Văn nghệ thế giới
10 gương mặt không thể quên
15:01 | 26/05/2014

Từ Mona Lisa với nụ cười lừng danh của Leonardo da Vinci đến tác phẩm Marilyn Monroe, một bức ảnh mà đa màu sắc của nghệ sĩ Mỹ Andy Warhol, có những gương mặt trong các bức tranh kinh điển đã xem là không quên. Đằng sau đó là những ý nghĩa thời cuộc gì?

10 gương mặt không thể quên
Bức Quán bar ở Folies Bergere

1. Bức Quán bar ở Folies Bergere (1881) của Edouard Manet

Gương mặt buồn bã, mơ mộng và lạc lõng của cô gái quầy bar trong bức tranh Manet vẽ Paris về đêm là mặt nạ của một phụ nữ hiện đại. Cô xa lạ với khung cảnh xung quanh đầy ắp chi tiết, cố lờ đi những khách hàng nhếch nhác, trong đó có người đàn ông trông nham hiểm và khó hiểu trong gương. Công việc là một chuỗi những thứ không tên, các mối quan hệ giới tính thì nguy hiểm và thành phố Paris hoa lệ như một câu lạc bộ đêm trống rỗng trong cái nhìn của Manet khi đó. Tất cả những thứ đó hiển hiện trong một khuôn mặt.

2. Bức Mona Lisa của Leonardo Da Vinci (1503-1506)

Gương mặt nổi tiếng nhất trong nghệ thuật thế giới đã sản sinh nhiều huyền thoại và tưởng tượng. Đó là thế kỷ 16 và Da Vinci đã thuê các nhạc công chơi nhạc cho người mẫu của ông để nàng mỉm cười thay vì trông nghiêm nghị như những bức chân dung khuôn mẫu trước đó. Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng đó thực sự không phải là một nụ cười thực sự, biểu cảm nổi tiếng của nàng Mona Lisa là do Da Vinci tự sáng tạo ra khi ông sửa lại bức tranh.

Sau này, nhiều phán đoán hiện đại cho rằng đây là chân dung một người đàn ông, thậm chí là chân dung tự họa của Da Vinci nhưng đều không có bằng chứng. Dù thế nào, bức tranh đã vĩnh viễn đi vào lịch sử hội họa vì chứng minh được rằng biểu cảm của một gương mặt có thể bừng sáng đến mức nào chỉ với một cử động nho nhỏ của đôi môi.

Bức Mona Lisa

3. Bức Chân dung Gertrude Stein (1905-1906) của Pablo Picasso

Khi Picasso bắt đầu vẽ chân dung của nữ nhà văn theo trường phái avant-garde (tiên phong) của Mỹ, ông than rằng không thể nào vẽ gương mặt bà như mong muốn. Bức tranh bị gián đoạn, cho đến khi danh họa nhớ lại nhiều tác phẩm nghệ thuật nguyên thủy. Ông chợt nhận ra có thể vẽ gương mặt Stein như một chiếc mặt nạ bằng đá, một tác phẩm điêu khắc vật tổ (tô tem).

Thời đó, Gertrude Stein là bà chủ một salon văn nghệ lừng danh ở Paris, quy tụ những nghệ sĩ, văn sĩ nổi tiếng nhất thời đó. Và trong góc nhìn của Picasso, một trong những nghệ sĩ đó, Stein và các đồng nghiệp cùng thời của bà không phải đàn ông mà cũng chẳng phải đàn bà. “Họ là người Mỹ” - ông từng nói.

Bức Chân dung GertrudeStein

4. Bức Ông già và đứa cháu của Domenicho Ghirlandaio (1490)

Trong kiệt tác đầy tính thân mật và cảm động này, đứa cháu ngước đôi mắt trẻ thơ nhìn lên gương mặt rất đặc biệt của người ông - một gương mặt với chiếc mũi bị biến dạng kinh khủng. Đây là gương mặt khó quên trong nghệ thuật chính bởi sự biến dạng đó. Ghirlandaio đã đảo ngược khái niệm về vẻ đẹp và thể hiện chủ nghĩa anh hùng biến dạng.

Bức ông già và đứa cháu

5. Bộ tranh Marilyn Diptych của Andy Warhol (1962)

Gương mặt Monroe vẫn khó quên, hay là đã mờ nhạt? Năm 1962, sau khi minh tinh này qua đời một cách bí ẩn, Warhol - huyền thoại của nghệ thuật pop art - đã vẽ 20 tranh lụa dựa trên bức ảnh quảng cáo bộ phim Niagara năm 1953. Warhol chọn Monroe, ngôi sao nổi tiếng bậc nhất thời đó, để thể hiện chủ đề mà ông muốn: cái chết và sự sùng bái người nổi tiếng.

Vẻ đẹp của biểu tượng nhan sắc này, trước mắt người xem, bị phai nhạt bởi quá trình sao chép và sự thay đổi màu sắc. Điều này nói lên ý nghĩa một nhan sắc chết chóc. Sự lặp lại bức chân dung nói lên việc Monroe thường xuyên xuất hiện trên truyền thông và cũng dần bị hủy hoại.

Bộ tranh Marilyn Diptych

6. Bức Một bà lão: Mẹ của họa sĩ (1629) của Rembrandt

Tương truyền bức vẽ ấn tượng về gương mặt già nua này là bức chân dung bà mẹ của chính họa sĩ Rembrandt. Nhưng bất kể đó là ai, họa sĩ cũng đã thổi vào bà, với gương mặt đầy dấu ấn thời gian, với sự dịu dàng, lòng từ bi và cái gì đó còn hơn thế, đó là sự thông thái của tuổi tác, đi kèm những nếp nhăn. Họa sĩ đồng cảm với gương mặt tàn úa mà uyên thâm này, điều đó thể hiện ở nhiều tác phẩm về sau, khi ông tự họa bản thân với những dấu hiệu lão hóa của chính mình.

Bức Một bà lão: Mẹ của họa sĩ

7. Tượng bán thân Nữ hoàng Nefertiti (1370-1330 trước Công nguyên) của Ai Cập cổ đại

Gương mặt này gây kinh ngạc bởi vị nữ hoàng của 3.300 năm trước trông như một người mẫu của thế kỷ 21 này. Bức tượng được lưu giữ lại với độ rõ nét đáng ngạc nhiên. Việc khắc họa chân dung nhân vật theo trường phái hiện thực, một sự nổi loạn so với nghệ thuật Ai Cập truyền thống đầy oai nghiêm, khiến tác phẩm này không thể nào quên.

Tượng Nữ hoàng Nefertiti

8. Bức Cô gái đeo hoa tai ngọc trai (1665-1667) của Johannes Vermeer

Gọi bức tranh này là “không thể nào quên” có đôi chút trớ trêu. Bởi, thực tế là nó đã bị lãng quên hàng thế kỷ trước khi được “khai quật” trở lại vào thế kỷ 19, ở thời của danh họa Manet, và nhiếp ảnh đã góp phần giúp cho thiên tài của Vermeer được công nhận trở lại. Với công chúng hiện đại, đôi mắt của cô gái trẻ này đầy ám ảnh bởi cô ngoái lại trong một ánh nhìn tĩnh lặng. Gương mặt cô là sự pha trộn của nét sắc sảo và vẻ đẹp ẩn chứa một điều huyền bí.

Bức Cô gái đeo hoa tai ngọc trai

9. Bức Tiếng thét (bản đầu tiên năm 1893) của Edvard Munch

Được coi là Mona Lisa của thời hiện đại vì sự ám ảnh khó quên, tâm điểm của bức tranh này là gương mặt trông như xác sống thể hiện nỗi tuyệt vọng được coi là tuyệt đối trong thế giới “không có gì tuyệt đối” này. Munch đã tạo ra một bức tranh trường phái biểu hiện hoàn hảo bằng gương mặt bộc lộ nội tâm. Thay vì gương mặt của người thật, chúng ta như đang được nhìn thấu vào bên trong chủ thể, khi đôi mắt hầu như không thể nhìn thấy, nước da vàng và đôi môi kỳ dị làm nổi bật tiếng thét vô thanh.

Bức Tiếng thét

Đây thực sự là nội tâm của chính chúng ta, bất cứ ai, vào một khoảnh khắc tồi tệ của cuộc đời. Có thể nói, chúng ta nhìn vào bức tranh mình và thấy như đang soi gương, một dạng gương kỳ lạ soi thấy bên trong lớp vỏ ngoài của mỗi người.

10. Bức Đầu hươu (1626-1627) của Diego Velazquez

Bức Đầu hươu

Đây là gương mặt duy nhất không phải của con người trong danh sách này. Họa sĩ chân dung vĩ đại người Tây Ban Nha đã nhìn thẳng vào mặt một con hươu trong công viên và con hươu nhìn lại ông. Velazquez đã vẽ chân dung rất nhiều dạng người, từ vua chúa đến những kẻ lang thang. Nhưng tại đây, trong ánh nhìn của con thú này, ông thấy quyền lực thực sự của một gương mặt thú vật, bí ẩn trong tâm hồn của chúng mà con người có lẽ không bao giờ hiểu thấu.

Phải chăng con hươu này chỉ là một trong những con mồi cho cuộc săn hoàng gia? Velazquez nhìn thấy nỗi sợ trong đôi mắt đó.

Theo Hạ Huyền - TT&VH

 

 


 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng