Một tay đầu cơ tích trữ, một kẻ cho vay nặng lãi, một nhà buôn trốn thuế, đó không phải những gì người ta có thể hình dung về William Shakespeare. Nhưng những cứ liệu lịch sử dưới đây lại cho thấy đó hoàn toàn là sự thật.
Đây là tuyên bố của một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Aberystwyth ở Wales, Anh. Theo đó, William Shakespeare với vai trò một nhà buôn thành đạt đã giàu lên nhờ việc tích trữ lương thực trong suốt thời kỳ diễn ra nạn đói tại Anh.
Lý giải cho việc đưa ra những thông tin thất thiệt về một gương mặt nổi bật của nền văn hóa Anh, nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng việc tìm hiểu về Shakespeare sẽ không thể trọn vẹn, hậu thế sẽ không bao giờ hiểu hết các tác phẩm của ông nếu người ta “lờ đi” một William Shakespeare trong vai trò nhà buôn.
“Shakespeare đã từng đầu cơ tích trữ lương thực trong thời kỳ diễn ra nạn đói nhưng điều này hiếm khi được nhắc tới trong những bài viết về thân thế - sự nghiệp của ông”. Jayne Archer, một giảng viên về văn học thời kỳ Trung cổ và Phục hưng ở trường Đại học Aberystwyth cho rằng sự thiếu sót này là do “sự bỏ qua đầy chủ ý bởi các nhà phê bình, các học giả cho rằng thật khó để dung hòa một con người thiên tài sáng tạo với một con người vụ lợi cá nhân.”
Giảng viên Jayne Archer cùng các học trò đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu lịch sử để có thể lật lại chi tiết thú vị này: một đầu óc nhà buôn song hành cùng trí tuệ biên kịch. Tại thị trấn Stratford-upon-Avon, Shakespeare là người chuyên thu mua lương thực, ngũ cốc và sở hữu khá nhiều đất đai.
“Trong khoảng thời gian 15 năm, Shakespeare không ngừng mua vào và tích trữ ngũ cốc, mạch nha cùng lúa mạch. Lúc mua vào giá rất thấp nhưng khi bán ra, vì đồng tiền đã tăng lên do lạm phát nên Shakespeare đã kiếm được lời lớn từ chính những người hàng xóm và chủ cửa hàng buôn bán nhỏ tại địa phương. Bên cạnh đó, đối với những người không thể trả tiền ngay một lượt, Shakespeare sẽ tính lãi.”
|
Ông từng bị truy cứu vì tội trốn thuế. Vào năm 1598, ông bị khởi tố vì tích trữ ngũ cốc trong thời kỳ đói kém.
Đây có thể sẽ là những thông tin gây sốc đối với không ít độc giả yêu văn chương. Cuộc đời Shakespeare trải qua 2 thế kỷ - cuối 16 đầu 17 - thời kỳ được biết tới với nhiệt độ lạnh bất thường và những cơn mưa bão dữ dội khiến nền nông nghiệp Anh trở nên èo uột, dẫn tới thiếu lương thực trầm trọng.
Giáo sư Archer nhận định: “Ngày nay chúng ta cho rằng nhà văn nói riêng và nghệ sĩ nói chung là những người không mấy quan tâm tới thực tại hàng ngày. Điều đó có thể đúng một phần vì cuộc sống ngày nay không quá khắc nghiệt như trước. Nhưng đối với những nhà văn sống trong những thế kỷ xa xôi trước đây, cái đói luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với họ và cái đói đôi khi là động lực sáng tạo lớn nhất khiến họ cho ra những tác phẩm hay.
Hình ảnh Shakespeare trong vai trò một doanh nhân “máu lạnh” có thể không phù hợp với những quan niệm lãng mạn về các nghệ sĩ nhưng chúng ta không nên phán xét ông nặng nề. Tích trữ ngũ cốc trước tiên là để đảm bảo gia đình ông không phải chịu cảnh thiếu đói khi vụ mùa thất bát. Chính việc phải sống trong mối đe dọa của cái đói khiến một nhà văn dễ rung cảm càng trở nên cảm thông, thấu hiểu số phận con người hơn.”
Bức tượng khắc họa Shakespeare đặt trong nhà thờ Holy Trinity ở thị trấn quê hương ông ban đầu khắc họa một Shakespeare nắm trong tay bao ngũ cốc. Đến thế kỷ 18, nó được thay bằng một bức tượng “văn học” hơn với hình ảnh Shakespeares đặt một tay lên trên chiếc nệm và tay còn lại cầm chiếc bút lông.
Bức tượng ban đầu khắc họa đại văn hào nắm trong tay một bao ngũ cốc.
Theo Dân trí