Văn nghệ thế giới
Giải mã những chữ khắc bí ẩn ở cung điện Alhambra
10:37 | 10/04/2009
Trong nhiều thế kỷ, du khách tới cung điện pháo đài Alhambra ở Granada, miền Nam Tây Ban Nha – công trình do những người Moor (người lai Ả Rập và Berber đến từ Tây Bắc châu Phi) từng thống trị ở Tây Ban Nha thời trung cổ xây dựng – đều không ngừng tự hỏi hàng ngàn chữ khắc tiếng A Rập trên các bức tường và trần nhà trong cung điện có nghĩa là gì. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ hiện đại để lần đầu tiên ghi vào mục lục và giải mã chúng.
Giải mã những chữ khắc bí ẩn ở cung điện Alhambra
Cung điện Alhambra

Cung điện Alhambra xây dựng từ thế kỷ 13, một viên ngọc của kiến trúc Hồi giáo ở châu Âu, là một trong những điểm tham quan thu hút nhiều du khách nhất ở Tây Ban Nha. Lâu nay người ta vẫn tin rằng hàng ngàn chữ A Rập cổ đại ở cung điện này là những dòng thơ trong kinh Koran hoặc những bài thơ. Nhưng những gì mà các nhà nghiên cứu mới giải mã được lại trái ngược với điều đó. Kinh Koran và thơ ca chỉ chiếm thiểu số trong các thông điệp của các bản khắc tiếng A Rập cổ ở cung điện Alhambra .

Juan Castilla, nhà điều tra thuộc khoa nghiên cứu A Rập tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học của Tây Ban Nha – người đang chỉ đạo dự án nói trên cho biết: “Các vần thơ chiếm chưa đầy 10% trong số những gì mà chúng tôi đã nghiên cứu. Thay vào đó, nhóm từ xuất hiện nhiều nhất là câu ‘Ở đây không có người chiến thắng nhưng có thánh Allah’ của triều đại Nasrid – từng thống trị Granada từ năm 1238 cho đến khi Tây Ban Nha tái xâm chiếm thành phố này vào năm 1492. Câu này được nhắc tới hàng trăm lần”.

Bắt đầu tiến hành từ năm 2002, cho đến nay nhóm nghiên cứu đã giải mã được 3.116 chữ khắc trong số gần 10.000 chữ bao phủ khắp quần thể này. Xuất hiện cũng dày đặc là những từ như “hạnh phúc suốt đời” mà người ta cho rằng đây là những mong muốn dành cho các nhà thống trị Hồi giáo của Granada . Nhiều bản khắc là những cách ngôn, câu nói xúc tích hiện thân cho một chân lý chung, như “Hãy truyền bá những từ ngữ này và bạn sẽ được thanh thản” và “Hãy tự hào với vận may của mình vì thánh Allah giúp bạn”.


Người ta khó đọc được bằng mắt thường với những chữ khắc cuốn quanh các khung cửa và cột. Khó khăn nữa là các nghệ nhân khắc chữ đã viết bằng chữ thảo rất công phu và tinh vi khiến rất khó đọc. Thuật viết chữ đẹp từng là một loại hình nghệ thuật trong nền văn hóa cấm sử dụng các hình ảnh người.

Các nhà nghiên cứu hy vọng cuối năm nay họ sẽ ghi vào mục lục và dịch sang tiếng Tây Ban Nha 65% chữ khắc trong cung điện và toàn bộ dự án này sẽ được hoàn tất vào năm 2011. Sau đó, các chữ khắc nói trên sẽ được dịch sang tiếng Anh và Pháp.

Được Yusuf I (1333-1353) và Muhammed V (1353-1391) hoàn tất vào gần cuối thời kỳ thống trị của người Hồi giáo ở Tây Ban Nha, cung điện Alhambra là một phản ánh văn hóa trong những ngày cuối cùng của tiểu vương quốc A Rập Nasrid ở Granada. Alhambra huyền ảo với sự hòa trộn giữa các yếu tố thiên nhiên và bàn tay con người. Đây là chứng cứ rõ ràng về sự khéo léo của các nghệ nhân người Hồi giáo thời đó. Tương truyền, khi Tây Ban Nha chinh phục Granada vào năm 1492, nhà thống trị người A Rập cuối cùng của thành phố này đã khóc khi ông nhìn ngắm cung điện lần cuối trước khi gia đình bị đi đày ở phía Nam. Nhưng mẹ ông đã tới bên và nói: “Đừng ướt át như phụ nữ trước những gì mà con không thể bảo vệ được như một người đàn ông”.

Cung điện này được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1994. Alhambra đã bị cướp phá trong nhiều thế kỷ nhưng vẫn nguyên vẹn và nhiều năm trở lại đây đã trải qua cuộc trùng tu lớn. Năm 2008, Alhambra đón 3,1 triệu khách tham quan.

                                                                                                                     Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng