Văn nghệ thế giới
Cuộc đời Khổng Tử lên phim
11:18 | 17/03/2009
Nữ đạo diễn Trung Quốc Hồ Mai có dự án lớn, lần đầu tiên đưa lên màn ảnh rộng cuộc đời của Khổng Tử, nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc, sống cách nay hơn 2 thiên niên kỷ (551–479 trước Công nguyên). Phim có tên Confucius (Khổng Tử), dự kiến chia thành 2 tập, nói về 8 sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời của nhân vật được đời sau phong là thánh hiền.
Cuộc đời Khổng Tử lên phim

Xôn xao quanh vai Khổng Tử

Ngoài đạo diễn Hồ Mai, nhà viết kịch bản Chen Han, ê kíp làm phim còn có nhà điện ảnh Peter Pao (từng đoạt Oscar với Ngọa Hổ Tàng Long), Giám đốc nghệ thuật Yee Chung Man (được đề cử Oscar với Mãn thành hoàng kim giáp của Trương Nghệ Mưu). Phim sẽ được khởi quay vào cuối tháng 3 này ở huyện Yi (gần Bắc Kinh, nơi từng đón đoàn làm phim Xích Bích), sau đó sẽ chuyển tới phim trường Hoành Điếm gần Thượng Hải. Nhiều khả năng phim Khổng Tử sẽ dự tranh Oscar 2010 cho phim nước ngoài hay nhất.

Trong Khổng Tử, nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc đại lục Trần Đạo Minh (từng đóng Tần Thủy Hoàng trong phim Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu) sẽ vào vai Lão Tử – một nhà tư tưởng lớn khác của Trung Quốc. Nữ diễn viên khả ái Châu Tấn vào vai Công chúa Nanzi, từng là người yêu của Khổng Tử... Dù dự án làm phim đã được họp báo công bố cách nay hơn 6 tháng nhưng tới gần đây, “ai đảm nhiệm vai Khổng Tử” vẫn bị treo lơ lửng, khiến người hâm mộ “nín thở”. Cư dân mạng bỏ phiếu cho Trần Đạo Minh nhiều nhất, kế đến là Pu Cunxi, cũng là một diễn viên đại lục nổi tiếng, rồi Lưu Đức Hoa... 

                                                                     Cảnh Khổng Tử dạy môn đồ 

Đến ngày 5-3, các phương tiện truyền thông mới nhất loạt đưa tin, nam diễn viên gạo cội Hồng Công, Châu Nhuận Phát sẽ vào vai Đức Thánh Khổng. Trên mạng, các fan xôn xao, nhiều người còn không tin vào điều mình đã đọc được. Châu Nhuận Phát đích thân xác nhận vào cuối tuần qua, nhân dịp ra mắt bộ phim Hollywood Dragonball Evolution có anh tham gia. Châu Nhuận Phát cho hay, anh bắt đầu nuôi râu dài, chuẩn bị cho vai diễn.

Ai cũng biết, Châu Nhuận Phát thuộc hàng diễn viên đắt giá, cát xê của anh có thể “ngốn” tới 1/3 tổng kinh phí 22 triệu USD của phim Khổng Tử. Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ khác. Trang web điện ảnh monkeypeaches trích lời Pu Cunxi mới đây nói, anh đã đọc kịch bản của phim và từ chối vai chính. Theo Pu, kịch bản không hay và thật nực cười khi xây dựng hình tượng nhà đại tư tưởng giống một... nghệ sĩ võ thuật.

Nữ đạo diễn Hồ đáp rằng kịch bản đã được viết lại tới 25 lần, mất 2 năm để sửa đổi, nên kịch bản Pu đọc khác xa với kịch bản Châu Nhuận Phát đọc. Bà còn nói, kịch bản chung cuộc đã được nhiều nhà nghiên cứu sử học có tiếng tán đồng, mỗi sự kiện đưa lên phim đều có ghi chép rõ trong sử sách. Khổng Tử sống vào thời Xuân Thu Chiến quốc, khi ấy Trung Quốc gồm 12 nước nhỏ, chinh chiến liên miên. Khổng Tử là người cao lớn, có sức khỏe “vật ngã cả trâu”, biết đánh xe ngựa, bắn cung tên, từng chỉ huy trận chiến nhỏ... 

Xu hướng làm phim văn hóa

John Sham, nhà sản xuất điện ảnh kỳ cựu của Hồng Công, một trong ba nhà được quyền phân phối phim Khổng Tử, nhận xét: Sự quan tâm của công luận dành cho Khổng Tử phản ánh sự thay đổi trong xu hướng sáng tác của điện ảnh Trung Quốc. Trước kia, chỉ cần thấy tên các diễn viên kung fu nổi tiếng như Thành Long, Dương Tử Quỳnh là các nhà phát hành phim nước ngoài sẵn sàng mua phim đó. 

Vài năm trở lại đây, ít có diễn viên võ thuật mới thay thế các gương mặt cũ, khán giả phương Tây cũng đã ngán ngẩm những bộ phim đánh đấm lạnh lùng, bắt đầu để ý những bộ phim ít nhiều mang tính chất văn hóa.

Như Ngọa Hổ Tàng Long, dù vẫn dưới hình thức một bộ phim kiếm hiệp nhưng đã thành công trong việc thu hút khán giả phương Tây chú ý tới những triết lý ẩn sau kung fu. Theo Sham, các bộ phim Trung Quốc cần đi theo con đường văn hóa nếu muốn thích nghi với thị trường.

Ở tuổi 55, Khổng Tử là bộ trưởng bộ hình của nước Lỗ nhưng do thất vọng nên rời bỏ nước này. Ông tới nhiều nước, truyền bá tư tưởng triết học của chính mình nhưng ít được vị vương hầu nào thực sự để ý. Khổng Tử có rất nhiều đệ tử, như Phật Thích ca, Chúa Jesus hay Thánh Muhammad vậy. 

Nhưng ông không phải là người sáng lập một thứ tôn giáo mà trở thành thầy giáo. Tư tưởng triết học của ông, gọi là Khổng giáo, được hậu thế truyền bá, phát triển, để 6 thế kỷ sau khi ông mất, nhà Hán lấy đó làm triết lý duy nhất để trị nước. Cuối thế kỷ 18, dưới ảnh hưởng của các luồng tư tưởng phương Tây, xuất hiện những xu hướng bài bác Khổng giáo.

Hai thiên niên kỷ sau, từ những năm 1980, Khổng Tử và Khổng giáo “hồi sinh” ở Trung Quốc. Nước này thành lập hàng trăm Viện Khổng Tử ở khắp thế giới nhằm giảng dạy tiếng Hoa và phổ biến văn hóa Trung Quốc. Bộ phim Khổng Tử được hãng phim nhà nước China Film Group của Trung Quốc sản xuất, dự tính phát hành vào tháng 10-2009, nhân kỷ niệm 2.560 năm ngày sinh của ông.

                                                                               Theo:SGGP 

Các bài mới
Các bài đã đăng