Văn nghệ thế giới
Chuyện nhỏ của nền điện ảnh lớn
10:15 | 02/01/2014

Mê phim như kiểu người Iran thật hiếm thấy. Bộ phim Cận cảnh của đạo diễn bậc thầy Abbas Kiarostami là câu chuyện một anh chàng mê phim quá mà mạo nhận mình là đạo diễn điện ảnh Mohsen Makhmalbaf. Những người bị anh ta lừa chẳng qua cũng vì mê điện ảnh quá. Một vụ án như vậy thật sự đã xảy ra và trở thành một giai thoại điện ảnh được tấm tắc truyền nhau ở Iran từ cuối những năm 1980.

Chuyện nhỏ của nền điện ảnh lớn
Một nền điện ảnh lớn cần có khán giả lớn. Tất nhiên đầu tiên và trên hết, nền điện ảnh lớn cần những nghệ sĩ lớn: đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim và các khâu không thể thiếu khác. Gốc rễ của điện ảnh, và của nhiều ngành nghệ thuật, suy cho cùng là văn học. Không có kịch bản văn học hay thì các đạo diễn lớn và nghệ sĩ lớn cũng khó mà làm nên được một bộ phim hay. Nói đến thế, mới thấy hầu hết những phim hay của Iran đều có kịch bản hay, thậm chí là tuyệt vời. Người ta từng nghĩ nhiều về điều này để tìm cách lý giải sự thành công của điện ảnh Iran. Không hề là sự ngẫu nhiên, Iran là đất nước của thơ ca, của triết học. Một thiên sử thi đồ sộ như Hoàng đế kinh của thi hào Ferdosi đã dài gấp gần bốn mươi lần Truyện Kiều, mà hầu như không người Iran nào không thuộc một phần một đoạn trong ấy. Một sự nghiệp thơ đồ sộ như của Hafez cũng đã đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày, được dân chúng đem ra bói như bói Kiều ở ta. Từ cổ đại, Iran đã là mảnh đất nảy nở những thiên tài triết học, khoa học và thơ ca như Omar Khayyam, Hafez, Saadi, Rumi, Ferdosi… Một truyền thống triết học và văn học rực rỡ không hề đứt đoạn suốt cả mấy nghìn năm, thì mới thành cái vốn cơ bản, cái của để dành cho các nghệ sĩ điện ảnh hôm nay. Từ những chi tiết nho nhỏ như một tấm thảm gắn bó với một đời người, đến mức thảm cũng có hồn cốt có số phận (phim Tấm thảm, Gabbeh). Từ  những chi tiết nho nhỏ như hai anh em nhà nghèo phải chung nhau một đôi giày, em đi học sáng, trưa về bàn giao cho anh đi học buổi chiều (phim Con của trời, Children of Heaven). Từ những bộ phim mượn chuyện trẻ con để nói chuyện người lớn… Các nghệ sĩ đã phát hiện ra trong ấy những vấn đề triết học lớn lao và sáng tạo ra những tác phẩm lớn. Một đất nước Tây Á xa xôi, vốn bị các nước Âu Mỹ kỳ thị và cô lập, bỗng nhiên xuất hiện chói sáng trên bản đồ điện ảnh thế giới, làm cho những người kỳ thị mình phải ngả mũ kính phục. Điện ảnh Iran lớn là nhờ những ý nghĩa lớn xuất phát từ những điều nho nhỏ, những bộ phim kinh phí thấp, ít diễn viên, ít đại cảnh mà lay động lòng người mãi sau khi phim đã hết.

May mắn, tôi ở không xa Bảo tàng Điện ảnh Iran, đi bộ chỉ mất khoảng hai mươi phút là ra đến cái vườn điện ảnh Bagh-e Ferdos, bên cạnh một đường phố sầm uất là Vali-e Asr. Một tòa nhà kiến trúc triều đại Qajar, mới vài trăm năm, do vua Shah Nasir od-Din xây cho con gái, pha trộn kiến trúc truyền thống Ba Tư và kiến trúc phương Tây thời ấy. Trong bảo tàng có hai phòng chiếu, mỗi ngày chiếu bốn buổi, chiếu cả phim mới lẫn phim kinh điển. Bên sườn bảo tàng có một cửa hàng bán đĩa nhạc và đĩa phim, tôi tìm được ở đấy nhiều phim kinh điển, và được dịp chuyện trò với anh bạn Kaveh rất am hiểu điện ảnh Iran và điện ảnh thế giới. Chính anh đã tìm được cho tôi những phim khó tìm như Con ngựa hai chân (Two-legged Horse), phim làm năm 2008 của nữ đạo diễn Samira Makhmalbaf, hay phim Bab’Aziz của Nacer Khemir, Chú bé Bashu (Bashu, the Little Stranger) của Bahram Beizai, Trăng giữa tháng (Half Moon) của Bahman Ghobadi…

Đầu năm 2011, đúng vào dịp Tết của Iran, lần đầu tiên tôi đến Bảo tàng Điện ảnh và xem bộ phim còn nóng hổi Chia tay, vừa mới đoạt giải Gấu Vàng ở Berlin, rồi một năm sau đó đoạt giải Oscar 2012. Từ đấy tôi hay lui tới cái vườn điện ảnh này, xem một bộ phim, ngồi trong một cái tiệm cà phê rất có gu bên vườn hoa có đài phun nước. Xem hết ba tầng bảo tàng mới càng thấy cái vĩ đại của một nền điện ảnh. Hơn bốn chục năm qua, Iran đã đoạt gần một trăm giải thưởng tại các liên hoan phim hàng đầu thế giới như Cannes, Berlin, Venice, Chicago, Toronto, Sundance… Mà đấy là những giải vàng, giải bạc, giải đồng hẳn hoi, chứ không phải là giải an ủi hoặc giải tặng thêm cho những đề tài chính trị xã hội.

Ghi chú bên lề: điện ảnh Việt Nam vẫn đang còn ước ao một cái giải chính thức như thế, một cái thôi, chứ không phải là một trăm giải như điện ảnh Iran.

Điện ảnh bắt đầu xâm nhập vào Iran đầu thế kỷ XX. Đúng vào năm 1900, năm cuối của một thiên niên kỷ, rạp chiếu phim đầu tiên được xây ở thành phố Tabriz, trung tâm vùng tây bắc. Bốn năm sau, rạp chiếu phim thứ hai được xây lên và sáng đèn ở Tehran. Người mê phim nô nức kéo đến. Nghệ sĩ mê phim nỗ lực làm phim. Trước cách mạng 1979, điện ảnh Iran đã được chú ý với một Đợt Sóng Mới, trong đó Kiarostami là một tài năng trẻ. Sau năm 1979, xuất hiện một Đợt Sóng Mới nữa, lần này hùng hậu một đội ngũ, trong đó có Bahman Ghobadi, Jafar Panahi, đặc biệt là gia đình đạo diễn Mohsen Makhmalbaf, gồm cả vợ, con gái, con trai ông, được giới điện ảnh phương Tây gọi là một triều đại điện ảnh (The Makhmalbaf family – A Cinema Dynasty). 

Không thể bao quát một nền điện ảnh năng động và nhiều thành tựu như điện ảnh Iran, tôi chỉ dừng lại ở mức độ kể cho người đọc nghe về một số bộ phim, coi như những ví dụ. Tôi thường cố tránh việc kể lại một tác phẩm, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để xem những bộ phim này qua đĩa hình hoặc trên mạng. Coi như tôi chiếu phim bằng chữ và người đọc cũng đang xem phim bằng chữ vậy.

Ngày tôi thành thiếu nữ: điều gì ở phía trước?

Ngày tôi thành thiếu nữ (The Day I Became a Woman) là phim của nữ đạo diễn Marziyeh Meshkini, vợ của đạo diễn lừng danh thế giới Mohsen Makhmalbaf. Gia đình này được coi là một “triều đại điện ảnh” của Iran, luôn đoạt giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế lớn. Chỉ trong năm 2000, phim Ngày tôi thành thiếu nữ đoạt giải thưởng của ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Venice, giải thưởng của UNESCO, huy chương vàng LHP Chicago, giải nhì ở LHP Toronto, giải phim hay nhất LHP Oslo, giải phim châu Á hay nhất LHP Pusan, giải đặc biệt của ban giám khảo LHP Nantes… Năm 2009 Marziyeh Meshkini nhận giải Xích lô Vàng (Cyclo d’Or) tại LHP Quốc tế của điện ảnh châu Á tại Vesoul, Pháp.

Trong phim có ba câu chuyện:

Chuyện thứ nhất: một cô bé tên là Hava, vào cái ngày bé tròn chín tuổi, cô được người nhà bảo hôm nay cô đã trở thành thiếu nữ và từ nay không được chơi với bọn con trai nữa. Hava sinh vào buổi trưa, và người mẹ cho phép bé được đi chơi cho đến giữa trưa. Làm sao biết lúc nào là giữa trưa? Người mẹ đưa cho bé một cái que, bảo cứ cắm thẳng trên mặt đất, khi nào cái que không có bóng nữa thì chính là giữa trưa, phải về.

Đấy là chuyến đi chơi cuối cùng của cô bé với đám bạn trai. Hava đến nhà cậu bạn nó vẫn thường chơi chung. Cậu bé bị nhốt trong căn nhà vắng, chỉ có thể chuyện trò qua khung cửa sổ. Cô bé mua một que kem và hai đứa cứ thế mút chung cái kem qua khung cửa. Cuộc vui chơi hồn nhiên cuối cùng. Khi bóng của cái que trên mặt đất biến mất, cô bé chào cậu bạn để ra về. Thằng bé bám vào khung cửa sổ như phòng giam nhìn theo bạn, nhìn trân trối. Có thể nó không biết gì, nhưng người xem thì biết: nó đang nhìn theo một cô bé, mà không, lúc này đã là một thiếu nữ, một người đàn bà trong xã hội Hồi giáo. Nó cùng lúc tiễn một cô bé và nhìn theo một thiếu nữ. Từ nay thiếu nữ ấy sẽ phải mặc áo choàng đen che kín thân hình, và không được tiếp xúc với cánh đàn ông bên ngoài gia đình.

Câu chuyện thứ hai: một đoàn vận động viên đua xe đạp đang guồng chân ráo riết dọc theo bờ biển. Cái lạ ở đây là một cuộc đua xe của phụ nữ. Cái lạ nữa là vận động viên mặc áo choàng chador màu đen che kín người. Khuôn hình trở nên độc đáo và đẹp tuyệt nhờ cả một đoàn áo choàng đen đạp xe. Chỉ còn lộ ra những gương mặt trắng trẻo đẹp tuyệt trần. Cô gái Ahoo đang lặng lẽ gắng sức bứt lên thì một người đàn ông phi ngựa bên lề đường đuổi kịp. Đó là chồng Ahoo. Anh ta dỗ dành rồi hăm dọa sẽ ly dị nếu Ahoo không bỏ cuộc đua. Cái xe đạp là thứ máy móc bị coi là con quỷ gây ra tai họa. Phải đi ngựa như anh ta mới đúng là phương tiện cổ truyền. Không thuyết phục được Ahoo, anh chồng bỏ đi, lát sau quay lại với một giáo sĩ. Giáo sĩ tuyên bố cho họ ly dị. Ahoo vẫn lặng lẽ guồng chân để bứt lên trước. Rồi chồng cô quay lại với chính anh trai và cha của Ahoo. Những người đàn ông trên ngựa đã chặn chiếc xe của Ahoo lại. Trong khi những người phụ nữ áo choàng đen khác vẫn im lặng phóng vượt lên. Hành trình vượt qua những chế định, những thành kiến định kiến lâu đời vẫn không chịu dừng lại.

Câu chuyện thứ ba: bà già Hoora mới nhận được một khoản tiền thừa kế. Bà quyết định mua hết những gì mà thời trẻ đi lấy chồng, bà không thể mua nổi. Bà thuê một đám trẻ con đẩy bà ngồi trên xe lăn, đi vào các cửa hiệu sang trọng, mua từ giường đệm bàn tủ cho đến tủ lạnh, máy giặt, bếp ga… Bà thuê lũ trẻ chuyển hết những gì mới mua ra bãi biển, đặt trên bãi cát, sắp xếp như một không gian căn hộ. Mấy cô gái đua xe đạp ghé đến chơi, họ kể chuyện về một cô Ahoo nào đó bị gia đình đến bắt về giữa đường. Cuối cùng, lũ trẻ đóng một cái bè, khiêng bà già và đám đồ vật chất lên đó, rồi chiếc bè bập bềnh trôi ra phía con tàu đang chờ ở ngoài xa.

Có một người đứng trên bãi cát nhìn theo bà già trên chiếc bè. Bạn có đoán được đó là ai không? Người này khoác trên mình một tấm áo choàng chador của đàn bà Iran. Người này chính là cô bé Hava chín tuổi vừa mới được quyết định trở thành thiếu nữ.

Cô bé cũng nhìn theo thế thôi. Cô chưa biết được điều gì ở phía trước. Nhưng người xem thì biết. Cô lớn lên lấy chồng và có thể sẽ tham gia một cuộc đua xe không thành như cô gái Ahoo. Hoặc cô có thể sẽ thành bà già Hoora, bao mơ ước đơn sơ không đạt được đúng lúc, và chỉ có thể đạt được khi bản thân không cần đến những mơ ước ấy nữa.

Chia ly: mẫu số chung của nhân loại

Chia ly (Nader and Simin: A Seperation) bắt đầu một cách đơn giản, nhưng khi phát triển, nó được lật đi lật lại với nhiều lối ngoặt, được đào xới đến tận chiều sâu của vấn đề.

Hai vợ chồng ra tòa xin ly hôn chỉ vì một mâu thuẫn không giải quyết được: vợ muốn cả gia đình ra nước ngoài sống, nhưng chồng chưa thể đi được vì có ông bố già đang ốm, phải chăm. Ông già bị bệnh mất trí nhớ, bệnh liệt rung và tim mạch. Chia tay xong, chồng phải thuê một cô giúp việc đến chăm ông già. Cô này có lúc phải chạy ra đường đi tìm ông già mất trí nhớ đi lang thang, lúc thì phải trông cái máy tiếp ô xi cho ông… Rồi anh chồng nghi cô giúp việc ăn cắp, xô đuổi cô ra khỏi nhà. Cô ta bị sẩy thai, kiện anh chồng ra tòa. Anh ta bị tạm giữ mấy ngày. Cô vợ đã về nhà mẹ đẻ, phải quay lại chăm bố chồng. Mâu thuẫn giữa chủ nhà và gia đình cô giúp việc tăng lên. Ra tòa nhiều lần. Cuối cùng hòa giải, vợ chồng chủ nhà đến xin bồi thường. Nhưng cô giúp việc dần dần nhớ ra có thể cô bị sẩy thai vì lý do khác, trước đó, hôm cô chạy ra đường đi tìm ông già và bị va chạm ở ngoài đường, không phải vào lúc bị xô đẩy ra khỏi nhà chủ. Cô không nhận tiền bồi thường, và việc này làm anh chồng cô giận dữ bỏ ra khỏi nhà…

