Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn hóa là gì? Quan liêu là gì? (2)
16:43 | 17/09/2008
HOÀNG NGỌC HIẾN(tiếp theo và hết)Trong tập chuyên luận của A.Cheng, tìm hiểu những nguyên nhân tư tưởng tạo ra thần tích kinh tế Trung Hoa trong 3 thập kỷ qua, từ chương này sang chương khác, tác giả nhấn mạnh những nét đặc sắc của văn hoá Trung Hoa:...
Văn hóa là gì? Quan liêu là gì? (2)

“coi trọng sự biến hoá”, coi trọng tinh thần thực dụng, coi trọng sự điều tiết quá trình thực tại hơn là sự phát lộ chân lý (lý thuyết), coi trọng sự thương lượng thoả đáng hơn là tranh cãi đúng sai, coi trọng cách vận dụng nguyên lý hơn là bản thân nguyên lý, coi trọng quá trình biến hoá hơn là mục đích (cuối cùng)… Đến phần lời Bạt, chia sẻ sự nhấn mạnh của A.Cheng, F.Jullien đưa ra một cách nhìn tổng quát: Trung Hoa “đi bằng hai chân- văn minh Phương Tâyvăn minh Trung Hoa, trong y thuật và nghệ thuật ẩm thực của họ “Đông” và “Tây”, “trong” và “ngoài” tồn tại song song và đan xen vào nhau, họ làm chủ những thể thức quản lý phương Tây nhưng không coi nhẹ những mưu lược hiệu quả truyền thống, về mặt ngoại giao họ biết cách ứng xử trăm phần trăm phương Tây nhưng vẫn nhớ đến nguồn chiêu pháp ứng xử riêng của họ… Dĩ nhiên “coi trọng sự biến hoá” họ không hề coi nhẹ “chân lý”, họ không thể không nhớ rằng trong mọi lịch sử tư tưởng không ít những trang oanh liệt được viết ra bởi cảm hứng tìm tòi, đấu tranh cho chân lý, cảm hứng “tìm cho ra sự thật” và "nói toàn bộ sự thật”…

Quan liêu là gì?
Sau khi Tần Thủy Hoàng  thống nhất Trung Quốc (221 tr.C.N.), một tầng lớp quan liêu của một bộ máy quan liêu được hình thành và trong suốt hơn hai mươi thế kỷ, từ đầu t.k. III tr.C.N. cho đến t.k. XX, đây thực sự là quyền lực bất di bất dịch cai trị Trung Quốc. Tuyệt đại đa số trong tầng lớp này là những quan chức - nho sĩ, họ là những người ưu tú được tuyển dụng qua các kỳ thi (tuyệt đối không có sự cha truyền con nối), họ là “quý tộc tinh thần”, khác với giai cấp địa chủ mặc dù có sự gần gũi. Trong hơn hai mươi thế kỷ, ở châu Âu, những thể chế chính trị liên tiếp thay đổi: phong kiến phân quyền, quân chủ chuyên chế, quân chủ dựa vào lớp quý tộc đao kiếm (quân sự), rồi lớp tư sản con buôn, rồi tư sản công trường thủ công hình thành lấn át quý tộc chuẩn bị cho cách mạng tư sản…, suốt trường kỳ lịch sử này, ở Trung Quốc, có những sự thay đổi triều đại, nhưng trước sau vẫn là bộ máy quan liêu với tầng lớp quan chức nho sĩ trị vì. Tiếp nhận quan điểm của nhà sử học Joseph Needham, tác giả phân biệt chế độ phong kiến (thực thụ) với chế độ quân chủ. Chế độ phong kiến là sự bá chủ của những lãnh chúa (chư hầu) cát cứ trên những lãnh địa nhỏ (như các nước thời Xuân Thu Chiến quốc). Hiểu như vậy thì ở Trung Quốc, chế độ phong kiến kết thúc rất sớm, sau khi TầnThủy Hoàng dẹp chư hầu thống nhất đất nước, thay thế cho chế độ phong kiến  là chế độ quân chủ với bộ máy và tầng lớp quan liêu. Về danh nghĩa đứng đầu nhà nước quân chủ là Vua, là Hoàng Đế, vua là Con Trời (Thiên tử), là người nhận mệnh Trời để trị quốc, nhưng thực ra, ngoại trừ  những Hoàng Đế bạo chúa, vua vẫn bị lép vế đối với bộ máy và tầng lớp quan liêu.

Vua, được gọi là Thiên tử, […] trên thực tế bị tước thần quyền của những quân   vương thuở xưa và bị giam hãm trong cung điện dưới sự giám hộ của tầng lớp quan liêu mà nhà vua chỉ là biểu tượng thiêng liêng nhưng ít nhiều bất lực
(28).
Đối với vua là như vậy, đối với mỗi nho sĩ, mỗi quan chức trong chính tầng lớp này thì bộ máy và tầng lớp quan liêu là quyền uy tuyệt đối. "Đặc điểm của tầng lớp xã hội này, Balazs nói với chúng ta, đó là nghịch lý giữa số phận hết sức bấp bênh có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với mỗi cá nhân nho sĩ quan chức (có vô số người trong đám kẻ sĩ này là nạn nhân của sự vũ đoán độc tài nhất) và sự vô cùng bền vững của quyền lực của giai cấp này xét trong toàn bộ của nó (29).
Ra quyết định” là một hoạt động cơ bản của mọi tổ chức, mọi cơ quan quyền lực. Ở phương Tây, “ra quyết định” là kết quả của một sự tranh cãi (có khi với một đa số đáng ngờ) hoặc của sự quyết đoán của thủ trưởng; ở Trung Hoa nó là sản phẩm của sự đồng tình của mọi người. “Đối với những tổ chức của Trung Hoa, những người lãnh đạo mà họ cần không phải là những nhân vật có thanh thế có khả năng áp đặt quyết định riêng mà là những người có mưu lược có khả năng tranh thủ sự đồng tình (30) (phải chăng “tranh thủ sự đồng tình” là một hình thức “dân chủ” trong bộ máy và tầng lớp quan liêu?). Ngày nay chiêu “tranh thủ sự đồng tình” được người Trung Hoa sử dụng để chuẩn bị tâm lý cho những cuộc thương lượng. Xét về cách thương lượng, lập trường của đối tác phương Tây khác lập trường của đối tác Trung Hoa. Người phương Tây có thói quen bắt đầu sự thương lượng ở những điểm quan trọng nhất và có sự bất đồng lớn nhất. Cách làm này có cái lý của nó: không đạt được sự  nhất trí ở những điểm này thì hà tất phải tiếp tục thương lượng. Người Trung Hoa làm ngược lại: bắt đầu bằng thương lượng ở những điểm thứ yếu, dễ nhất trí, cốt sao tạo ra được một môi trường thuận lợi. Khi đã có sự nhất trí ở những điểm thứ yếu, thế là có sự hanh thông, bắt đầu có sự ăn ý, sự đồng tình giữa những bên đối tác, từ đó, cùng giải quyết những vấn đề khó khăn hơn, và đến lúc có sự thân tình, hiểu biết nhau thì có cơ cùng giải quyết những điều then chốt gay go nhất. Riêng ở Việt Nam, những người lãnh đạo có cốt cách phương Đông là những người coi trọng  những sự đồng tình, dù là nhỏ nhất trong khi đó những người lãnh đạo ở trong quỹ đạo “văn hóa chân lý” phương Tây rất thích tranh cãi, kể cả về những sự bất đồng không đáng tranh cãi.

Qua một nhận xét của Balazs về một nghịch lý trong xã hội Trung Hoa Khổng giáo quan liêu:
Cực kỳ chuyên quyền trong quan hệ với những giai cấp khác, Khổng giáo đấu tranh ngoan cường cho dân chủ trong nội bộ của tầng lớp quí tộc, cho dân chủ như là đặc quyền chuyên nhất cho giai cấp lãnh đạo (31)
.
A.Chieng nói đến sự pha trộn giữa dân chủ và chuyên quyền” như là một nét cốt yếu để hiểu Trung Hoa. Phảng phất có sự pha trộn này trong mối quan hệ giữa nhóm và hạt nhân của nhóm trong xã hội Trung Quốc đương đại. “Mọi nhóm người Trung Hoa đều có hạt nhân và những quyết định được đề ra trong nội bộ hạt nhân theo tinh thần đồng thuận hoặc dân chủ. Nhưng một khi đã có quyết định thì những kẻ khác phải chấp nhận dù cho họ không có tiếng nói trong cuộc họp hạn chế” (32). Có thể thấy được tính chất hợp lý của lề lối làm việc này: với nguyên tắc đồng thuận của hạt nhân thì tránh được sự vũ đoán của một cá nhân, còn đòi hỏi mỗi lần ra quyết định phải có dân chủ trực tiếp của toàn thể nhóm là một điều không thực tế, thậm chí gây hỗn loạn. Sau chuyến tuần du thanh tra tháng 1 năm 1992 ở miền Nam, Đặng Tiểu Bình đề ra những tư tưởng của Cải cách đợt 2, đây là những tư tưởng được xem là đặt nền tảng cho lịch sử đương đại Trung Hoa. Những tư tưởng này được phát đầu năm 1992 nhưng phải chờ đến mùa hè 1993 thì mới được công bố trên Nhân dân nhật báo. Một người lãnh đạo có uy tín cực kỳ lớn, có vai trò số một như Đặng Tiểu Bình nhưng cũng phải chờ thời gian để tranh thủ sự đồng tình của những người lãnh đạo khác rồi mới công bố những tư tưởng của mình.

Cũng có thể nói đến một sự pha trộn giữa “tập trung hóa và phi tập trung hóa” trong đường lối tổ chức của bộ máy và tầng lớp quan liêu. Đường lối này thể hiện trong phương thức đào tạo những quan chức của bộ máy: “những quan chức nho sĩ, được tuyển dụng qua những kỳ thi tuyển, đều được đào tạo trong một khuôn trí thức dạy cho họ cai trị những địa phương của họ mà không cần đến những chỉ thị đến từ Kinh đô. Hoàng đế chỉ cần định ra hệ tư tưởng của đế chế, không có quan tâm đến những quyết định cụ thể thuộc thẩm quyền cai trị của địa phương. Bộ máy quan liêu tỏ ra hết sức khôn khéo, ngay từ vị Hoàng đế đầu tiên, nó đạt được sự thống nhất những cấu trúc của đế chế (cân, đong, đo, đếm… kể cả khoảng cách những bánh xe trong cỗ xe) đồng thời để cho chính quyền địa phương tự trị. Có thể thấy dấu ấn của đường lối tổ chức này trong tổ chức chính quyền ngày nay “vừa mềm mỏng vừa chặt chẽ”: trong một tỉnh, Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm trước hội đồng nhân dân địa phương nhưng nhân vật thực sự số một là Bí thư tỉnh ủy do Trung Ương bổ nhiệm.
Phải chăng bộ máy và tầng lớp quan liêu đã kìm hãm sự phát triển của khoa học và công nghệ của Trung Quốc?
Joseph Needham (1900 – 1995), học giả người Anh, gần như trọn đời nghiên cứu so sánh sự phát triển của khoa học và kỹ thuật ở Trung Hoa và phương Tây. Ông có một cách đặt vấn đề hết sức lý thú. Điểm xuất phát là ý kiến của Francis Bacon, triết gia người Anh (1561 – 1826) nêu lên ba sáng chế đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới: thuốc súng, nghề in và địa bàn. Thuốc súng đã phá tan chế độ phong kiến (phân quyền) của những lãnh chúa (ở châu Âu), họ ẩn nấp sau những bộ áo giáp kim loại dày phải có súng hỏa mai thì mới bắn thủng, và sau những bức tường kiên cố của những lầu pháo đài tưởng chừng như không gì phá nổi cho đến khi súng thần công xuất hiện. Nghề in giúp cho sự truyền bá những tư tưởng mới và sự phổ cập học vấn với giá rẻ. Không có sáng chế này, Luther, Calvin làm sao truyền bá được sâu rộng và nhanh chóng những tư tưởng của hai ông về Cải cách tôn giáo? Sau cùng, địa bàn cho phép có được những phát kiến địa lý lớn mở rộng tầm nhìn con người về thế giới, về những nguồn văn minh, nguyên liệu, thị trường, tác động tới sự phát triển thương mại và hàng hải… Cả ba sáng chế vĩ đại này đều gốc phát sinh ở Trung Quốc (ngoài ra còn có hàng trăm sáng chế khác Trung Quốc làm ra trước châu Âu) (33). Joseph Needham đặt vấn đề: “vì sao những sáng chế này làm thay đổi tiến trình Lịch sử ở châu Âu lại không có cùng một hiệu quả như vậy ở Trung Quốc?…” (34), nói một cách khác “Vì sao khoa học cận đại, có thể tách ra để đối lập với khoa học cổ đại và Trung đại […] chỉ phát triển ở thế giới phương Tây?” (35). Trong giải đáp của Needham ông nêu lên một tình hình đặc biệt của châu Âu trong những thế kỷ XV, XVI, XVII… được ông xem là nhân tố quyết định: sự đồng thời của trào lưu Phục hưng, trào lưu Cải cách, sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản thương mại, tiếp theo là công nghệ thủ công. Từ đó xã hội tư bản thương mại tất yếu hình thành ở châu Âu và chính xã hội này cần đến những phát minh của khoa học. Trung Quốc không có tình hình đặc biệt này, xã hội nông nghiệp quan liêu (bắt đầu hình thành từ sau nhà Tần) ngự trị bất di bất dịch ở Trung Hoa chẳng thiết mấy đến  khoa học, có khi còn chống lại.

Nhìn lại, xã hội phong kiến ở phương Tây và Trung Hoa có hai con đường phát triển khác nhau: ở phương Tây, giai cấp quí tộc phong kiến được thay thế bởi giai cấp tư sản, còn ở Trung Hoa, từ rất sớm (sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc) bá chủ của phong kiến chư hầu được thay thế bởi sự thống trị của bộ máy và tầng lớp quan liêu. Giai cấp tư sản, tầng lớp quan liêu có những động cơ, động lực, động thái hoạt động khác nhau. Tư sản ham của cải, làm giàu, quan tâm đến tất cả những gì tăng năng suất (phát minh khoa học, sáng chế kỹ thuật), quan liêu thì trước hết quan tâm đến sự ổn định. Tư sản châu Âu năng động trong việc thay đổi thể chế, gạt bỏ những thiết chế kìm hãm sức sản xuất làm giàu của nó, quan liêu Trung Quốc trong hơn hai mươi thế kỷ nắm giữ quyền lực, trải qua nhiều triều đại, nhưng không hề nghĩ đến việc thay đổi thể chế chính trị, quốc sự hệ trọng nhất đối với họ trước sau vẫn là: trị loạn. Để xác định tính chất của xã hội Trung Hoa, Needham dùng một thuật ngữ của khoa học tự  nhiên  homéostasie (điều bình), đó là “những cơ chế khiến cho những thay đổi của những điều kiện bên ngoài chỉ gây ra biến thức tối thiểu của cơ thể”, bảo đảm sự thăng bằng giữa cơ thể và môi trường.

Gần với quan điểm của Needham, học giả Balazs chỉ đích danh bộ máy và tầng lớp quan liêu Trung Hoa đã kìm hãm sự hiện xuất của một giai cấp tư sản tích cực (con cháu những phú thương Trung Hoa thích học hành đỗ đạt làm quan hơn là nối tiếp cha ông mở mang kinh doanh ).
Đầu óc sáng chế tài tình của người Trung Hoa, đã có bao cống hiến cho nhân loại […] lẽ ra đã làm giàu cho Trung hoa nhiều hơn nữa và nhiều phần chắc đã đưa đất nước này tới thềm của công nghệ hiện đại, nếu như không có sự kiểm soát bóp nghẹt từ phía Quốc gia (36)
.
Về việc thời Cận đại khoa học châu Âu cất cánh bay trong khi Trung Quốc ngày càng tụt hậu thảm hại, ngoài nguyên nhân nằm trong cơ cấu xã hội, Needham còn nêu lên một nguyên nhân thuộc về ý thức, tinh thần. Theo cách giải thích của ông, “…sở dĩ khoa học phương Tây cất cánh bay - nhờ vậy mà họ chinh phục thế giới - không chỉ vì tổ chức xã hội phương Tây do giai cấp tư sản tư bản thương mại thống trị cần đến khoa học, mà còn là vì đầu óc (mentalité) phương Tây -  được đào luyện từ thời đại Hy Lạp bởi niềm tin có một sự hoàn hảo thần linh – cung cấp cho họ những dụng cụ” (37) (H.N.H.). Nhờ hai nhân tố này (giai cấp tư sản và “đầu óc” đặc biệt) khoa học châu Âu cất cánh và vun vút bay; nói một cách khác vì thiếu hai nhân tố này, khoa học Trung Quốc không ngóc dậy được, ngày càng tụt hậu.

Hiểu như thế nào “đầu óc đặc biệt” của phương Tây mà Needham nêu lên? F.Jullien có đưa ra một giả thuyết góp phần làm sáng tỏ vấn đề này. Theo cách giải thích của nhà triết học Pháp, các triết gia Âu Tây để giải thích Thế giới này phải vượt siêu [transcender] nó sang một thế giới khác, một thế giới hoàn toàn khác, thuộc một quy thức [ordre] khác: thế giới của những Ý niệm (viết hoa) [Idée], những Thượng Đế (đương nhiên là viết hoa), những Hình thức - bản chất [Forme-essence], những Điển mẫu [Archétype], những Mô hình [Modèle]..., những Hình thức - bản chất, những Hình thức thuần túy, những Điển mẫu, những Mô hình đều là những hình thức lý tưởng (eidos), tóm lại cái thế giới hoàn toàn khác được xây dựng từ sự vượt siêu này là thế giới của những hình thức lý tưởng. Tư duy của đầu óc Trung Hoa thì rất khác, nó “đã không xây dựng một thế giới những hình thức lý tưởng…, tách bạch với thực tại […]: mọi cái thực tại hiện diện trước nó như một quá trình, được điều tiết và liên tục sinh ra chỉ từ sự tương tác của những nhân tố hoạt động (vừa đối lập, vừa bổ sung: âmdương, hai nhân tố trứ danh)” (38), không có sự hóa đôi (dédoublement) thành hai thế giới, bằng sự vượt siêu [transcendance] từ thế giới này kiến tạo một thế giới hoàn toàn khác. Thế giới của những hình thức lý tưởng tách bạch với thực tại (tiêu biểu cho đầu óc phương Tây) thuận cho sự phát triển của tư duy toán học (làm việc với những hình thức lý tưởng) và "sự toán học hóa các khoa học có thể hiểu như là một kế hoạch mô hình hóa rộng lớn” (39). Đến đây, cần làm rõ vai trò của toán học và toán học hóa trong sự phát triển của khoa học. Ở phương Tây, thời kỳ chuyển tiếp từ Trung đại sang Cận đại, khoa học chỉ thực sự cất cánh với sự hình thành của phương pháp thực nghiệm – toán học mà Galileo (1564-1642) là người có công đầu trong sự khẳng định. Trước Galileo, Leonardo da Vinci (1452-1519) với bao thí nghiệm và sáng chế thần tình, với cái nhìn tinh thông khám phá tự nhiên, vậy mà di sản phong phú sự nghiệp khoa học lỗi lạc của ông để lại không phát triển được, vì thiếu toán học (40)
.

Sự thống trị hầu như tuyệt đối và kéo dài hàng ngàn năm của bộ máy và tầng lớp quan liêu ở Trung Quốc gắn liền với sự thống trị của Khổng giáo
như là một hệ tư tưởng toàn thống.
Trong một bài tiểu luận của Vũ Quang Việt (41), nghiên cứu những yếu tố kìm hãm  và thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế, tác giả nhấn mạnh tác động kìm hãm của những tôn giáo toàn thống, những hệ tư tưởng toàn trị. Sau đây là những nhận định khái quát của tác giả về những thời kỳ lớn trong lịch sử kinh tế thế giới.
Khoảng trước sau năm 1000  “thế giới không khác nhau về kinh tế… trừ vùng châu Úc và châu Phi” (xem tr.264).
Trong thời kỳ 1000 - 1500, vẫn chưa có sự chênh lệch đáng kể của ba vùng kinh tế được so sánh (Âu, Á, Phi) vì cả 3 vùng đều chịu sự toàn thống, toàn trị của những hệ tư tưởng tôn giáo.
 Công giáo toàn thống ở châu Âu vào thời kỳ 1000 - 1500, tư tưởng khoa học không thể phát triển do đó phát triển kinh tế cũng chỉ chừng mực” (tr. 265).
Khổng giáo và Hồi giáo toàn trị về tư tưởng trong suốt thời kỳ 1000 - 1500 ở các nước châu Á và khu vực Ả Rập, do đó đã không tạo cơ hội cho việc phát triển khoa học và tự do kinh doanh, cơ sở của phát triển kinh tế” (tr. 268).

