Đây cũng là ý nghĩ của một số nhân vật mà tác giả cuốn sách đã gặp gỡ phỏng vấn. Thực ra, cách nói này không phải là sự nghi ngờ mà để nhấn mạnh tính chất khác thường của PXÂ. Cũng vì một số nếp nghĩ cứng nhắc và máy móc khi sự phân chia “địch - ta” ôm trùm, che lấp hết mọi khía cạnh tinh vi, phong phú và phức tạp của CON NGƯỜI. Bên “ta” thì “không thể tin” một điệp viên cộng sản - “nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước tôi” (Lời của ông Mai Chí Thọ, trang 143) người đã có những chiến công đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước lại không e ngại ca ngợi nhân dân Mỹ, nền giáo dục Mỹ và như nhà báo Jolynne D'Ornano đã viết cho PXÂ: “…Ông có hai lòng trung thành - một đối với đất nước của ông, và một đối với tình yêu nước Mỹ và những người Mỹ mà ông đã kết bạn…” Bên “địch” thì “không thể tin” một điệp viên cộng sản lại có thể sống chân thật như thế, nhân hậu như thế (thậm chí, vào phút chót cuộc tháo chạy 30/4/1975, chính ông đã ra tay cứu giúp, chỉ đường cho bác sĩ Trần Kim Tuyến - nhân vật chống cộng sản rất quyết liệt, tay chân thân tín của Ngô Đình Diệm - di tản) và ông cũng được chính nhiều người Mỹ yêu mến và tin cậy! Riêng tôi, sau khi đọc cuốn sách, tôi tin “hai mặt” của cuộc đời PXÂ đều chân thật và đều đáng kính trọng. Đã đành, nếu chỉ nhìn theo góc độ “con người - chính trị” thì “địch - ta” phải rạch ròi, nhưng nhà văn thì có lẽ phải miêu tả con người (dù là “bên địch” hay “bên ta”) một cách toàn diện, khi đó mới tạo nên được nhân vật sinh động. Đã qua cái thời ấu trĩ mà Việt Phương đã viết trong tập thơ “Cửa đã mở” vừa xuất bản: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ.” Chúng ta cũng chưa ai quên một người lính Mỹ đã từng gìn giữ “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” suốt mấy chục năm như một báu vật. Và hôm nay, cuốn sách viết về người anh hùng PXÂ gợi cho người cầm bút - và không chỉ với người cầm bút - những suy nghĩ bổ ích… 2. Chiến công của người anh hùng - tình báo PXÂ đã có nhiều sách báo nói đến. Những gì gọi là kinh nghiệm hay “bài học” của anh để lại có lẽ cũng khó có ai và khó có điều kiện để áp dụng vì kẻ địch hiện nay (nếu có) đã khác xa ngày trước. Tuy vậy, có một phẩm chất của PXÂ rất đáng để mọi người noi theo: đó là sự trung thực. Có lẽ không ít người nghĩ rằng đã làm tình báo hoạt động trong lòng địch thì phải lắm mưu mẹo, phải biết lừa dối đối phương mới che giấu được vai trò thật của mình. Nhưng với PXÂ, chính là phẩm chất trung thực, tính chân thật đã giúp anh lập nên chiến công hiển hách. (Như tôi hiểu, chỉ có hai điều ông không nói thật với đối phương: đó là vai trò điệp viên của mình và những lần ông đi gặp đồng đội nhận chỉ thị hay truyền tin về cho cách mạng). Còn nữa, ông luôn là người trung thực trong cả hai vai trò. Với tư cách là phóng viên của Tạp chí Time (Mỹ), nhờ không tránh né sự thật, nói rõ sự thật, ông sống thật như một phóng viên Mỹ nên mới được đồng nghiệp tin cậy. Chính nhờ thế mà ông không bị lộ, mới có điều kiện tiếp cận những tin tức quan trọng đối với cách mạng. Với bộ chỉ huy của mình, ông cũng trung thực nói tất cả những gì ông hiểu biết về đối phương, kể cả khi ý kiến đó trái với nhận định của cấp này cấp khác. Đã có chiến thắng quan trọng nhờ nhận định trung thực như thế của ông. Chợt nghĩ: nếu như trong cuộc chiến chống tham nhũng hôm nay, chúng ta có những “tình báo” tài giỏi và trung thực như PXÂ thâm nhập vào các dự án lớn thì khó gì việc lôi ra trước công lý những “con chuột” đang đóng đủ vai vế ngày đêm đục khoét tài sản của nhân dân. 3. Một anh bạn, ngay sau khi đọc xong cuốn sách gọi điện cho tôi với giọng điệu bức xúc và xót xa: “Ghê quá! Một người như PXÂ mà vẫn bị nghi ngờ, theo dõi, cấm đi ra nước ngoài suốt gần chục năm! Muốn gặp một nhà báo nước ngoài cũng phải xin phép!...”. Vâng! Quả thật là xót xa! Đó cũng là sự hy sinh lớn lao mà có lẽ những người hoạt động lâu năm trong lòng địch - dù lập được chiến công to lớn đến mấy - đều phải gánh chịu khi trở về đội ngũ của mình, một sự hy sinh còn ít được nói đến. Hẳn là vì an ninh của quốc gia và để bảo đảm an toàn cho chính người trong cuộc (và có lẽ đã từng có điệp viên bị kẻ địch mua chuộc) nên các cơ quan “chức năng” buộc phải có những động thái phòng bị, bảo vệ loại người đã “lỡ” nắm quá nhiều những bí mật! Xin không bàn đến khía cạnh “nghiệp vụ” của vấn đề; nhưng nếu như để viết về một nhân vật hoạt động tình báo thì không thể bỏ qua những năm tháng phải đau đớn, dằn vặt khi bị chính đồng đội của mình nghi ngờ như PXÂ đã trải qua. Với một nhân vật có quá nhiều bí ẩn như PXÂ, lại là người “ngoại đạo”, tôi không dám bàn sâu hơn, nhưng với tinh thần “phản biện” mà Đảng luôn yêu cầu các tổ chức xã hội thực hiện để tiếp cận chân lý và tránh bớt lầm lẫn, xin thử dẫn ra một sự cố trong lịch sử và đặt nó bên cạnh trường hợp PXÂ: Trên Tạp chí “Xưa và nay” số 267, tháng 9/2006, trong một bài viết về ông Phạm Quỳnh, tác giả Phạm Tôn đã nhắc lại một tư liệu như sau: “Sau khi ông Tôn Quang Phiệt từ Huế ra gặp Cụ Hồ và báo: “Phạm Quỳnh đã bị xử mất rồi!”, thì Cụ Hồ ngồi lặng người một lúc lâu rồi nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được gì?...”. Với PXÂ, liệu có thể đặt một câu hỏi: “Nghi ngờ, theo dõi một người như PXÂ thì nhân dân được gì? Cách mạng được gì?...”. Có thể nêu vấn đề như thế, vì ông nắm bí mật của địch truyền về cho ta là chủ yếu; bí mật của ta mà ông biết được nhiều lắm là các “đường dây” thì khi còn ở trong lòng địch, nếu muốn, ông đã thừa sức cung cấp cho chúng, đâu đợi đến ngày đất nước toàn thắng mới lo “móc nối” để tiết lộ cho đối phương? Cũng như Cụ Hồ, đặt câu hỏi như thế là tỏ ý tiếc. Phải! Thật tiếc, nếu như PXÂ được tin tưởng và trao cho ông làm đại diện (hay đại sứ) của Việt Nam tại Mỹ ngay sau khi chiến tranh kết thúc thì có lẽ nhiều sự ngộ nhận và chậm trễ đã được hạn chế… Theo lời PXÂ do tác giả cuốn sách ghi lại thì việc PXÂ chỉ đường cho Trần Kim Tuyến chạy thoát ngày 30/4/1975 là căn cứ quan trọng khiến các cơ quan “chức năng” đặt nhiều nghi vấn và buộc ông phải tường trình nhiều lần. Không ai dám nói chắc tận đáy lòng PXÂ đã nghĩ gì, nhưng qua nhiều chi tiết trong cuốn sách, chúng ta có thể đoán rằng: với ông, ngày 30/4/1975, trách nhiệm của ông trước Tổ quốc đã hoàn thành, đất nước đã được độc lập tự do, chẳng có ích gì việc bắt bỏ tù hoặc giết một kẻ cùng đường như Trần Kim Tuyến, nhất là ông ta - dù là vô tình - đã từng là nguồn cung cấp nhiều tài liệu mật để PXÂ báo về bộ chỉ huy cách mạng. Liệu chúng ta có thể đặt vấn đề: Bắt hoặc giết một kẻ như Trần Kim Tuyến thì nhân dân được gì? Cách mạng được gì? Trong khi cách xử trí của PXÂ thì đã khiến đối phương hiểu ra rằng một điệp viên cộng sản chiến đấu quên mình vì Tổ quốc vẫn có thể là một con người nhân ái và chung thuỷ. Có lẽ cũng nên nói thêm một điều: Yếu tố quan trọng giúp PXÂ lập nên chiến công vĩ đại chính là LÒNG TIN! Ông tin vào chính nghĩa, tin vào sự toàn thắng cuối cùng của dân tộc mình và tin vào cả sự hướng thiện của nhân dân Mỹ. Vì có lòng tin như thế, ông mới muốn cho con trai Phạm Xuân Hoàng Ân của ông sang học ở Mỹ. Ân đã học thành tài và trở về góp phần làm chiếc cầu nối giữa hai dân tộc Việt Nam và Mỹ - làm người phiên dịch cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Mỹ trong chuyến ông ta sang thăm Việt Nam. Ân đã nói với tác giả cuốn sách: “Cháu ước gì ba cháu có mặt ở đây để chứng kiến những giây phút này. Giọng của cháu đôi lúc đã nghẹn lại trong quá trình phiên dịch cho Tổng thống và Chủ tịch Nước, cháu đã cố kiềm chế những giọt nước mắt của mình vì quá xúc động…”. Chúng ta có cảm tưởng như đọc một đoạn kết có hậu trong các chuyện cổ tích Việt
. Trường An - Huế, tháng 3/2008 NGUYỄN KHẮC PHÊ (nguồn TCSH số 230 - 04- 2008) |