Gần đây nhất, một cuốn sách gồm hai phần do Morrison và giáo sư Antoine Compagnon viết đã được NXB Denoel in cuối năm 2008 như một lời kết luận (tạm thời).
Ngay sau khi bài báo xuất hiện (trên bìa là ảnh nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng Marcel Marceau khi đó vừa mất như một ẩn dụ cho cái chết), giáo sư Antoine Compagnon của ngôi trường danh giá nhất nước Pháp Collège de France đã được yêu cầu viết một bài “trả lời” trên tờ Le Monde. Tỏ ra khá đồng tình với nhiều nhận xét của Donald Morrison, nhưng Compagnon gần như là người Pháp duy nhất có cái nhìn thiện cảm với bài báo. Bởi chỉ ngay sau đó tất cả báo lớn của Pháp đồng loạt lên tiếng phản đối với ý kiến của hầu hết khuôn mặt nổi tiếng của văn hóa Pháp, thậm chí một số người còn tỏ thái độ chế nhạo và thù địch. Về phần mình, Morrison khẳng định bài báo chỉ chứa đựng “những nhận xét thân thiện và có tinh thần xây dựng cho một đất nước mà tôi yêu quý”.
Là người Mỹ hiện nay đã về hưu, Morrison sống ở
Paris
. Cuối năm 2007, ông được ban biên tập tờ Time Magazine đề nghị viết một bài báo dài về tổng thể văn hóa Pháp. Thực chất, bài báo ông viết ban đầu không mang tên "Cái chết của văn hóa Pháp" (tựa do tờ báo tự đặt) và nói về sự sụt giảm vị thế của nước Pháp trên thế giới.
Phương pháp của Morrison là sử dụng những con số thống kê để chỉ ra rằng “một thời từng được ngưỡng mộ vì tầm vóc thống trị của các nhà văn, nghệ sĩ và nhạc sĩ, nước Pháp ngày nay chỉ là một thế lực yếu ớt trên thị trường văn hóa toàn cầu”.
Morrison chỉ ra tuy hằng năm nước Pháp xuất bản hơn 1.000 tiểu thuyết nhưng trong số đó chỉ có chưa tới mười cuốn sách được dịch ra ở Mỹ, trong khi tại Pháp khoảng 30% sách thuộc thể loại hư cấu được dịch ra từ tiếng Anh. Theo tổng kết của tờ tạp chí Đức Capital, trong số mười nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới hiện nay Mỹ có bốn người, Đức có bốn, còn Pháp không có ai.
Morrison nói đến “sự suy tàn văn hóa” của Pháp và thử lý giải bằng lối viết khó hiểu, hũ nút của các nhà văn Pháp hiện nay và nhất là cách quản lý văn hóa nặng nề, cồng kềnh của nhà nước, tài trợ nhiều nhưng không hiệu quả đi kèm với chế độ quota cứng nhắc. Giải pháp Morrison đưa ra là cần phải cải tạo từ hệ thống giáo dục, đưa các môn nghệ thuật vào giảng dạy từ lứa tuổi nhỏ nhất.
Trên báo chí, người Pháp chủ yếu chỉ trích việc Morrison đánh đồng những con số thống kê với văn hóa là thứ không thể đo đếm được. Triết gia Bernard Henry- Levy viết trên tờ The Guardian đại ý việc nói đến cái chết của văn hóa Pháp chính là một cách thể hiện nỗi lo sợ và tâm lý bất ổn của người Mỹ.
Trong cuốn sách của NXB Denoel, phần của Morrison mang tên Còn lại gì từ văn hóa Pháp? gồm 14 chương lần lượt chỉ ra sự sụt giảm vị thế của Pháp ở từng lĩnh vực: văn học, triết học, âm nhạc, hội họa, sân khấu, đi sâu và mở rộng những gì đã nói trong bài báo trước đó… Nhưng ông cho rằng tuy vậy Pháp vẫn rất thành công về kiến trúc.
Morrison cho rằng mình bị chỉ trích dữ dội như vậy vì chỉ ở Pháp người ta mới coi văn hóa là cái gì đó nghiêm túc đến vậy và tiếp tục chỉ trích Nhà nước Pháp, nhắc nhở rằng ở Mỹ tuy mọi thứ đều được tư nhân hóa nhưng ngân sách cho hoạt động văn hóa vẫn rất lớn và người dân Mỹ được hưởng một đời sống văn hóa có chất lượng không kém gì người Pháp.
Về vấn đề nhà nước, Antoine Compagnon trong phần của mình (mang tên Lo âu cho sự vĩ đại) dẫn lời triết gia Fumaroli gọi Nhà nước Pháp là “Nhà nước văn hóa” và công nhận rất nhiều khiếm khuyết của hệ thống này. Đồng thời ông chỉ ra thị trường cũng gây không ít vấn đề cho nước Mỹ.
Compagnon chắc hẳn là người thích hợp nhất cho một cuộc tranh luận thuộc dạng này, vì ông là người Pháp nhưng có một khoảng thời gian dài tuổi nhỏ và thời thanh niên sống ở Mỹ, hiện nay còn là giáo sư của Đại học Columbia. Compagnon tán đồng với Morrison về việc nước Pháp mất đi rất nhiều uy thế về văn hóa trên thế giới nhưng theo ông, phê phán văn hóa Pháp không có gì là mới, trước Morrison từng có rất nhiều người làm, và còn dữ dội hơn nhiều, chẳng hạn như nhà văn Richard Millet.
Antoine Compagnon tập trung vào khía cạnh trí thức của vấn đề. Theo ông, việc trí thức Pháp không có tiếng nói lớn lắm trên thị trường tư tưởng thế giới lại có mặt tốt, vì các “trí thức toàn cầu” hiện nay rất giống với các ngôi sao, những cuộc hội thảo của họ gần với du lịch nhiều hơn là trí tuệ. Tuy vậy, ông cũng công nhận người Pháp bị sa vào một thứ “chủ nghĩa tỉnh lẻ” (quanh quẩn từ khu Latinh đến Saint-Germain-des-Prés tại
Paris
), rất hiếm khi chịu tìm hiểu thế giới.
Ví dụ ông đưa ra là trường hợp của Edward Said, một triết gia cực kỳ nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực lý thuyết hậu thuộc địa, tác giả của những cuốn sách danh tiếng như Đông phương luận và Văn hóa và chủ nghĩa đế quốc, gần như không được biết đến ở Pháp. Dù vậy ở kết luận, ông cho rằng nói văn hóa Pháp đã chết là quá đà vì chừng nào nước Pháp còn gây bực bội và khó chịu đến như vậy, có nghĩa nó vẫn còn sống khỏe. Chỉ khi nào không ai buồn nói đến những khiếm khuyết của nó nữa thì văn hóa Pháp mới thật sự chết.
Sau khi cuốn sách đã được in ra, Donald Morrison và Antoine Compagnon còn tranh luận trực tiếp với nhau một lần nữa vào tháng 2 vừa rồi trên trang web nonfiction.fr. Cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này tuy không còn sôi nổi như trong năm 2008 nhưng bất kỳ lúc nào cũng có thể bùng lên ở các sự kiện cụ thể, như trường hợp Le Clézio nhận giải Nobel Văn chương năm 2008 hoặc Những kẻ thiện tâm phát hành tại Mỹ.
Theo SGTT |