Ngôn ngữ điện ảnh rất giản dị. Nhìn bàn tay nghệ thuật chuyên nghiệp của đạo diễn mà thèm ước. Có những chi tiết đơn giản mà gây cảm xúc: xong cuộc ra tòa ly hôn, cô vợ về thu xếp đồ đạc để rời nhà chồng. Khi cô vào chào bố chồng, ông già không nói gì, bàn tay liệt rung parkinson run run chỉ giữ chặt lấy bàn tay con dâu, mãi không thả ra. Phải đến khi anh con trai vào, dỗ bố mới gỡ ra được. Hoặc khi anh con trai tắm cho bố, được một lúc, anh gục xuống vai người cha mà khóc.

Đạo lý và tôn giáo cũng được khắc họa sâu sắc: ông già không thể thay được cái quần khi ông tiểu tiện ra, cô giúp việc rất muốn giúp ông nhưng chưa dám. Phải đến khi dùng điện thoại hỏi tư vấn tôn giáo, trình bày hoàn cảnh chỉ có cô và ông ở nhà, được tư vấn rằng cô được phép, cô mới dám làm. Khi gia đình người chủ đến nhà cô để bồi thường, anh ta đồng ý bồi thường cho cô, với điều kiện cô phải thề trên cuốn kinh Koran rằng chắc chắn vì bị anh xô ngã mà cô bị sẩy thai. Cũng đến thế thì cô mới bắt đầu nghi ngờ rằng có thể mình bị sẩy thai khi ngã trước đó ở ngoài đường, và không dám thề. Một chuyện nữa, trước tòa, trong tranh luận, anh chủ đã định cởi áo người cha ra để mọi người thấy vết xây xát do cô giúp việc để ông già ngã. Nhưng đắn đo nghĩ ngợi một lát, anh lại thôi, không cởi áo ông bố ra ở chỗ đông người.

Phim đoạt giải Gấu Vàng phim hay nhất ở Liên hoan phim Quốc tế Berlin, tháng 2-2011, hai diễn viên chính cũng đoạt giải diễn viên xuất sắc nhất (Gấu Bạc). Trong một năm sau đó, phim càn quét hầu hết các liên hoan phim quốc tế hàng đầu và đoạt các giải lớn, kết thúc bằng giải Oscar phim nước ngoài hay nhất 2012 và phim hay nhất của giải thưởng Điện ảnh châu Á đầu năm 2012. Trước đó, năm 2009, chính đạo diễn Asghar Farhadi này cũng đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Gấu Bạc) tại Liên hoan phim Berlin, phim Về Elly.

Câu chuyện đã tìm được mẫu số chung của nhân loại, và thể hiện nó một cách thật giản dị, thật chặt chẽ và thật sâu sắc. Chính vì vậy phim đã lay động được cảm xúc của người xem trên khắp thế giới và thành công một cách tuyệt đối ở các liên hoan phim, các giải thưởng điện ảnh hàng đầu và được người xem khắp năm châu tấm tắc suốt hai năm 2011-2012 khi phim ra mắt.

Phim kết thúc khi hai vợ chồng và đứa con gái quay lại tòa để xử ly hôn lần cuối. Đứa con gái được tòa hỏi sẽ chọn ở với cha hay với mẹ. Cô bé hỏi lại: Phải trả lời ngay ở đây ạ? Vị quan tòa gật đầu. Ông yêu cầu người cha và người mẹ ra khỏi phòng để cô bé có thể trả lời trực tiếp với quan tòa. Người cha và người mẹ ra khỏi phòng, chờ ở sảnh ngoài. Người xem không biết câu trả lời của đứa con gái và phán quyết của tòa. Chỉ có người cha và người mẹ đang chờ lời phán quyết trong cái phòng đợi, người qua kẻ lại không ngớt.

(Rút từ cuốn Salam, chào xứ Ba Tư, NXB Trẻ, 2013)

Theo Hồ Anh Thái - NDBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng