Nghiên Cứu & Bình Luận
Tập văn Ngày Mai - Nhóm Ngày Mai trong phong trào Hòa Bình tại Huế (1954)
15:09 | 13/01/2012
LGT: Phong trào đô thị là một mũi giáp công chiến lược không thể tách rời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược do Đảng lãnh đạo bắt đầu từ Hiệp định Genève ký kết (20 - 7 - 1954). Sẽ không có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 nếu không có một công trình nghiên cứu nghiêm túc về phong trào đấu tranh chống Mỹ tại các đô thị miền Nam nói chung, tại Huế – miền Trung nói riêng.
Tập văn Ngày Mai - Nhóm Ngày Mai trong phong trào Hòa Bình tại Huế (1954)
Bìa tập văn Ngày Mai tập 1, với hình chim bồ câu, do HS Phạm Đăng Trí thực hiện- Ảnh:TL
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Lâu nay đọc giả vẫn chờ đợi những công trình nghiên cứu như thế, và sự chờ đợi đó cũng đã tới lúc sốt ruột. May mắn thay, đã có những người cất công nhiều năm nghiên cứu tìm hiểu để bước đầu dựng lại được những hình ảnh quý báu của phong trào đô thị Huế một thời vang vọng chưa xa. Một trong những người đó là nhà nghiên cứu Chu Sơn - cũng là người trong cuộc.

Sông Hương kỳ này gởi đến bạn đọc bài viết dưới đây, với mong muốn được như là khởi đầu cho việc lần lượt giới thiệu những bài viết của các tác giả đã từng là “người của phong trào”. Các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ tìm thấy ở đây những tư liệu rất cần thiết cho công việc của mình. Các đọc giả thế hệ sau sẽ hình dung được phần nào vì nền độc lập của đất nước, các thế hệ đi trước đã sống và chiến đấu với một tinh thần đầy trí tuệ và bản lĩnh.




CHU SƠN


Tập văn Ngày Mai - Nhóm Ngày Mai

trong phong trào Hòa Bình tại Huế (1954)


Ngày 24 tháng Hai năm 1955, tại Huế, Giám đốc nha Thông Tin Trung Việt Võ Thu Tịnh gởi công văn số 31/TT/NH/? lên Tổng Trưởng Bộ Thông Tin và Tác Chiến Tinh Thần đề nghị thu hồi giấy phép xuất bản tập văn Ngày Mai cùng những ấn phẩm khác thuộc phong trào Hòa Bình tại Thừa Thiên Huế.

Công văn có nội dung và hình thức như sau:

Kính gởi ông Tổng-Trưởng Bộ Thông-Tin và Tác-Chiến Tinh-Thần                                            ở SAIGON / V/v đề nghị tịch thu Sách phản tuyên truyền.

Kính thưa ông Tổng-Trưởng.

Hiện thời tại Trung Việt đang được lưu hành một số tác phẩm văn nghệ, mới xem qua thì không ra mặt ca tụng Việt Minh, nhưng sự thật nhắm mục đích tuyên truyền cho họ bằng cách nêu cao quan điểm hòa bình của đối phương và thôi thúc giai cấp đấu tranh một cách khôn khéo trong những vần thơ hoặc câu văn xuyên tạc.

Để chận đứng lối tuyên truyền quỉ quyệt ấy, Nha chúng tôi đề nghị lên Quí Bộ cấm lưu hành tất cả những loại sách nói trên. Và ngay bây giờ, chúng tôi xin đề nghị lên Quí Bộ tịch thu những sách sau nầy về loại ấy:

1/ Quyển “Hò vè đình-chiến Hòa-bình và lời tuyên ngôn chung của 9 nước đã tham-dự hội nghị “Giơ - Neo”, của Vân Sơn P.M.T biên soạn và do nhà in Bình-Minh xuất bản (9k đường Trần Hưng Đạo Huế. (Không có dấu đóng ngoặc, Chu Sơn).

2/ Quyển thơ “Tiếng nói của Dân-nghèo” của Vân Sơn P.M.T biên-soạn mà do nhà xuất-bản Gia-Long 20D, đường Gia-Long Huế ấn hành. (đường Gia Long nay đường Trần Hưng Đạo, Chu Sơn).

3/ Tập văn “Xuân Hòa-Bình” do nhà xuất-bản Tâm-Huệ số 1.C đường Nguyễn Hoàng (Huế) ấn hành.

                         Xin trân trọng kính chào Quí Tổng-Trưởng./.

                         Nay kính trình

                         Ký tên: Võ Thu Tịnh.

Số 31/TT/NH/? Sao kính gởi:

- Uỷ Ban Đại - Biểu Chính - Phủ tại Trung - Việt

           “thẩm chiếu”

Huế ngày 24, tháng 2 năm 1955.

Giám đốc Nha Thông tin Trung - Việt.

            ( Chữ ký và dấu tròn)*

Theo ngày tháng năm ghi trên công văn và theo thời điểm xuất bản in trên tập văn Ngày Mai tập1, chúng ta thấy:  

- Chỉ 14 ngày sau khi hiệp định Genève ký kết, và 4 ngày sau khi hiệp định này có hiệu lực tại Thừa Thiên Huế, tập văn Ngày Mai đã ra mắt độc giả Cố Đô và sau đó trong các tỉnh thành ở miền Nam (4.8.1954).

- Đến thời điểm 24.2.1955 (thời điểm ghi trên bản sao kính gởi Ủy Ban Đại Biểu Chính Phủ tại Trung - Việt để tham chiếu), Ngày Mai đã xuất bản được 3 tập: tập 1 tháng 8. 1954, tập 2 tháng 10.1954, tập 3 tháng 12.1954. Cả ba tập đều được Nha Thông Tin Trung - Việt kiểm duyệt và thông qua, không thấy có đục bỏ gì nhiều. Một chi tiết thú vị do cụ Nguyễn Hữu Đính kể lại: Cụ Hồ Đắc Định (HĐĐ), người phụ trách trực tiếp khâu kiểm duyệt ở Nha Thông Tin Trung - Việt, sau khi đọc Ngày Mai tập 3 (bản kiểm duyệt) viết thư cho tòa soạn hoan hô Ngày Mai, và đặc biệt ngợi khen bài thơ “Cô lái đò trên sông Bến Hải” của Sơn Chi, cụ (HĐĐ) đề nghị bỏ chữ “Ra” trong câu 35 (của bài thơ):

Bắc Nam ai lỡ hẹn hò

(.) sông Bến Hải lên đò em đưa...


Theo cụ (HĐĐ) chữ “Ra” ở đầu câu 8 nó “lộ liễu” quá (*)

Như thế đến tập 3, Ngày Mai chưa trở thành vấn đề đối với Nha Thông Tin Trung - Việt, ngoại trừ thiện cảm của cụ Hồ Đắc Định.

Vấn đề trở nên trầm trọng bắt đầu từ tập 4 – Số Mùa Xuân – 1955 mà công văn của giám đốc Võ Thu Tịnh gọi là tập văn “Xuân Hòa Bình”.

Hòa Bình đối với Nha Thông Tin Trung Việt, đối với Bộ Thông - tin và Tác Chiến Tinh Thần, đối với chính quyền Ngô Đình Diệm vào thời điểm đó là chuyện cấm kỵ.

Tuy vậy “Xuân Hòa Bình” (Ngày Mai tập 4 Số Mùa Xuân) vẫn chưa bị tịch thu, chỉ bị kiểm duyệt đục bỏ từng chữ, từng câu, từng đoạn ngắn, đoạn dài, từng một phần ba, một nửa, hai phần ba hoặc cả bài. Bài vè “Tết năm Ất Vị” của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, bài thơ “Bác nông thôn và nạn đói” của Trụ Vũ chỉ còn là những trang giấy trắng. Đặc biệt ở mục quan điểm (trang 5 và 6) kiểm duyệt đục bỏ mấy câu ở phần đầu, ở cuối bài, tên của tác giả (gồm 5 chữ) cũng bị bôi xóa. Phải chăng tên tuổi của một nhân sĩ danh tiếng nào đó (Ưng Bình Thúc Giạ Thị chẳng hạn? - Chu Sơn) mà gắn liền với lập trường Hòa Bình, Thống Nhất theo “sách lược của Cộng Sản” còn nguy hiểm hơn cả nội dung chứa trong bài?

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Bài "Viết để bảo vệ những Thằng Cu Tý" in trong tập 1 tập văn Ngày Mai

Bộ máy “Thông Tin và Tác Chiến Tinh Thần” của chế độ Diệm tại miền Nam vào thời điểm đó đã củng cố, tăng cường và hoạt động tích cực. Tuy vậy nó còn chậm và ít hung hăng hơn guồng máy công an, mật vụ rất nhiều.  

Liền sau khi Ngày Mai tập 1 ra mắt độc giả, Võ Đình Cường, tác giả truyện ngắn tự sự “Viết để bảo vệ những Thằng Cu Tý”, Tôn Thất Dương Kỵ, người nòng cốt của nhóm Ngày Mai bị bọn sai nha trong trang phục lính “Quốc gia” đến nhà đập phá, hành hung trấn áp thô bạo “để cho câm cái miệng”.

Ngày Mai tập 2 cũng diễn ra tình trạng tương tự nhưng khốc liệt hơn. Bởi Võ Đình Cường “vẫn chưa câm cái miệng”, vẫn tiếp tục “Viết để bảo vệ những Thằng Cu Tý”, Tôn Thất Dương Kỵ và những bạn bè thân hữu cùng chí hướng với ông vẫn tiếp tục bước tới Ngày Mai, vẫn kiên định lập trường Hòa Bình, Thống Nhất đất nước và “thôi thúc đấu tranh giai cấp một cách khôn khéo” theo như nhận định của chính quyền Ngô Đình Diệm.  

 Sau tập 4, Ngày Mai bị đánh phá, tập 5 bị tịch thu hoàn toàn, giấy phép xuất bản bị rút, Võ Đình Cường, Tôn Thất Dương Kỵ, Cao Xuân Lữ bị xiềng chân, trói tay, khóa miệng ở nhà lao Thừa Phủ. Ba tháng sau họ được thả ra với lệnh trục xuất khỏi Thừa Thiên Huế. Các vị khác của nhóm Ngày Mai phải lùi một bước, nằm yên. Những cộng tác viên, cổ động viên nhiệt tình cũng đồng cảnh ngộ: Hoàng Nguyên bị bắt đày Côn Đảo, Lê Quang Vịnh sau mấy tháng bị giam cầm, được thả ra, bị trục xuất và chỉ định cư trú tại Sài Gòn, Hoàng Anh Cung, Hoàng Thị Châu, Lê Đình Phi... vượt tuyến ra miền Bắc. Họ không thuộc nhóm Ngày Mai. Họ là nòng cốt của nhóm học sinh kháng chiến Thừa Thiên Huế, cùng ở trong phong trào mặt trận Hòa Bình của khu vực này.

Cuộc chiến tranh tiến hành từ một phía” của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm triệt phá cuộc đấu tranh chính trị, vận động Hòa Bình từ một phía khác âm ỉ từ những ngày đầu hiệp định Genève ký kết, phát động rầm rộ, khốc liệt từ tháng 7.1955 với những chiến dịch tố Cộng, diệt Công tàn khốc, đẫm máu, hiểm độc mà mấy chục năm sau, một vài người còn sống sót nhớ lại vẫn kinh hoàng.

Bài viết này nhằm tiếp cận nhóm Ngày Mai, một nhóm trí thức Cách mạng. một bộ phận, một khâu của phong trào Hòa Bình tại một trong hai đô thị có vai trò trọng yếu (Sàigòn - Huế) trên mặt trận chính trị, văn hóa, tư tưởng mà không chỉ có ta, bọn xâm lược và chính quyền phụ thuộc Ngô Đình Diệm cũng xem là quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến tranh mà hiệp định Genève mới là điểm trung chuyển.  

Về mặt văn bản tôi có đủ các tập Ngày Mai 1,2,3,4 do Hồ Tấn Phan -  một cổ động viên của Ngày Mai cho mượn. Về mặt tư liệu sống tôi tiếp xúc với những nhân vật mà tôi nghĩ là họ gần gũi với Ngày Mai hơn là nòng cốt của nhóm này (ông Lê Quang Vịnh vào khoảng 1954 - 1955 đang học lớp đệ nhất (lớp 12 bây giờ) tại trường Quốc Học, ông viết đều cho Ngày Mai, nhưng ông là nòng cốt của tổ chức Học sinh yêu nước Thừa Thiên Huế. Ông Hoàng Lanh, ông Phan Nam lúc bây giờ đã vào nội thị, đảm trách công tác khác chứ không chỉ đạo Ngày Mai...).

Tôi nghĩ người biết rõ Ngày Mai nhất thuộc hai thành phần sau đây:

1/ Những cán bộ lãnh đạo cao nhất của Thừa Thiên Huế lúc bây giờ.

2/ Những nòng cốt của nhóm nhân sĩ trí thức này.  

Qua những thông tin tôi nhận được, những vị nòng cốt của nhóm Ngày Mai gồm các ông Thân Trọng Phước, ông Tôn Thất Dương Kỵ, ông Lê Khắc Quyến, ông Nguyễn Hữu Đính, ông Tôn Thất Dương Tiềm, ông Phạm Đăng Trí, ông Nguyễn Hữu Ba... đều đã tạ thế. Còn lại hai vị là ông Võ Đình Cường và Cao Xuân Lữ. Ông Võ Đình Cường đang tại thế tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Cao Xuân Lữ đang ở nước ngoài, cả hai vị đều tuổi cao sức yếu.

Về phía những người lãnh đạo chỉ đạo như các ông Tư Minh, ông Ngô Lén (Ngô Hà) đều đã qua đời, chỉ còn lại một người mà các ông Hoàng Lanh, Phan Nam, Lê Quang Vịnh đều giới thiệu cho tôi: ông Trần Hân.  

Ông Trần Hân, tháng 7.1954, vào Huế làm Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo phong trào Hòa Bình. Tháng 8.1955 ông bị địch bắt..., bị đày đi Côn Đảo đến 1975 mới được giải phóng cùng với miền Nam. 

Nguyễn Hữu Châu Phan chở tôi đến nhà ông Trần Hân vào một buổi sáng đẹp trời sau Tết Dương lịch 2004. Con người dong dỏng cao, mảnh khảnh có cái nhìn dịu dàng chân thật tiếp chúng tôi với niềm vui của một người già cô quạnh có khách tới thăm. Tôi tự giới thiệu và giới thiệu Nguyễn Hữu Châu Phan với ông, đồng thời nói mục đích của cuộc “quấy rầy”. Ông bảo: “Tưởng ai chứ Châu Phan, con trai đầu của bác Đính thì không phải người xa lạ. Mấy ngày sau Hiệp định Genève ký kết, theo quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy, mình vào Huế làm Bí thư Thành ủy. Việc đầu tiên là nắm các đầu mối của hệ thống tổ chức tại ba quận nội thành và 8 khu phố, các chi bộ, tổ chức đảng, ban cán sự các đoàn thể, các tổ chức kháng chiến trong công nhân, nông dân, lao động, tiểu thương, học sinh, nhân sĩ trí thức, tôn giáo... để qua đó mà đánh giá tình hình các mặt.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Hãy cùng bay lên với khát vọng - Tranh của họa sĩ Bửu Chỉ

Ngày 4 tháng 8 (1954) các nhân sĩ trí thức họp tại nhà bác Đính để ra mắt Ngày Mai tập 1 và hoạch định nội dung cho Ngày Mai tập 2. Mình vào nhà bác Đính lúc chạng vạng, nằm ở phòng Châu Phan hơn một tiếng đồng hồ để chờ buổi họp bắt đầu. Mình không chính thức tham dự mà ngồi nghe ở phòng ông cụ nội anh Phan. Khoảng hơn 10 giờ tối, khi các thành viên mở rộng của Ngày Mai ra về, mình và các nòng cốt ngồi lại trao đổi trong vòng một tiếng, 11giờ tối mình ngồi sau xe lampretta của Cao Xuân Lữ về ngủ ở Gia Hội...”.  

Anh Châu Phan hơi ngỡ ngàng nhìn tôi, ông Trần Hân cũng quay về phía tôi và nói: Và Huệ nữa, lại là chuyện Hòa Bình. Tháng 4 hay tháng 5 gì đó năm sau (1955) mình về khu 3 Phú Lộc, ghé ở nhà Huệ một đêm. Nói là ở nhà Huệ chứ thực ra mình nằm trên cái miếu trong lùm sim lan phía sau nhà Huệ. Chỉ có cha mạ Huệ biết mình ở đó. Hơn một năm trước cha mạ Huệ chuẩn bị cho mình một chỗ ẩn nấp trên cái miếu này để mỗi khi mình có dịp ghé lại. Lần ấy, về khu 3 mình có gởi cho Huệ bốn tập Ngày Mai, tập Vè Hòa Bình và tập thơ Tiếng Nói Dân Nghèo. Nghe nói Huệ sắp lên Huế học, mình muốn đầu tư một cơ sở giao liên lên về Huế và khu 3 Phú Lộc. Tiếc là mình và các anh không có duyên với nhau. Chỉ mấy tháng sau là mình bị bắt. Từ đó đến tháng 5.1975 mình là người tù khổ sai ở Côn Đảo. Chúng ta kẻ ở tù, người ở trong vùng tạm chiếm, người ở trên chiến khu, ở đâu chúng ta cũng bị bắt buộc ở trong tình trạng chiến tranh. Hòa Bình là một khao khát khi thì âm ỉ, khi thì cháy bỏng cấp thiết nơi mỗi chúng ta. Không thống nhất được đất nước trong hòa bình, thì chỉ còn một cách là chiến tranh thôi.  

Ông Trần Hân dừng lại, dường như ông cảm thấy bối rối, dường như ông cảm thấy mình bày tỏ sự xúc động quá mức bình thường, dường như ông muốn lấy lại cái chừng mực, cẩn trọng trong lời nói cũng như trong cung cách. Ông nhìn chúng tôi như cố nắm bắt thật chính xác mục đích thực sự của cuộc viếng thăm, mà một mặt trong tiềm thức ông rất trông chờ, mặt khác, dù sao chúng tôi vẫn là “quần chúng”.  

Ông hỏi tôi: Huệ muốn gì? Anh nói là đã có 4 tập Ngày Mai, như thế chưa đủ sao?  

Tôi nói: Thưa anh, tập văn Ngày Mai và nhóm Ngày Mai tuy một mà hai. Vả lại Ngày Mai là một bộ phận không thể tách rời của phong trào Hòa Bình do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong thời điểm giao thời giữa hai cuộc chiến. Nói là hai cuộc chiến cũng chưa thật chính xác. Đứng trên bình diện dân tộc, thì chỉ là một cuộc chiến mà hai thời kỳ, với hai kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ông Trần Hân bắt đầu tỏ ra thoải mái hơn. Ông cười to, xởi lởi nói với chúng tôi: “Như thế là hay rồi. Mình đề nghị với các anh là chúng ta sẽ trao đổi cởi mở thân tình, nghĩ thế nào nói thế đó. Nhưng ghi chép lại thì phải thật thận trọng. Bút sa nhà mất. Ghi chép thế nào đó cho có lợi, mình nói có lợi không phải cho mình, cho Châu Phan hay cho Huệ, mà cho đất nước, cho dân tộc. Bao giờ dân tộc cũng cần đoàn kết và sự thật phải là bài học hữu ích cho sự nghiệp chung ở phía trước. Nếu chỉ để thoả mãn óc tò mò hoặc chỉ để tỏ ra này nọ thì chúng ta chẳng nên bỏ phí bất cứ một giờ phút nào. Có điều mình không thể nói gì ngay bây giờ được. Ngày Mai và phong trào Hòa Bình đã là một phần của cuộc đời mình. Mấy tháng ở trại thẩm vấn và nhà lao Thừa Phủ, hai chục năm ở địa ngục Côn Đảo, ba chục năm sau ngày đất nước Độc Lập Thống Nhất hoàn toàn, người và việc của Ngày Mai, của phong trào Hòa Bình thời buổi ấy cứ quay đi trở lại trong tim óc mình. Tuy nhiên để giảm thiểu các sai trật không đáng có, mình đề nghị cho mình mượn bốn tập Ngày Mai để mình kiểm tra lại ký ức. Tuần sau vào giờ này mời hai anh trở lại...”.  

Quả tình hồi 1954 tôi có nhận được những tập sách như ông Hân đã nói. Hồi đó qua cha mạ tôi, tôi có biết một người tên là Dũng hay Hùng gì đó con trai ông xã Th bạn tâm giao của cha tôi, người mà mỗi lần nhắc đến, cha mạ tôi đều tỏ lòng quí mến, cảm phục và nể trọng. Anh Dũng (hay Hùng) tham gia cách mạng từ thời 1939 - 1940 lúc mới 16, 17 tuổi. Anh trở thành cán bộ lãnh đạo của Thừa Thiên Huế lúc còn ở tuổi thanh niên. Cũng nghe nói anh là trưởng ty công an trước khi bị địch bắt. Mấy phút sau câu chuyện của ông Trần Hân, tôi mới biết người con trai ông xã Th đã từng gây cho tôi những ấn tượng đẹp đẽ suốt cả tuổi thanh xuân với ông Bí thư Thành ủy Huế hồi 1954 là một. Chưa gặp mà đã biết, mới gặp lần đầu mà đã thân quen gần gũi - ấy là cảm nhận không những của riêng tôi mà chung cho rất nhiều những con người mà khổ nạn của đất nước đã xóa mờ những xa lạ, cách biệt trong cuộc sống đời thường, để nối kết lại với nhau. Cảm nhận quí báu và hạnh phúc này gần như hoàn toàn không tái hiện trong tôi từ khi đất nước độc lập thống nhất và xã hội chủ nghĩa.  

Đúng một tuần sau, tôi một mình trở lại nhà ông Trần Hân và cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đã diễn ra như thế này:

Tôi (Chu Sơn): Thưa anh, tập văn Ngày Mai chuẩn bị tự bao giờ mà chỉ mấy ngày sau hiệp định Genève ký kết đã xuất bản tập 1? Theo chỗ chúng tôi biết, từ khâu chuẩn bị nội dung, đến khâu kiểm duyệt, in ấn phải mất ít nhất vài ba tháng?  

Ông Trần Hân (TH): Ngày Mai tập 1 do các anh Tư Minh, Ngô Lén chỉ đạo, mình chỉ biết đại khái, không biết các bước tiến hành cụ thể, nhưng chắc chắn là bắt đầu liền sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5) và phái đoàn ta đến Balê (8.5). Pháp thua rồi, Hòa Bình nhất định phải đến thôi. Từ đầu tháng 5 (1954) không khí náo nức chờ đón hòa bình là một hiện thực tăng trưởng từng ngày không chỉ trên chiến khu mà cả nông thôn và thành thị. Nếu đọc kỹ, Huệ sẽ thấy Ngày Mai tập 1 phản ảnh tình trạng lúc đó. Không trực tiếp tham gia chỉ đạo tập 1, nhưng mình đọc rất kỹ, điều nghiên rất kỹ tập này để tham gia chỉ đạo các tập tiếp theo (cùng với các anh Tư Minh và Ngô Lén).  

CS: Thưa anh có phải các vị lãnh đạo ở Tỉnh ủy đã viết các bài quan điểm lập trường?  

TH: Đâu có. Phương pháp chỉ đạo của Tỉnh ủy là gợi ý đại cương đường lối, sách lược chứ không chen vào các công việc cụ thể. Huế là đất đai của các Mệ: tự tôn và văn chương chữ nghĩa đầy mình, viết lách đối với các giới nhân sĩ trí thức không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nhu cầu. Mọi việc từ khâu chuẩn bị bài vở, vận động tài chính, in ấn, phát hành đều do các vị bàn bạc và thực hiện. Vả lại việc chỉ đạo không thể tràn lan, mà qua một vài cốt cán làm hạt nhân của nhóm và ban biên tập.  

CS: Nghe nói có một chi bộ đảng hoạt động trong giới trí thức nhân sĩ Huế thời bây giờ?  

TH: Mình cũng nghe nói giai đoạn anh Nguyễn Chí Thanh làm bí thư, trong Tỉnh ủy có ý kiến đề xuất: nên tập họp các đảng viên được kết nạp trong những thời điểm và bối cảnh khác nhau trước đó vào một chi bộ cho tiện việc lãnh đạo, chỉ đạo. Chẳng hạn bác sĩ Thân Trọng Phước nguyên là đảng viên Tân Việt được kết nạp vào Đảng Cộng sản từ những năm đầu của thập niên 30. Chẳng hạn các giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm đã là đảng viên từ khi còn ở Vân Dương, năm 1947 được Đảng điều vào cư trú trong nội thị... Nguyên tắc tổ chức đảng: các đảng viên sinh hoạt đảng theo địa bàn cư trú hoặc khu vực ngành nghề. Từ sau 1947 đến 1951, tại 8 khu phố thuộc thị xã Huế có nơi có chi bộ, có nơi chưa. Bệnh viện Huế (nơi bác sĩ Thân Trọng Phước làm việc), trường Quốc Học (nơi giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ dạy học) chưa có chi bộ. Vậy bố trí các vị ấy sinh hoạt đảng ở đâu đây? Vả lại để bảo vệ thế hợp pháp cho các đảng viên có vị trí xã hội cao trong vùng tạm chiếm là vô cùng quan trọng (một cán bộ đảng viên hoạt động hợp pháp quí báu hơn rất nhiều một cán bộ đảng viên hoạt động bí mật), nếu bố trí cho họ về sinh hoạt ở các chi bộ địa phương sẽ có nhiều nguy cơ bị lộ, họ bị đánh mất thế hợp pháp. Lại nữa theo điều lệ Đảng: một đảng viên bất kể vì lí do gì đó không sinh hoạt đảng trong một thời gian nào đó (theo điều lệ qui định) sẽ không còn tư cách đảng viên nữa. Tình hình hoạt động cách mạng trong lòng địch rất nhiều trường hợp bị địch đánh phá ác liệt, chi bộ bị vỡ, cơ quan đầu não của Đảng phải rút lên chiến khu, các đồng chí gốc là nhân sĩ, trí thức để giữ thế hợp pháp bó buộc tách rời tổ chức đảng một thời gian dài, do vậy mà sinh hoạt đảng bị gián đoạn, mất tư cách đảng viên.  

Mình nghe nói đề xuất thành lập chi bộ trong giới nhân sĩ trí thức Huế có thỉnh thị ý kiến của Trung ương*. Nhưng lúc bấy giờ trong Tỉnh ủy, Kỳ ủy và cả Trung ương nữa chưa có sự thống nhất. Có đồng chí bảo đó là chi bộ xa lông, có đồng chí bảo đó là chi bộ bơ sữa. Do vậy mà có thể chi bộ đã được thành lập (khoảng 1949 do Hà Xuân Liêm - cán bộ phụ trách trí thức - làm bí thư) rồi bị giải thể sau đó, hoặc chi bộ “nhân sĩ trí thức” mới chỉ là một ban cán sự.  

Lúc mình vào thành phố không thấy có dấu vết gì một “chi bộ” như thế cả. Thành ủy lãnh đạo phong trào nhân sĩ trí thức yêu nước qua một ban cán sự gồm bác sĩ Thân Trọng Phước, các giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm, nhà văn Võ Đình Cường. Ban cán sự này là gạch nối giữa Tỉnh ủy, Thành ủy với các cơ sở cốt cán như bác sĩ Lê Khắc Quyến, bác sĩ Hoàng Bá, bác sĩ Phạm Bá Viên, nhân sĩ Bửu Đáp, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, nhân sĩ Vĩnh Tú, các nhà doanh nghiệp Lê Hữu Trí, Phan Thanh Tường (Thiên Tường), Nguyễn Ban, Nguyễn Văn Hải, Ngô Đề. Lê Bá Hàn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, hoạ sĩ Phạm Đăng Trí, nhà giáo dạy tiếng anh Tôn Thất Hanh, nhà thơ Đoàn Văn Long (Hồng Tâm), nhà báo Phạm Bá Nguyên và nhiều vị khác...
  

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Bay qua hòa bình - Tranh bút sắt của họa sĩ Bửu Chỉ

Vào thời điểm đó Đảng chủ trương hạn chế phát triển đảng viên trong giới trí thức nhân sĩ để đảm bảo thế hợp pháp cho họ và đồng thời để họ chủ động phát huy năng lực và nhiệt tình kháng chiến trong vị trí và điều kiện xã hội của mình. Đặc biệt Đảng còn chủ trương kết hợp rộng rãi các thành phần quần chúng chỉ trong mục tiêu giới hạn: cách mạng dân tộc, dân chủ, trước mắt là hòa bình và thống nhất đất nước.

CS: Không thấy anh nhắc đến ông Lê Quang Vịnh, nhạc sĩ Hoàng Nguyên?

TH: Mình chưa đề cập đến nhiều người chứ không chỉ hai anh Lê Quang Vịnh và Hoàng Nguyên.  

Không chen vào công việc của Ngày Mai, nhưng nhiệm vụ của Tỉnh ủy, Thành ủy là phải biết đến nơi đến chốn các công việc và đặc biệt là từng thành phần nhân sự của Ngày Mai cụ thể. Tập văn Ngày Mai ở khía cạnh thông tin tuyên truyền là cơ quan ngôn luận hợp pháp của Cách mạng.  

Từ tập 2 trở đi chúng ta thấy nhiều tên tuổi lớn xuất hiện. Đây là một chuyển biến, một thành tựu quan trọng. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhà quí tộc uy vọng ở Cố đô đồng thời là một thi sĩ chủ soái một thi đàn (Hương Bình thi xã) nổi tiếng trong cả nước. Cụ Võ Liêm Sơn là một cựu giáo sư trường Quốc Học, rất có uy tín trong nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh, đặc biệt cụ còn là nhà hoạt động cách mạng, một tác giả, đồng thời là một trong những viên đá tảng đầu tiên của đảng Tân Việt. Cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi là một nhân sĩ và cũng là thi sĩ tài hoa có uy tín không nhỏ trong giới các đại gia và văn nghệ sĩ Huế. Trong thế hệ lão thành còn có cụ Tiểu Mai Thể Ngô, Nguyễn Huy Nhu. Thế hệ tiếp theo là các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ như nhà văn Tam Ích, đạo diễn Lê Dân, nhà văn Nguyễn Minh Trường, các nhà thơ Trụ Vũ, Vĩnh Thao, Ngũ Xa Thơ, Sơn Chi, các nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia Văn Giảng, Tôn Thất Đào, Đỗ Kim Bảng, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Khoa Lợi và nhiều vị khác.

Trường hợp hai anh Lê Quang Vịnh, Hoàng Nguyên đã tham gia, cổ động cho tập văn Ngày Mai rất tích cực, nhưng về mặt cơ cấu họ là cốt cán của tổ chức Thanh niên - Học sinh Kháng chiến. Họ tham gia Ngày Mai cũng như các đảng viên Công sản được Đảng đề xuất tiếp tay cùng mặt trận Việt Minh, mặt trận Liên Việt.  

Cũng cần nhấn mạnh một điều là có rất nhiều, rất nhiều những con người không tên tuổi, không được các vị trong Ngày Mai biết đến, mà lại đóng góp cho Ngày Mai không nhỏ. Đó là những nhà doanh nghiệp, những tiểu thương, những công chức đã ủng hộ kinh phí để thực hiện Ngày Mai. Đó là những học sinh, nông dân, lao động đã cổ động, tuyên truyền và lưu hành Ngày Mai. Ngày Mai còn được phát hành tại Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và Sài Gòn. Ngày Mai được chuyển tay về tận nông thôn.  

Đến Ngày Mai tập 3, anh Tư Minh rất vui phát biểu trước Thường vụ Tỉnh ủy: Huế các mệ, Huế trí thức, Huế văn nhân thi sĩ đã nghiêng về phía lập trường hòa bình và thống nhất đất nước.  

Một chi tiết nữa chúng ta nên lưu ý là không phải tất cả các thành viên chủ chốt của Ngày Mai đều phô trương tên tuổi trên tập văn này. Bác sĩ Thân Trọng Phước, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính chẳng hạng. Đây là chủ trương, là phương pháp chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy: không bao giờ bộc lộ hết các cán bộ nòng cốt. Thông thường trong các đợt phát động phong trào, bốn, năm mươi phần trăm các cán bộ, cơ sở nòng cốt đều được cất giấu để “thua keo này bày keo khác”. Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính là hai trong số bốn năm cây viết trụ cột, nhưng trên bốn tập Ngày Mai, hai bác đã ký nhiều bút danh khác nhau trong những bài viết của mình. Bác Đính thì Việt Hà, Trường Đạo, Thanh Tuyền, PPP. Bác Kỵ thì Tiêu Viên, Mãn Khánh. Hoài Sơn NVH, XZX, NTV. Bác Dương Tiềm cũng là người biên tập chính của Ngày Mai, nhưng thường ký tên khác trong những bài có nội dung mạnh mẽ. Anh Lê Quang Vịnh viết đều cho Ngày Mai dưới những bút danh như Xuyên Sơn, Thiết Bút.  

CS: Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ được giấu kỹ như vậy nhưng vì sao bị địch khủng bố từ đầu?  

TH: Không phải những gì ta giữ bí mật đều không bị địch phát hiện. Bác Kỵ là người xông xáo, nổi tiếng là một giáo sư yêu nước trong học sinh trung học ở Huế. Nhà in Khánh Quỳnh in tập văn Ngày Mai là của vợ chồng bác. Vợ chồng bác còn phụ trách khâu phát hành. Tai mắt của địch bao quanh những người như thế.

CS: Ngoài tập văn Ngày Mai, Đảng có chủ trương cơ sở văn hóa thông tin tuyên truyền nào nữa?  

TH: Nhà in Khánh Quỳnh của hai ông bà Tôn Thất Dương Kỵ hoạt động từ những năm 1950 - 1951. Nhà xuất bản Tâm Huệ hoạt động từ cuối năm 1953. Tâm Huệ đã xuất bản tập thơ Tiếng Nói Dân Nghèo, toàn văn Hiệp định Genève, thơ văn của Vũ Anh Khanh, thơ của Đoàn Văn Long.  

CS: Nội dung chỉ đạo và việc thực hiện Ngày Mai diễn ra như thế nào?

TH: Kêu đòi hòa bình, đấu tranh thực hiện hiệp định Genève là nội dung hàng đầu, tiềm ẩn lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa là nội dung song hành.  

Nhiệm vụ chính trị cấp bách là đấu tranh tái lập hòa bình (tập1), bảo vệ hòa bình, thực thi dân chủ dân quyết tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước (tập 2,3,4...).

Chúng ta đang ở trong vùng tạm chiếm nên trọng tâm của mọi cuộc đấu tranh là nhắm vào Ngày Mai. Ngày mai nước nhà hoàn toàn độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Ngày mai toàn thể dân tộc sống trong hòa bình thịnh vượng công bằng bác ái theo lý tưởng cộng sản. Nội dung của 4 tập Ngày Mai đều thể hiện khá đầy đủ quan điểm, đường lối sách lược của Đảng Cộng sản vào giai đoạn đó.  

Ngày Mai viết cho ai, viết như thế nào cũng là những vấn đề của chỉ đạo.  

Độc giả của Ngày Mai là thanh thiếu niên, học sinh và đông đảo quần chúng lao động.  

Thanh thiếu niên, học sinh là Ngày Mai của đất nước, dân tộc.  

Quần chúng lao động là Ngày Mai của cách mạng Việt Nam và thế giới.  

Bởi người viết và người đọc đang sống trong vùng do đối phương kiểm soát nên yêu cầu của chỉ đạo là: Ngày Mai thể hiện đúng đắn đầy đủ tư tưởng đường lối sách lược của Đảng, bảo đảm tác động tích cực trong việc giác ngộ quần chúng, nuôi dưỡng và phát triển phong trào để khi thời cơ đến là đưa quần chúng vào cuộc đấu tranh: Không quá “tả” để tự bộc lộ mình, tạo cơ hội cho địch đánh phá, đánh mất thế hợp pháp. Không quá “hữu” để thủ tiêu nhận thức cách mạng và ý chí đấu tranh của quần chúng.  

CS: Ở trên anh đã nói: tại Hội nghị Genève Pháp đã chính thức công nhận độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam?  

TH: Mình đã nói như thế. Điều đó không có nghĩa là nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã là một hiện thực đầy đủ. Với thực dân Pháp: nói là một việc, làm lại là một việc khác. Trong quá trình xâm chiếm và đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã ký không ít những hiệp ước với triều đình nhà Nguyễn, với cái gọi là Chính Phủ Quốc Gia, kể cả những tạm ước đã ký với ta, chúng đều lật lọng.  

Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ VI và thư của Hồ Chủ tịch đã chỉ cho chúng ta thấy rằng: Hiệp định Genève là chứng minh thư của những thắng lợi to lớn, nhưng chưa phải là thắng lợi cuối cùng. Cái giá của 9 năm kháng chiến với chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ là một nửa đất nước (từ vĩ tuyến 17 trở ra) hoàn toàn giải phóng. Còn một nửa đất nước - miền Nam - vẫn còn ở trong vòng vây của chủ nghĩa Tư bản. Và như thế, tất nhiên vẫn còn một cuộc giằng co quyết liệt giữa dân tộc và phi dân tộc trên phần lãnh thổ này của Tổ quốc. Thực dân Pháp đã thua, đã công khai thừa nhận này nọ nhưng đồng thời chúng cũng mai phục một công cụ gọi là “Chính Phủ Quốc Gia” để bảo vệ quyền lợi của chúng.  

Đế quốc Mỹ chia sẻ nỗi đắng cay thua trận của thực dân Pháp, cùng với thực dân Pháp rút lui trên một nửa lãnh thổ Việt Nam, nhưng với sức mạnh của một siêu cường hàng đầu thế giới có vũ khí nguyên tử và kinh tế giàu mạnh, chúng vẫn ngoan cố mưu đồ sử dụng chiêu bài “Quốc gia” và “ Thế giới Tự do” làm vũ khí ý thức hệ, sử dụng miền Nam làm tiền đồn của chủ nghĩa Tư Bản, hậu thuẫn mạnh mẽ cho tập đoàn cát cứ Ngô Đình Diệm phủ định Hiệp định Genève, biến lằn ranh quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17 thành ranh giới lãnh thổ, chính trị, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước dân tộc ta.  

Từ đầu cuộc chiến tranh chúng ta coi Pháp là kẻ thù chính, Mỹ là kẻ thù tiềm ẩn.  

Đến thời điểm giữa cuộc chiến tranh, (1950) chúng ta coi Pháp - Mỹ là hai kẻ thù song hành.  

Từ Hiệp định Genève, chúng ta khẳng định Mỹ là kẻ thù trực tiếp số một.  

Tuy nhiên trên tập văn Ngày Mai và trên các phương tiện truyền thông công khai, chúng ta chưa tấn công thẳng thừng trực diện vào đế quốc Mỹ và cộng cụ của chúng là cái gọi là “Chính Phủ Quốc Gia”. Đây là phương pháp cách mạng: Bởi Hòa Bình là mục tiêu là sách lược của ta vào giai đoạn này.

Trên Ngày Mai tập 1, các tác giả dứt khoát bày tỏ lập trường dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở mức độ “hợp pháp”. Tranh bìa Chim Câu Hòa Bình của hoạ sĩ Phạm Đăng Trí, lập trường y tế của bác sĩ Lê Khắc Quyến, tự sự của nhà văn Võ Đình Cường, truyện ngắn của Vân Dương, của Cao Xuân Lữ, thơ của Hồng Tâm, Đoàn Văn Long, Ngũ Xa Thơ, nhạc của Nguyễn Văn Hướng, thơ và thơ dịch của Đỗ Phủ và Tiều Mai... là những tuyên ngôn, tuyên cáo kêu gọi hòa bình, phản đối chiến tranh quyết liệt của những trí thức văn nghệ sĩ trong vùng tạm chiếm. Đến truyện ngắn: “Tiếng chim ca” của Thiết Bút (Lê Quang Vịnh) và truyện dịch (Gương Thỏ Bạch) của Tôn Thất Hanh thì sự chọn lựa thế đứng trong cuộc chiến tranh vệ quốc đã khá rõ ràng. Chưa gọi đích danh, nhưng Thiết Bút đã chấm phá tên tuổi kẻ thù mới của dân tộc: Mỹ.

Những kiến giải dễ hiểu và tiến bộ về Tự Do, về sử quan, về thế đứng và cảm xúc văn học của tác giả Việt Hà (Nguyễn Hữu Đính) Tiêu Văn, Mãn Khánh (Tôn Thất Dương Kỵ), DT (Dương Tiềm) chưa đủ mạnh để gây “sốc” cho đối phương nhưng vừa đủ liều lượng để hướng dẫn và phát triển nhận thức tích cực cho giới trẻ và đông đảo quần chúng.  

Từ tập 2 trở đi, Ngày Mai tập trung, chú ý vào các chủ đề bảo vệ Hòa Bình, đấu tranh thi hành hiệp định Genève, đấu tranh thực hiện các quyền tự do dân chủ, kêu đòi dân sinh, kêu đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, và tiếp tục gợi mở nâng cao nhận thức mới Xã Hội Chủ Nghĩa.  

Tuyên bố chung của 9 nước tham dự hội nghị Genève được in nguyên văn ở cuối tập 2.  

Với chủ đề Hòa bình, Thống nhất, ngoài những cây bút quen thuộc trên các tập 1,2, bắt đầu từ tập 3... đông đảo bạn đọc Ngày Mai hoan hỷ chào đón những thơ văn, hò vè, nhạc, những kiến giải tiến bộ về văn hóa, văn nghệ, điện ảnh, mỹ thuật của những tác giả thuộc tầng lớp trên và thế hệ lão thành như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, Võ Liêm Sơn, thế hệ trung niên như Nguyễn Hữu Ba, Tam Ích, Lê Dân, Sơn Chi, thế hệ trẻ như Hoàng Nguyên, Trụ Vũ, Lê Quang Vịnh....  

Ngoài các tác động văn hoá văn nghệ, sự xuất hiện những tên tuổi lớn trong nhiều khía cạnh đời sống xã hội miền Trung - Huế đã chứng thực rằng Ngày Mai đã tạo được niềm tin, thế đứng sâu rộng trong nhiều bộ phận quần chúng ở Cố đô, ở các huyện của Thừa Thiên, Quảng Trị, cả ở Đà Nẵng, Sài Gòn.  

Tác giả Cao Xuân Lữ trong bài “Thời đại nguyên tử” - Ngày Mai tập 2, đã khéo léo dẫn dắt bạn đọc từ những hiểu biết phổ thông về nguyên tử lực đến hiểm họa chiến tranh nguyên tử từ phía Mỹ.  

Các tác giả: Thanh Tuyền trong bài “Chiến tranh và sự thịnh vượng kinh tế” (Ngày Mai tập 3), P.P.P trong bài “Cách lựa chọn nhân tài” (Ngày Mai tập 3) đã mô tả bằng những biểu đồ, những con số thống kê sự lệ thuộc của chính quyền Mỹ vào các tập đoàn Tư Bản cá mập, sự bóc lột sức lao động và sự làm giàu của nước Mỹ tư bản nhờ các cuộc chiến tranh.  

Trên Ngày Mai tập 3 một số vấn đề kinh tế, xã hội ở địa phương như cấp cứu họa nước mặn, cứu đói, các lớp bình dân học vụ được các tác giả Sơn Hải, Đặng Cao Viễn phản ảnh một số hoạt động của phong trào Hòa Bình trong cuộc vận động nhiều mặt, nhiều lĩnh vực ở Thừa Thiên Huế thời điểm một năm sau Hiệp định Genève (7. 1954. 1955).  

Đến Ngày Mai tập 4 (phát hành tháng 3 - 1955), tập 5 (chuẩn bị phát hành tháng 5 - 1955, bị tịch thu toàn bộ) nội dung chủ yếu đẩy mạnh cao trào Hòa bình dự kiến phát động sau 20 tháng 7 - 1955.  

(Còn nữa, xin mời đón đọc phần cuối ở số sau)
C.S
(SH275/1-12)









Các bài mới
Các bài đã đăng