà thấy hy vọng đó chính là chất nhân văn của văn học. Nói theo ngôn ngữ của Phật thì đó là đại từ bi. Việc nghiên cứu văn học và văn hoá sở dĩ có sự tương thông là vì về bản chất, chúng đều mang tinh thần phê phán, đều rất quan tâm cứu vãn xã hội loài người. Tinh thần nhân văn đó sẽ không lỗi thời trong thế kỷ 21, và sau này cũng sẽ không thể lỗi thời, trừ phi văn học không phải do con người sáng tác ra nữa. Tinh thần nhân văn ở mỗi thời đại có hình thức biểu hiện khác nhau. Ở thế kỷ 21, văn học và việc nghiên cứu văn học chỉ cần kiên trì sự phê phán, cứu vãn đồng thời thực hiện sự vượt lên hiện thực thì phương hướng lớn sẽ không thể sai. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến văn học vẫn cứ được mọi người yêu mến mà không bị rơi vào chung kết, không bị vứt bỏ. PHẠM THỊ HẢO dịch
(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)
|