Một ngày tháng 11.2011, khi vợ chồng nhà Samarsky đang ngồi uống trà, chợt thấy trên màn hình tivi, cậu con trai của mình đang trình bày gì đó với Dmitri Medvedev. Ấy là buổi truyền hình trực tiếp cảnh Tổng thống Liên bang Nga gặp gỡ những người viết blog… Và sau khi nghe ý kiến của một cậu bé mới mười lăm tuổi, Tổng thống đã sửa ngay chính sách đối với học sinh khiếm thị...
Năng khiếu văn chương
Cách nay dăm năm, cũng trong nhà ấy, điện thoại đã đổ chuông – một nhà xuất bản gọi đến, nhận ấn hành tác phẩm của Mikhail Samarsky: hóa ra cậu con trai đã âm thầm viết truyện rồi gửi bản thảo điện tử đến một số nhà xuất bản, và có hồi âm ngay.
Chào đời năm 1996, mới mười ba tuổi, Mikhail Samarsky đã giật giải cuộc thi sáng tác văn học do hãng truyền thông OLMA tổ chức, xuất bản được hai cuốn truyện Đánh đu giữa những triền đồi và Cầu vồng cho người bạn rồi cho ra mắt Mười hai lần chạm tới chân trời (phần tiếp theo của Đánh đu giữa những triền đồi, 2010). Năm 2012, Cầu vồng cho người bạn và phần tiếp theo - Công thức của thiện tâm - được nhà xuất bản danh tiếng Eksmo ấn hành, nhận được nhiều lời khen của giới phê bình văn học và nhiều giải thưởng.
|
Cầu vồng cho người bạn kể về cậu bé Sasha khiếm thị và con chó dẫn đường Trisonna của cậu. Nhà văn thiếu nhi dùng một thủ pháp độc đáo – toàn bộ cuốn sách là lời kể của con chó trước những gì diễn ra trong thế giới loài người. Giữa một xã hội không ít kẻ tham lam, toan tính, bon chen, phản phúc và vô cảm, nó trải qua “kiếp chó” thực sự: khi lang thang vô gia cư, khi giữ nhà gác cổng, khi gặp những tình huống dễ mất mạng nhưng vẫn thực thi bổn phận phụng sự thân chủ bằng những phẩm chất rất người, và khi thân chủ khiếm thị đã thấy được cầu vồng thì lưu luyến chia tay để đến với một người khiếm thị mới. Chấp nhận một cuộc sống luôn luôn thay đổi, nó cũng có những lúc thảnh thơi suy ngẫm và triết lý về những điều mình tâm đắc… Tác phẩm này được ấn hành bằng chữ nổi, bằng các thứ ngữ Đức, Czech, Bulgary, Thụy Điển và đang được dựng thành phim truyện nhựa.
Tổng thống Nga đã đọc Cầu vồng cho người bạn nên khi gặp Mikhail, ông mới biết về trường hợp cô Nastia Nakopia ở vùng Tulsk, mười bảy tuổi, làm thơ hay, khi tốt nghiệp trường phổ thông thì mọi thiết bị dành cho người mù (bàn phím chuyên dụng, máy vi tính, máy đọc chữ nổi…) đều bị nhà trường giữ lại, mà mua sắm bộ mới phải có khoảng 6.000 rub – quá sức của gia đình cô! Một số vấn đề cấp thiết nữa của người khiếm thị đã được tác giả trẻ chuyển tiếp tới người đứng đầu nhà nước. Nghe chuyện của Mikhail, Tổng thống liền giao cho Bộ Giáo dục sửa ngay chính sách, nhờ đó, các học sinh khiếm thị sau khi ra trường được mang theo đầy đủ thiết bị chuyên dụng để bước vào cuộc đời của người đã thành niên.
“Nhân vật” bốn chân
|
Mikhail hằng đau đáu nỗi niềm của người khiếm thị đã bốn năm nay. Khi ấy, lần đầu tiên trong đời, cậu nghe được câu “Chúng tôi có cặp mắt đã chết, nhưng trái tim thì đang sống” từ một thanh niên lớn tuổi hơn mình. Trời đã chuyển tối, thấy anh được một con chó dắt đi chơi ngoài sân nhưng vẫn không gỡ cặp kính râm, cậu tò mò, và khi anh em quen nhau rồi mới biết: anh bị mù lòa, phải nhờ con chó đưa đường. Nghe chuyện Ivan phải hàng ngày hàng giờ đối mặt với nỗi sợ hãi và tuyệt vọng bởi sự bất lực của anh, Mikhail ướm thử mình vào hoàn cảnh mù lòa, dùng băng đen bịt mắt suốt ba ngày ba đêm… Khi gỡ băng, thấy lại ánh cầu vồng chói chang trên bầu trời, cậu đã nguyện: “Còn sống trên cõi đời này, mình còn giúp những người khiếm thị”.
Tìm được ở ven Moskva một ngôi trường luyện chó đưa đường, Mikhail thường tranh thủ đến đó xem cách huấn luyện, học hỏi ở những thầy dạy. Thì ra, chó dẫn đường có thể nhớ 30 - 40 lộ trình, tất nhiên, phải đặt cho mỗi lộ trình một mã hiệu để hễ xướng lên là nó dẫn đi đúng rắp. Chó có thể phân biệt màu đèn báo giao thông và khi thấy đèn xanh, nó còn biết chờ cho hàng xe đầu tiên dừng lại hẳn rồi mới tiến bước. Nó còn biết ngủ ngay cạnh giường thân chủ, để ban đêm, nhỡ người mù có cần gì đó thì còn hỗ trợ được ngay. Ngôi trường luyện chó đưa đường là độc nhất vô nhị ở nước Nga, nhưng tiếc là mỗi năm chỉ cho ra trường được 80 chú khuyển, mà nhu cầu thì rất lớn…
Những trái tim đang sống
Đã viết về người khiếm thị, bây giờ có thể bắt đầu giúp được họ bằng thực tế – Mikhail sáng lập quỹ “Những trái tim đang sống”, nhằm quyên tiền mua máy đọc chữ nổi của Nhật Bản và những bàn phím chuyên dùng cho người mù điều khiển máy vi tính để họ vào internet. Đời vẫn có nhiều người tốt: ông Andrei Riabinsky thấy con gái thích thú cuốn sách của Mikhail, bèn hiến 2,5 triệu rub để mua máy đọc chữ nổi của Nhật, và trường hợp này lan truyền ra nhiều bậc phụ huynh, thu hút nhiều nhà hảo tâm, nên trong một thời gian ngắn, chương trình đã giúp được hơn 100 học sinh khiếm thị. Cũng có trường hợp không suôn sẻ từ đầu: khi muốn chuyển tiền quyên được cho thành phố Novoshakhtinsk, thì vị trưởng phòng giáo dục sở tại đáp ráo hoảnh “ở đây không có học sinh khiếm thị”… Nhờ những người viết blog địa phương điều tra cụ thể, Mikhail biết chắc trong thành phố có chín học sinh khiếm thị, và tiền của quỹ “Những trái tim đang sống” được chuyển ngay tới Novoshakhtinsk.
|
Trên toàn nước Nga có 300.000 người khiếm thị, theo thống kê chính thức, nhưng trên thực tế thì sao mà đếm hết – nên Mikhail còn bao việc phải làm…
Hiện Mikhail đang học trường nội trú thuộc Đại học Quốc gia Moskva (MGU). Quen nếp nhà – bố là nhà soạn kịch, mẹ viết truyện ly kỳ - cậu nêu chỉ tiêu hằng ngày đọc 100-200 trang sách để trau dồi kiến thức văn. Cậu công khai chê những sáng tạo thời thượng hiện nay ở sự trốn tránh hiện thực để chui vào những thế giới khác như ma cà rồng, người ngoài hành tinh… Ở tuổi mới lớn đã in bốn cuốn sách được đón đọc rộng rãi, Mikhail Samarsky chỉ nhận mình là học sinh đang phấn đấu trở thành nhà văn, trong khi tác phẩm của cậu đang được những vị giáo sư khả kính nghiên cứu, và họ kinh ngạc bởi cậu học trò hiện đại này biết dùng nhiều từ ngữ cổ và lối diễn đạt thuần Nga…
Theo ĐĂNG BẨY - NDBND