Văn nghệ thế giới
Bắt đầu từ cô gái kỵ binh
08:06 | 03/09/2013

Sớm khẳng định được tài năng, góp phần làm nên những bộ phim bất hủ về tính cách muôn thuở của người Nga: Bài ca kỵ binh, Chuyện kể về vua Saltan, Giải phóng… nữ Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga Larisa Golubkina là gương mặt không dễ gì quên.

Bắt đầu từ cô gái kỵ binh

Trái ý người cha

Khi Larisa Golubkina ra đời ngày 9.3.1940 tại Moskva thì người cha đang phục vụ quân đội, thành thử người mẹ phải nghỉ hẳn việc, ở nhà chuyên chú vào việc chăm con. Mới vài ba tuổi đã thích mặc váy đẹp lên sân khấu, là bàn ghế kê ghép lại, và đòi tắt hết đèn trong nhà để trổ tài ca hát, ngôi sao nữ tương lai quả là sớm biết nhận ra một điều: cần phải giữ khoảng cách nhất định giữa khán giả và nghệ sĩ… Biết thiên hướng của con, người cha nghiêm khắc một mực ngăn cản, ông thường nói kháy: “Làm nghệ sĩ ấy à - đến gần họ còn khó, nữa là”… Hiểu ý chồng, người mẹ chiều con phải lén đến trường Nhạc nộp đơn khi Larisa mười lăm tuổi. Hai năm sau, cô cùng gia đình nghỉ mát ở Sochi thì dàn nhạc Kondrashevsky và nhà hát Kịch Gorky cũng đang lưu diễn tại đó. Người cha máu mê bài bạc nên có thể ngồi sát phạt vớái các nhạc công suốt buổi, nhưng ông không quên hăm dọa: “Chớ có ngó ngàng đến con gái tôi”. Còn khi một nữ diễn viên kịch nói ghé tai hỏi Larisa điều gì đó, lập tức người cha ra lệnh: “Này con, tránh xa ra, diễn viên đấy”.

Cũng theo lệnh cha, đang học lớp cuối cấp phổ thông, tối tối, Larisa đã phải đến trường đại học Tổng hợp để tập nghe dần những bài giảng về vật lý và hóa học… Ấy vậy mà, cuối cùng, cô con gái rượu của người cha nghiêm khắc vẫn chọn nghiệp diễn viên.

 

 
 Cô sinh viên Âm nhạc Golubkina trở thành ngôi sao điện ảnh

 

Giả trai, làm kỵ binh

Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm Âm nhạc Moskva (1959), Larisa thi đỗ vào khoa Âm nhạc trường Nghệ thuật Sân khấu (GITIS), đang học năm thứ hai thì nhận được lời mời đóng phim từ đạo diễn Eldar Riazanov khi đó bắt đầu được chú ý với những phim Đêm vũ hội hóa trang, Cô gái không địa chỉ… Cô sướng như điên, đến ngay xưởng Mosfilm và biết: trước mình đã có nhiều nữ diễn viên tài năng, xinh đẹp đến thử vào vai nữ chính trong phim Bài ca kỵ binh, nhưng đều bị loại. Sự phù hợp về ngoại hình cộng với tính ưu việt của tuổi trẻ đã giúp cô sinh viên âm nhạc đắc cử vào vai ấy - cô nàng Shurochka Azarova. Đó là một đứa trẻ sớm mất bố mẹ, được người bác ruột là võ quan hưu trí sống trong điện phủ dạy dỗ, nên lớn lên không giống các cô gái khác trong vùng: Shurochka chỉ thích cưỡi ngựa, bắn súng và đấu kiếm. Khi đang trong trang phục một sĩ quan Tây Ban Nha để tham gia vũ hội hóa trang, cô gặp Rzhevsky - một hạ sĩ quan kỵ binh đến để xem mặt… chính mình, trước khi anh chàng quyết định cầu hôn. Vốn tính thông minh ranh mãnh, cô vừa trêu đùa và cũng vừa tranh thủ hé lộ về bản thân trước chàng. Khi cuộc khiêu vũ trong điện phủ của võ quan hưu trí đang tưng bừng thì có tin bùng nổ cuộc chiến với đạo quân của Napoleon, đám đàn ông nhanh chóng tản về các đơn vị trực chiến, Shurochka vẫn để nguyên quân phục lễ hội, giả trai và đầu quân để thỏa nguyện sánh cùng các bậc mày râu bảo vệ Tổ quốc. Ở chốn trận tiền, nàng chiến đấu dũng cảm và, cho đến khi chứng minh được sự mưu trí, gan dạ của mình, nàng mới tiết lộ bí mật về giới tính thực. Golubkina thấy nhân vật này có tâm tính giống mình như đúc nên rất thích. Cô dành cả mấy ngày tập đi đứng, điệu bộ, cử chỉ cho ra dáng nam nhi. Cô tập luyện khá thành thục với yên cương và tuấn mã rồi hào hứng bước vào trường quay. Là người từ nhỏ vốn sợ độ cao, cô không dám nhảy từ ban công tầng hai xuống bãi cỏ, nhưng được đạo diễn Riazarov và bạn diễn Yakovlev khích lệ, cô liều nhảy thử hai lần, đều trót lọt, đến lần thứ ba, rất ăn phim, nhưng bị trẹo chân, phải giã từ giày dép cao gót…

Bài ca kỵ binh vừa ra mắt năm 1962 đã thu hút khoảng 50 triệu lượt người xem và danh tiếng nữ diễn viên chính Golubkina nổi như cồn. Khắc nghiệt đến như người cha, mà sau khi xem phim cũng thay đổi thái độ đối với nghề diễn viên và kiêu hãnh về con gái.

 

 
Golubkina trong phim Giải phóng

 

Những vai diễn khác

Nhận bằng tốt nghiệp khoa Nhạc kịch GITIS năm 1964, Golubkina trở thành diễn viên Nhà hát Hàn lâm Trung ương Quân đội Xô Viết, có vai diễn nổi đình nổi đám trong vở Anh lính và nàng Eva. Nhưng thành công của nữ kỵ binh giả trai Shurochka đã kéo nghệ sĩ sung sức vào điện ảnh, truyền hình với nhiều vai diễn đáng nhớ: chị Rita trong phim truyện tâm lý Ngày hạnh phúc (1963, đạo diễn Yuri German), nữ tình báo viên Lidia Kostyuk trong phim chiến đấu li kỳ Bây giờ ta biết xưng hô thế nào?” (1965, Vladimir Chebotaryov), giám đốc nhà hàng Tatyana Shumova trong phim hài hước Cho xin cuốn sổ ghi cảm tưởng! (1965, E. Riazanov), Hoàng hậu trong phim cổ tích Chuyện kể về vua Saltan (1967, Alexandr Ptushko)… Trong bộ phim sử thi năm tập Giải phóng (1972, Yuri Ozerov), nữ y tá Zoya (có đoạn cô đang “tắm tiên” ở mặt trận và anh chiến sĩ - người yêu đang tiến đến, thì bỗng ran ran tiếng súng, mọi người phải nhanh chóng về vị trí chiến đấu) - ấy chính là Golubina. Còn trên màn ảnh truyền hình, nữ nghệ sĩ có vai Anne trong phim ca nhạc hài hước hai tập Ba người trên thuyền, không kể một con chó (1979, Naum  Birman), nữ nhân viên đường sắt trong phim hình sự Chỗ hẹn không được thay đổi (1979, Stanislav Govorukhin) và gần đây nhất, vai bà Margarita Gagarina trong bộ phim trinh thám Cuộc phiêu lưu ngoạn mục (2007, Valery Akhadov). Golubkina không thiếu lời mời đóng phim, nhưng đã phải từ chối khá nhiều, phần là do tự thấy vai diễn không ưng ý, phần là do bận trọng trách ở nhà hát, phần nữa do cần ưu tiên cho tổ ấm gia đình…

 

 
 Áp phích phim Chuyện kể về vua Saltan

 

Đường tình duyên

Golubkina đã từng qua một cuộc hôn nhân chóng vánh, duy trì không quá đôi năm rồi tan vỡ, chỉ giữ được cô con gái đầu lòng Maria Golubkina (sinh năm 1973, về sau nối nghiệp mẹ và đang nổi tiếng). Năm 1974, người mẹ đơn thân bắt đầu quen diễn viên Andrei Mironov (khi đó đã nhạt tình với người vợ đầu, nữ diễn viên nhà hát Châm biếm, Ekaterina Gradova, về sống ở nhà bố mẹ đẻ). Bị cuốn hút bởi sự quan tâm săn sóc miễn chê của Mironov, nàng an tâm gọi chàng về căn hộ mới được cấp, chung sống một thời gian, đến năm 1976 chàng hoàn tất thủ tục ly dị, hai người mới chính thức là vợ chồng, tâm đầu ý hợp trong nhiều vở diễn, cho đến ngày 16.8.1987, Mironov qua đời. Và đường tình duyên của Golubkina kết thúc ở đó.

Tài năng được khẳng định sớm, góp phần làm nên một bộ phim bất hủ về tính cách muôn thuở của người Nga, nữ Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga Larisa Golubkina vẫn không quên vốn âm nhạc mà mình được đào tạo bài bản. Từ năm 1999, bà tham gia và trở thành linh hồn dự án Những ngôi sao sân khấu, điện ảnh ca hát do nhà soạn kịch kiêm đạo diễn Viktor Merezhko và nhạc sĩ Evgeny Bednenko khởi xướng. Những bản romance Nga qua giọng hát của Larisa Golubkina ở tuổi chiều tà vẫn khiến người nghe say đắm…

Theo Đăng Bẩy - NDBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng