Chất giọng kim bay bướm, nổi tiếng về những tình ca bất hủ Forever and Ever, Goodbye My Love Goodbye, Lovely Lady of Arcadia… và nhiều ghi âm có thứ hạng cao, xứng danh “Họa mi Hy Lạp”, Demis Roussos từng trải nhiều cung bậc thăng trầm nên nhìn đời theo cách riêng trước cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và những chấn động xã hội...
Họa mi trong bão táp
Demis Roussos chào đời ngày 15.6.1946 tại Alexandria (Ai Cập) trong một gia đình xuất thân từ Hy Lạp và giàu truyền thống âm nhạc. Có người mẹ là ca sĩ, người cha chơi guitar cổ điển, cậu theo học trường nhạc nên sớm làm chủ những nhạc cụ “khó tính” như guitar, kèn hơi, contrabass, organ. Khoảng giữa thập niên 1950, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng ở kênh đào Suez, theo gia đình chuyển về cố quốc Hy Lạp, mới 15 tuổi không một xu dính túi, cậu đã phải kiếm sống nuôi cả gia đình: chơi nhạc jazz và hát những ca khúc ăn khách của phương Tây cho các quán rượu, nhà hàng, khách sạn.
Năm 1963, Demis Roussos cùng Evangelos Papathanassiou (về sau lấy nghệ danh là Vangelis) và Loukas Sideras lập ban nhạc Aphrodite’s Child (Con của Nữ thần Sắc Đẹp và Tình Yêu). Năm 1968, do cuộc đảo chính ở Hy Lạp, ban nhạc này phải chuyển sang Paris hành nghề, bắt đầu nổi tiếng từ ca khúc Rain & Tears, rồi ra ba album End of the World, It’s Five O’clock và 666 thì tan rã vào năm 1971. Demis Roussos tách ra hát riêng, tổ khúc We Shall Dance ra mắt khá thành công, giành vị trí cao trong bảng xếp hạng của nhiều nước Scandinavia, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan. Cuối năm 1971, album đơn ca On the Greek Side of My Mind ra đời, và năm 1974, album Forever & Ever thực sự nổi đình nổi đám.
Sự đánh giá của nước Anh đối với những tác phẩm ghi âm thật khó lường được trước. Đĩa đơn Happy to be on an Island in the Sun vươn lên đến vị trí thứ năm trong danh mục những ca khúc được ưa chuộng nhất, nhưng ca khúc Can’t Say How Much I Love You và album Souvenirs lại chỉ đạt vị trí khiêm tốn. Biết danh tiếng của mình bắt đầu thuyên giảm, nghệ sĩ không nản, và nỗ lực phi thường đã được đền đáp xứng đáng: đĩa ca khúc tự soạn tự hát The Demis Roussos Phenomenon đưa Demis Roussos lên đỉnh của Top 20; cùng năm đó, ca khúc When Forever Has Gone đạt vị trí thứ nhì và đĩa tiếp theo - Kyrila - chỉ được xếp thứ 40.
Có điều, số phận của những bản ghi âm lại tương phản với thành công trên sàn diễn, nơi Demis Roussos khéo phát huy giọng hát sở trường – chất giọng nam cao tenor độc đáo và bay bướm – đồng thời chăm chút kỹ lưỡng cho phông cảnh sân khấu và trang phục biểu diễn... Chính vì thế mà nghệ sĩ tạo được sức cuốn hút kỳ diệu ngay từ khi sắp sửa cất lên tiếng hát.
Paris trở thành quê hương thứ hai của nghệ sĩ Hy Lạp cho nên không lấy làm lạ khi Demis Roussos ghi Ainsi Soit-il - một đĩa hát bằng tiếng Pháp (1977).
Ngày 14.7.1985 xảy ra một sự kiện khiến kế hoạch biểu diễn phải đình hoãn: hôm đó, nghệ sĩ cùng cô bạn gái Pamela đáp chuyến máy bay dân dụng từ Athens đi Roma, nhưng toàn bộ phi hành đoàn và hành khách bị không tặc khống chế, nghệ sĩ bị bắt cóc và giam giữ cả tuần lễ, nhờ sức thuyết phục của âm nhạc mới được thả về, sang năm 1986 mới trở lại với người hâm mộ và ra đĩa đơn Island of Love.
Sang thập niên 1990, Demis Roussos quyết định phải làm khác mình hồi thập niên 1970 và năm 1995 ra album Immortel - một sự kết hợp độc đáo giữa chanson Pháp, các giai điệu tổng hợp và phong cách âm nhạc sắc tộc. Hầu như cùng thời, đĩa Serenade trình làng những tác phẩm opera Tây Âu cổ điển được thể hiện theo phong cách hiện đại. Năm 1997 – album Mon Ile thấm đẫm những giai điệu Địa Trung Hải. Các tác phẩm này cho thấy rõ cảm hứng dào dạt của nghệ sĩ đối với âm nhạc sắc tộc của quê hương lịch sử Hy Lạp và những vùng lân cận như bán đảo Balkan và Trung Đông. Ông cũng tham gia phần âm nhạc trong hai bộ phim Những bánh xe lửa và Chạy dọc lưỡi dao…
Demis Roussos đã kết hôn ba lần, có hai con - một gái, Emilia và một trai Siril. Nghệ sĩ có nhà riêng tại Neuilly bên bờ sông Seine (Pháp), nhưng phần lớn thời gian trong năm sống tại Hy Lạp.
Nhớ lại và hướng tới
Sau 45 năm hoạt động âm nhạc, tự hào vì những người hâm mộ vẫn trung thành với mình, luôn luôn nhận được tình yêu và sự ủng hộ của họ, nhưng vẫn mang nỗi hoài cảm về thứ ca nhạc mình đã từng yêu,“Họa mi Hy Lạp” mới cho ra mắt album Demis theo phong cách blues-rock thể hiện quyết tâm trở về nguồn cội. Nhân dịp này, nghệ sĩ trải lòng với bạn đọc:
- Chơi với Vangelis, nghệ sĩ hiện nay nổi tiếng khắp thế giới, trong ban Aphrodite’s Child, đấy là bước khởi đầu của tôi. Mà tất cả những gì xảy ra trong bước khởi đầu ấy bao giờ cũng hết sức thú vị. Phải trải qua những cái đó, thu thập kinh nghiệm để hiểu mình sẽ làm gì tiếp theo. Sau Aphrodite’s Child, Vàngelis chuyển sang soạn nhạc cho phim, còn tôi thì biểu diễn những ca khúc lãng mạn. Về sau, đường đi của chúng tôi cũng giao nhau, chúng tôi lại cùng làm việc cho nhạc của phim Chạy dọc lưỡi dao.
- Do đâu Aphrodite’s Child tan rã?
- Thử hỏi bất kỳ cặp vợ chồng nào, vì sao họ lại ly dị, họ sẽ đưa ra hàng nghìn nguyên do. Cả tôi, cả Vangelis đều hiểu, ban nhạc là chỗ thể hiện mình ở ngoài biên giới nước Hy Lạp nhỏ bé. Vangelis dùng giọng hát của tôi để đưa âm nhạc của anh ra thế giới, tôi dùng âm nhạc của Vangelis để chứng tỏ giọng hát của tôi. Mặc dầu không bao giờ chúng tôi nói ra điều ấy, nhưng thiết nghĩ, mỗi người đều hiểu ngầm rằng liên minh của chúng tôi chỉ tính cho một thời kỳ nhất định. Nhưng cả hai chúng tôi đều sống ở Hy Lạp và giữ được tình bạn tốt đẹp.
- Ông còn nhớ, những đồng tiền đầu tiên kiếm được đã dùng vào việc gì?
- Sắm cho mình một cây guitar bass.
- Ông chơi guitar, organ đều là bass. Chẳng lẽ không ai hiểu ông là ca sĩ bẩm sinh sao?
- Người đầu tiên để ý đến giọng tôi là Vangelis. Ngay từ khi mới bàn chuyện lập ban nhạc, anh ấy đã thuyết phục tôi phải trở thành ca sĩ. Tôi phấn khởi tiếp nhận ý tưởng đó bởi trong thâm tâm rất muốn hát.
- Giờ ông cảm ơn Vangelis về phát hiện đó?
- Vâng, nhưng anh ấy cũng phải cảm ơn tôi, bởi thiếu giọng hát của tôi thì ban nhạc đã không nổi tiếng được đến thế. Người đời nói rồi, tango nhảy phải có đôi.
- Hồi đại học, ông học ở khoa Triết. Triết học vẫn được ông quan tâm như cũ chứ?
- Đương nhiên. Mỗi người Hy Lạp đều là một triết gia, chứ không, chúng tôi qua sao nổi khủng hoảng.
- Khủng hoảng có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống văn hóa Hy Lạp?
- Không. Khủng hoảng kinh tế chỉ góp phần làm tăng sự chú ý đến nghệ thuật. Rất nhiều sự kiện lý thú và phong phú đang diễn ra. Các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, vũ đoàn từ nhiều nước khác nhau, kể cả Nga và Mỹ, đến Hy Lạp diễn. Đời sống văn hóa rất khá giả.
- Ông muốn nói gì với những người bình dân, đối với họ, khủng hoảng là giai đoạn rất khó khăn...
- Hy vọng, tình yêu và sự hiểu biết lẫn nhau sẽ giúp chúng ta. Mọi vấn đề đều là do chúng ta chưa hiểu nhau thôi. Tôi tin rằng có lúc tình trạng ấy sẽ thay đổi. Loài vật có phần nào đó thông minh hơn con người. Ở chúng có những quy tắc hành xử riêng, chí ít ra thì chúng cũng thông hiểu đồng loại. Loài người cũng nên học hỏi, tiếp thu ở loài vật nhiều thứ, đơn cử: linh cảm.
- Cùng với năm tháng, có những thứ sẽ mất đi ý nghĩa và ngược lại - có những thứ trở nên quan trọng hơn. Hiện nay, điều gì là quan trọng đối với ông?
- Càng ngày tôi càng ít phấp phỏng vì những điều người ta nói về tôi. Còn quan trọng và giá trị hơn cả vẫn cứ là âm nhạc. Tôi muốn đưa âm nhạc vào thế giới chúng ta. Tôi tin là âm nhạc có thể cứu rỗi chúng ta. Bởi vì khủng hoảng không chỉ xảy ra ở Hy Lạp mà nó đã loang ra toàn thế giới, mà âm nhạc thì có khả năng đem đến sự giải phóng về cảm xúc.
- Người ta thường hỏi ông về phụ nữ, nhưng tôi lại muốn biết: một người đàn ông chân chính phải có những phẩm chất gì?
- Người đàn ông tôi đánh giá cao hơn cả ở đức chính trực và thủy chung trong tình bạn.
- Điều gì giúp ông không chịu dừng lại ở thành tựu đã có?
- Nghị lực. Cả về thể chất, cả về tinh thần. Tôi muốn hát, muốn đi đây đi đó, muốn gặp gỡ với những người mới, muốn giao tiếp, muốn biết là trong cuộc đời này tôi đã kịp làm nên nhiều chuyện và dâng hiến được nhiều.
Theo Đăng Bẩy - NDBND