Trong thời kỳ từ 1500 đến 1820, sự phát triển của phương Tây  trước hết được giải thích bằng sự giải phóng tư tưởng: “…bắt đầu bằng cuộc giải phóng tư tưởng thoát khỏi hệ thống toàn trị của giáo hội Công giáo và mở màn cho khoa học và cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, để từ đó lan tràn ra khắp châu Âu và Bắc Mỹ”. Và giải thích sự tụt hậu của châu Á, châu Phi dẫn đến thảm hoạ “vong quốc nô” tác giả nhấn mạnh sự trì trệ về tư tưởng: “do tiếp tục với tư tưởng thủ cựu, chống khoa học, vào đầu thế kỷ 18 hầu hết các nước châu Á, châu Phi rơi vào vòng đô hộ của các nước phương Tây” (tr.271).
Từ 1820 đến 1950 thời cao trào của chủ nghĩa đế quốc. Cuộc cách mạng công nghệ đem lại sức mạnh kinh tế cho “Tây phương và những nước sẵn sàng thay đổi thể chế chính trị và xã hội nhằm mở cửa tiếp nhận sự tiến bộ khoa học. Cách mạng công nghệ nhanh chóng lan từ Anh sang khắp Âu châu và Mỹ kể cả Đông Âu và Liên xô cũ”. Trong khi đó “châu Phi, các nước Ả Rập, và châu Á khác, trừ Nhật Bản, tiếp tục chìm đắm trong tinh thần bảo thủ và còn bị đè bẹp thêm bởi chủ nghĩa đế quốc và thực dân” (tr.270).

Tóm lại, nếu lấy thế kỷ XV làm khởi điểm, để giải thích sự tụt hậu thảm hại của xã hội Trung Quốc sang thời cận đại, hiện đại thì ngoài sự trì trệ kéo dài hàng ngàn năm của bộ máy và tầng lớp quan liêu, không thể không tính đến tinh thần bảo thủ của Khổng giáo như là một hệ tư tưởng toàn thống, cũng trì trệ dai dẳng không kém gì bộ máy và tầng lớp quan liêu đã lấy nó làm chỗ d
a tinh thần, làm cốt lõi  văn hoá.
Viết công trình “Bàn về Thực tiễn Trung Hoa cùng với Francois Jullien”, André Chieng có tham vọng gì? Tham vọng chính trị? Tham vọng học thuật? Lời trần tình của tác giả ở đoạn cuối bài Tựa: “Độc giả cũng đừng tìm trong cuốn sách này những điều xác thực, mà trái lại hẵng tìm ở đây một sự tự do. Hẵng đọc nó như người ta chơi cái trò chơi Trung Hoa được gọi là tangram (42): ban đầu đây là một hình vuông mà người ta cắt ra thành bẩy miếng hình học: tam giác, quả trám, vuông. Người ta có thể xáo trộn bẩy miếng này rồi cấu thành lại hình vuông ban đầu, nhưng người ta cũng có thể tổ hợp chúng thành nhiều hình dạng giống những con người, những con vật hoặc đồ vật. Chẳng ai lại có thể ép buộc người chơi cứ làm lại hoài cái hình vuông ban đầu lấy cớ rằng dường như chỉ nó mới là chân lý (43).
H.N.H

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

--------------------
...
(27) Xem A.Chieng, sách đã dẫn, tr.275-276.
(28) Etienne Balazs, La Bureaucratie celeste, Gallimars, 1968,  chuyển dẫn từ A.Chieng, La pratique de la Chine en compagnie de F.Jullien. Grasset, 2006. tr.228.
(29) Xem A.Chieng, sách đã dẫn, tr.228.
(30) Như trên, tr.233.
(31) Chuyển dẫn từ A.Chieng, sách đã dẫn, tr.233.
(32) Như trên, tr.233.
(33) Xem như trên, tr.75.
(34) Như trên, tr.248.
(35) Như trên, tr.75.
(36) Chuyển dẫn từ như trên, tr.249.
(37) Xem như trên, tr.79.
(38) Như trên, tr.77.
(39) Xem như trên, tr.77.
(40) Xem như trên, tr.76.
(41) Vũ Quang Việt. “Khái quát về lịch sử phát triển kinh tế thế giới: những yếu tố kìm hãm và thúc đẩy phát triển” đăng trong Từ Đông sang Tây. Nxb. Đà Nẵng, 2005.
(42) Ở Việt được gọi là trò chơi Trí Uẩn.
(43) Như trên, tr.15.

Các bài mới
Các bài đã đăng