Lời người dịch :Giải Nôbel Văn Chương 2013 đã được trao cho nữ văn sĩ Canada 82 tuổi, Alice Munro. Với một lời giải thích ngắn gọn “ Bậc thầy của truyện ngắn đương đại” Bà là công dân Canada đầu tiên ,nguời phụ nữ thứ mười ba và một trong số hiếm hoi các cây bút viết truyện ngắn nhận được giải thưởng cao quý này
Nữ nhà văn sinh năm 1931 này , từ lâu đã rất nổi tiếng ở đất nước Canada bởi những truyện ngắn viết về đời sống của vùng nông thôn Ontario, với những truyện ngắn này bà đã được nhắc đến như là một Tchekhov của thời hiện đại. Dẫu đã rất nổi tiếng và sở hữu một danh sách rất ấn tượng các giải thưởng văn chương danh giá, Alice Munro vẫn là một gương mặt khá là bí ẩn luôn giấu mình sau hình ảnh các nhân vật của bà, đa phần là phụ nữ và đều hiếm khi mang một vẻ đẹp hay sự hấp dẫn về hình thức.
Sinh ra trong một gia đình ở vùng thôn quê miền Onritario, cha làm nghề nuôi gia súc còn mẹ là giáo viên tiểu học, ngay từ nhỏ bà đã khao khát muốn viết văn : “ Tôi không có một tài năng gì đặc biệt, tôi không thông minh và xinh đẹp, tôi luôn là một người vợ, một người mẹ vụng về, vì thế nên chẳng có gì có thể cản trở việc viết văn của tôi.”
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một bài viết về tập truyện ngắn Trốn chạy (Runaway)tác phẩm duy nhất của bà cho tới nay đã được dịch ra tiếng Việt (Nhà xuất bản Văn học và Nhã Nam phát hành năm 2012 ,Trần Thị Hương Lan dịch )
------------------------------
Đây là một cuốn sách dành cho những người đàn ông. Những người luôn tự cho rằng mình quá hiểu phụ nữ.Những người, như chúng ta thường thấy, có một khuynh hướng tai hại là luôn đánh giá những người phụ nữ : quá phức tạp, khó dự đoán, đồng bóng, cực đoan…chắc chắn ở đây có sự liên quan tới những thiên kiến về giống loài, thứ thiên kiến đôi khi chẳng dựa trên một nền tảng nào nhưng không thể phủ nhận rằng nó vẫn đang ảnh hưởng mạnh mẽ lên mối quan hệ giữa hai giới đàn ông và đàn bà. Chính vì thế mà Trốn Chạy thực sự là cuốn sách mà những người đàn ông đó cần đọc, không chỉ vì cuốn sách này đã được một người đàn bà viết ra, kể về số phận của tám người đàn bà khác,mà bởi vì Alice Munro không bao giờ muốn giải quyết tận gốc vấn đề trong bất kỳ phạm trù đạo đức hay tinh thần nào. Bà không phán xét và cũng chẳng kết án, bà không bảo vệ những người phụ nữ để chống lại những người đàn ông. Nếu đọc kỹ,chúng ta thấy những gì bà viết chỉ là những thứ hậu quả không thể tránh né được. Munro quan sát và kể lại cho chúng ta nghe về số phận của tám người đàn bà, bị cám dỗ bởi việc trốn chạy, bị hút hồn bởi một nơi chốn xa xăm, một thứ “nơi chốn”có thật hay chỉ thuần túy là tưởng tượng, một thứ gì đó , trong mọi trường hợp,luôn ở một khoảng cách rất xa với cuộc đời của họ. Rất xa với chính bản thân họ.Một thứ gì đó luôn ngăn cản họ trong cuộc đời mình đi tới được tận cùng của sự khoái cảm , chúng gắn kết một cách bí ẩn với sự bất lực trong việc đạt tới khoái cảm. Những người phụ nữ này luôn lưỡng lự, tự vấn, tự phán xét mình, do dự né tránh, tự lên án mình, kết tội mình để rồi một lúc nào đó họ đột ngột vứt bỏ tất cả : gia đình, cuộc sống yên ả, những nỗi sợ hãi mơ hồ để trốn chạy. Tuy vậy cuối cùng họ vẫn phải dừng cuộc phiêu lưu lại để neo bám vào một cái gì đó và kết cục vẫn là câu hỏi phải chăng những gì họ đã từ bỏ, đã vứt lại sau lưng là những thứ thích hợp với họ nhất. Tự do, dường như không có mặt ở những mảnh đất xa xôi huyễn tưởng mà thực ra nó luôn tồn tại, đang mơ màng ngủ trong chính mỗi chúng ta.
