Raymond Carver bắt đầu viết văn vào năm 1958. Ba năm sau, Ernest Hemingway, nhà văn của thế hệ vứt đi đã dùng một khẩu súng săn tự kết liễu đời mình. Nhà văn Hotchner sau này cho rằng tác giả Chuông nguyện hồn ai tự sát, một phần nguyên do là không chịu đựng nổi sự ám ảnh, lo sợ bị FBI theo dõi. Đó là một câu chuyện dài.
Nhưng chắc chắn rằng, hai sự việc Raymond Carver bắt đầu viết và Ernerst Hemingway tự sát không liên quan đến nhau. Song, khi xét về tư duy truyện ngắn, từ Hemingway đến Carver, giới nghiên cứu cho rằng, đã có một sự tiếp nối tuyệt vời trong dòng chảy văn chương; một cuộc thay phiên đổi gác để kết quả nhận được lớn lao và đơn giản: duy trì nguồn cảm hứng đọc truyện ngắn cho độc giả Mỹ.
Nổi lên như một cây bút truyện ngắn hàng đầu từ 1960 – 1970, Raymond Carver viết ít, nhưng được người Mỹ say mê tìm đọc. Có thể ở đó, người ta nhìn thấy được biểu đồ bất thường của tâm hồn, những biên độ của cái cô đơn, cái hoang mang, chới với của con người hiện đại trong một guồng máy lớn của xã hội Mỹ đang chuyển dịch từ sản xuất sự phồn thịnh chớm sang công nghệ “sản xuất nguy cơ”, theo cách nói sau này (1986) của nhà xã hội học Ulrich Beck.
Nhưng chắc chắn rằng, là người chọn lựa thi pháp truyện ngắn cực thiểu (minimalism), Raymond Carver không làm cái công việc thừa thãi của một nhà phê bình, xã hội học hay triết gia để tham vọng gọi tên, diễn giải tâm lý, hành vi, tính cách hay bản chất xã hội. Ông càng không phải là một nhà văn tả thực, nhất định thế.
Em làm ơn im đi, được không? (Lâm Vũ Thao dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2012), tựa gốc: Will you please be quiet, please? (1976), là tập truyện thứ hai của Raymond Carver sau Put yourself in my shoes (1974), tựa Việt là Mình nói gì khi mình nói chuyện tình đã được Dương Tường, Nguyễn Hạnh Quyên dịch, (Nhã Nam & NXB VHSG, 2010). Toàn bộ sự nghiệp của nhà văn này chỉ có năm tập truyện ngắn và bốn tập thơ, nhưng được xem là nhà văn có nghệ thuật truyện ngắn kinh điển của Mỹ và thế giới. |
Trong truyện ngắn của Raymond Carver, dấu vết của người viết hoàn toàn triệt tiêu. Trên trang giấy là những khung cảnh “quy mô rất nhỏ” của đời thường được diễn ra trên một nền ngôn từ tiết chế gọn gàng đến lạnh lẽo, đôi khi cộc lốc và sòng phẳng (rất Mỹ!).
Vậy thì điều gì hấp dẫn người ta thưởng thức truyện của ông? Thấy gì từ: một ánh mắt bí mật (và có thể cả tự vấn nữa) của bà già trong câu chuyện tán nhảm nhưng có vẻ như chạm tới gốc gác của đứa con trai và thằng cu cháu nội (Người bố)?; những đôi vợ chồng đứng trước dự định về các thay đổi nơi ở nhưng lại không chắc những cuộc ra đi đã giúp họ thoát ly được sự đơn điệu và nhàm chán khó cứu vãn của thực tại (Có gì ở Alaska?, Hàng xóm?); những mối quan hệ nhạt nhẽo đến và đi ở một người đàn ông vừa đổ vỡ hôn nhân hay đang trải qua cuộc hôn nhân trước nguy cơ lãnh cảm một hôn nhận được cú phone rủ rê từ người đàn bà xa lạ (Lớp đêm, Có phải anh là bác sĩ?); hay sẽ ra sao nữa với đời sống tâm sinh lý phức tạp và xao lãng, mất kiểm soát của một cậu trai dậy thì ở vùng quê (Không ai nói gì?); sự tha hoá của đứa con trai đang là chính trị gia và nỗi ám ảnh lo sợ mơ hồ khó nguôi khuây của người mẹ già (Tại sao, con trai?)… Thấy gì từ những mối quan hệ đã đứt gãy, đang trở nên nhàm chán, những kết nối bị xoá nhoà chóng vánh hay những nguy cơ có thể ập đến bất cứ lúc nào từ phía tương lai?
Có thể sẽ chẳng thấy gì cả, tất cả mọi suy diễn hay đoán định thường nằm ở ngoại vi văn bản. Đó cũng là lý do mà hầu hết các nhan đề tác phẩm rút ra từ một câu ngẫu nhiên nào đó – có vẻ ông nhà văn từng vài lần cai rượu này chẳng buồn tính toán hay thâu tóm gì cái gọi là thông điệp hay tinh thần tác phẩm. Mọi thứ thông điệp rất có thể là biểu hiện “phi dân chủ” với người đọc.
Những cảnh huống phi lý đang tiếp diễn. Không gian những truyện ngắn cứ xoay quanh những cuộc hôn nhân, đời sống sinh hoạt gia đình với những khung cảnh, đồ vật quen thuộc, biểu tượng tiện nghi (tivi, tủ lạnh, thức uống, xe hơi…) Những nhân vật quen thuộc đi lại, nói năng, tồn tại như vừa bị hút rỗng cảm giác hiện hữu.
Những truyện ngắn kết thúc nhưng người đọc không quên: làm quen, yêu đương, hờn giận, làm tình, ngoại tình, tiệc tùng, xem tivi… như được công thức, mặc định vẫn đang tiếp diễn không chỉ trên trang sách.
Raymond Carver là kết quả của sự hoà trộn tuyệt vời giữa nghệ thuật kể của truyện ngắn Anton Chekhov kết hợp cái nguyên lý “tảng băng trôi” của Hemingway với một tâm thế mới về một xã hội đang chấp chới tổn thương, vô hướng và đầy mỉa mai trước sức xâm nhiễm mạnh mẽ của một đời – sống – nguy – cơ được “đóng gói kèm theo” từng giấc mộng, huyễn tưởng phồn vinh.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên - SGTT