Lời người dịch: Một cuộc đối thoại vô tận (Une communication inépuisable) trích ở phần cuối tác phẩm “Nền văn chương đang lâm nguy”) của nhà lý luận văn học nổi tiếng Tzvetan Todorov. Đây là một công trình nghiên cứu đề cập đến nhiều phương diện quan trọng của văn học, đặc biệt là tình hình “lâm nguy” của văn chương hiện nay ở Pháp. Chúng tôi đã giới thiệu một số vấn đề của công trình này, như: Văn học đang bị lôi kéo vào sự phi lý, Sự ra đời của mỹ học hiện đại, Mỹ học thời kỳ ánh sáng,.. trên Sông Hương, Văn nghệ và Nghiên cứu văn học. Bằng việc trở lại đánh giá cuộc tranh luận văn học của hai nhà văn nổi tiếng ở Pháp thế kỷ XIX: George Sand và Gustave Flaubert, Todorov đã bày tỏ quan điểm nghiên cứu văn học hiện nay của mình.“Một cuộc đối thoại vô tận”, vì vậy, mang lại những kinh nghiệm hữu ích cho người nghiên cứu văn học, nhất là trong tình hình văn học hiện nay.
Thứ nhất, từ cuộc tranh luận thú vị và gay cấn (thông qua thư từ) giữa G.Sand và G.Flauber, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quan điểm nghệ thuật của hai đại biểu xuất sắc thuộc trường phái Chủ nghĩa lãng mạn và Chủ nghĩa hiện thực. Với G.Sand, văn học không thuần túy là chối bỏ thực tại, cũng như với G.Flaubert, văn học không thuần túy là tả chân hiện thực, như lâu nay chúng ta vẫn thường nhận định; mà sâu xa hơn, đó là sự nhận thức và cách thể hiện của họ về hai khái niệm “Cái thiện” (Bien) và “cái chân” (Vrai) trong tác phẩm văn học. Thứ hai, thông qua những đánh giá về cuộc tranh luận này, chúng ta thấy rõ thái độ nghiên cứu văn học của T.Todorov - người mà đã từng “say mê” Chủ nghĩa cấu trúc, Tự sự học cùng với G.Barthes, G.Genette, vào những thập niên 60 ở Pháp. Phải chăng, một trong những nguyên nhân khiến văn học rơi vào lâm nguy, đấy chính là chúng ta quá “lạm dụng” phương pháp, kỹ thuật trong khám phá văn học? Vì vậy, “nên giải phóng văn học thoát ra khỏi cái áo ngực thắt quá chặt, giam hãm nó bằng các trò chơi chữ hình thức của chủ nghĩa hư vô”. Cần trả văn học về với ý nghĩa đích thực của nó: khám phá các giá trị của con người, trong khả năng có thể. Mọi phương pháp nghiên cứu văn học, chỉ có ý nghĩa, khi nó góp phần, đạt đến mục đích tối thượng này. “Một quan niệm hẹp hòi về văn chương đã chia cắt văn học ra khỏi cái thế giới mà chúng ta đang sống, và chúng đã áp đặt lên việc giảng dạy, phê bình văn học và ngay cả ở một số các nhà sáng tác. Còn độc giả, thì họ đang tìm trong tác phẩm văn học một ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Và độc giả, chính họ là người có lý”. (Tzvetan Todorov)
Chân trời của tác phẩm văn học là chân lý chung (la vérité commune) đã được mở màn, hoặc nói cách khác, đó là một thế giới rộng mở mà chúng ta có thể hướng đến... Tôi xin được trở lại lần cuối về một trang lịch sử văn học, để đọc lại một cuộc tranh luận văn chương nổi tiếng về mối liên quan giữa văn học, chân lý và luân lý giữa George Sand và Gustave Flaubert. Hai văn sĩ đều là bạn thân thiết của nhau, rất yêu mến và kính trọng nhau, nhưng họ cũng thừa biết là giữa họ không chung một quan niệm về văn học. Cuối năm 1875 và đầu năm 1876, một vài tháng trước khi G.Sand qua đời, hai bên đã trao đổi nhiều lá thư rất đáng chú ý về chủ đề này, trong đó, họ có lý giải căn nguyên của sự bất đồng quan điểm đó(1).
Nếu chúng ta chỉ đọc qua loa thì tưởng rằng, G.Sand đòi hỏi văn học phải tùy thuộc vào luân lý, trong khi đó, G.Flaubert chỉ nói đến liên hệ giữa văn học và chân lý. Và đúng thật là một vài công thức (formule) của G.Sand dường như lôi cuốn bà, nghiêng về khuynh hướng đó, vì bà tỏ ra luôn băn khoăn về hiệu quả của tác phẩm mình đối với độc giả: - “Anh gây ra cho độc giả sự buồn bã, cô đơn (désolation), còn tôi thì mang đến cho họ sự an ủi” (consolation) – bà nói, anh làm cho người đọc thêm buồn còn tôi thì muốn người đọc được bớt khổ”. G.Flaubert mới bẻ lại rằng, mục đích duy nhất của mình là chân lý: “Tôi luôn luôn tìm cách để đi sâu vào tâm hồn của sự vật”. Nếu họ chỉ khác nhau chừng đó thôi, thì chắc là cuộc tranh luận này kém đi sự thú vị, và như thế chúng ta sẽ cho G.Flaubert đúng, bởi vì, người đọc ngày hôm nay, không đòi hỏi công việc ưu tiên của văn học là phải lau nước mắt.
Nhưng G.Sand nhanh chóng vượt qua định đề ban đầu, để tập trung vào hai luận điểm quan trọng hơn: vai trò của người viết trong tác phẩm của mình và tính chất của chân lý mà anh ta đề cập. Sand trách Flaubert là không chú trọng bày tỏ cái tôi trong tác phẩm của mình, trong lúc, một phương châm bất di bất dịch của G.Flaubert là không can thiệp vào tác phẩm. Và nữ sĩ G.Sand tấn công: bà không trách Flaubert vì sự vắng mặt của ông trong tác phẩm, nhưng quả thật, bà không tin là có thể có sự vắng mặt đó được, vì người ta không thể tách rời cái đã nghe thấy và cái nhìn chủ quan của mình: “Ta không thể có một triết lý trong tâm hồn mình, mà triết lý ấy không bộc lộ ra. Tác phẩm hội họa đích thực là một họa phẩm tràn ngập thế giới tâm hồn, mà nó đã in dấu ấn trên bút họa”. Trong những thư trả lời, G.Flaubert công nhận: ông ý thức được rằng, ông không thiếu những niềm tin chắc chắn và những niềm tin ấy, tiềm ẩn trong tác phẩm của mình. Ông cũng biết rằng, niềm mong ước về chân lý của mình, nhất định sẽ có ảnh hưởng về luân lý: “Khi cái gì đó là thật, thì cái đó sẽ là tốt. Những sách có nội dung suy đồi, tục tĩu, có tính chất vô luân, vì chúng thiếu vắng chân lý”.
Tuy nhiên, cái điều mà Flaubert yêu cầu là: những ý tưởng ấy không nên viết toạc ra bằng tự thuật, mà chỉ gợi ý qua câu chuyện, và người đọc phải tự mình rút ra cái luân lý nằm trong một tác phẩm. Nếu không tìm được chân lý, thì: hoặc là tác phẩm đó tồi, hoặc là người đọc ngu. Nhưng lời chỉ trích của nữ sĩ G.Sand nằm ở chỗ khác: bà không trách sự vắng mặt của Flaubert trong tác phẩm của mình, mà trách cái bản chất của sự hiện diện đó. G.Sand yêu quí bạn, nhưng bà không gặp người bạn thật quen biết ngoài đời của mình trong tác phẩm của anh ta: “Bạn hãy sống bằng những tư tưởng và tình cảm đã tràn đầy trong tâm hồn và trái tim của bạn. Tất cả cuộc đời bạn đầy tình thương, đầy bao dung, nhân ái, và đơn giản như vậy, đã chứng minh rằng, bạn là một người có cá tính đặc biệt, tự tin, không ai bằng. Vậy mà khi cầm bút, không hiểu vì sao, bạn muốn mình là một con người khác?”.
Nói tóm lại, G.Sand trách Flaubert là đã không đem vào trong tác phẩm của mình những nhân vật giống như ông, và như thế là không sáng tạo được một bức tranh trung thành về thế giới. G.Sand đòi hỏi, văn học trước hết phải nói đến cái Chân, chứ không phải cái Thiện. Mục đích của văn học là biểu hiện đời sống con người, trong đó bao gồm cả tác giả và độc giả: “Bạn không thể trốn khỏi bức tranh ấy, vì con người là chính bạn và những người độc giả. Dù sao đi nữa, câu truyện bạn kể là một cuộc trò chuyện giữa bạn và người đọc”. Câu chuyện tất nhiên là một cuộc đối thoại (có mở đầu và có kết thúc), không phải chỉ về con người thôi, mà còn là sự đối diện giữa các nhân vật nữa.
G.Sand biết G.Flaubert cố gắng hết lòng để đạt tới sự thật, mặc dù con đường ông chọn đã phải trải qua nhiều “khổ ải” để trau dồi về mặt hình thức. Vì Flaubert quan niệm, cần có một sự hài hòa giữa hình thức và nội dung. Phương pháp của ông là như thế này: “Lúc mà tôi thấy câu nào tôi viết không êm tai hay thấy có sự lặp đi lặp lại là tôi chắc rằng mình đang bơi trong một dòng nước, đi ngược lại chân lý”. Không phải phương pháp ấy làm cho G.Sand bực mình. Đối với bà, cuộc tranh luận không phải về phương pháp mà về “bản chất của kết quả”. Những văn sĩ như Flaubert: “học nhiều, tài nhiều hơn tôi, chỉ tiếc là họ thiếu một quan niệm dứt khoát và rộng rãi về đời sống” - bà nói. Bức tranh cuộc đời mà người ta tiếp nhận được trong tác phẩm của Flaubert không thật lắm, vì quá gò bó và quá sắp đặt: “Tôi muốn thấy con người đúng như nó tồn tại. Con người ấy không phải là tốt hay xấu, mà là tốt và xấu. Nhưng có thêm một điều khác nữa, đó là những màu sắc, những điều mà, đối với tôi, đấy chính là mục đích của nghệ thuật”.
Trong một lá thư tiếp theo, gửi cho Flaubert, G.Sand trở lại vấn đề này:“Sự thật đích thực thì vừa đẹp vừa xấu, vừa tẻ nhạt vừa long lanh”(2). Những người mà thời ấy, được ta gọi là những nhà văn hiện thực, đã có một sự lựa chọn phản bội với sự thật: họ tuân thủ một ước lệ độc đoán, chỉ cho phép họ mô tả một mặt đen tối của thế giới. Những người theo chủ nghĩa hư vô, đã phản bội không phải cái “Thiện” (Bien) mà là cái “Chân” (Vrai). Nguồn gốc về sự khác biệt giữa Sand và Flaubert nằm ngay trong quan niệm triết học của họ. Flaubert, người đã tuyên bố với người yêu Louise Collet: “Tôi căm ghét cuộc đời”, hay: “Đời sống chỉ chịu đựng được với điều kiện là không bao giờ có mặt ở trong đó”(3).
G.Flaubert, trước mặt G.Sand giống như “một người công giáo mong được đền bù”, vì ông ghét và chửi rủa đời, như thể là có một đời sống khác, như thể cuộc sống thật là ở nơi khác kia. Flaubert hành động, như thể là ông mong đợi có một đời sống tốt đẹp hơn bên kia thế giới này. Ông chấp nhận, không nói ra thuyết của thánh Augustin, theo đó thế giới chúng ta nhìn thấy được là một thế giới bị hư hỏng và con người thì đáng ghét, trong khi đó, hạnh phúc thực sự - tức sự cứu rỗi linh hồn, đang đợi họ ở thế giới của Thượng đế. Còn nữ sĩ G.Sand thì ngày càng yêu thích đời sống hiện tại: “Về phần tôi, tôi muốn sống cho hết cuộc đời, cho đến hơi thở cuối cùng của tôi, không phải với lòng tin có một nơi nào khác tốt hơn, mà chỉ vì niềm vui thú tận hưởng những gì tồn tại của cuộc đời”. Sự khôn ngoan như thế sẽ đem lại “hạnh phúc”, nghĩa là chấp nhận cuộc sống như nó đang tồn tại. Và G.Sand gọi đấy là “thú vui ngây thơ được sống, để mà sống”(4).
Như vậy, sự đối lập trong quan niệm nghệ thuật giữa hai người, không phải do sự khác nhau về lý tưởng: cả G.Flaubert và G.Sand đều công nhận văn học, trước tiên phải mang xu hướng trở thành một hình thức của sự thật. Nó phải nằm trong sự phán đoán về mức độ chân thực của câu chuyện kể. Về điều này, G.Flaubert tự thấy mình không thể đi xa hơn nữa: “Tôi không thể thay đổi quan điểm của mình” (nguyên văn: Je ne peux pas changer mes yeux - Tôi không thể đổi đôi mắt tôi được); “Bà cứ tha hồ thuyết pháp đi, tôi không thể thay đổi tính nết của mình được”. Rồi G.Sand cũng phải thừa nhận là người ta không tự chọn một phong cách thế này, hoặc thế kia được. Và ngay cả những người đối xử tốt lành với nhau như hai người bạn là Flaubert và Sand, cũng không thể dễ dàng tiếp nhận lời khuyên bảo của nhau.
