Nghiên Cứu & Bình Luận
Lăng vua Quang Trung có tên không?
17:00 | 07/11/2011
NGUYỄN HỮU ĐÍNH Phan Huy Chú, tác giả «Lịch triều hiến chương loại chí», ở mục «Lễ táng sơn lăng», «Lễ nghi chí», viết «Ngọ Phong họ Ngô (1) nói: đời xưa thiên tử chết, bảy tháng mới chôn, chỗ đất chôn gọi là sơn lăng - Lăng đều có tên».
Lăng vua Quang Trung có tên không?
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Như vậy, lăng vua Quang Trung, mà triều đại gồm nhiều vị quan đỗ đại khoa như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Lãm... được giáo dục và đào tạo theo truyền thống nho giáo, chắc hẳn có tên. Thế nhưng, một điều đáng chú ý, cho đến nay, trong các sử liệu, văn thơ, Chúng ta không được may mắn gặp những nơi nói đến lăng vua Quang Trung, hoặc giả chỉ tên lăng, ngoại trừ văn thơ Ngô Thì Nhậm. Vì sao?

Ngay cả trong văn thơ Ngô Thì Nhậm, mà khối lượng đã được dịch và xuất bản khá phong phú, cũng rất ít bài đề cập đến lăng Quang Trung. Và trong những bài hiếm hoi có nói đến, không bao giờ tác giả có một câu về cảnh quan, hình dáng, vị trí bên núi, trên sông... của lăng là những hỉnh ảnh chắc chắn lắm lúc đã đến với tâm tình tác giả. Phải chăng, các vị cận thần triều Tây Sơn đã có ý im lặng về nơi an táng vua Quang Trung? Nhưng im lặng thế nào được đối với Ngô Thì Nhậm, mà thơ văn nhuốm đầy tình cảm, lấy sự phò vua giúp nước làm nguồn sức khỏe những khi ốm đau, cho sự bôn ba gian khổ của mình vì triều đại, không khác nước chảy xuôi dòng trong sông suối.

«Lòng trung bệnh tự khỏi dần
Ngại chi! cứ thế tinh thần vươn lên!(2) hoặc

«Cuồn cuộn xuôi dòng tình nó vậy,
Bôn ba vì nước nghĩa ta như (3)

Thật vậy, vì tâm trạng đầy tình cảm, thơ văn Ngô Thì Nhậm thế nào cũng sẽ bộc lộ những ý nghĩ về cái chết, nơi chôn của Nguyễn Huệ. Trong thơ ông đến nay đều xuất bản, có được năm bài nói đến lăng vua Quang Trung, nhưng trong cả năm bài, ý lăng chỉ được thoáng qua, không bao giờ có một chi tiết đến hình dáng cụ thể, như khúc đường đi, phong cảnh, núi non, cây cỏ... Tuy vậy vì mục đích chỉ để tìm biết tên lăng, công việc chắc được dễ dàng hơn. Nhưng việc cũng không phải dễ lắm, vì tác giả đã dùng nhiều danh từ để nói đến tên lăng, Kiều Sơn, Đan Lăng, Sơn Lăng, Đan Dương, Đan Dương Lăng. Ngoài ra trong bài «Cảm hoài»,tác giả sáng tác khi đi sứ Trung Quốc, để báo tang và cầu phong cho Quang Toản, ở hai câu cuối lại có bốn chữ: «Đan Dương cung điện».

«Trang trọng tỉ thư tăng cảm niệm
Đan Dương cung điện nhật tan thu»

(Ngửa đọc chiến thư càng cảm kích
Ngày ba thu ngóng điện Đan Dương)
                        (Ngô Linh Ngọc dịch)

Thật không phải không phức tạp. Nhưng bài thơ có kèm lời chú dẫn, giúp chúng ta hiểu được bốn chữ này, như sẽ trình bày sau.

Trong những từ ngữ trên: Kiều Sơn, Đan Lăng, Sơn Lăng, Đan Dương, từ nào là tên lăng vua Quang Trung?

Kiều Sơn là tên một quả núi ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) ở đó có mả hoàng đề nên Kiều Sơn hoặc Kiều Lăng có nghĩa lăng vua. Đan Lăng: đan: đỏ, để chỉ chỗ vua, như Đan trì, thềm vua, sân vua (màu đỏ). Đan lăng có nghĩa lăng vua. Sơn lăng, Phan Huy Chú đã giải thích: «chỗ đất chôn vua gọi là Sơn Lăng».

Như vậy, trong bốn từ ngữ trên, đã có ba từ thuộc loại danh từ chung. Chỉ còn từ ngữ Đan Dương (mặt trời đỏ). «Đan Dương» không có trong loại danh từ chung và chỉ có trong danh từ riêng(4).

1. Tên đất (Trung Quốc) ở địa phận quận, tỉnh nào, tất nhiên mỗi thời kỳ, mỗi khác. Tiểu thuyết lịch sử «Tam quốc chí» của La Quán Trung cho biết, thời Tam Quốc (220 - 280). Đông Ngô gồm sáu quận? trong đó có quận Đan Dương, em Tôn Quyền là Tôn Dực làm Thái Thú.

2. Tên Hồ - Hồ Đan Dương, thuộc tỉnh Giang Tô.

3. Tên sách «Đan Dương từ» tên một tập sách gồm những bài thơ xướng họa giữa hai nhà thơ đời Tống.

Chúng ta lưu ý trong «Dụ am ngâm lục» của Phan Huy Ích, tập «Cúc thu bách vịnh» xướng họa với Ngô Thì Nhậm, có lần tác giả đã dùng hai chữ Đan Dương, nhưng chỉ dùng trong lời «nguyên dẫn» và để nhắc đến «Khúc Đan Dương» (Đan Dương từ)!(4).

Vì rằng Đan Dương chỉ thuộc loại danh từ riêng, chúng ta thấy khá rõ tên lăng vua Quang Trung là Đan Dương. Vả chăng, trong một bài thơ, Ngô Thì Nhậm đã dùng đầu đề «Khâm vãn Đan Dương Lăng». Sự việc này còn giúp ta khẳng định: tên lăng vua Quang Trung là lăng Đan Dương.

Bây giờ chúng ta lưu ý tìm hiểu lời chú thích của Ngô Thì Nhậm về bài thơ «Cảm hoài» trong đó có câu: «Đan Dương cung điện nhật tam thu». Tác giả chú thích: «Cung điện Đan Dương là Sơn Lăng phụng chúa bảo y Tiên hoàng ta…». Như vậy Ngô Thì Nhậm khi dùng bốn chữ «Đan Dương cung điện» cũng chỉ để nói đến lăng, vì vậy tác giả mới giải thích trong lời nguyên dẫn: «Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chúa bảo y Tiên hoàng ta».

Nói đến lăng nghe lạnh lẽo, để «cung điện Đan Dương» nghe ấm áp, lại thêm sau: «phụng chúa bảo y Tiên hoàng ta». Một cách dùng ẩn dụ tài tình, tế nhị, đầy tình cảm của nhà thơ Ngô Thì Nhậm. Đan Dương, Quang Trung, Mặt trời đỏ, Trung ương chói sáng... Những danh hiệu rực rỡ, oai hùng ấy, cùng rung theo một nhịp điệu, rất có thể đã ra đời với sự đóng góp của Ngô Thì Nhậm, mặc dù khi Nguyễn Huệ lên ngôi ở Phú Xuân, theo sử liệu, ông đương ở Bắc Hà.

N.H.Đ
(18/4-86)




-----------------
1. Tức Ngô Thì Sĩ, thân sinh Ngô Thì Nhậm.
2. Lời dịch của Ngô Linh Ngọc – nguyên văn chữ Hán:
"Trung tín tư đa vô vọng hỉ
"Bất phương đấu tấu sách tinh thần. (Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm Q.1 Hà Nội (1979) trong bài "Lục tại thư hoài".
3. Lời dịch của Khương Hữu Dụng – nguyên văn chữ Hán:
"Suy bỉ thuận lưu tình sở dĩ
Kiến dư xu sự nghĩa chi ư.
Sđd trên, trong bài "Ngôn hoài".
4. Thơ văn Phan Huy ích - Du am ngâm lục T. III Hà Nội 1978, trang 43.





Các bài mới
Các bài đã đăng