Khác với các phim mang đầy tính hàn lâm và triết lý xã hội những năm trước, Oscar năm nay hội tụ những bộ phim được đầu tư công phu về bối cảnh và hành động.
Khán giả sẽ không sớm quên được những cảnh quay ấn tượng về cuộc tấn công vào căn cứ của Osama Bin Laden trong Zero Dark Thirty của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow hay màn trình diễn đáng nhớ trong Argo về cuộc đào thoát của nhân viên sứ quán Mỹ ở Tehran. Đạo diễn Ben Affleck và nhà biên kịch Chris Terrio - “đối tác thực sự của Argo”, đã quyết định sẽ cho người xem được trải nghiệm thực sự cảm giác nguy cấp của con người trong hoàn cảnh nguy hiểm, với những pha hành động nghẹt thở. “Tôi hy vọng khán giả sẽ có cảm giác như thể họ đang ở trong phim, đầy hỗn loạn và hoảng hốt tột độ” - Affleck nói. Trong hai ngày quay ở Istanbul, đoàn làm phim đã xây dựng một phân đoạn của bức tường căn cứ, đồng thời bổ sung nhiều tính năng sao cho gần gũi với cuộc đời thực của những kẻ khủng bố nhất. Căn cứ được bổ sung một sân bóng đá nằm bên trên bức tường. Những cảnh quay bên trong được thực hiện hơn 4 ngày tại Mỹ.
Còn ở bộ phim Zero Dark Thirty, đạo diễn Kathryn Bigelow nghiên cứu từng bản tin thời sự về sự kiện này để tái tạo từng viên gạch lát sàn, thùng rác... cùng với đồng nghiệp tận tâm là nhà thiết kế sản xuất Jeremy Hindle. Bigelow cho biết: “Chúng tôi ở trong những không gian chật hẹp hiếm thấy cùng với đội đặc nhiệm của Mỹ, và toàn bộ đoàn làm phim phải tạo dựng bối cảnh không chỉ liên quan đến lịch sử, mà còn phải mang tính điện ảnh”. Kế hoạch tính đến tất cả rủi ro, hướng gió, để bảo đảm an toàn cho máy bay trực thăng Black Hawk.
Không thể không nhắc đến Flight, với cảnh nhân vật của Denzel Washington cố gắng hạ cánh chiếc máy bay trong tình trạng bị hỏng và lật ngược. Chiếc máy bay bị chia làm đôi, phần khoang lái và cabin chính tách rời nhau. Đạo diễn Robert Zemeckis cho biết: “Chúng tôi đặt thân cabin chính lên một cái trục quay, và quay cảnh mọi người bên trong lộn ngược, và sau đó kết thúc với cảnh quay khoang lái”.
Còn đối với cảnh con tàu khổng lồ chìm trong Life of Pi, đạo diễn Lý An cho biết êkíp làm phim đã phải “chạy” như chạy vượt rào: “Chúng tôi làm việc liên tục 12 tiếng mỗi ngày, vật lộn với chiếc máy quay 3D vốn không dễ sử dụng, và nhiều khi phải treo máy quay trên cao để có thể ghi hình được những đại cảnh”. Nhìn nhận lại bộ phim, Lý An nói: “Tôi cho rằng không ai có thể cho tôi câu trả lời tốt hơn những người chung quanh”. Đó là Rick Hicks, người từng tạo cảnh thời tiết ấn tượng trong The Perfect Storm, hay Thomas L. Fisher, thiết kế Titanic, và Steven Callahan, người vô cùng giàu kinh nghiệm về việc tạo dựng những bối cảnh như thật.
Một bộ phim khác được dựng bối cảnh kỳ công và cũng được đánh giá là phim nặng ký cho giải Oscar 2013, The Impossible, liên quan đến trận sóng thần khủng khiếp năm 2004 tại Thái Lan, kể về một gia đình rơi vào cảnh ly tán và tìm kiếm nhau sau trận sóng thần. Nhà làm phim J.A. Bayona đã mất hơn một năm để chuẩn bị cho 150 cảnh quay dưới nước với các đồng nghiệp của mình là Oscar Faura, nhà thiết kế Eugenio Caballero và êkíp tạo hiệu ứng cảnh quay. Các cảnh quay được thực hiện trong một bồn chứa nước khổng lồ, và mỗi ngày chỉ quay được đúng một cảnh. Ngôi sao Naomi Watts phải thoại trong nước. Bayona nhớ lại: “Ở cảnh quay đầu tiên, chúng tôi đã không thể làm được gì, vì Naomi chìm sâu, không thể mở miệng. Việc thoại trong nước không hề dễ dàng, Naomi liên tục bị uống nước trong các cảnh quay”.
Không phải ngẫu nhiên khi nhiều phim chọn cảnh quay ấn tượng để xây dựng phim. Ben Affleck chia sẻ: “Bạn cần đầu tư để thu hút khán giả thật nhanh, tóm lấy họ và cho họ biết rằng có rất nhiều điều hấp dẫn đang chờ đón trong phim”.
Theo ĐÔNG QUỲNH - NDBND