Tôi nhận thấy đây đó trong những chuyện trà dư tửu hậu của Trương Đăng Dung hơi hướm của F.Kafka, người đã hoá thân vào tâm trí anh qua bản chuyển Việt ngữ tiểu thuyết Lâu đài. Nhưng những ai tinh ý đều nhận thấy phía sau tiếng thở dài về các giới hạn của Trương Đăng Dung là ý thức và mong ước vượt qua các giới hạn. Thì đời mình nó ngắn ngủi là thế, xung quanh mình đầy rẫy các loại giới hạn nhân tạo và thiên tạo như thế, cố mà tìm lấy một ý nghĩa sống sao cho hợp với cái thể tạng, nội lực sở trường của mình chính là một nhu cầu tự thân. Khởi đầu có thể là một niềm thích thú, sau nữa sẽ là hạnh phúc nếu có ai đó tìm đến sẻ chia, thông cảm cho sự cô đơn và cực nhọc của mình. Rất có thể, cái triết lý về các loại giới hạn kia đã ám vào Trương Đăng Dung để anh biết cách thoát vượt qua sự nhẹ bổng của kiếp nhân sinh. Hay nói theo ngôn ngữ của Trương Đăng Dung, mọi nỗ lực khoa học suy cho cùng là hành trình để vươn tới giới hạn của cái chưa biết. Sức hấp dẫn của khoa học và sự mời gọi của nó nằm chính trong những điều chưa biết ấy.
Là người được đào tạo một cách chính quy và bài bản nên cách làm khoa học của Trương Đăng Dung có bài bản cũng là điều dễ hiểu. Những ai không tường tận cách làm này sẽ thấy sốt ruột, còn Trương Đăng Dung thì không. Anh cứ lẳng lặng một mình một ngựa Thét roi cầu Vị ào ào gió thu. Trương Đăng Dung là người có ý thức về công việc của mình và thực trạng nghiên cứu lý luận ở Việt . Đã hơn một lần anh cho rằng do mơ hồ trước đối tượng nghiên cứu của lý luận văn học, người ta đã đồng nhất sự phân tích tác phẩm văn học trong lịch sử văn học phê bình văn học với sự phân tích vấn đề tác phẩm trong nghiên cứu lý luận văn học, nơi vai trò của những khái quát hoá lý luận và việc tiếp cận bản thể tác phẩm văn học đều xảy ra trên bình diện trừu tượng. Các công trình khoa học của Trương Đăng Dung đều cho thấy sự nhất quán trong việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu và hướng đi riêng của anh. Đây là điều không dễ đối với những ai muốn suốt đời thủy chung với lý luận văn học. Đó là chưa nói đến chuyện, những người chủ trương làm lý luận thuần tuý như Trương Đăng Dung không hề có sự hậu thuẫn từ phía truyền thống. Không còn cách nào khác, anh phải biết tự vượt giới hạn. Đường đi của Trương Đăng Dung trải qua hai chặng rõ nét. Chặng đầu tập trung nghiên cứu chủ thể sáng tạo và nhận thấy sự bất cập của mô hình văn học phản ánh hiện thực. Chặng sau nghiên cứu chủ thể tiếp nhận trên quan điểm của mĩ học tiếp nhận hiện đại và hậu hiện đại.
Vào những năm tám mươi của thế kỷ XX, sau thời gian tu nghiệp ở
Budapest
trở về, Trương Đăng Dung tập trung nghiền ngẫm G. Lukacs và Ch. Caudwell. Anh đã trích dịch một phần sang tiếng Việt hai tác phẩm quan trọng là Đặc trưng mĩ học của Lukacs và Ảo ảnh và hiện thực của Caudwell trước khi nghiên cứu họ. Sở dĩ Trương Đăng Dung chọn hai tác giả này vì cả hai đều là những nhà lý luận macxit thứ thiệt, nhưng rõ ràng trong hệ thống khoa học của họ có những nét khác nhau. Nếu Lukacs cho rằng đối tượng của khoa học cũng là đối tượng của nghệ thuật thì Caudwell lại nhấn mạnh đến sự phản ánh “thế giới bên trong” của nghệ thuật. Sự khác biệt giữa họ được Trương Đăng Dung khái quát một cách chính xác: “Lukacs gắn bó với yêu cầu về chủ nghĩa hiện thực, về tính chân thực của sự phản ánh, còn Caudwell nhấn mạnh tính chân thực của thái độ và tư tưởng của nhà văn, tức là nhấn mạnh vai trò của chủ thể sáng tạo”. Quan điểm này của Caudwell rõ ràng cởi mở hơn rất nhiều so với quan niệm phổ biến lúc bấy giờ vốn đề cao vai trò của khách thể phản ánh. Sự hợp lý trong tư tưởng của Caudwell còn thể hiện ở chỗ, trong công trình ảo ảnh và hiện thực nổi tiếng của mình, ông đã nhận thấy vấn đề không chỉ là phản ánh hiện thực mà còn phải chú ý thích đáng đến “sự đối thoại và mong muốn về hiện thực của người nghệ sĩ”. Rõ ràng Caudwell đã khơi mở những vấn đề lý luận từ cái nhìn hiện đại. Quan điểm này của Caudwell có phần gặp gỡ với tư tưởng đối thoại mà M. bakhtin từng đề xuất trong công trình Những vấn đề thi pháp Doxtoievxki của ông xuất bản lần đầu vào năm 1929. Để minh chứng cho quan niệm mới về chủ nghĩa hiện thực, Trương Đăng Dung chọn dịch một số tác phẩm của Kafka trong đó đáng chú ý nhất là tiểu thuyết Lâu đài. Trong con mắt của nhiều nhà nghiên cứu văn học, F.Kafka được coi là nhân vật đã làm thay đổi mô hình phản ánh hiện thực bằng những tác phẩm sâu sắc, thể hiện sự suy tư không ngừng về sự phi lý của con người trong thế giới hiện đại. Chính sáng tác của Kafka là sự bổ sung hùng hồn nhất về chiều kích phản ánh hiện thực trong tính đa dạng và sâu thẳm của nó. Trong Lời giới thiệu bản dịch tiểu thuyết này, Trương Đăng Dung nhận xét một cách tinh tế: “Hình ảnh của Kafka là hình ảnh của cõi mộng, của những cơn ác mộng có nguồn gốc từ nỗi hoang mang lo sợ trước thế giới. Điều đó làm nên đặc trưng của thế giới của Kafka”. Đây chính là thứ hiện thực tự cảm thấy trong văn học mà có lần tôi đã đề cập đến trong quyển Vọng từ con chữ của mình. Thậm chí, một giấc mơ cũng cần được hình dung như một phía khác của hiện thực. Nói đúng hơn, đó là thứ hiện thực bề sâu - thứ hiện thực mà chỉ những tài năng đích thực mới đủ sức khám phá và thể hiện.
Sau hơn mười năm nghiên cứu về mô hình phản ánh và nhận thấy những hạn chế của nó, Trương Đăng Dung muốn tìm đến những nguồn lý luận mới để bổ sung. Tại đây, anh nhận thấy những mặt khả thủ trong mĩ học và lý luận văn học phương Tây. Dĩ nhiên, đến với chân trời lý luận mới, Trương Đăng Dung không có ý phủ nhận những yếu tố khoa học của mĩ học và lý luận văn học macxit mà anh muốn đưa ra những kiến giải mới để làm cho lý luận văn học thực sự trở thành khoa học với đúng nghĩa của nó. Điều đó đã được hiển thị phần nào trong công trình Các vấn đề của khoa học văn học mà Trương Đăng Dung là tác giả chính. Khi tiếp xúc với tinh hoa lý luận phương Tây, Trương Đăng Dung nhận thấy một thực tế: mĩ học macxit chủ yếu quan tâm đến bình diện nội dung tư tưởng mà chưa nói nhiều đến ngôn ngữ, trong khi, lẽ ra phải thấy văn học là nghệ thuật của ngôn từ, chất liệu của văn học là ký hiệu, là ngôn ngữ, và sự sáng tạo trong văn học trước hết là sự sáng tạo về ngôn ngữ, về cách nói của nhà văn. Ngôn ngữ trong văn học không đơn giản là cái vỏ của tư duy mà nó cũng chính là tư duy, là yếu tố có khả năng sinh tạo tư tưởng. Chính M. Bakhtin cũng từng nhấn mạnh đến vai trò của ngôn ngữ và tính đối thoại của tư tưởng chính trong ngôn ngữ. Rõ ràng, mô hình ngôn ngữ mới đích thực là mô hình làm nổi rõ bản chất của văn học. Đây là giai đoạn có sự chuyển đổi đáng chú ý trong sự nghiệp khoa học của Trương Đăng Dung. Anh đặc biệt quan tâm đến hiện tượng học và triết học ngôn ngữ, từ đó hướng đến những thành tựu mới nhất của mĩ học tiếp nhận. Bằng sự nhạy bén của mình, Trương Đăng Dung nhận thấy sự dịch chuyển trong tư duy triết học hiện đại: từ triết học tự nhiên, các nhà triết học chuyển dần sang triết học nhân sinh. Triết học nhân sinh cho thấy một thực tế hiển nhiên: thế giới không chỉ được cảm nhận bằng đôi mắt duy lý, khách quan mà còn bằng sự cảm nhận nhiều chiều của chủ thể.
Đối tượng cơ bản nhất của triết học nhân sinh chính là con người với toàn bộ sự phức tạp khôn lường của nó. Trong khi đó, hiện tượng học của Husserl và của M. Heidegger lại khẳng định thế giới tồn tại thông qua chủ thể. Trong đôi mắt của các nhà hiện tượng học, khách thể không có nghĩa, chính chủ thể mới là người cấp nghĩa. Bàn về ngôn ngữ, M.Heidegger đặc biệt chú ý đến vai trò của ngôn ngữ trong việc tạo lập thế giới. Ngôn ngữ không chỉ chuyển tải ý nghĩa của người phát ngôn mà chúng có thể tạo nên một thế giới độc lập. Đây chính là sự phản bội của ngôn ngữ và ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể. Chuyển sang nghiên cứu mĩ học tiếp nhận, Trương Đăng Dung nhận thấy có sự khác biệt giữa văn bản và tác phẩm văn học. Đó là lý do khiến anh cất công đi tìm phương thức tồn tại của tác phẩm văn học. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian này Trương Đăng Dung tiến hành dịch và giới thiệu hàng loạt công trình nổi tiếng của Martin Heidegger (Trên đường đến với ngôn ngữ), Roman Ingarden (Tác phẩm văn học), Hans Robert Jauss (Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học), Paul Ricoeur (Văn bản là gì?)... Những lý luận này, một mặt, làm hậu thuẫn cho các luận điểm khoa học của Trương Đăng Dung, mặt khác, cho thấy anh có ý thức nghiên cứu văn học trong tính hệ thống, triển khai các vấn đề học thuật từ gốc rễ chứ không đơn giản chỉ là hớt ngọn! Tôi cho rằng, sự nhạy bén của Trương Đăng Dung xuất phát từ chỗ anh am hiểu sâu sắc sự vận động của tư duy lý luận, và nếu như lý luận truyền thống nghiêng về nghiên cứu chủ thể sáng tạo, lý luận hiện đại nghiêng về văn bản thì lý luận hậu hiện đại quan tâm đến tiếp nhận văn học. Đây cũng là ba khâu của diễn trình văn học tính từ vĩ mô đến cấp độ vi mô. Công trình đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng này trong hành trình nghiên cứu của Trương Đăng Dung là tiểu luận tác phẩm văn học như một quá trình được in trên Tạp chí Văn học năm 1996. Tôi nhớ, lúc đó, GS.Trần Đình Sử là người đầu tiên nói với tôi đây là một tiểu luận xuất sắc của Trương Đăng Dung. Trong cái nhìn của lý luận văn học hiện đại, nhà văn là người sáng tạo nên văn bản, nhưng bản thân văn bản chưa là tác phẩm văn học với đúng nghĩa của nó. Nó chỉ là một “sơ đồ mời gọi”, một “kết cấu vẫy gọi”. Về điều này, J.M.Lôtman khẳng định: “Định nghĩa được văn bản là một việc khó. Trước hết cần loại bỏ quan niệm đồng nhất văn bản với toàn bộ tác phẩm”. Chính người đọc, bằng toàn bộ kinh nghiệm thẩm mĩ của mình, khi chạm vào tác phẩm đã đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”, và lúc đó, sinh thể nghệ thuật mới hiện lên toàn vẹn và tác phẩm mới trở nên đầy đặn. Như vậy, tác phẩm chỉ được hình thành thông qua sự đọc và chỉ thực sự trọn vẹn trong cảm nhận của người đọc mà thôi. Thực ra, lĩnh vực tiếp nhận văn học không chỉ riêng Trương Đăng Dung quan tâm. Nó cũng được các nhà khoa học khác như Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân... lưu tâm nghiên cứu. Tuy nhiên về lĩnh vực này, có thể nói Trương Đăng Dung là người chuyên tâm hơn cả. Những ý tưởng học thuật về phương thức tồn tại của tác phẩm văn học đã được khai triển, đào sâu và làm phong phú thêm trong công trình Tác phẩm văn học như là quá trình xuất bản năm 2004. Đọc những công trình lý luận của Trương Đăng Dung, dễ nhận thấy anh không chỉ tiếp thu, giới thiệu mà còn tiến hành đối thoại trên tinh thần khoa học. Chính tinh thần đối thoại đã giúp cho Trương Đăng Dung đưa ra các kiến giải riêng của anh, trong đó, đáng chú ý là những kiến giải về tác phẩm văn học và tiếp nhận văn học. Theo Trương Đăng Dung, mỗi một lần đọc văn bản là một lần người đọc lại “vấp ngã”. Tính đa nghĩa và độ mở của văn bản khiến cho những cách lý giải về nó đều có cơ hội tồn tại và trên thực tế, không thể có kết luận cuối cùng về giá trị tác phẩm. Đây là cái nhìn thể hiện cảm quan hậu hiện đại khi nói về đời sống tác phẩm trong tương quan với chủ thể tiếp nhận.
Khi chỉ ra sự khác biệt giữa văn bản và tác phẩm, Trương Đăng Dung có cái nhìn mới về bản chất của tác phẩm văn học. Nêu lên phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, anh đề cập đến hai vấn đề: một là tính chất ngôn ngữ, cái quyết định đặc trưng văn học của văn bản; hai là khả năng tạo lập một đời sống cụ thể của văn bản văn học thông qua người đọc. Đây là những đóng góp đáng quý của Trương Đăng Dung vào ý thức đổi mới và hiện đại nền lý luận văn học nước nhà. Trong thời gian gần đây, sau khi nghiên cứu kỹ H.G.Gadamer, H.R.Jauss, P.Ricoeur, J.Derrida và giải cấu trúc, Trương Đăng Dung nhận thấy nhiều nhà khoa học muốn đẩy lý luận văn học vươn đến tầm triết học. Có lẽ vì thế mà Trương Đăng Dung đã mở hướng đi từ hiện tượng học đến tường giải học theo cách riêng của anh. Con đường ấy chắc sẽ rất dài và đòi hỏi sự nhọc lòng mà Trương Đăng Dung hẳn đã ít nhiều lường thấy. Phần mình, tôi nghĩ, Trương Đăng Dung có đủ phẩm chất để thiết tạo nên hệ thống khái niệm lý luận bằng thứ ngôn ngữ lý luận của riêng anh. Hệ thống ấy, Trương Đăng Dung muốn hình thành trên năng lực tư biện khoa học có tính trừu tượng mà anh đã học được ở nhiều học giả phương Tây và cũng là niềm ấp ủ của anh từ ngày còn trai trẻ. Thực tình, trong một lần nói chuyện với Trương Đăng Dung cách đây quãng chừng một con giáp, tôi có hỏi vì sao anh không vận dụng những lý luận hiện đại để nghiên cứu văn học Việt Nam. Tôi hỏi vậy vì biết anh là người đã từng dịch Truyện Kiều sang tiếng Hunggari khi chưa đến tuổi ba mươi, là người từng có thơ in trên Văn Nghệ cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Ngoài ra, anh là chỗ bạn bè thân thiết của những cây bút gạo cội như Nguyễn Huy Thiệp... Nhưng Trương Đăng Dung chỉ mỉm cười, im lặng. Tôi hiểu, mối quan tâm của Trương Đăng Dung nằm ở phía khác. Đó là những trăn trở về lý luận văn học như một siêu khoa học. Rõ ràng, phải có một niềm tin và một tình yêu mãnh liệt như thế nào đó Trương Đăng Dung mới dấn thân quyết liệt đến thế trong con đường khoa học đầy thử thách, chông gai.
Tuy nhiên, giờ đây, điểm xuất phát của anh đã cao hơn và vững chãi hơn nhiều. Từ công trình Từ văn bản đến tác phẩm văn học (Nxb KHXH, 1998) đến Tác phẩm văn học như là quá trình (Nxb KHXH, 2004), Trương Đăng Dung đã xác lập được hệ thống của riêng mình. Không ít những luận điểm khoa học của Trương Đăng Dung đã đi vào đời sống và được nhiều người vận dụng. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao hướng tìm tòi mới mẻ và hiện đại của Trương Đăng Dung. Bản thân Trương Đăng Dung cũng luôn muốn được chia sẻ những nghiền ngẫm của mình với đồng nghiệp, với các lớp nghiên cứu sinh mà anh từng giảng dạy ở các Trường đại học và các Viện nghiên cứu trong cả nước. Trong các công trình khoa học, Trương Đăng Dung là người hay nói đến sự vận động, và bất cứ sự vận động nào cũng là một quá trình. Nếu hiểu như thế thì các ý tưởng khoa học của Trương Đăng Dung cũng chính là quá trình khiêu khích các giới hạn để vươn đến những giới hạn khác. Mà ý thức vượt lên các giới hạn thì vẫn còn nguyên vẹn trong nhiệt huyết khoa học của Trương Đăng Dung. Mùa Giáng sinh 2006 N.Đ.Đ
(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)
|