Cùng có cha đẻ với “Lolita” là nhà văn Nabokov, tiểu thuyết “Tiếng cười trong bóng tối” được dịch ra tiếng Việt và phát hành đầu tháng 12.
Tiếng cười trong bóng tối xoay quanh chuyện của một nhà phê bình nghệ thuật đứng tuổi, giàu có tên là Bruno Krechmar. Ông là hình mẫu thành đạt mà nhiều người trong xã hội hướng tới. Nhưng trong những con người mẫu mực dường như luôn ẩn chứa những bế tắc. Chuyện ngoại tình của nhà phê bình là tâm điểm của tiểu thuyết Tiếng cười trong bóng tối. Bruno trở thành nạn nhân của những đam mê bị kìm nén do chính mình tạo ra. Để rồi, ông rơi vào bẫy của cặp tình nhân trẻ tuổi. Họ biến ông thành diễn viên chính trong vở hài kịch mà họ vừa là đạo diễn vừa là khán giả. Cuộc đời Bruno kết thúc trong thảm họa đúng như tác giả đã báo trước ngay đầu tác phẩm.
Ngoại tình vốn là câu chuyện đầy rẫy trong đời thường, và là đề tài quen thuộc trong văn chương. Nhưng Tiếng cười trong bóng tối đã kể một câu chuyện ngoại tình với tất cả chiều sâu nội tâm phức tạp, đầy màu sắc trong diễn biến được xem là phổ biến đến tẻ nhạt. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ bậc thầy, tác giả đẩy giác quan người đọc đến cấp độ nhạy cảm nhất, đưa tới một trải nghiệm về nỗi thống khổ hài hước của con người.
Nếu như Lolita được tác giả Vladimir Nabokov dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nga, thì Tiếng cười trong bóng tối lại được dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh. Trong quá trình chuyển ngữ, tác giả Nabokov đã nảy sinh ra nhiều tình tiết mới cho tác phẩm, và ông đã viết lại thành một Tiếng cười trong bóng tối hoàn toàn mới bằng tiếng Anh. Năm 1999, tác phẩm đã được dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bản tiếng Việt phát hành ngày 3/12 năm nay do Đặng Xuân Thảo dịch từ tiếng Anh, theo đúng yêu cầu của gia đình tác giả Nabokov.
Vladimir Vladimirovich Nabokov (22/4/1899 - 2/7/1977), người Mỹ gốc Nga, là nhà văn, nhà thơ lừng danh, ngoài ra ông còn là dịch giả, nhà phê bình văn học. Ông là tác giả nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ. Trong đó Lolita (1955) là tiểu thuyết quan trọng nhất, đem lại danh tiếng lớn cho ông. Cùng những tác phẩm khác như Pale fire (1962), Ada (1969), Lolita xác lập vị trí cho cha đẻ của nó như một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất thế kỷ hai mươi, có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nhà văn các thế hệ sau. Đặc trưng tác phẩm của Nabokov là kỹ thuật văn chương tinh xảo, trò chơi chữ thông minh, sự phân tích sâu sắc trạng thái cảm xúc của con người, kết hợp với cốt truyện bất ngờ, phức tạp.
Theo Lam Thu - Vnexpress