Văn nghệ thế giới
Mạc Ngôn - nhà văn không thời thượng
09:33 | 12/10/2012

“ Ông tự mô tả mình như một người rụt rè, suốt ngày ở trong nhà, không đi đâu vì sợ bị lạc” - Phạm Xuân Nguyên kể


 

Mạc Ngôn - nhà văn không thời thượng

Phạm Xuân Nguyên là nhà phê bình đã đóng góp những ý kiến không nhỏ về cách đọc và hiểu Mạc Ngôn từ khi “Báu vật của đời” đến Việt Nam. Cuộc trò chuyện với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là để hiểu sâu thêm về nhà văn khá gần gũi với độc giả Việt, đã từng gây tranh cãi, đồng thời vừa được vinh danh tại giải thưởng Nobel này.

Trong bài bình cách đây nhiều năm có nhan đề "Sự sinh, sự chết và sự sống", ông từng liên tưởng Mạc Ngôn với Lỗ Tấn. Có thể coi Mạc Ngôn là Lỗ Tấn đương đại của Trung Quốc hay không?

-Tôi có sự liên tưởng này, bởi cả hai nhà văn Trung Quốc, một đầu và một ở cuối thế kỷ 20, đã có sự gặp nhau trong suy nghĩ về đất nước mình.

Mạc Ngôn sinh năm 1955, là nhà văn đương đại của Trung Quốc hiện nay. Ông đến với Việt Nam đầu tiên bằng tác phẩm "Báu vật của đời" do dịch giả Trần Đình Hiến dịch. Với tiểu thuyết ấy, ông đã tạo được dư luận, gây được sự chú ý của văn giới cũng như độc giả Việt Nam. Một loạt tác phẩm sau đó của ông cũng được chú ý. Như vậy, sách của Mạc Ngôn vào Việt Nam cũng tương đối nhiều. Ông thuộc thế hệ nhà văn Trung Quốc dám phanh phui, đào sâu vào hiện thực xã hội.

Ông tạo ra địa danh Cao Mật (giờ đây đã được coi là một địa danh văn chương), ở đó tập trung tất cả các số phận, con người... Cao Mật như một xã hội Trung Quốc thu nhỏ, bật lên sức khái quát cao. Từ Cao Mật, người ta nhìn thấy số phận người nông dân Trung Quốc, những người chân đất.

Trong tiểu thuyết "Sống đọa thác đầy" thậm chí ông để cho nhân vật hóa ra kiếp trâu, kiếp ngựa... để kể về cuộc đời trầm luân đau khổ của mình. Còn trong "Báu vật của đời", nhân vật Lỗ Nhi nói: "Mẹ nhận ra một chân lý nghiệt ngã: là đàn bà không lấy chồng không được, lấy chồng mà không sinh con không được, sinh con toàn con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình, dứt khoát phải sinh con trai."

Ông nhìn thấy gì từ một nhà văn đứng về phía những người yếu thế khá triệt để như vậy?

-Mạc Ngôn có một xác quyết rất rõ ràng cho sứ mệnh cầm bút của mình. Đó là đứng về phía những người nghèo, những người khổ, những người chân đất, những người phụ nữ… Ông khẳng định một sự lựa chọn, một thái độ sống rõ ràng. Tôi thấy đó là một điều đáng quý và đáng kính, cũng là sự xác lập tư cách độc lập của nhà văn.

Bút danh "Mạc Ngôn" của ông có nghĩa là "không nói". Tôi từng dịch một bài phỏng vấn ông qua tiếng Pháp. Ông tự mô tả mình như một người rụt rè, suốt ngày ở trong nhà, không đi đâu vì sợ bị lạc. Tôi nghĩ những gì muốn nói ông đã thể hiện trong tác phẩm, trong hình tượng nhân vật.

Giải thưởng Nobel năm nay được trao cho Mạc Ngôn nói lên điều gì, thưa ông?

-Cách đây 12 năm, Cao Hành Kiện - cũng là một nhà văn gốc Trung Quốc được trao giải Nobel. Đây là một nhà văn có tư tưởng rất hiện đại. Ông viết những vở kịch gây tranh luận, mang nhiều tư tưởng, triết lý, và không khoan nhượng.

Cùng với Cao Hành Kiện năm 2000, Mạc Ngôn của năm 2012 cũng là một nhà văn không khoan nhượng với những sai lầm của dân tộc mình. Không khoan nhượng bởi vì rất yêu dân tộc mình, đất nước mình. Không khoanh tay đứng nhìn những khuyết điểm, tệ nạn, thói hư tật xấu...

Việc trao giải thưởng Nobel lần này khẳng định vị thế của văn học Trung Quốc với những thế hệ gần đây. Họ đã đi từ "văn học vết thương" (phản ánh thời kỳ lịch sử của Cách mạng văn hóa - PV), "văn học tầm căn" (văn học tìm về cội nguồn - PV) để tiếp tục nhận thức về văn học, cuộc sống, dân tộc.

Các tác phẩm của Mạc Ngôn được chú ý có lẽ bởi hội đồng chấm giải đã đề cao một nhà văn không phải là thời thượng, mà là một nhà văn gắn bó với đất nước, với nhân dân. Duy nhất có một tác phẩm của ông đã xuất bản tại Việt Nam gây tranh cãi trong dư luận, nhưng phản ứng chủ yếu là do lời đề bìa sách của nhà xuất bản thôi, chứ Mạc Ngôn vẫn trung thành với tư tưởng của mình khi viết về con người yếu thế, những thanh niên nông thôn kể thân phận con sâu cái kiến của mình.

Lý giải của ông về việc tại sao Mạc Ngôn được ưa thích tại Việt Nam?

-Thứ nhất, vì ông có tài. Văn chương hấp dẫn, thu hút được người đọc. Thứ hai, ông là một nhà văn hiện thực, đề tài ông viết gần gũi, không khó hiểu. Thứ ba, tinh thần của ông là thứ tinh thần mà nhiều nhà văn Việt Nam thời kì đầu cũng thích. Đó là phân tích hiện thực, đi tìm nguồn gốc của mọi việc xảy ra, mọi tai họa và mọi thảm cảnh với con người. Và Mạc Ngôn là một người rất quyết liệt trong khi làm điều đó!

Xin cảm ơn nhà phê bình!

                                                                                Theo Hồ Hương Giang - VNN

Các bài mới
Các bài đã đăng