Một kim tự tháp khác thường Ông Zahi Hawass, Chủ tịch Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, cho biết: “Trong vòng 1-2 tháng tới, Ai Cập sẽ làm một việc táo bạo khi mở cửa đón khách vào tham quan những căn phòng bên trong kim tự tháp tọa lạc ở gần làng Dahshur”.
Cho phép du khách thăm “nội cung” của Kim tự tháp cong và các kim tự tháp khác ở phía Nam Cairo là một phần trong chiến dịch phát triển mới mà Chính phủ Ai Cập tiến hành, với hy vọng cùng lúc đạt được hai mục đích: thu hút thêm khách tham quan, đồng thời giảm tải lượng khách đến thăm các kim tự tháp nổi tiếng ở Giza để qua đó ngăn ngừa tình trạng đô thị hóa tràn lan đang xâm hại khu vực này.
Tuy là một trong những kim tự tháp được xây dựng đầu tiên nhưng mặt ngoài của Kim tự tháp cong không bị hủy hoại nhiều cùng với thời gian. Công trình này có hình dáng kỳ lạ không theo quy luật: Các cạnh của nó ban đầu được xây với một góc nghiêng khá cao là xấp xỉ 52 độ, sau đó đột nhiên “gấp khúc” còn 43,5 độ. Qua đó, người ta có cảm giác các cạnh của nó là một đường cong. Những giả thuyết Các nhà khoa học đã nêu ra nhiều giả thuyết về sự khác thường này. Một số ý kiến cho rằng những người xây kim tự tháp đã phải hạ góc nghiêng như trên vì sợ toàn bộ cấu trúc này sụp đổ do các cạnh của nó quá dốc. Nhưng giả thuyết vẫn được coi là thuyết phục nhất cho rằng Pharaoh Sneferu - người sáng lập ra vương triều thứ 4 của Ai Cập và trị vì đất nước từ năm 2613 đến 2589 trước Công nguyên - nhận thấy nếu tiếp tục xây dựng theo góc nghiêng quá dốc ban đầu thì kim tự tháp này sẽ rất cao, không chỉ đòi hỏi một lượng vật liệu cực lớn, mà còn tốn rất nhiều sức lực để đưa và xếp các khối đá lên ngày càng cao theo một chiều dốc dựng đứng như vậy. Cuối cùng, Kim tự tháp cong “chỉ” cao có 101,1m. Nếu giữ nguyên góc nghiêng 52 độ, nó sẽ chỉ thua kém chút ít về chiều cao so với Cheops - kim tự tháp cao nhất thế giới, được xây sau đó khoảng 40 năm, cao 146,6m.
Mặc dù các nhà khảo cổ không tìm thấy thi hài của Pharaoh Sneferu trong ngôi mộ này (có khả năng đã bị bọn trộm lấy đi từ rất lâu rồi) nhưng một số ít chuyên gia vẫn tin rằng ông được chôn ở căn phòng nào đó mà người ta chưa khai quật. Tuy nhiên, Sneferu đã xây cho mình tới 2 kim tự tháp để làm nơi yên nghỉ cuối cùng.
Ngoài công trình có hình dáng độc đáo nói trên, ông còn xây một kim tự tháp khác ở cách đó không xa và vì có bề mặt mang màu đỏ sa thạch nên nó được gọi là Kim tự tháp đỏ. Hầu hết các nhà khoa học cho rằng Sneferu được chôn trong kim tự tháp này.
Giả thuyết được đưa ra là khi đang xây Kim tự tháp cong, do gặp khó khăn về góc nghiêng và lo ngại không thể hoàn thành công trình này trong lúc tuổi mình đã cao, Sneferu quyết định cho xây Kim tự tháp đỏ với cạnh nghiêng 43 độ. Càng thu hút sự chú ý Là một trong những kim tự tháp có hình dáng lạ thường và còn nguyên vẹn nhất ở Ai Cập, Kim tự tháp cong dĩ nhiên luôn thu hút sự chú ý. Trong số những vị khách châu Âu đầu tiên đến thăm công trình này có giáo sĩ - nhà nhân chủng học Richard Pococke và chuyên gia thám hiểm Robert Wood. Nhưng đến thế kỷ 19 mới có một cuộc điều tra khảo cổ đầu tiên về nó, khi các nhà nghiên cứu kim tự tháp Perring, Lepsius và sau này là Petrie đặt chân tới đây.
Sau Thế chiến II, các nhà khảo cổ Abdel Salam Hussain và Alexandre Varille đã tiến hành những cuộc nghiên cứu về Kim tự tháp cong nhưng thật tiếc là công trình của họ lại bị thất lạc.
Để vào được căn phòng rộng có mái ở bên trong của Kim tự tháp cong, người ta phải đi qua một đường hầm chật hẹp dài 80m. Từ đây có những hành lang dẫn tới các căn phòng khác. Một phòng trong đó có xà rầm làm bằng gỗ cây tuyết tùng mà các nhà khảo cổ cho rằng chúng được đem về từ Liban.
Sắp tới du khách không chỉ được tham quan “nội cung” của Kim tự tháp cong mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều công trình gần đấy, trong đó có cả kim tự tháp Amenhemhat III.
“Hành trình tham quan này rất độc đáo và thú vị bởi có một mê cung các hành lang ngầm dưới Kim tự tháp cong”, ông Hawass nói. Cùng với việc mở cửa Kim tự tháp cong, người ta hy vọng lượng du khách đến Dahshur sẽ tăng mạnh.
Theo TT&VH |