Những người đàn bà chúng ta gặp ở đây không hề là những người đàn bà sắt đá. Đó là những người phụ nữ không tầm thường, nhưng cuộc đời của họ đã trở nên tầm thường. Sờn mòn và mệt mỏi: đó là những cảm giác về cuộc sống và về chính họ, về chồng,con, về công việc. Đôi khi là về những mối tình thời trẻ, Những ham muốn những mơ ước bị xét đoán/thẩm định lại giá trị Một sự nhẫn nhục kéo dài trong câm nín. Những cay đắng bắt nguồn từ bế tắc, từ những nghịch lý , tất cả những người phụ nữ đó, ở vào một thời điểm nào đó, sẽ bị thuyết phục bởi cái ý nghĩ cho rằng cuộc đời họ đã tồi tệ như thế đã bắt nguồn từ chính lỗi lầm của họ, không có khả năng nắm bắt một cơ hội cho mình.Thế rồi cái khao khát chạy trốn xuất hiện thường trực trong họ, một giọng nói âm thầm bên trong, một giọng nói nhức nhối tận dụng mọi thời điểm, tận dụng mọi cơ hội vừa xẩy ra để hé lộ với họ rằng một cuộc sống khác là hoàn toàn có thể. Như Carla , nhân vật chính trong Trốn Chạythổ lộ với chúng ta: “Chỉ cần mở mắt ra, chỉ cần rõi về một hướng khác, để biết rằng những người đàn bà này có thể đi về đâu”. Carla không hề bất hạnh, trong mọi trường hợp,cho đến lúc đó, nhiều hay ít cô ta đã biết cách chế ngự, cách vượt lên nỗi buồn phiền, tìm thấy được trong mỗi khoảng khắc của đời sống một nét gì đó mang chất thơ, nhưng cố gắng này, ngày qua ngày đã làm mục ruỗng những hoài vọng của cô.
Chúng ta có thể nói rằng Trốn Chạy là một cuốn sách về những chiếc quan tài của những hy vọng. Không phải vì những người đàn bà này là nạn nhân của những số phận đã được định đoạt trước, cũng không phải vì họ quá yếu đuối hay hèn nhát, mà bởi vì cố chịu đựng theo tâm niệm phải hy sinh, sống theo những đánh giá/ phán xét của người khác, họ dần dần từ bỏ cái ước nguyện được sống cuộc sống của mình. Juliet đã mất người chồng trong một tai nạn du thuyền, trước đó cô đã nghi ngờ anh ta đã lừa dối cô, “ bầu không khí trong gia đình đã hoàn toàn thay đổi” , nhưng rồi thật kỳ lạ, sự biến mất của người đàn ông này, trùng hợp với sự vắng mặt bí ẩn và kéo dài của cô con gái, đã mở ra đột ngột một khoảng trời tự do mới mẻ, thế nhưng “ nhưng cô không thể dứt bỏ được những ý nghĩ về anh ta, dường như sự tồn tại của con người này với cô là đáng kể hơn so với bất cứ ai.Dường như anh ta vẫn là người mà cô muốn bừng tỏa sáng trước mỗi ánh mắt anh ta nhìn cô.[…] Đó như là một thói quen máy móc ở nơi cô mà ngay cả cái chết của anh ta cũng không phá hủy được nó.”
Ngay cả khi những người đàn bà này đã dùng hết sức mạnh để mở được cánh của và chiêm ngưỡng cái vẻ chói lòa của một chân trời mới , trên vai họ vẫn trĩu nặng nỗi lo âu, sự nghi ngại và những mặc cảm.Một vài người không cất nổi bước, vài người khác thì nuối tiếc vì đã ra đi.Việc ra đi này “ thật kỳ lạ bởi nó hết sức đơn giản đối với những người đàn ông, những người luôn tự tin rằng những người phụ nữ đã vô cùng hạnh phúc khi lấy được họ,còn ở những người vợ, chuyện đó hoàn toàn ngược lại.” Ở những người đàn ông, luôn tồn tại một thái độ tự tin, oai phong, có bóng dáng của quyền lực mà những người phụ nữ khi họ nhìn nhận thì luôn bị rơi vào cái mặc cảm sợ sệt hay bị chế ngự .Đó là một khía cạnh rất thành công của tập truyện ngắn này, bức tranh về những người đàn bà như một sức mạnh hoang dại bị thắng cương, như những chiều kích chưa được thỏa mãn của một nỗi niềm yêu thương bị kìm nén, trở thành công cụ của những chiếc bẫy tinh vi không hẳn mang sắc thái xã hội thuần túy. Họ không phải là nạn nhân theo nghĩa kinh điển của từ này nhưng lại chính là nạn nhân dưới một góc nhìn nhận sâu hơn mang tính bản thể. Bằng những nét chạm khắc rất hoàn hảo, với những xúc cảm tinh tế mang đậm phong cách cá nhân, Alice Munro đã giúp chúng ta giáp mặt với cái mà chỉ mới đây thôi chúng ta mới được biết tới dưới cái tên Nữ tính vĩnh cửu,nhưng ở đây là một thứ vĩnh cửu đã được chưng cất, đã được xén bỏ đi những đường viền riêm rúa hay lòe loẹt của những thứ ủy mị hay nhậy cảm thông thường. Những người đàn ông hãy đọc Alice Munro, thay vì cứ tiếp tục bồi đắp vun xới thêm những hoang tưởng sai lầm của mình về phụ nữ, họ có thể khám phá ra một thứ nữ tính thực sự mà thực ra không hề xa lạ , cái thứ nữ tính hàng ngày vẫn cận kề bên họ.
Jacqueline và Jean-Pierre Carasso
DươngThắng dịch từ tiếng Pháp “ Les Femmes sous influence. Le Magazine des Livres,No 14, 2-3/2009" . Bản dịch đã in trên báo Thời Nay số ra ngày 21/10/2013.
phiên bản điện tử Phongdiep,net