Văn nghệ thế giới
Ăn khách để sống dai
09:08 | 23/04/2013

Ngôi sao thực sự của văn học Romania hiện nay là Mircea Cartarescu. Sinh năm 1956, tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Bucarest 1980, nhưng trước đó hai năm, Mircea Cartarescu đã xuất hiện trong tạp chí Văn học Romania với tư cách nhà thơ.

Ăn khách để sống dai

Ra trường, chàng cử nhân vừa tiếp tục sự nghiệp văn chương, vừa sống bằng khá nhiều nghề: dạy ngữ văn (giai đoạn 1980 - 1989), làm việc trong Hội Nhà văn Romania, xuất bản tạp chí Những trang phê bình. Từ năm 1991, anh trở lại với công việc giảng dạy và làm giáo sư thỉnh giảng của trường Đại học Tổng hợp Amsterdam (Hà Lan) trong hai năm 1994 - 1995. Năm 1999, nhà văn đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Romania. 

Khởi nghiệp văn chương

Mircea Cartarescu thuộc thế hệ nhà văn Romania nổi lên trong thập niên 1980 dưới sự dìu dắt của hai nhà phê bình văn học bậc thầy Nicolae Manolescu (sinh năm 1939, sau này, từ năm 2005 là chủ tịch Hội Nhà văn Romania) và Ovid Crohmălniceanu (1921 - 2000). Cùng với những bạn văn đồng trang lứa - như Mircea Nedelciu (1950 - 1999), Cristian Teodorescu (sinh năm 1954), Sorin Preda (sinh năm 1951), George Cusnarencu (sinh năm 1951)… làm nên dòng văn học theo trường phái hậu hiện đại ở Romania.

Trong những năm 1980, khi đêm đêm người ta xếp hàng dài ở cổng hậu cửa hàng lương thực thực phẩm, văn nghệ sĩ thì không đủ điều kiện tối thiểu để sống và luôn luôn chịu sức ép của mật vụ kiểm duyệt, Mircea Cartarescu bước vào đời sống nghệ thuật. Như một sự “đồng thanh tương ứng” với những bộ óc vĩ đại trong quá khứ, nhà văn trẻ gặp rất nhiều cơn mơ rồi dựa vào đó kể lại trong phần lớn các tác phẩm của mình.

Sức sáng tạo dồi dào

Về thơ có: Những đèn pha, cửa hiệu và bức ảnh, 1980, giải thưởng Hội Nhà văn; Thơ tình, 1982; Tất cả mọi thứ, 1984; Miền cận Đông, 1990, giải thưởng Hội Nhà văn; Tình yêu, 1994; 50 bài sonnet, 2003… Về văn xuôi có: Giấc mơ, 1989, giải thưởng Viện Hàn lâm Romania, được đề cử vào giải của Hội Latin và giải Médicis của Pháp ở hạng mục “cuốn sách nước ngoài hay nhất” năm 1992; Nữ giả nam, 1994, giải thưởng Hội Nhà văn; Chói lọi tập I - Cánh trái, 1996; Nhật ký 1990 - 1996; Chói lọi tập II - Phần thân, 2002; Bách khoa thư về rồng, 2002; Vì sao chúng ta yêu phụ nữ, 2004; Nhật ký tập II 1997 - 2003; Chói lọi tập IIICánh phải, 2007… Được đánh giá cao về sự lịch lãm tinh tế, vẻ đẹp ngôn ngữ và tinh thần không ngừng trau chuốt về văn phong, ngay từ tác phẩm đầu tay đến sau này, hầu như cuốn sách nào của Mircea Cartarescu cũng được Hội Nhà văn và Viện Hàn lâm trao giải thưởng.

Sau biến cố mùa Giáng sinh năm 1989, sáng tạo của Mircea Cartarescu hầu như không thay màu đổi hướng: trường ca Miền cận Đông là hiện tượng thuần túy hình thức, nó cũng như tập tản văn Hoài cảm, 1993, được tác giả viết để chào một thời mới, vừa mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Romania, song vẫn không bị ràng buộc bởi thị hiếu độc giả và hiệu quả thương mại lúc ấy.
 