Tuy vậy, những lời khuyên của G.Sand, tưởng chừng vô ích với G.Flaubert, nhưng khi bắt tay viết “Một trái tim đơn sơ” ông lại nói với nhà văn G.Sand: “Rồi bạn sẽ nhận ra sự ảnh hưởng trực tiếp của bạn trong tác phẩm của tôi”. Qua sự trao đổi từ rất lâu này, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù hai bên có những kiến giải văn chương không giống nhau, nhưng đều chung một quan điểm nhất định về văn học: quan niệm ấy giúp ta hiểu hơn về thân phận con người và làm thay đổi thế giới nội tâm của người đọc. Lẽ nào, ta không nhận thấy, là nên theo quan niệm này sao? Nên giải phóng văn học thoát ra khỏi cái áo ngực thắt quá chặt, giam hãm nó bằng các trò chơi chữ hình thức của chủ nghĩa hư vô... Điều này có thể làm cho phê bình mở rộng đến những chân trời khác nhau, giải thoát nó ra khỏi cái “Xóm Do Thái” hình thức chủ nghĩa, chỉ có liên quan đến những nhà phê bình tự họ yêu thích, và mở ra cho lĩnh vực phê bình một cuộc thảo luận tư tưởng lớn, gồm có tất cả những hiểu biết liên quan đến con người.
Ảnh hưởng quan trọng nhất của sự thay đổi này nhằm vào việc giảng dạy văn học ở nhà trường, vì việc này đã tác động đến tất cả các em học sinh, và qua các em, đến phần đông người lớn. Vì thế, trong phần kết luận, tôi xin được trở lại vấn đề này. Việc phân tích tác phẩm ở trường, không nên nhằm minh họa cho những quan điểm của các nhà ngôn ngữ học này, hay của nhà nghiên cứu văn học nọ, hoặc là để trình bày tác phẩm như là một hành vi ngôn ngữ văn chương. Nhiệm vụ của phân tích tác phẩm là phải giúp ta làm sao tiếp cận được ý nghĩa của chúng, bởi vì, việc nắm bắt ý nghĩa này, sẽ đưa ta đến một nhận thức về con người - điều quan trọng nhất của văn chương đối với đời sống chúng ta. Như tôi đã trình bày, ý kiến này không xa lạ gì với phần đông các nhà dạy học, nhưng vấn đề quan trọng là: phải từ suy nghĩ đi đến hành động.
Trong một bài tường trình của Hội các giáo viên văn học có đoạn viết: “Học văn học là học về con người, về mối quan hệ giữa người với người, và quan hệ giữa con người với thế giới”. Nói đúng hơn, phân tích một tác phẩm văn học là tham khảo những tác phẩm thuộc phạm vi đồng tâm, rộng dần ra, tham khảo những tác phẩm khác của cùng một tác giả, những tác phẩm văn học quốc gia, văn học thế giới. Nhưng bối cảnh sâu sắc nhất và quan trọng nhất, chính là cuộc sống con người. Tất cả những tác phẩm lớn, bất kể nguồn gốc từ đâu, cũng đều bắt người ta suy nghĩ về thân phận con người. Phải làm thế nào để tìm ra được cái ý nghĩa của một tác phẩm và bộc lộ hết tư tưởng của một tác giả? Tất cả những “phương pháp” đều cần thiết, miễn chúng chỉ là những phương tiện, chứ không biến thành cứu cánh tự nó.
Thay vì kết kuận, tôi xin lấy thí dụ một công trình nghiên cứu của nhà phê bình người Mỹ Joseph Frank về Dostoievski - một cuốn tiểu sử (thật ra nó gồm 5 tập), được dịch ra tiếng Pháp dưới nhan đề “Dostoievski. Les années miraculeuses” (Dostoievski. Những năm tháng kỳ diệu)(5). Cuốn sách này, trước tiên là một cuốn tiểu sử về đời tác giả, có nhiều yếu tố thuộc về đời sống riêng tư, đóng vai trò rất quan trọng, để giúp ta hiểu rõ quá trình hình thành sự nghiệp văn học của Dostoievski và ý nghĩa của nó. Thí dụ, việc xử án ông nơi công cộng và bốn năm tù ngục tiếp theo, cũng như là điều kiện sinh sống vất vả mà ông đã trải qua, và những cách hành hạ thân xác mà ông tận mắt chứng kiến. Cuốn sách ấy, cũng là một cuốn lịch sử xã hội rất sinh động về nước Nga và Âu châu giữa thế kỉ XIX. Ngoài ra, nó còn kèm theo một cuộc tranh luận triết học: Dostoievski sống trong một môi trường mà những tư tưởng của Hégel và Feuerbach, của Bentham và John Suart Mill được xem như Thánh kinh, mà ông đã nghiền ngẫm trước, để rồi sau này chống lại.
Một khía cạnh nữa là, nhờ những bản thảo và tập nhật ký của Dostoievski để lại, cho ta thấy rõ hơn những diễn biến về xuất xứ và quá trình hình thành ý nghĩa của các tác phẩm. Cuối cùng, vì thông suốt những phương pháp hình thức hay cấu trúc áp dụng vào phân tích văn học, Frank biết cách dùng những phương pháp ấy trong tác phẩm mình để giúp người đọc được thấu hiểu tư tưởng của tác giả. Dần dần chúng ta mới khám phá ra rằng, tất cả những khuynh hướng tiếp cận một tác phẩm văn học, chẳng những, nó không chống lại nhau, mà còn bổ sung cho nhau, với điều kiện đầu tiên là: phải công nhận tác giả là người quan sát và hiểu thế giới mà anh ta đang sống, trước khi thể hiện những kiến thức ấy vào trong truyện, trong nhân vật, cấu trúc, bối cảnh, hình ảnh và giai điệu. Nói khác đi, là tác phẩm tạo ra ý nghĩa, tác giả suy nghĩ về ý nghĩa đó, còn vai trò của nhà phê bình là chuyển cái ý nghĩa và suy tưởng này thành tiếng nói chung của thời đại mình, và cũng chẳng cần phải biết anh ta đã dùng phương pháp nào để đạt đến mục đích. “Con người” và “tác phẩm”, “câu chuyện” và “cấu trúc” đều được chào đón cả. Và kết quả là: khi đem tư tưởng của tác giả vào cuộc tranh luận vô tận về chủ đề thân phận con người, thì vấn đề nghiên cứu văn học của Frank đã trở thành một bài học về cuộc sống.
Ở đây, ta phải hiểu văn học theo nghĩa rộng của nó, và nhớ rằng Khái niệm văn học đã từng có những giới hạn rất linh động trong quá trình lịch sử. Chúng ta sẽ không coi là tín điều của những định đề cũ kỹ của phái lãng mạn chủ nghĩa, khi mà họ cho rằng, ngôi sao thơ ca không có gì chung với những mớ “phóng sự thế giới” được viết bằng lối văn bôi bác, tầm thường dành cho quần chúng. Thừa nhận những giá trị văn học, không có nghĩa là phải tin rằng “Cuộc sống thật là nằm trong văn học” hoặc “tất cả những gì hiện hữu trên đời để làm thành một cuốn sách”. Giáo điều kiểu này sẽ loại trừ ba phần tư nhân loại ra khỏi “đời sống thật”. Những văn bản mà ngày nay cho là “phi văn chương” dạy cho ta rất nhiều điều. Phần tôi, tôi không ngần ngại đem vào chương trình bắt buộc về môn tiếng Pháp cái bức thư mà Germaine Tillion gửi từ trại tù Fresnes đến tòa án quân sự Đức ngày mồng ba tháng giêng năm 1943 (nhưng tôi thừa biết là không thể được). Đấy là một tuyệt tác của tình nhân loại, đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, học sinh sẽ tiếp nhận được nhiều điều đáng quí ở trong đó(6).
“Văn học bị ám sát” - On assassine la littérature (nói theo kiểu một bài văn châm biếm mới đây), không phải vì ở nhà trường có học những tác phẩm “phi văn chương”, mà người ta biến những tác phẩm văn chương thành một thứ minh họa giản đơn cho tư tưởng hình thức chủ nghĩa (formaliste), hư vô chủ nghĩa (nihiliste), hoặc duy ngã chủ nghĩa (solipsiste). Chúng ta thấy, đó là một công trình có tham vọng lớn hơn là cái chương trình đang được đề nghị đưa ra dạy cho học sinh. Những thay đổi theo đề nghị trên sẽ có những hiệu quả tức thời đối với chúng. Đối tượng của văn học chính là thân phận con người, nên người hiểu văn học không chỉ là một chuyên gia phê bình văn học, mà là một kẻ hiểu biết sâu sắc về con người. Có phương pháp nào cho ta hiểu cách xử sự và những dục vọng của con người hơn là tắm mình vào tác phẩm của những văn sĩ lớn, vì họ là những người thực hiện thiên chức này qua nhiều thiên niên kỷ? Do đó, đây cũng là một phương pháp tốt nhất để chuẩn bị tất cả cho nghề nghiệp, cái nghề nghiệp được xác lập trên cơ sở mối quan hệ giữa người và người. Nếu hiểu văn học như thế, và hướng nghiên cứu văn học theo chiều hướng ấy, thì có sự giúp đỡ nào thiết thực hơn, đối với các sinh viên tương lai của những ngành luật và chính trị, hay về tâm lý - y học, với nhà sử học hay xã hội học? Có được những nhà văn bậc thầy như Shakespeare và Sophocle, Dostoievski hay Proust, há chẳng phải là được hấp thụ một sự giáo dục siêu việt sao? Và một bác sĩ tương lai muốn hành nghề tốt, phải học với những người thầy như vậy, hơn là lao vào với những cuộc thi toán học, cái môn học mà đang quyết định số phận của họ? Như vậy, văn học sẽ tìm được vị trí của mình trong lĩnh vực nhân bản học, bên cạnh môn học lịch sử, sự kiện và tư tưởng, vì tất cả những bộ môn này sẽ góp phần vào sự tiến bộ tư tưởng, bằng cách vừa tự di dưỡng tinh thần thông qua các tác phẩm và lý thuyết, vừa bằng hành vi chính trị và những biến chuyển xã hội, vừa bằng cuộc sống các dân tộc và cuộc sống các cá nhân.
Nếu ta công nhận mục đích cứu cánh của việc giảng dạy văn học là như thế, nghĩa là văn học không còn là một sự rập khuôn các giáo viên văn chương, thì ta có thể đồng ý với nhau về tinh thần chỉ đạo việc giảng dạy văn học: phải đem vào tác phẩm cuộc đối thoại lớn giữa người và người, một cuộc đối thoại đã bắt đầu từ trong đêm tối của thời gian, và mỗi chúng ta dù bé bỏng bao nhiêu đi nữa, đều vẫn tiếp tục tham gia. Paul Bénichou viết: “Chính trong cuộc đối thoại bất tận, đánh bại cả thời gian và không gian này, mà văn học tự khẳng định được sứ mệnh toàn cầu) của nó”(7). Chúng ta - những người đã trải nghiệm, phải có trách nhiệm truyền lại cho các thế hệ mai sau cái gia tài mong manh này, những gì mà có thể giúp chúng ta sống tốt hơn. TRẦN HUYỀN SÂM và ĐAN THANH dịch (từ nguyên bản tiếng Pháp: Tzvetan Todorov, La littérature en péril, Édition Flammarion, Paris 2007)
(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)
.................... (1) Những trích dẫn trong này, T.Todorov lấy từ cuốn: G.Flaubert và G.Sand - Những thư từ trao đổi, NXB Flammarion, 1981; Nguyên bản: G.Flaubert et G.Sand. Correspondance, Flammarion, 1981. (2) Thư của G.Sand gửi G.Flaubert, tr.510 (trong Correspondance, ở chú giải (1). (3) Thư ngày 21-10-1851, tr.10; Thư ngày 5-5-3-1853, tr.255 (trong Correspondance). (4) Thư ngày 12-01.1876, tr.516; thư ngày 8-12-1876, tr.486; thư ngày 5-11-1876, tr.483 (trong Correspondance). (5) J. Frank, Dostoievski. Les années miraculeuses, Actes Sud, 1998( Dostoievski. Những năm tháng kỳ diệu, NXB Actes Sud, 1998) (6) G.Tillion, Ravensbruck, NXB Seuil, 1988, tr.35-40. (7) “Một cuộc đối thoại vô tận”, Tạp văn về tác phẩm của Paul Bénichou, NXB Gallimard, 1995, tr.228 (Mélanges sur l’oeuvre de Paul Bénichou).
|