Ngày 14.5 vừa qua, nhà văn Mỹ Dan Brown đã ra mắt 4 triệu bản lượt đầu tiểu thuyết thứ 6 - Địa ngục, sau những Mật mã De Vinci, Pháo đài số, Điểm dối lừa, Thiên thần và ác quỷ, Biểu tượng thất truyền… làm nên danh giá cho tác giả. Theo “thông lệ” đối với cây bút chịu khó tìm tòi này: Địa ngục vừa trình làng đã gây ầm ĩ…
Sách khiến nổi da gà
Nhân vật đầu tiên xuất hiện mở đầu tiểu thuyết Địa ngục là một thanh nữ với bộ trang phục màu đen suốt từ đầu đến gót, lại bằng toàn một chất liệu: da thuộc - thế thì đúng là hiện thân của quỷ cái ở chốn địa ngục rồi! Mục tiêu của quỷ cái là xua đuổi nỗi sợ đối với nhân vật chính Robert Langdon, giáo sư sử học sành về nghệ thuật, đặc biệt là về những bí ký, biểu trưng bí hiểm. Nhưng hiện thời, giáo sư mắc bệnh mất trí nhớ, cứ ngỡ mình đang thuyết trình ở Đại học Havard nước Mỹ, mà trên thực tế thì lại ở Florence nước Ý, nơi thiếu vật bất ly thân là chiếc đồng hồ, trên mặt có hình chú chuột Mickey với chiếc áo cố hữu tã tượi (mà ta đã quen từ tiểu thuyết Mật mã De Vinci). Nhưng ngay cạnh giáo sư lại là nàng Sienne - nữ bác sỹ có IQ (thông số trí tuệ) còn cao hơn cả cha đẻ thuyết Tương đối Einstein và ngoại hình cỡ siêu sao Hollywood.
Nhưng dư địa chí chỉ là thứ yếu. Chủ đề tiểu thuyết đề cập sự pha trộn ghê gớm trong nền tảng văn hóa ngầm rất u tịch - ta quen gọi là trầm tích - của trái đất, và cụ thể hơn, là sự nổi khùng, những cố gắng cưỡng lại tình trạng bùng phát dân số, chật chội cư dân. Trong sách, Bertrand Zobrist - nhà tỷ phú nắm trong tay lực lượng vũ trang tối tân đang chuẩn bị làm một cuộc đảo chính tầm cỡ “ngày phán xử cuối cùng của Chúa” - khi được người đứng đầu Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) hỏi: “Bây giờ ta đã có 7 tỷ người, ngăn chặn bây giờ liệu có muộn không?” thì nhà tài phiệt kiêm quân phiệt chỉ biết đáp lại cũng bằng câu hỏi: “Có muộn chăng?”.
Đoạn này đã biến độc giả trở thành đồng tác giả và nổi da gà.
Tiếp nối tầng địa ngục
Từng được độc giả thả lỏng kể từ Mật mã Da Vinci (2003), Dan Brown cho phép mình ở trang nào cũng gài lẫy trong cái bẫy giăng đầy ám chỉ và ẩn dụ, đưa các nhân vật của Địa ngục di chuyển trên một bãi dày đặc mìn. Người giật giây kích nổ bãi mìn đó không phải ai khác - chính là Dante Alighieri - tác giả thiên tiểu thuyết bằng thơ Thần khúc, trong đó phần đầu có tiêu đề Địa ngục. Ngày ra mắt tiểu thuyết mới, Dan Brown cũng chọn đúng theo ý thức chỉ đạo: 14 tháng 5 năm 13, ghi tắt là 3-14015. Bạn có biết không, đó chính là giá trị tương đối của số pi. Bởi vì Dante Alighieri đã rải Địa ngục của mình ra làm nhiều vòng nhiều tầng, và số pi nhắc nhở về cách đo đạc những tầng ấy. Dan Brown có ý định soi rọi vào những viễn tưởng khoa học đầy thi vị của bậc tiền bối Dante Alighieri, như biến đổi gene đang trở thành nạn dịch toàn cầu có nguy cơ hủy hoại nhân loại. Người sau dẫn lời của người trước: “Những góc u tối nhất ở địa ngục để dành cho những kẻ giữ thái độ trung dung giữa cái thời khủng hoảng đạo đức”.
Viết đã tìm tòi - phê cũng tìm tòi
Tác giả vĩ đại của cuốn tiểu thuyết thiên tài Mật mã De Vinci vừa thức giấc giữa long sàng, trong một dinh thự trị giá 10 triệu USD, và bỗng thèm nổi cơn thiên đình. Ngài cáu giận với số phận của một nhà văn giàu có nhất hành tinh ư? Nhưng cơn lôi đình của Dan cũng có cái lý của nó, vì trong đúng ngày hôm đó, cuốn tiểu thuyết mới của ngài - Địa ngục - sẽ trình làng… Đã quen với những luồng dư luận trái chiều về tác phẩm của mình, Dan thừa biết cuốn tiểu thuyết mới nhất này rồi sẽ bu đầy những con muỗi phê bình. Họ sẽ luận ra nhiều tội lỗi cho ngài: sai chính tả, trùng lặp câu chữ và ý tứ, ẩn dụ lạ lẫm, kiểu “mắt trắng bệch như mắt cá sấu trước lúc tấn công con mồi”, kể lể dông dài… Tóm lại - là những lỗi chết người trong văn chương. Những dư luận kiểu ấy, đương nhiên, khiến Dan bất an, ngài lập tức điện cho “đại diện toàn quyền” của mình và được phúc đáp:
- Ai lmà việc nấy, lời lẽ của bọn ghen tỵ ấy thì chấp làm gì. Đứng về phía ta, có hàng triệu độc giả đấy ạ.
- Thật thế à, - Dan thở phào nhẹ nhõm.
Thật mà. Các tiểu thuyết của Dan, ai mà chả đọc - từ Tổng thống Obama đến ngôi sao nhạc pop Britney Spears, từ nữ hoàng Elyzabeth đến ca sĩ Ledy Gaga”...
Đấy là kiểu giới thiệu sách mới Địa ngục theo phong cách hài hước của nhà phê bình văn học Michael Deacon đăng trên tờ báo London Telegraph. Tuy không nói lời nào về tiểu thuyết Địa ngục, nhưng kỳ thực đã có sự đánh giá cặn kẽ về cuốn sách mới, về nghiệp văn của Dan Brown cũng như tâm trạng độc giả của tác giả những cuốn tiểu thuyết thiên về mật mã...
Đụng chạm một thủ đô
Và tiểu thuyết Địa ngục đã nhanh chóng gây hiệu ứng: Thị trưởng Manila Francis Tolentino đã đọc hết và lập tức công bố thư ngỏ cho Dan Brown, trong đó vạch rõ: tác giả đã phiến diện khi miêu tả thủ đô của Philippines, cụ thể, chỉ kể những mặt tiêu cực trong đời sống của người Philipines và mai mỉa cả những phẩm chất của thành phố. Trong thư, ngài thị trưởng nhấn mạnh rằng, người Philippines ưa kiểu quan hệ thiện chí và đồng cảm lẫn nhau, và thủ đô Manila không phải cổng địa ngục, mà là lối vào thiên đàng.
Chả là, một nữ nhân vật của Dan Brown ở Manila về, cô ta kể toàn những chuyện nhếch nhác bẩn thỉu, nghèo hèn, lắm tội phạm, trẻ chưa thành niên đã bị bố mẹ đẩy đi bán dâm - một cuộc sống bản năng, tuyệt vọng, con người không khác gì con thú hoang...
Đây không phải lần đầu tiên nhà chức trách Manila thấy bị xúc phạm trong nghệ thuật. Còn nhớ, năm 1998, Philippines chẳng đã ra tuyên bố chính thức tẩy chay nữ diễn viên Mỹ Claire Danes vì trả lời phỏng vấn rằng ở Manila thấy toàn mùi gián, và cấm chiếu toàn bộ phim có cô tham gia...
Giữa sáng tạo và bịa đặt có một khoảng cách xa đến như thế. Tiểu thuyết mới Địa ngục của nhà văn Mỹ lừng danh Dan Brown đang đón những thử thách của nhân tâm.
Theo ĐĂNG BẨY - TT&VH