Hai đỉnh cao

Trong tiểu thuyết sử thi ba tập Chói lọi, tác giả dẫn dụ người đọc vào rừng rậm của tâm lý con người, vào cảm xúc bén nhạy của một đứa trẻ với sự miêu tả tâm sinh lý kỹ càng. Xung quanh nhân vật chính, tác giả kỳ công dựng lên những cấu trúc thông minh kỳ lạ nên đây là tác phẩm rất khó xác định về thể loại, không hề dễ đọc nhưng giúp cho tác giả được mệnh danh là “Marquez của Romania”.

 


Nhà văn Romania, Mircea Cartarescu

 

Và tập truyện ngắn mang nhan đề đậm chất giải trí Vì sao chúng ta yêu phụ nữ đã thực sự đẩy Mircea Cartarescu vào chốn thương trường. Đây là bộ sưu tập các lời tự thú về cuộc sống tình dục, là cách tiếp cận vấn đề giới tính của tác giả với những chất liệu phong phú, đậm sắc địa phương nhưng cũng mang hơi hướng của những nhà văn nổi tiếng thế giới (Marcel Proust, Alain -Fournier, Henry Miller, Vladimir Nabokov). Tác giả đã tạo nên một câu chuyện hoang đường về mình với lực hướng tâm thu hút những người phụ nữ - điều này gợi lên không ít tò mò từ phía độc giả - bởi còn gì thú vị hơn là cuộc sống riêng tư của nhà văn? Nét đặc sắc của cuốn sách này là hai phần ba số truyện trong tập đều đã được tạp chí thời trang sành điệu Elle công bố trước đó, và hầu hết nữ nhân vật đều có nguyên mẫu không lạ gì với giới văn chương Romania. Trong những điều tự thú kia, tuy rằng có chỗ thành thực đến cực đoan, có chỗ dung tục quá mức, có chỗ sâu cay hài hước, nhưng, nhờ tính chi tiết cụ thể được đồng thuận bởi chất hoang đường nên cuốn sách được thị trường công nhận là có sức cạnh tranh lớn. Vì sao chúng ta yêu phụ nữ đã dấy lên hai luồng dư luận trái chiều. Những độc giả theo phái nữ quyền thì giận dữ, thậm chí còn nhại ra rằng “vì sao chúng ta yêu đàn ông”. Lại có những người giương cao khẩu hiệu “không được đụng đến Mircea Cartarescu!”… Thành thử, cuộc tranh luận càng om xòm gay gắt càng cộng thêm điểm cho cuốn sách và thu hút bạn đọc rộng rãi: nó đã lập kỷ lục xuất bản ở Romania - ấn lượng 150.000 bản. Còn Mircea Cartarescu thì có cách tính riêng và muốn tìm cho văn chương của mình một vùng đệm lý tưởng giữa “tính thị trường” và “tính bất hủ”, nói nôm na là “ăn khách để sống dai”. Văn ông là sự kết hợp kỳ lạ những phẩm chất: tinh tế trong cuộc sống tình dục, cầu kỳ trong hình thái cảm xúc và những sắc màu rực rỡ trong bản sắc dân tộc. Chính vì thế mà Mircea Cartarescu là nhà văn Romania có nhiều người đọc nhất trong thập niên gần đây.

Thuộc số không nhiều nhà văn Romania giành được tín nhiệm quốc tế, Mircea Cartarescu đã được dịch, xuất bản ở 15 nước và thu được khá nhiều giải thưởng văn chương: năm 2005 - giải thưởng Acerbi của Italy, 2010 - huân chương Văn học Nghệ thuật của chính phủ Pháp và mới đây, năm 2011 - Vilenica Prize, giải thưởng hằng năm, do Hội Nhà văn Slovenia lập từ 1986, tặng các nhà văn Đông Âu và Trung Âu, trao tại Liên hoan văn học quốc tế ở Vilenica.

                                                                                                    Theo Đăng Bẩy - NDBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng